Xin ơn sống mùa Chay

(CNS photo/Bob Roller)

Mùa Phụng Vụ lại dẫn chúng ta đến một tâm tình khác, mùa có chút bi thương buồn bã hơn, nhưng lại là mùa chuẩn bị cho chúng ta đón nhận một món quà thật to lớn từ Thiên Chúa. Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế làm người. Việc Ngài trở nên đồng hóa với con người đã là một dấu chỉ vô cùng to lớn cho tình yêu mà Thiên Chúa dành cho nhân loại. Thế nhưng, ngay từ khi Người giáng thế, đã có biết bao dấu chỉ xảy đến gợi nhắc chúng ta về một sự hy sinh khác cao cả và vô cùng ý nghĩa mà Ngài sẽ tiếp tục thực hiện vì ơn cứu độ cho toàn thể con người. Từ Đông Phương xa xôi, các đạo sĩ lần theo ánh sao đêm để triều yết Hài Nhi. Trong số những món quà họ mang theo để biếu Người, có nhũ hương và mộc dược, thứ dùng để ướp xác người chết. Khi Ngài chịu phép cắt bì, ông Simêon đã nói về một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Maria. Biến cố lạc mất Giêsu trong Đền Thờ năm 12 tuổi cũng nói về một cuộc chia ly nào đấy sẽ đến về sau. Khi khởi sự sứ vụ công khai, Gioan Tẩy Giả đã giới thiệu Giêsu như là “con chiên của Thiên Chúa”, một con vật bị đem đi sát tế để đền tội cho muôn người. Đỉnh cao của công cuộc cứu thế được thực hiện nơi Đức Giêsu là cái chết của Người. Nhưng đấy không phải là một cái chết bình thường. Ngoài những hàm oan và đau đớn, vốn là cái bề ngoài mà ta có thể thấy được nơi sự hy sinh của Đức Giêsu trên thập giá, cuộc Tử Nạn của Đấng Cứu Thế còn mang một ý nghĩa thiêng liêng cao vời, mà trong mùa Chay này, chúng ta được mời gọi để trầm mình chiêm ngắm.

 

 Mùa Chay là mùa chúng ta được mời gọi để suy nghĩ về tình yêu, một tình yêu đích thực, trong suốt nhưng cũng có phần lạ kỳ nhất trong lịch sử nhân loại: tình yêu của Thiên Chúa dành cho từng người tội nhân chúng ta. Vì yêu thương chúng ta, vinh quanh lẫy lừng của một Thiên Chúa, Giêsu cũng chẳng màng chi đến. Ngài chấp nhận bị nộp vào tay người đời, bị xem là đồ bị nguyền rủa và xấu xa. Ngài đến để thi ân giáng phúc cho người ta, nhưng chính Ngài lại bị chính những người mình yêu bội phản và giết chết. Ấy vậy mà Ngài không hề buông ra một lời phản kháng; trái lại, còn an ủi, còn nói lời thứ tha. Khi yêu, người ta chẳng màng chi đến mình nữa! Tất cả những gì người ta làm chỉ nhắm đến hạnh phúc và tương lai tươi sáng của người mình yêu. Giêsu đã yêu mà không hề chiếm giữ, yêu mà vẫn tôn trọng tự do. Ngài chỉ mong chờ, chứ không bắt buộc người mình yêu phải yêu mình như thế. Chúng ta có cảm nghiệm được tình yêu này của Giêsu trong cuộc đời mình không?

 

 Mùa Chay cũng là mùa chúng ta được mời gọi để suy nghĩ về vinh quang thập giá của người môn đệ Chúa. Nếu như người đời vẫn quan niệm vinh quang là có thật nhiều của cải và quyền lực, được người khác tâng bốc và tung hô, có thể sai khiến được nhiều người, thì vinh quang của chúng ta – những người môn đệ Chúa – là lấy phục vụ làm đầu, là dành phần hơn cho người khác, lãnh phần thiệt hại về phía mình. Vinh quang của thập giá không phải cố chiếm vị trí trọng tâm để người khác hướng về mình với sự ngưỡng mộ, nhưng là âm thầm rút về đằng sau, hy sinh mà không đòi đền đáp, cho đi mà chẳng mong đáp đền. Vinh quang của thập giá hệ ở tình yêu và lấy sự tha thứ làm phương dược xoa dịu đi tất cả những oán hờn căm phẫn, những ác độc mưu toan. Ai trong chúng ta cũng mong muốn mình làm lớn, chẳng ai thích cúi mình, thích phục vụ. Người nào có thể quên đi lợi ích của mình vì người khác, ấy mới thật sự là một con người dũng mãnh và phi thường. Sẽ dễ hơn cho chúng ta để sống một cuộc đời hưởng thụ. Nhưng nếu chúng ta dám sống hai chữ “hy sinh”, ta mới thật sự là người đáng hưởng phúc lộc “vinh quang”. Chúng ta đang tìm kiếm vinh quang của Thiên Chúa hay vinh quang của người đời? Có bao giờ ta xác tín rằng “vinh quang của ta là thập giá Đức Kitô” chưa?

 

 Thời gian mùa Chay cũng mời gọi chúng ta hãy nhớ đến thân phận tro bụi của mình, nhớ đến cái kết cục thảm khốc mà ai cũng phải tiến đến là cái chết, nhớ đến những ảo tưởng và phù hoa mà tiền tài và danh vọng ở thế gian này bày vẽ trước mặt ta. Hãy suy nghĩ về cái chóng qua của một kiếp con người, cũng tựa như những cánh hoa tươi trong vườn. Một thời hoa cũng thơm hương, gọi mời ong bướm muôn phương, nhưng rồi cũng có ngày hoa trở nên xơ xác. Cao sang mấy, danh vọng mấy, rồi có ngày chúng cũng sẽ trôi tuột khỏi bàn tay ta. Ta được mời gọi để hướng đến một điều gì đó bền vững hơn, chắc chắn hơn, một tài sản cao quý hơn trên Nước Thiên Đàng. Ta hãy tìm cách tích trữ của cải ấy qua đời sống cầu nguyện, qua những việc hy sinh và qua những việc bác ái.

 

 Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban ơn cho chúng ta, giúp chúng ta có được một sự chuẩn bị thật chu đáo trong mùa chay thánh này, để có thể đón chờ hồng ân cứu độ của Thiên Chúa.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Kiểm tra tương tự

Năm mới, tâm hồn mới: Cảm hứng từ Giáo lý Hội thánh Công giáo

Ký ức là một phần không thể thiếu đối với bản sắc con người. Sách …

Giáo hội và Thuyết Tiến hóa: Câu chuyện về cuốn sách bị lên án

  Trong loạt bài về Giáo hội và Khoa học, chúng ta sẽ xem xét …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *