Nơi Thánh Thể, Chúa Ki-tô đã ban cho chúng ta giới răn Yêu-thương cách tròn đầy. Ngài ban cho chúng ta chính Ngài, để mà, mỗi khi ăn Mình Ngài thì chúng ta cũng biết yêu mến nhau như Ngài đã yêu mến chúng ta.
Tham dự buổi đọc kinh Truyền Tin với ĐTC Benedict XVI trưa Chủ Nhật 4/11 hôm nay, có hơn 30 ngàn tín hữu đến từ các nước khác nhau về hành hương tại Rô-ma. Trong bài huấn giáo của mình, ĐTC nhắc nhở các tín hữu hãy năng học nơi Giê-su để biết nhìn người thân cận với cái nhìn của Chúa.
Anh chị em thân mến!
Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay tái đề nghị cho chúng ta lời dạy của Chúa Giê-su về điều răn quan trọng nhất. Đó là giới răn Yêu-thương, một giới răn kép: Mến Chúa – Yêu Người. Các thánh nam nữ mà hết thảy chúng ta (Giáo Hội) vừa mừng kính trọng thể hôm 1/11 vừa qua, là những người đã sống giới răn Yêu-thương này. Họ là những người đã tin tưởng nơi ân sủng của Thiên Chúa, họ tìm cách để sống theo giới răn Yêu-thương nền tảng này. Có thể thấy là những ai sống tương quan thiết thân với Thiên Chúa thì đều có thể đem giới răn ấy ra thực hành cách trọn vẹn trong đời sống thường nhật của mình, y như đứa trẻ bắt đầu biết yêu thương và có khả năng diễn tả tình thương của nó dành cho bố mẹ nó và những người khác, chính lúc ấy nó khởi đầu tương quan êm ấm với bố mẹ nó. Thánh Gioan Avila, là vị thánh vừa được Giáo Hội tôn phong là tiến sĩ Hội Thánh, ngài đã viết trong phần mở đầu tác phẩm “Khảo Luận về Tình Yêu Thiên Chúa” như sau: “yếu tố mạnh mẽ nhất thúc đẩy con tim chúng ta đến với Tình Yêu Thiên Chúa chính là việc suy ngẫm sâu xa tình yêu mà Ngài đã dành cho mỗi người chúng ta… Điều ấy, quan trọng hơn cả trong các mối lợi, sẽ thúc đẩy con tim biết yêu; bởi lẽ ai làm điều tốt cho người khác, họ chỉ cho đi những gì mà họ có, nhưng đối với những ai đang yêu, thì họ trao ban chính họ (cái “là” của họ), và cả những điều mà họ có nữa, chẳng còn gì mà lại không cho” (n.1). Trước khi trở thành một giới răn, thì Yêu-thương là một ơn ban, một thực tại mà Thiên Chúa đã làm cho chúng ta nhận biết và sống yêu thương, để mà, cũng như một hạt giống, Yêu-thương có thể nảy mầm trong lòng chúng ta, và lớn lên trong đời sống chúng ta.
Nếu tình yêu thiên Chúa đã đâm rễ sâu vào lòng một người, thì người đó có khả năng yêu thương người khác ngay cả khi họ không đáng yêu. Tình-yêu là giống như một ấn tích được ghi trong lòng mỗi người chúng ta, dầu chúng ta là những người xứng đáng hay không. Cha mẹ không yêu thương con cái chỉ vì chúng xứng đáng. Họ yêu chúng vì họ luôn thương chúng như vậy, thế thôi! Cũng vậy một cách tự nhiên cha mẹ cũng vẫn yêu con cái của họ ngay khi chúng phạm sai lầm. Từ nơi Thiên Chúa chúng ta học để biết muốn điều tốt điều lành cho con cái của mình, chẳng bao giờ cha mẹ muốn điều xấu cho con cái. Chúng ta hãy học biết nhìn vào người khác, không chỉ bằng cặp mắt của chúng ta thôi, nhưng nên bằng cả cái nhìn của Thiên Chúa, nghĩa là học để ngắm nhìn người khác bằng cái nhìn của Chúa Giê-su. Một cái nhìn khởi đi từ đáy lòng, chứ không dừng lại ở mức phiến diện vẻ bề ngoài. Chúa Giê-su đã nhìn vào chiều sâu của con người, và và nhận ra những khát vọng sâu thẳm nơi người khác. Nghĩa là biết lắng nghe, biết để ý đến người khác cách vô vị lợi. Tắt một lời là “biết Yêu”. Nhưng cũng xảy ra điều ngược lại, là khi tôi mở cái-mình của tôi ra với người khác, bằng cách đến gặp gỡ họ, thì chính cái-mình tôi cũng được sẵn sàng, để tự mở lòng mình ra nhận biết Thiên Chúa, để cảm được Ngài là ai, Ngài hiện hữu thế nào và đẹp đẽ ra sao. Yêu Chúa và Yêu Người không được tách rời nhau bởi chúng là hai mặt tương hội nhau. Chúa Giê-su đâu có phát minh hay sáng chế ra mặt này hoặc mặt kia của giới răn lưỡng diện Mến Chúa-Yêu Người. Chính Ngài đã vén mở cho chúng ta thấy Tình Yêu đích thị là vậy. Nơi sâu thẳm, lưỡng diện Mến Chúa-Yêu Người là một giới răn duy nhất mà thôi. Và Chúa Giê-su đã sống giới răn này không phải chỉ bằng lời dạy mà trên cả là làm chứng về nó bằng chính đời sống của mình: Chính Ngôi Vị Giê-su, Con Thiên Chúa Nhập Thể làm người và hết thẩy các mầu nhiệm cuộc đời Ngài đã lột tả rõ tính duy nhất của giới răn Mến Chúa-Yêu Người. Nó kỳ thực giống như hai cánh tay đòn của cây Thập Giá, một dọc một ngang. Nơi Thánh Thể, Chúa Ki-tô đã ban cho chúng ta giới răn Yêu-thương lưỡng diện này cách tròn đầy. Ngài ban cho chúng ta chính Ngài, để mà, mỗi khi ăn Mình Ngài thì chúng ta cũng biết yêu mến nhau như Ngài đã yêu mến chúng ta.
Anh chị em thân mến! Nhờ lời chuyển cầu của Đức Nữ Trinh Ma-ri-a, chúng ta nguyện xin để mỗi người Ki-tô hữu biết thể hiện niềm tin của mình vào Thiên Chúa thật duy nhất bằng một chứng tá rõ ràng là yêu thương người thân cận của mình.
Chào thăm
Sau khi xướng kinh Truyền Tin và ban phép lành cho mọi người. Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Trong phần chào thăm bằng tiếng Anh, ngài nói: Tôi xin chúc mừng hết thảy những anh chị em thuộc khối nói tiếng Anh, đặc biệt với những anh chị em đến từ Luân Đôn, Anh Quốc: Trường Cầu Nguyện Luân Đôn, Giáo Xứ Mân Côi Thánh tại Billingham-in Tees, Trường Thánh Phi-líp-phê Luân Đôn. Chúa Giê-su đã dạy chúng ta rằng những ai “yêu mến Thiên Chúa hết sức, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn” thì họ chẳng còn xa Nước Thiên Chúa nữa đâu. Tôi cầu chúc anh chị em cũng sống yêu mến Thiên Chúa được như vậy, cùng yêu mến anh em mình như Chúa đã yêu ta. Nguyện Chúa chúc phúc lành cho hết thảy anh chị em!
Augustin Nguyễn Thái= Hiệp, S.J., chuyển ngữ và giới thiệu