“Viên đại đội trưởng đứng đối diện với Đức Giê-su, thấy Người tắt thở như vậy liền nói: ‘Quả thật, người này là Con Thiên Chúa.’” (Mc 15, 39)
Những ngày đó, tình hình dân Do-thái trở nên phức tạp. Người ta kháo nhau đủ điều về một ông tên Giê-su là người của Thiên Chúa; giới giáo quyền trong dân thì luôn buộc tội ông này phá luật đền thờ. Những ngày đó, chúng tôi được lệnh phải sẵn sàng trước một cuộc bạo động. Theo những gì thu nhận được cho tới giờ, ông Giê-su không phải là một người của phường Quá khích, ông giảng dạy công khai và được dân chúng mến mộ, nhóm của ông độc lập với những thành phần khác trong dân.
Thực lòng mà nói, dù không quan tâm lắm đến vấn đề tôn giáo, tôi vẫn khá ấn tượng về con người tên Giê-su này. Dạo nọ, ông đã vào Đền Thờ và mạnh mẽ đuổi hết phường buôn bán đang hoạt động ở đó. Nói gì thì nói, ông cũng không chống đối việc nộp thuế cho Xê-da. Nhưng điều mà tôi ấn tượng nhất vẫn là việc ông dám thách thức giới giáo quyền đập bỏ Đền thờ đi và ông sẽ xây lại trong vòng ba ngày! Dù vậy, tôi vẫn phải tuân lệnh theo dõi mọi động tĩnh của ông ta; mọi sự phải được đảm bảo nằm trong tầm kiểm soát của Rô-ma.
Sáng sớm hôm đó, toàn thể Thượng Hội Đồng của dân Do-thái giải ông Giê-su đến cho quan tổng trấn của chúng tôi. Trong mắt chúng tôi, ông Giê-su này kỳ thực chưa phải là mối đe dọa cho an ninh ở đây. Chúng tôi thừa biết, ông ta bị bắt đến đây chỉ bởi lòng ghen tỵ của các thượng tế. Ông ta quá nổi tiếng và được lòng dân chúng mà! Quan tổng trấn, sau khi thẩm vấn ông Giê-su, tuy không thấy ông này có tội gì nhưng muốn làm vừa lòng đám đông, nên đã truyền đánh đòn ông Giê-su rồi rồi sau đó đưa ông đi đóng đinh. Dù gì, chúng tôi vẫn không lấy làm hãnh diện khi phải xử như vậy với một người vô tội, nhưng…
Trong dinh tổng trấn, quân lính đã đánh đập và nhạo báng ông Giê-su thậm tệ, nhưng ông này đã chẳng nói gì, chỉ im lặng và kiên nhẫn chịu đựng. Ông ta bị điên rồi sao? Đâu ai dám đùa giỡn với mạng sống mình như vậy! Hay là có một điều gì đó đằng sau những chuyện này? Ông Giê-su kia thật khó hiểu!
Sau khi đưa ông Giê-su lên đồi Gôn-gô-tha, chúng tôi đóng đinh ông vào thập giá. Dù đã quen với việc thi hành loại án phạt này, nhưng đây là lần đầu tôi cảm thấy một điều gì đó trong chuyện này, đặc biệt là mỗi khi nhìn vào ông Giê-su kia. Ông Giê-su, thực sự ông là AI vậy? Người ta đang chế giễu ông kìa. Chúng tôi viết trong bản án là “Vua người Do-thái”, những người có mặt ở đó cũng nhạo báng ông như vậy, họ bảo ông hãy xuống thập giá đi vì ông có thể xây lại đền thờ trong ba ngày. Ừ, ông Giê-su, hãy xuống thập giá đi! Việc gì ông phải chịu đau đớn vô nghĩa như vậy nếu thực sự ông là người có quyền phép, thực sự là người của Thần Minh. Sao ông quá đỗi hiền lành vậy? Hiền lành đến nhu nhược! Sao ông cứ để người ta chế giễu mình, cứ để mình phải đau khổ, phải chết nhục nhã và vô lý như vậy? Ông Giê-su, tôi biết ông còn tỉnh táo mà, vì trước đó ông đâu chịu uống rượu pha với mộc dược; Ông can đảm lắm, nhưng… đó có phải là một sự can đảm mù quáng không? Ông Giê-su, ông Giê-su!
“Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?”, ông Giê-su đã kêu lên thống thiết như vậy vào giờ thứ chín. Khi đó bóng tối bao phủ khắp mặt đất. Có kẻ chạy đi lấy một miếng bọt biển thấm đầy giấm rồi đưa lên cho ông. Sau đó ông kêu lên một tiếng nữa rồi tắt thở.
Trước mặt tôi là một người vô tội nhưng lại chết như một kẻ phạm nhân. Người dân của ông đã chối bỏ ông. Thiên Chúa của ông dường như cũng đã chối bỏ ông. Bây giờ, ông biết không ông Giê-su, ông đã để lại trong tôi một sự thắc mắc lớn lao. Tôi thắc mắc về sự công chính, về sự thật, và nhất là về chính ông, ông Giê-su! Thiên Chúa của ông là Thiên Chúa nào vậy sao tôi thấy ông yêu thương cả những kẻ nhục mạ, hành hạ và đóng đinh ông? Thế giới này đã quá đỗi dư thừa bạo lực và thù hận, ghen ghét và chia rẽ, loạn lạc và thất tín, vị lợi và tranh chấp, nhưng lại quá thiếu những người như ông. Thế giới này cần ông hơn là cần chúng tôi, những kẻ đã làm cho thế giới xấu xí và bạo lực hơn.
Ông Giê-su ơi, trong cái chết của ông, tôi không thấy ông hèn yếu chút nào, ông thực sự rất mạnh mẽ và can đảm. Sự im lặng của ông trước những lời tố cáo không hề chứng tỏ ông có tội, nhưng ngược lại, nó cho thấy ông là người công chính, vì ông có sức mạnh để thắng được những điều đó. Những gì xấu xa và gian trá không làm ông lung lay, cũng không nhuộm đen trái tim ông, không tước bỏ sự can đảm và khảng khái của ông. Trong khi bao người lấy bạo lực để chống lại bạo lực, thì ông kiên cường với sự im lặng, với bất bạo động. Nơi ông, tôi thấy hòa bình thật sự!
Thập giá là hình phạt nhục nhã và nhơ uế mà chúng tôi dành cho những tội phạm, nhưng ông đã can đảm bước lên đó để chỉ cho chúng tôi thấy sự thật về quyền bính thế gian, về tình thương vô vị lợi và về cả sự bí nhiệm nơi Thiên Chúa của ông. Tôi đã tự hào về quyền lực của mình, nhưng đứng trước ông, điều đó giờ chẳng có nghĩa lý gì. Trong tiếng kêu thống thiết của ông, dường như tôi thấy một vị Thiên Chúa im lặng, im lặng như ông khi đứng trước sự bách hại của chúng tôi, một sự im lặng không phải của nỗi bất lực, nhưng là của quyền năng thắng vượt trên cái ác. Cái chết vốn là điểm tận cùng của chúng tôi, vậy mà với ông, nó không là chung cục, mà là một điểm khởi, điểm khởi cho những gì mới mẻ và tươi sáng trong lòng chúng tôi.
Nhìn lên ông, tôi thấy mình được thêm sức mạnh để đối diện với thực tế đời mình. Nơi ông, tôi thấy hiện diện một vị Thiên Chúa thực sự, Đấng mà ông gọi là Cha. “Quả thật, ông là Con Thiên Chúa!”
Phạm Đình Ngọc S.J.