Việc bạn và tôi cần làm là: Hãy đi!

“Người mẹ tên H mà tôi vừa kể trên đây đó chính là minh chứng về lòng nhân từ của Thiên Chúa. Xóa bỏ cái mặc cảm tội lỗi trong mình đi, bạn mới có thể lắng nghe rõ hơn hơi thở nồng nhiệt của Chúa và xem thấy bản kế hoạch của Ngài dành cho bạn. Công cuộc “sai đi” của Chúa không có chuyện phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, chức vụ, giới tính, xuất thân, gia cảnh,… Chúa có khi chọn một người phụ nữ nghèo nàn, kham khổ, chưa bao giờ biết Chúa là ai để ra đi và phục vụ anh, chị, em mình.”

 

“Này con đây, xin sai con đi” ( Is. 6,8)

Những câu từ ấy sao nó cứ ngân lên và vọng lại trong cái đầu bé nhỏ của tôi mãi. “Sai con đi, Chúa ôi”… cái khao khát được sai đi của những con người thấu hiểu sâu sắc điều kì diệu của bể tình yêu mà mình đang được tắm đẫm, no thỏa trong ấy..

“Sai đi”? Lúc nào trong cuộc sống, mỗi khi gặp thử thách là chúng ta lại tự nhủ với mình rằng… “Yên tâm! Có Chúa lo liệu hết rồi mà”, rồi tiếp tục cậy dựa và nương nhờ nơi bàn tay quyền phép vô song ấy. Nhưng đã bao giờ các bạn chùn lại vài bước, lặng im nghe tiếng thở dài não nuột của con tim mình mà ngộ ra một sự thật chưa? Sự thật ấy là “Đúng là ý Chúa nhưng là Ta chọn trong ý Chúa”. Ấy đấy! Cái sự “sai đi” của Người Thầy ấy đa màu, đa biến thế đấy! Chúa mở cho chúng ta vô vàn con đường. Và trên mỗi con đường ấy, Ngài lại dành cho chúng ta những bí mật diệu kì cách riêng. Còn chúng ta, những con người vô cùng bé nhỏ, suy nghĩ rất đơn sơ,…, sao có thể hiểu hết cái “timeline” mà Ngài đã sắp xếp riêng cho mình? Sao ta có thể chắc chắn rằng cái con đường mà ta đang bước ấy đúng là ý Chúa dành cho ta?

Người ta nói đúng, con người là một bản ngã… một bản ngã của tình yêu thương, một bản ngã của phép màu kì diệu, thánh thiêng nhất mà Chúa đã ra tay tạo thành, bản ngã của ý chí, của ước mơ, … có khi là của cả tham vọng và tị hờn.Tôi xin được kể cho bạn một câu chuyện có thật mà chính tôi là người chứng kiến và được nghe thuật lại. Câu chuyện về một người phụ nữ khốn khổ, chẳng bao giờ biết đến Thầy là ai và công cuộc “sai đi” rất âm thầm, duyên dáng của Chúa Trời.

Năm 1972, Mỹ đánh bom Việt Nam, biết bao mái ấm gia đình đã nhà tan, cửa nát, bao nhân sinh khốn khổ chịu cảnh lầm than. Cái nhà mái gianh cũ kĩ, lẹp xẹp của gia đình chị H.cũng bị bom đánh sập tan tành. Chị, một giáo viên văn cấp hai phải nghỉ dạy mất mấy ngày, đau lòng khôn xiết khi nhìn thấy vốn tài sản duy nhất của hai vợ chồng sụp đổ. Dẫn chồng và bốn người con đi bơ vơ, lang thang mà lòng chị túa ra những hàng nước mắt, nghẹn lại trong tim. Đã sáu lần cả thể, tính đến lần dọn đến cái lò vôi hôi hám, bí bức này là bảy lần… Bảy lần gia đình chị đi tha phương và tá túc tại bất cứ nơi nào có thể ở được một khoảng thời gian ngắn. Họ hàng, người thân chị không màng hỏi thăm đến một câu:  “Nhà mày đổ nát như thế mà gia đình, con cái mày có đứa nào bị thương không?”. Trong cái thời gian kinh hãi như địa ngục ấy, giá mà có được một người đáng tin cẩn trao hơi ấm tình thương đến cho mình thì sẽ thật hạnh phúc biết bao nhiêu. Cái mà con người khốn khổ sẽ nhận được khi ấy không chỉ là những thứ có thể hỗ trợ cuộc sống cho họ, không chỉ là nguồn yêu thương cao quý từ đồng loại, mà còn là niềm tin vào sự sống, niềm hy vọng to lớn vào tương lai dẫu còn vô vàn u âm trước mặt, và một nguồn động lực vô cùng mạnh mẽ để sống và thay đổi sự sống của mình. Nhưng giờ, chị không còn nước mắt để khóc cho cái tuyệt vọng của đời mình nữa. Không có nhà để ở, không có cơm để ăn, không một lời động viên, san sẻ từ phía thân nhân, chị giờ chỉ còn có thể nghĩ đến một điều: “Làm thế nào để vực dậy khỏi đống đổ nát này? Phải làm gì đây… làm gì mới có đủ miếng ăn cho chồng và các con mình?”

Thế là chị quyết định quay lại trường học, lao đầu vào dạy, vào làm. Sáng, chiều chị đi đến trường, trưa và tối lại quay trở về nhà dứt nón cùng các con. Chị làm việc thâu đêm, suốt sáng và cũng bắt cả con chị làm việc cật lực theo mẹ nó. Những bữa ăn vô cùng nghèo nàn, và hầu như là chẳng có gì cả, chúng nó đói đẩm gào lên khóc kêu mẹ ơi… chị và chồng như xé ruột xé gan trong lòng. Nhưng nếu như cái quá khứ ấy chỉ có lầm than, gào thét và nước mắt, thì chị sẽ chẳng bao giờ ngậm ngùi mà hạnh phúc khi nghĩ về nó. Trong cái lò vôi nghèo túng, hôi hám ấy, trong cái không gian lúc nào cũng tối om om, kín như bưng ấy, tình yêu lại được thắp lên, dịu dàng, ấm áp, tự nhiên, và vô cùng mãnh liệt. Ngày được người ta cấp phát cho một ở bánh mì bé tí tẹo, chồng chị vui sướng như được mùa cầm về khoe với vự, với con. Chị lúc ấy vừa sinh xong và đang trong thời kì cho con bú. Chồng chị thương chị làm ăn vất vả lại chẳng bao giờ được một món tử tế vào bụng, bèn bẻ đôi chiếc bánh mì ra, nhưng bẻ lệch. “Phần lớn hơn cho mẹ nó ăn lấy sữa mà cho con nó bú. Phần bé hơn kia, anh ăn”. Chị xúc động lắm. Chị yêu vô cùng người chồng ấy. Dù khi lấy nhau, chị phải chịu rất nhiều luồng dư luận. Một người con đáng yêu xuất thân từ gia đình có bề, có thế như chị mà lại lấy một người đàn ông nghèo rớt mồng tơi như chồng chị. Đối với chị, một cô giáo dạy văn có tấm lòng cảm niệm, chị không màng điều đó. Chị yêu chồng chị bởi anh chân chất, thật thà, nghèo cùng nhưng không bứt dậu, và anh cũng yêu thương chị hết lòng. Bữa cơm đầu tiên mà gia đình có được, chị đã phải đánh đổi rất nhiều thời gian cũng như công sức ở trường để được phát bổng 5 nghìn đồng mua gạo. Bữa cơm ấy, chị nhớ mãi trong lòng. Con chị, chúng nó ăn trong sự háo hức vô cùng, như những chú lợn con chỉ biết “sụp, sụp, soạt, soạt” . Chồng chị cũng vui mừng không kém. Chị nhìn họ mà trong lòng xốn xang hạnh phúc, tha thiết những thương yêu. Đến khi nồi cơm chỉ còn dặt những cháy, chị biết chồng chị vẫn chưa đủ nên chị sẻ ra, cho mỗi con một ít, còn phần mình một nắm bé teo. Chị bấu một vấu để nhai, còn lại chị đưa cho chồng: “ Ôi, em no quá anh ạ! No quá, không thể ăn nổi nữa rồi, anh ăn giúp em đi, không bỏ nó phí mất!” . Bữa cơm nó chỉ có thế thôi, chẳng được thịnh soạn như bữa cơm thịt, cá của chúng ta bây giờ, nhưng vào cái thời đói rách, bần hàn ấy, nó là cả một bữa tiệc.

Cứ thế mấy năm trôi qua, chị mải miết làm, làm cả ngày cả đêm, chỉ nghỉ ngơi mỗi lúc ngủ. Chị không hề biết đến Chúa là ai, quên cả làm dấu, quên đọc kinh, bỏ cả thời gian đến nhà thờ. Chị như con ong thợ cần mẫn xây nhà mà chẳng bao giờ ngoảnh mặt xem ong mật hút nhụy hoa như thế nào. Cho đến cái ngày, cái ngày biến cố trong cuộc đời của chị, khiến chị nức nở vì lỗi lầm và tìm lại sợi dây liên kết với Thiên Chúa. Nó rất đơn sơ thôi. Lễ Tết năm ấy, chị cũng đi. Nó như là một thói quen, những ngày lễ lớn mà có nhiều thời gian suy nghĩ ấy là dịp tốt để người ta cử hành những thói quen, máy móc như con vẹt. Và chị ngỡ ngàng khi nhận được câu Lộc Chúa của nhà mình: “Cứ yên tâm! Chính Thầy đây, đừng sợ!” ( Mc 6, 50). Lòng chị như tan nát, như sụp đổ tất cả những tính toán miếng cơm, manh áo cho nhà mình. Chị nức nở… những giọt nước mắt của tội lỗi, của bỏ bê, của tính toán, cỏa lo toan, trĩu nặng, buồn phiền rơi xuống. Đứng trước căn nhà cũ đổ nát của nhà mình, chị như muốn gục người đi mà ngả vào vòng tay nhân lành, vững chắc của Thiên Chúa. Chị đã mệt quá rồi, những lo âu, bộn bề và khốn khổ. Chị muốn được giải thoát khỏi tất cả. Chị muốn được cuộc sống yên bình, ấm no như trước đây thị vốn có, muốn cho con cái chị được đến trường đàng hoàng, có một bữa cơm no, muốn cho chồng chị có một giấc ngủ sâu, không thở dài mệt mỏi…. Chúa sẽ giúp chị, ủi an chị. Chắc chắn như thế vì Chúa đã nói như vậy mà!

Có một điều, vào cái bữa cơm đầu tiên tử tế và đàng hoàng đầu tiên trong năm ấy, chị đã đến ngay với Chúa và cung dâng cho nhà xứ một chiếc đồng hồ. Đó là tất cả những gì mà chị có từ tháng lương, nhưng thị đã dâng hết. Hẳn là Chúa sẽ rất vui, và còn hạnh phúc hơn nữa khi biết chị đã bắt đầu làm dấu đọc kinh trước mỗi bữa ăn và trước khi đi ngủ để cảm tạ người Cha nhân hiền ấy. Chị đã quay trở về cùng Chúa.

Cái ngày mà chị H. cất được căn nhà thực sự khang trang cho gia đình mình, cũng là cái ngày chị lãnh nhận ơn gọi thiêng liêng của mình và cả gia đình. Câu Lộc Chúa mà chị bắt được đã tác động to lớn đến cuộc đời của chị và Thánh hóa gia đình chị mọi ngày, mọi phút giây:

“Phúc thay kẻ được Ngài tuyển chọn

Và cho ở tại khuôn viên đền Ngài.

Ân huệ nhà Chúa, chúng con tận hưởng,

Lộc Thánh đền Ngài, lại được đầy no”. ( Tv 65,5)

Chị hiểu rằng, từ đó, mình chính thức được “sai đi” và gật đầu thưa lời “đồng ý” với Thầy. Cuộc sống của chị đơn sơ là thế, nhưng không bao giờ chị giữ lại cho mình tất cả những gì mà Thiên Chúa ban tặng. Chị làm việc thiện nguyện. Chị giúp đỡ người nghèo. Chị cho ông T. gạo để làm một đám cưới nghèo mà vui với bà A. dù gia đình họ không tán thành lễ cưới này. Chị giúp đỡ ông V. kinh phí xây nhà, một căn nhà tạm dù nhỏ thôi, nhưng đủ để hai vợ chồng và những đứa con tội nghiệp, đáng thương ấy sinh sống. Một gia đình khác, chồng ốm đau, bệnh tật, con học đại học, mọi chi phí, áp lực dồn tất vào người vợ hiền lành, khốn khổ có mỗi cái quán cắt tóc, gội đầu bé tí làm miếng cơm qua ngày. Chị nuôi họ, làm chỗ dựa tinh thần động viên họ, để đứa trẻ kia được tiếp tục đi học, để người chồng kia có tiền mua thuốc với men, và để người vợ kia bớt đi cái nặng nề, đay nghiến cuộc sống vốn yên bình của thị. Chị cầu nguyện cho các gia đình cạn kiệt tình thương muốn từ bỏ đời sống vợ chồng, cho những đứa con lầm lạc biết quay trở về với bố mẹ, cho người bệnh được khỏe, người nghèo được no, và các cha, các sơ, các thầy, được yên ủi cả phần hồn phần xác. Chị dành riêng một tầng 3 trên cùng để làm đền cụ thánh An- tôn mà mỗi khi các cha lưu chân đến sẽ vào đó ngơi nghỉ, những ai có khúc mắc, lo toan cứ đến đấy để xin ơn. Chị làm mà không hề đòi hỏi sự đền ơn đáp nghĩa. Chị cung dâng nhà thờ, đi dạy giáo lý. Người ta thắc mắc một con người không hề biết chút nào về giáo lý lại đi dạy giáo lý được sao? Được chứ! Bởi điều mà chị dạy cho học trò của mình không đơn thuần là giáo lý lý thuyết sách vở, thị dạy chúng về đức tin và tình yêu, mở cái đầu bé nhỏ của chúng ra để hiểu cách để yêu thương và làm vững vàng các nhân đức. Bản thân chị chính là thực thể đầy Yêu Thương và Nhân Đức mà Chúa đã liên đới. Kiến thức thì có thể thu lượm được, có khó gì đâu khi ta đã có Chúa linh hướng, đồng hành. Kiến thức ấy, thị lại học tập từ các cha. Người giáo lý viên ấy, người nhà giáo nhân lành ấy, không biết đã cưu mang bao nhiêu con người khốn khổ, không biết đã làm hang đá đơn sơ, ấm áp cho bao nhiêu người thầy, người cha, và các sơ đến dừng chân nghỉ mệt, không biết đã nuôi dạy bao nhiêu đứa học sinh thành một con người biết yêu thương và sống tốt, sống ngoan đạo để cuộc sống này luôn luôn giàu ý nghĩa.

Người phụ nữ tên H. ấy đến nay đã hơn 60 tuổi. Tri ân mẹ vì mẹ đã đến bên cuộc đời của chúng con và thắp lên niềm hy vọng, hân hoan trong chúng con để những đứa sinh viên khó nghèo này có một lí do tiếp tục sống, học tập và hành động. Tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con một Đức tin nhân lành và Tình Yêu thương ngời sáng !

Sự “sai đi” của Thầy dành cho con người ấy thầm kín mà mãnh liệt đến nhường ấy đấy. Cái cuộc sống ồn ã ngoài kia nó có sức mê hoặc kì bí lắm. Vậy mà Chúa lại ở trong đó. Ngài ở trong từng con người, từng cảnh vật, từng thực thể sống động đang tồn tại ngoài kia. Nhưng cái quan trọng của sự “sai đi” ấy không phải là mình đến với những ai, mình làm những gì, mà là mình sẽ đặt vào đó bao nhiêu tình yêu thương.

Chị Thánh Teresa Hài Đồng Gie-su đã có lần nhủ: “Hẳn là bạn cũng biết rằng Chúa chúng ta không quan tâm nhiều đến vẻ lớn lao hay sự khó khăn của các hành vi chúng ta làm, nhưng là tình yêu chúng ta có khi làm” . Vì chúng ta được sinh ra từ tình yêu và lớn lên trong yêu thương. Có lẽ, ở một khía cạnh nào đó, cái việc yêu thương và ra đi trao yêu thương đã là một việc rất ư trọng đại, mà khi chúng ta muốn “ra đi” là lại nghĩ ngay đến những công việc quá đỗi lớn lao về cả ý nghĩa và quy mô tổ chức. Nhưng không, “ra đi” nó đơn giản thôi bạn ạ… Đó là khi bạn đến thăm một chị hàng xóm mới sinh và chúc lành cho em bé vừa cất tiếng khóc chào đời của họ. Đó là khi bạn cho đứa bạn trong lớp cái thước kẻ hay cục tẩy, thứ mà nó không có vì bố mẹ nó có bao giờ quan tâm. Đó là khi bạn đi ra đường, hít thở thật sâu một luồng khí trong lành và mát rượi nơi thiên nhiên tuyệt vời ngoài kia… Khi bạn đón những ánh nắng ban mai, cảm thấy vui trước cơn gió mát mẻ và động lòng trắc ẩn với những khóm hoa cúc dại mọc ven đường. Điều đó sao không phải là “ra đi” chứ? Nếu “ra đi” là yêu thương thì trân trọng mọi tuyệt tác sáng tạo của Thiên Chúa bằng tình yêu thương sâu vời vợi cũng chính là “ra đi” mà! Thế đấy… có hàng ngàn, hàng vạn, hàng triệu triệu vạn những công việc đáng để bạn “ra đi” ngoài kia. Đâu cứ gì phải tổ chức hẳn một quỹ tài trợ FORD hay UNICEF mới là làm công việc bác ái. Chỉ cần bạn mở lòng, ngắm nhìn cuộc sống, bạn sẽ thấy Chúa chúng ta vĩ đại nhường nào và có hàng tá con đường để Chúa sai ta đi, đến với tha nhân và bước vào trái tim Chúa.

Đừng hỏi vì sao khi một ngày bạn nhận ra cuộc sống của mình quá ư là tồi tệ, “tại sao con lại phải gánh chịu nó?”; “Tại sao con lại phải ra đi?”; “Hẳn là Chúa sẽ không chọn con rồi, vì con còn chưa lo xong cho cái thân con nữa là giúp đỡ người khác”… Chính những cái “Tại sao” ấy đã tạo dịp khiến bạn sa ngã, phạm tội. Đừng yếu lòng tin nơi Chúa thế chứ! Nếu Chúa chọn bạn thì chắc chắn Chúa sẽ làm cho bạn nên vĩ đại như Ngài. Chỉ là… Chúa đang thử thách bạn chút xíu thôi! Thử xem đức tin của bạn vững vàng đến đâu, xem xem tình thương của bạn tha thiết đến nhường nào. Chính cái lúc ấy, cái lúc mà bạn nương nhờ vào tình thương Chúa để vượt lên trên mọi thách đố ấy, là lúc mọi việc sáng tỏ. Có thể gọi là gì nhỉ? … Chúa ở trong bạn. Chúa đến bên bạn và Thánh hóa đời sống của bạn, đem bạn đến với cuộc đời, rồi dẫn bạn đi…rạng rỡ và hoan hỉ… bạn và Chúa, Chúa mỉm cười với bạn… Ngài sẽ không quan tâm bạn đã mắc lỗi gì, nếu bạn yêu Chúa thật lòng, hối tội với ngài và trở nên người bé nhỏ trước mặt Người Cha nhân lành, nhân đức ấy.

Có đôi khi… “ra đi” trong vô thức lại là niềm vui giản dị và bình yên nhất mà bạn tạo ra  cho Chúa đấy! Khi tình yêu trong bạn lúc nào cũng tràn trề, khi niềm tin trong bạn không cần phải có điều tác động mà lúc nào cũng hân hoan, … lúc nào bạn cũng nghĩ đến Chúa… lúc nào cũng yêu, cũng nhớ, cũng thương… sự “ra đi” trong vô thức ấy sẽ đến với bạn… nhẹ nhàng, âm thầm, và chân thành hơn bao giờ hết. Không khoa trương, không gượng gạo, vốn dĩ cái gì là tự nhiên thì nó sẽ luôn tạo một cảm giác bình an và vững chắc, luôn luôn đem lại cho người khác và cho chính mình những nụ cười đẹp nhất! Đẹp vì nó phát xuất từ trái tim…

Nhưng, trong thực tế cuộc sống , đâu có thành công nào lại quá dễ dàng để đạt được. Ai chưa một lần “ra đi” sẽ sợ… vì họ hiểu rõ rằng đâu phải cứ muốn là được. Họ sợ Chúa sẽ không dành cho họ những ơn ích linh thiêng để họ thi hành những kế hoạch thiện nguyện. Họ sợ mọi khó khăn, thử thách sẽ xảy đến trên hành trình “mang trên vai” ấy. Họ sợ sẽ không thể bền vững theo đuổi mục tiêu. Đúng thôi! Những ai yếu lòng luôn luôn sợ hãi. Sao phải sợ Chúa không chọn mình? Chúa chọn tất cả. Những ai đã nhờ Ngài mà xuất hiện nơi cuộc đời này đều nằm trong kế hoạch Yêu Thương của Chúa. Vì thế, Ngài sẵn sàng ban cho ta tất cả những thứ thật sự cần thiết với ta để ta thi hành đức bác ái, yêu thương. Cái cốt lõi là chính từ bạn. Bạn có muốn chọn Ngài không? Bạn có thương mến anh, chị, em, bạn bè, những con người vốn dĩ đời thường xung quanh mình, những tâm hồn yếu đuối và đớn hèn đang cần có nguồn Tình Thương mãnh liệt Thánh hóa? Bạn có tha thiết mưu cầu được ra đi theo tiếng gọi yêu thương linh thiêng từ con tim mình không? Có dám bứt phá ra khỏi cái vỏ bọc yếu đuối, sợ hãi của mình để đón nhận sự đỡ nâng từ bàn tay ấm áp, dịu dàng nơi Thiên Chúa không? Nếu có bất kì một câu trả lời nào là “không” thì xin đừng vội nản chí. Hãy cứ ra đi … vì ít nhất bạn cũng đã chọn cách ra đi để cứu vớt sự sống ngoài kia, cứu vớt chính mình, chứ không tự giết chết sự tự do của mình bằng cái việc ngồi bó gối thu lu một góc trong phòng vì mặc cảm tội lỗi.

Người mẹ tên H mà tôi vừa kể trên đây đó chính là minh chứng về lòng nhân từ của Thiên Chúa. Xóa bỏ cái mặc cảm tội lỗi trong mình đi, bạn mới có thể lắng nghe rõ hơn hơi thở nồng nhiệt của Chúa và xem thấy bản kế hoạch của Ngài dành cho bạn. Công cuộc “sai đi” của Chúa không có chuyện phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, chức vụ, giới tính, xuất thân, gia cảnh,… Chúa có khi chọn một người phụ nữ nghèo nàn, kham khổ, chưa bao giờ biết Chúa là ai để ra đi và phục vụ anh, chị, em mình. Và cho đến giờ, hơn 60 tuổi, nhưng bà vẫn tiếp tục các công việc thiện nguyện ấy, thậm chí là còn làm nhiều hơn và tâm đắc hơn. Bà đã dâng cho Chúa mọi gánh nặng của cuộc đời mình và tha thiết khẩn cầu Chúa sáng soi. Bà chính là “hy lễ cũ” mà Thiên Chúa đã đón nhận. Còn chúng ta, tôi và bạn, những sinh viên của thời không biết đến chiến tranh là gì, là những “hy lễ mới”. Bạn có sẵn sàng dâng hiến “hy lễ mới” của cuộc đời mình lên cho Chúa để Ngài thánh hóa đời sống của bạn không? Dâng tất cả… dâng trọn vẹn… tha thiết, khẩn nài… yêu mến Ngài bằng mọi thứ con người mình có… “Tin tưởng và chỉ tin tưởng mới dẫn chúng ta đến tình yêu” ( chị Thánh Teresa). Đó là cách tốt nhất và đơn giản nhất để bạn giữ vững được khát khao “ra đi” của mình, thậm chí nó còn có thể sôi sục và thúc bách hơn nhiều lần bạn có thể tưởng tượng. … Sức mạnh của lòng tin, của niềm kiên trì và yêu thương nó lớn vô cùng bạn ạ. Nếu trong tay bạn chỉ có một cây kim và một sợi chỉ, cứ cầu nguyện và thổi yêu thương trong từng lời cầu nguyện của mình, cây kim và sợi chỉ ấy sẽ có đủ khả năng để cứu vớt một linh hồn.

Đừng sợ mình có quá ít! Hãy cứ ra đi! Chúa là người bạn đồng hành đã thủ sẵn mọi thứ cần thiết trong túi da của bạn. Điều bạn cần là sẵn sàng ra đi… Khi Chúa thấy mọi sự đã chín muồi, và bạn đã đủ trưởng thành, có đủ can đảm và lòng nhiệt thành, sáng suốt và yêu thương… Ngài sẽ sai bạn!

Cũng đừng mong mỏi vào sự trả nghĩa đền ơn của người đời, họ không có những thứ thực sự làm bạn sung túc đâu. Chúa là Cha sẽ ban cho bạn niềm bình an sâu thẳm và thiêng liêng mà chỉ nơi Ngài mới có… Thiên Đàng!

Hãy cứ ra đi! Theo kế hoạch hay trong vô thức… ra đi để thấy lòng bình an… ra đi làm làm Nước chúa Cha được sáng… để tất cả thế giới này đều được sống trong yêu thương và ấm no, hòa bình.

Và nhớ… Phó thác, cậy dựa, lắng nghe,… yêu trong tin tưởng. Chúa sẽ nâng đỡ cho bạn mọi bước đường.

Việc bạn và tôi cần làm bây giờ là: Hãy đi!

 

                                                            Teresa Lê Thị Thủy Tiên, nhóm SVCG Hải Hà

Bài dự thi “Sinh Viên Truyền Giáo”

Kiểm tra tương tự

Trong Chúa, chúng ta là những người bạn đích thực

Trong tâm tình chờ đón Đại lễ Mừng Chúa Giáng Sinh, Học Viện Thánh Giuse …

Thế giới kịch nghệ đã ảnh hưởng thế nào đến thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II

  Từ khi còn trẻ, chàng thanh niên Karol Wojtyła đã bị cuốn hút vào …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *