Ta sẽ lấy lời nào mà diễn tả tâm trạng mình khi đến ngày “xuống núi”? Phải chăng tâm trạng đó là sự pha trộn giữa niềm hân hoan của một tâm hồn vừa được gặp Chúa với nỗi lắng lo bồi khi phải trở về với những thực tại của kiếp nhân sinh?
Hơn ba mươi ngày trên núi, Chúa cho ta được gặp gỡ Chúa. Đứng trước Tình Yêu vô biên của Thiên Chúa, ta nhận ra mình là người tội lỗi. Ý thức mình là tội nhân, ta nghiệm thấy Chúa quá đỗi thương ta. Vì tội, mạng sống ta đã mất. Vì yêu, Con Thiên Chúa chết thế, đổi lại sự sống đời đời cho ta. Đây là một cuộc trao đổi lạ lùng, một mạng sống Con Thiên Chúa đổi lấy mạng sống kẻ phàm nhân.
Làm sao khỏi ngỡ ngàng khi một Đấng vốn là Thiên Chúa lại tự hủy và hiến tế chính mình để nâng kẻ tội lỗi phàm hèn lên hàng con cái? Làm sao khỏi ngỡ ngàng khi một kẻ vốn phải chịu lưu đầy trong nơi tăm tối lại được Chúa ban ơn làm bạn đồng hành với Con Đấng Tối Cao? Quả nhiên, Ơn Sủng của Thiên Chúa thật cao vời. Phận con người đây chẳng có chi đền đáp cho cân.
Hơn ba mươi ngày, Chúa dẫn đưa ta. Chúa gọi ta khi ta đang còn loay hoay chuyện thế trần. Chúa cho ta cùng Người rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẻm để giảng rao đạo lý thánh thiện Nước Trời. Như một thầy giáo tận tụy dạy dỗ cậu học trò bé nhỏ, Chúa kiên nhẫn hướng dẫn ta. Chúa tỏ cho ta thấy Vương Quốc và vinh quang của Chúa Cha. Chúa cũng cho ta thấy đâu là Con Đường đến với Ngài. Chính Chúa là Con Đường ấy, Con Đường Tự Hủy và Hiến Tế.
Trong những ngày ấy, Chúa dạm ý hỏi ta. Chúa mời gọi ta nên một với Chúa trên Con Đường Tự Hủy. Phần ta, ta thấy mình lúc băn khoăn, khi hừng hực lửa dấn thân. Ta đã đặt mình trong một cuộc chiến nội tâm khốc liệt: Dấn bước hay lùi bước? Đã từng nói yêu Chúa, nhưng như môn đệ Phêrô khi đứng trước Con Đương Hiến Tế của Thầy, ta cũng muốn tháo lui.
Nhưng rồi Chúa đã mở cho ta một niềm hy vọng. Chúa đã thắng thế gian. (Ga 16,33) Và Người hứa: những ai theo Ta trong đau khổ, sẽ được ở cùng Ta trong vinh quang. (Linh Thao số 95)
Ngày xuống núi gần kề. Chúa khuyến khích ta bước vào một hành trình mới hầu canh tân đời sống của ta. Ta run rẩy vì không biết phía trước là gì. Ta băn khoăn làm sao để diệt trừ nền văn hóa cũ, nền văn hóa của những kiêu ngạo tự tôn, những giận hờn đố kỵ, những ghen ghét loại trừ, vốn đã ăn sâu vào tận tầng vô thức của ta. Đâu là tiêu chuẩn và khi nào thì thành tựu trong cuộc đào luyện thiêng liêng ấy? Run rẩy xuống núi, nhưng ta tin vào những lời hứa Chúa hứa với ta.
Chúa nói Người sẽ không bao giờ bỏ ta mồ côi. (Ga 14,18) Như thế, trong cuộc chiến thiêng liêng, ta không nỗ lực một mình, nhưng có Người là khiên che thuẫn đỡ bảo vệ ta. Ta không đi trong đêm tối, nhưng có Chúa là đuốc sáng soi đường ta đi. Chúa là mực thước, là mẫu gương của đời ta. Chúa đã đi qua Con Đường Hiến Tế và đã vinh thắng! Và như thế, khi đồng dạng với Người trên Con Đường Hiến Tế, cuối đoạn đường, luồng ánh sáng vinh hiển cũng chờ ta.
Tác giả: Đaminh Phan Quỳnh, SJ
Bài viết là sự hồi cố của tác giả về kinh nghiệm thiêng liêng cá nhân trong kỳ Đại Linh Thao diễn ra tại Nhà Tập Thánh Tâm Dòng Tên năm 2016.
Đại Linh Thao là một trong 6 thực nghiệm quan trọng nhất mỗi tu sĩ Dòng Tên phải trải qua trong giai đoạn Nhà Tập của mình. Thường thì Đại Linh Thao kéo dài trong khoảng trên dưới 30 ngày. Đại Linh Thao là cơ sở và là nền tảng vô cùng quan trọng cho hành trình đào con người thiêng liêng của tu sĩ Dòng Tên.