Vì tương lai đồng lúa mới

Năm thánh 2000, cánh đồng truyền giáo Thanh An được khai mở, từ Sóc Dầm Thanh An tới Sóc Dầm Tân Hưng, qua Bù Dinh tới An Khương và Sài Quất. Cánh đồng được khai phá nhờ cha xứ Thanh An bấy giờ hết long dẫn dắt, cùng với sự hỗ trợ của anh em tu đoàng Thánh Mẫu Thanh Lương và các anh em đến từ Lộc Quang. Tại nhà thờ Thanh An, số các anh chị em tìm đến giếng nước rửa tội sau 3 năm đã có trên 500 người già trẻ lớn bé.

Thế nhưng từ ngày cha xứ Thanh An bị đổi đi, trao giáo xứ lại cho cha xứ mới, thì cánh đồng có nguy cơ mọc đầy cỏ dại. Chân ướt chân ráo về nhận xứ, cha xứ mới lo làm quen và củng cố cộng đoàn tại chỗ cũng nhiêu khê lắm rồi, nói chi tới các cộng đoàn tản mác dọc suốt 4,5 xã. Nhóm  anh em giáo lý viên phụ trách các cộng đoàn vẫn đều đặn gặp nhau, cứ 4 tháng là ngồi với nhau một tuần lễ, vừa học hỏi, vừa cầu nguyện và trao đổi để tìm cách hỗ trợ nhau, nghe đâu cần là anh em chia nhau tới,  vì thế các cộng đoàn non yếu luôn được nâng đỡ. Tuy nhiên cánh đồng lại thiếu các tu sĩ đồng hành và nối kết anh em. Các thầy tu đoàn Thánh Mẫu phần quá non trẻ, phần bận công việc, phần muốn củng cố từng bước, vì thế vô tình lại bị dậm chân ở một vài điểm, đôi khi gây nên ghen tị nữa.

Từ 3 năm trở lại đây, cha đặc trách truyền giáo hạt đã trao cánh đồng Bình Long cho cha xứ Phú Lương, thế nhưng cha xứ Phú Lương cũng chỉ đảm đang được những sóc trong phạm vi giáo xứ của mình, bao gồm các sóc thuộc An khương và An Phú, may mắn giáo xứ Tân khai mới đây cũng có các Linh Mục hội thừa sai đảm trách, góp phần củng cố và truyền giáo cho các sóc thuộc 2 xã Phước An và Thanh Bình. Tuy nhiên các sóc thuộc xã Thanh An và Tân Hưng vẫn còn bỏ trống, và bà con khmer Tà Thiết ít được chăm sóc.

Hiện nay, cha xứ Phú Lương đã được đặt phụ trách truyền giáo hạt, vậy thì đâu là một chương trình chung cho cánh đồng không chỉ Bình Long mà cả Lộc Ninh nữa.

Mỗi giáo xứ có những khó khăn và thuận lợi nhất định, nhưng yếu tố quan trọng vẫn là đào tạo nhân sự, làm sao có được các giáo lý viên, những môn đệ gương mẫu, trung thành và bền bỉ cho cánh đồng.

Thời gian đầu, khi cha xứ Phú Lương mới nhận phụ trách các sóc An Khương và An Phú, bà con mỗi chúa nhật phải chở nhau ra nhà thờ xứ dự lễ, ai không ra được thì tham dự phụng vụ Lời Chúa tại sóc. Thế nhưng từ lễ giáng sinh năm 2008, giáo lý viên của sóc đã trao đổi để chính quyền tạo điều kiện để cha xứ vào dâng lễ ngay tại sóc, sau đó xin một tháng một lần, rồi hai lần, và từ lễ Giáng Sinh năm 2009, cha xứ có thể vào dâng lễ đều đặn mỗi chúa nhật ngay trong nhà của giáo lý viên, từ đó An Khương nghiễm nhiên  trở thành giáo điểm, và dịp giáng sinh năm nay, cha xứ đã vào dâng lễ không chỉ sáng 25 mà còn dâng lễ vọng giáng sinh vào 6 giờ chiều 24 nữa, thế là hết cảnh phải bồng bế nhau ra nhà thờ xứ.

Làm sao có thể tổ chức để thánh lễ được cử hành ngay tại sóc ? chuyện đơn giản nhưng không dễ  thực hiện, đơn giản khi các giáo lý viên đồng lòng xây dựng cộng đoàn, cùng nhau đặt mình trong quyền năng Thánh Thần, với bà con xây dựng ngôi đền thờ TÂM HỒN trước khi nghĩ đến việc dựng lên một mái nhà.

An Khương đã làm được như thế sao, một xóm nghèo ngổn ngang trăm bề, các giáo lý viên trải qua nhiều khóa học hỏi và rèn luyện, với hy vọng mưa lâu thấm dần, thế nhưng chỉ đơn cử một chuyện nhắc hoài nhắc mãi là say sưa đến nay chỉ giảm chứ chưa dứt. Tuy nhiên, mặc cho những bất toàn của con người, Thiên Chúa vẫn có thể thi thố quyền năng của Người, sau 3 năm kể từ ngày cha xứ Phú Lương nhận trách nhiệm coi sóc bà con dân tộc vùng này, ngày 7 tháng 12 năm 2011 vừa qua, cha đã có thể giới thiệu với Đức Cha Giuse  225 người được coi là xứng đáng lãnh nhận bí tích rửa tội, trong đó có 175 người lớn xin được lãnh nhận bí tích rửa tội và thêm sức. Niềm vui dâng trào từ trái tim của vị mục tử, thế nhưng cũng nơi con tim ấy thoáng hiện lên chút âu lo, vì tương lai đồng lúa mới.

Khi số các tín hữu gia tăng, thêm 225 người chứ ít gì, thì cũng đã đến lúc phải nghĩ đến một chương trình sinh hoạt cho xóm đạo mới này, một xóm đạo bao gồm người kinh và thượng lẫn lộn, vẫn đẹp cho tới hôm nay, khi mọi người cùng sát cánh trong các buổi lễ lớn cũng như thường hằng, trước mắt cần phải mở thêm các lớp giáo lý,  kèm theo các sinh hoạt ca hát có sức qui tụ thiếu nhi và thanh thiếu niên.

Hiện giờ đã có cộng đoàn anh em Thừa sai Thánh- mẫu ở kế cận, nhưng không biết vì giữa cộng đoàn và các anh em này chưa có một định hướng rõ ràng, hay bản than anh em còn nhiều hạn chế mà vẫn  còn quá nhiều bất cập, chẳng hạn như trong đêm giáng sinh, các thày kéo nhau ra nhà thờ xứ, bỏ mặc bà con, và cũng không muốn phụ  sửa soạn chương trình sinh hoạt cho bà con mừng đêm thánh. Cuối cùng, theo yêu cầu của bà con, chúng tôi đã phải xin một thầy từ Kon Tum về phụ giúp tập ca múa và dẫn dắt chương trình. Bình thướng, các thầy đến chỉ dạy giáo lý và tập hát cho ca đoàn, trong khi việc cấp bách là đào tạo các giáo lý viên trẻ. Ca đoàn luôn cần thiết, nhưng nếu ca đoàn trở thành người hát thay cho công đoàn, để rồi cả một cộng đoàn non trẻ vào thánh lễ từ chỗ không biêt hát sẽ mất thói quen mở miệng thưa kinh, có thể dẫn tới thái độ thụ động, hững hờ mỗi khi tham dự thánh lễ.  Sau hai đợt diễn tập ca múa nhạc dịp trung thu và giáng sinh, chúng tôi nhận thấy có ít nhất 5 em trong số các diễn viên không chuyên có khả năng sinh hoạt thanh thiếu nhi.

một cánh đồng bao gồm 4 giáo điểm :

Giáo điểm An khương thuộc giáo xứ Phú Lương

Giáo điểmThanh An thuộc giáo xứ Thanh An

Giáo điểm Phước An thuộc giáo xứ Tân khai

Cũng có thể kể thêm giáo điểm Tà Thiết thuộc giao xứ Lộc Ninh (nhưng gần Thanh Lương).

Phải bắt đầu từ đâu ?

Vì tương lai đồng lúa mới,

Có thể cha xứ Phú Lương, trong vai trò phụ trách truyền giáo hạt Bình Long, cũng đã phác thảo một chương trình chung cho các giáo điểm : vừa đào tạo giáo lý viên trẻ có khả năng dạy giáo lý và sinh hoạt vui chơi ca hát, vừa kết hơp với các tu sĩ trên những cánh đồng khác nhau, tuyển chọn và đào tạo các giáo lý viên lo phụ giúp các cha xứ trong việc điều hành và dẫn dắt cộng đoàn.

Và tương lai đồng lúa mới, ở đó :

“Hội Thánh được bình an, được xây dựng vững chắc, và sống trong niềm kính sợ Chúa, và ngày một thêm đông, nhờ Thánh Thần nâng đỡ” (Cv 9,31).

05.01. 2012

MM Tân, SJ.

Kiểm tra tương tự

Cùng Loan Báo Tin Mừng với Cộng Đoàn Hội Thánh Căn Bản

  Dẫn Nhập Nhiều người Kitô hữu chắc hẳn đã từng nghe nói về các …

Tại sao nước Mỹ có ít bậc hiển thánh và chân phước?

  Có vị thánh nào gốc người Mỹ không, hay tất cả đều từ nơi …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *