Xin cho con biết lắng nghe những con người bé nhỏ

Đến với những người dân Syria trong các trại tị nạn tại Liban, chúng tôi được trực tiếp nghe trực tiếp thấy biết bao mảnh đời bất hạnh đau thương của người dân vô tội. Đúng ra, không phải là những mảnh đời nữa, mà là những khối đời, vì là hàng triệu con người như thế:

Cụ bà gần 80 tuổi vừa kể vừa khóc: Chồng tôi và các con cháu của tôi đều chết hết trong chiến tranh rồi. Giờ chỉ còn mình tôi thôi. Tôi không cần tiền, dù chỉ một đôla tôi cũng không cần. Tôi chỉ muốn trở về quê hương Syria của tôi. Tôi muốn được chết trên quê hương mình.

Có một chị tiếp lời: Khi cụ mới từ Syria sang tị nạn bên Liban này, cụ vẫn trong tình trạng khủng hoảng nặng nề. Chúng tôi đã giúp đỡ và an ủi cụ rất nhiều. Chúng tôi mở các lớp dạy nghề nho nhỏ, và cả dạy chữ dạy tiếng Anh nữa. Tất cả là dành cho các chị em, các bà mẹ, để họ vừa có thể có chút thu nhập từ nghề thủ công, vừa nuôi dưỡng niềm hy vọng. Còn cụ, cụ xin đăng ký học hết tất cả các lớp và các khóa ấy. Cụ nói với chúng tôi: không đi học thì làm gì bây giờ. Vừa kể cho chúng tôi xong, chị thông dịch quay sang cụ mà nói: Giờ cụ thử nói cho chúng con một câu tiếng Anh xem nào!

Cụ gạt nước mắt đi, cười và nói: Hello, Thank you. Chúng tôi vỗ tay vui cười để cám ơn cụ. Mọi người ai cũng vui lây. Đúng là trong cảnh bần cùng, người ta vẫn có cách đem lại niềm vui cho nhau, dù là những niềm vui rất nhỏ.

Một người phụ nữ trung tuổi kể lể: Chúng tôi không cần tiền. Tôi có tiền. Nhưng vấn đề là tôi không thể đi đâu được, vì tôi là người Syria, nên tôi không thể đi đâu được. Tôi ra sân bay, người ta không cấp phép cho tôi đi. Tôi không chút ngại ngùng vì quốc tịch Syria của tôi, nhưng tôi không làm gì được, người ta không cho. Nhà tôi cũng không mua được, chúng tôi không có quyền mua. Ở đây, ở đất Liban này, chúng tôi phải thuê nhà hàng tháng với giá vô cùng đắt đỏ. Nếu không có tiền trả, ngay lập tức chúng tôi bị đuổi ra ngoài đường. Chúng tôi cũng không thể tìm được nghề mà kiếm sống, vì chúng tôi không có quyền công dân. Chúng tôi không muốn ở đây chút nào, không muốn làm người tị nạn chút nào. Chúng tôi muốn trở về quê hương, nhưng hiện tại chưa được vì vẫn còn chiến tranh.

Một cô khác tiếp lời: Chúng tôi không cần tiền, cũng chẳng cần gì hết. Chúng tôi đã mất mát quá nhiều. Tôi chỉ mong mau chóng được trở về quê hương đất nước chúng tôi sớm chừng nào tốt chừng đó. Ở đây, người Liban chẳng thích gì chúng tôi. Họ cũng chẳng giúp đỡ gì, lại còn gây khó dễ đủ đường.

Một thiếu nữ kể: Em đang là sinh viên học đại học năm hai, thì xảy ra chiến tranh tại Syria, thế là em phải ngừng học và cùng gia đình chạy loạn sang Liban. Em ước mong chiến tranh sẽ sớm chấm dứt, và em có thể trở về quê hương để tiếp tục việc học và thực hiện ước mơ của mình.

Chúng tôi hỏi thêm, là tại sao em không học tiếp tại Liban này. Em trả lời: không thể được. Bởi vì, thứ nhất, em là người tị nạn Syria nên không có quyền công dân và vì thế không được học trong trường của Liban (những trường này dùng tiếng Ả Rập). Thứ hai, nếu em học dưới dạng du học sinh thì cũng không được, vì trường đại học của em ở Syria chỉ sử dụng tiếng Ả Rập, trong khi các trường quốc tế bên Liban dùng tiếng Pháp và tiếng Anh, em lại không biết tiếng Pháp cũng chẳng biết tiếng Anh. Hơn nữa, em cũng chẳng có tiền để học trong những trường ấy.

Thế là bó cái tay và cột cái chân!

Còn những em nhỏ, những trẻ thơ trong trại tị nạn thì hên xui. Em nào hên thì được học một chút trong các trường tự mở để xóa mù chữ. Các trường này, hoặc là do người tị nạn tự mở, hoặc do một số tổ chức phi chính phủ mở, hoặc Dòng Tên cũng mở một số trường như thế. Gọi là trường, chứ thực ra chỉ là vài căn phòng tự dựng lên. Em nào xui thì chỉ chơi loanh quanh trong trại, hoặc người lớn nói làm cái gì thì làm cái nấy. Có khi chăm sóc người khác, có khi đi nhặt rác kiếm sống, có khi đi làm thuê làm mướn trong các nghề thủ công hoặc trên các cánh đồng… Gọi là trại tị nạn, chứ thực ra chỉ là những túp lều cắm trên các bãi đất trống. Nhưng đất nào mà không có chủ, vì thế việc phải trả tiền để ở là điều đương nhiên.

Tuy cực khổ là thế, nhưng có một nét chung, là các em nhỏ đón tiếp chúng tôi rất nhiệt tình. Các em nhỏ cả trai lẫn gái, đều cười đùa vui vẻ, chào đón chúng tôi, bắt tay bắt chân đàng hoàng. Các em còn mời nước chúng tôi uống nữa. Nhìn các em vừa tội nghiệp vừa mắc cười. Bởi lẽ các em cầm chén nước mời rất lịch sự, trong khi tay chân các em bám đầy bùn đất. Khuôn mặt các em cười tươi với đầy bùn và bụi trên má trên tóc. Ánh mắt các em vẫn tỏa sáng trong cuộc đời tối đen.

Tứ Quyết SJ
Liban, tháng 08 năm 2017

Kiểm tra tương tự

Năm mới, tâm hồn mới: Cảm hứng từ Giáo lý Hội thánh Công giáo

Ký ức là một phần không thể thiếu đối với bản sắc con người. Sách …

Giáo hội và Thuyết Tiến hóa: Câu chuyện về cuốn sách bị lên án

  Trong loạt bài về Giáo hội và Khoa học, chúng ta sẽ xem xét …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *