Ngày nay, với sự nở rộ của truyền thông và công nghệ trên toàn thế giới, mạng xã hội cũng đang được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam, phổ biến là Facebook, Zalo, Tiktok, Messenger… Những hình thức này không những đã không còn lạ lẫm gì với giới trẻ, mà còn đang lan tỏa tới người lớn và trẻ em. Trong khi nhiều người dùng mạng xã hội đã ít nhiều có thể kinh nghiệm được những tác động tích cực cũng như tiêu cực của chúng lên đời sống cá nhân và cộng đồng thì cũng không ít người vẫn đang hưởng dùng nó một cách vô ý thức như cái gì đó từ trời rơi xuống mà không để tâm tới nó là cái gì và tác động ra sao. Số khác thì có vẻ đang e ngại với việc sử dụng những hình thức giao tiếp này: không dùng không được, mà dùng thì lắm chuyện chia trí, bỏ thì không yên…Mạng xã hội vẫn có đó, nhưng chúng ta không thể nhìn nó chỉ như chuỗi các ứng dụng hoặc chỉ là một nguồn thông tin giải trí. Liệu rằng chúng có đang trở thành một kênh trung gian để con người kinh nghiệm thực tại cuộc sống hay không? Linh đạo I-Nhã rất quan tâm tới cách thức chúng ta kinh nghiệm thực tại vì đó là nơi Thiên Chúa hiện diện, nơi dân Chúa hiện diện và nơi công trình tạo dựng của Thiên Chúa tiếp tục hé mở và bộc lộ. Chúng ta có thể thấy mình như lạc mất trong những màn hình to nhỏ, khiến ta mất kết nối với chính mình, với thân xác mình và sự hiện diện của ta trong thế giới tạo dựng. Vì thế, một lời mời gọi để chất vấn chính mình và với nhau trong việc sử dụng phương tiện là cần thiết. Hy vọng chúng ta sẽ có cái nhìn chân thực hơn, sâu sắc hơn về những gì đang thực sự xảy ra trong thế giới quanh ta mỗi ngày, chứ không chỉ những thứ được cung cấp cho chúng ta qua những thuật toán.
Dưới đây là các bước gợi ý cho một cuộc xét mình trong việc sử dụng mạng xã hội:
- Ý thực sự hiện diện của Thiên Chúa. Rằng mọi thứ đến từ Ngài, Ngài hiện diện trong mọi sự – thậm chí nơi tối tăm nhất của những góc khuất trên mạng xã hội. Tạ ơn Chúa vì những người tốt lành trên mỗi tin Facebook hoặc video Tiktok, vì khả năng kết nối con người xa gần trong những cách thức sáng tạo. Họ đang phản ánh tốt hình ảnh của Thiên Chúa.
- Xin ơn soi sáng. Xin Thiên Chúa ân sủng để nhìn nhận và phản tỉnh về chân lý, vẻ đẹp và tính nhân văn trong mọi sự bạn làm qua mạng xã hội.
- Tập trung vào các chi tiết. Mỗi hình ảnh, mỗi tin mới, mỗi yêu cầu chân tình hay bình luận không tốt lành đều bộc lộ một điều gì đó về dân Chúa và tạo vật của Chúa. Những nhu cầu nào, vể thương hay tổn thương sâu sắc nào mà bạn đang thấy? Bạn có thấy mình đang xét đoán người khác không? Ai là người đang bị gạt ra bên lề? Nhu cầu nào mà họ đang cần? Mặt khác, vẻ đẹp nào bạn thấy ở đây? Đâu là những người đang nâng người khác lên, đang kêu gọi sự chú ý tới những vấn đề quan trọng hoặc đang chia sẻ niềm vui thực sự? Điều này thúc đẩy cảm xúc gì trong bạn?
- Tôi có đang phản ánh tình yêu của Thiên Chúa không? Bạn đang được mời gọi để đáp trả một cách tích cực những điều mà bạn chứng kiến như thế nào? Trong những lời nói và hình ảnh của bạn, bạn đang chia sẻ những cái tốt và chân thực hay bạn đang dìm người khác xuống và chỉ nhắm đến mình? Bạn có đang bị mê mẩn mới những cú nhấp chuột, cú chỉ trỏ likes hay comments nọ kia không? Cái mà bạn chia sẻ phải chăng là chỉ để thổi bùng bản thân hoặc thương hiệu của chính mình không? Cảm xúc nào bạn đang cố gắng khuấy động nơi người khác?…
- Ngắt kết nối. Thiên Chúa thì lớn hơn mọi màn hình của bạn. Dành chút thì giờ để gặp gỡ Ngài, dân của Ngài và tạo vật của Ngài. Đừng để chính bạn bị chìm ngập mải mê trong thế giới kĩ thuật. Xin Thiên Chúa ơn rõ ràng trong việc phân định làm thế nào để có được sự Bình Tâm I-Nhã với mạng xã hội – để sử dụng chúng chỉ tới mức nó giúp bạn ngợi khen, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa, con người và tạo vật của Thiên Chúa; đồng thời, can đảm ngắt kết nối ngay khi nó không giúp.
Cuối cùng, như Nguyên Lý và Nền Tảng mà thánh I-Nhã đã gợi ý, chúng ta cần sự bình tâm với những cái likes, replies, shares hay comments cũng như với những cái ta post mà không được chú ý nhiều, miễn là chúng giúp chúng ta đạt được điều mà Chúa muốn. Nhưng chúng ta cũng phải thi hành nó một cách trong sáng, để tâm rằng ta không biến mạng xã hội hoặc sự hiện diện xã hội của ta thành “chúa”.
Những gợi ý trên đây cũng có thể áp dụng tương tự trong việc sử dụng công nghệ khác như xem truyền hình, lướt Web, đọc tin tức, hội thoại online…Trong đó, ý hướng của bản thân và sự chuyển động nội tâm tư tưởng ta cần được xem xét và đưa lên ý thức.
Hoàng Toàn, S.J.
(Tham khảo từ Eric A. Clayton, Why We Need A Social Media Examen trên https://www.jesuits.org/stories/social-media-examen/)