« Yêu thương là chu toàn Lề Luật » (6.9.2020 – Chúa Nhật XXIII Thường Niên, năm A)

 

« Yêu thương là chu toàn Lề Luật »
(Ed 33, 7-9 ; Rm 13, 8-10 ; Mt 18, 15-20)

1. Lòng ham muốn và tình thương

Trong bài đọc 2, trích thư Roma, thánh Phao-lô nhắc lại một số điều răn căn bản liên quan cách chúng ta ứng xử với nhau : « Ngươi không được ngoại tình, không được giết người, không được trộm cắp… » Và còn nhiều điều răn nữa, của Thiên Chúa và của Hội Thánh, mà chúng ta vẫn nhắc lại trước khi dâng Thánh Lễ vào ngày Chúa Nhật. Những điều răn thánh Phao-lô vừa kể, liên quan đến những hành vi ngoại tình, giết người và trộm cắp.

Tuy có lúc này lúc kia, nhưng tất cả chúng ta đều có thể giữ tốt ba giới răn này. Tuy nhiên, thánh Phao-lô còn kể ra một giới răn khác, mà ai trong chúng ta cũng « chịu thua », đó là giới răn : « Không được ham muốn » (Rm 13, 9), bởi vì lòng ham muốn không phải là một hành vi bên ngoài, để chúng ta cố gắng xa tránh, nhưng là một khuynh hướng của nội tâm, của con tim, mà không ai trong chúng ta không có và và không ai trong chúng ta có thể làm chủ được.

  • Chúng ta không có hành vi ngoại tình, nhưng lòng ham muốn, thì không thể không có. Thế mà Đức Giê-su nói trong bài giảng trên núi : « Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình.Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi (Mt 5, 27-28).
  • Chúng ta không giết người, nhưng lòng chúng ta đầy ghen ghét muốn loại trừ người khác. Thế mà Đức Giê-su nói : « Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà » (c. 22) ; và thánh Gioan còn nói mạnh hơn : « Phàm ai ghét anh em mình, ấy là kẻ sát nhân (x. 1Ga 3, 15) ; bởi vì, khi ghét người anh em, chúng ta loại trừ người anh em ra khỏi lòng chúng ta, chúng ta « giết » người anh em trong lòng chúng ta.
  • Cũng vậy, chúng ta không trộm cắp, nhưng trong lòng chúng ta khó tránh được lòng ham muốn của cải của người khác, ham muốn điều người khác có. Chúng ta ham muốn điều người khác có, và khi chúng ta không có được, chúng ta muốn phá hủy. Bởi vì, điều chúng ta muốn có, nhưng không có được, thì người khác không được phép có.

Không ai giữ được, nhưng tại sao thánh Phao-lô nêu ra giới răn « không được ham muốn » ? Bởi vì đó là căn nguyên của mọi hành vi vi phạm Lề Luật. Lòng ham muốn như một năng lực bị dồn nén và có thể bùng phát thành hành động vi phạm và bạo lực bất cứ lúc nào. Và những điều này vẫn xẩy ra chung quanh chúng ta, trong môi trường sống chúng ta và có khi nơi gia đình chúng ta và nơi chính chúng ta nữa. Vậy thì phải làm sao ? Điều gì giúp chúng ta làm chủ lòng ham muốn, chiến thắng lòng ham muốn, loại bỏ lòng ham muốn.

Đây là một thứ bệnh của con tim, thì chỉ có phương thuốc của con tim mới chữa lành được thôi : Đó là tình thương ; và thánh Phao-lô, trong bài đọc 2, nhắc đi nhắc lại « phương thuốc tình thương » :

Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật.

Các điều răn khác, đều tóm lại trong lời này: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy.

(Rm 13, 8.9b-10)

Tình thương chiến thắng lòng ham muốn. Nhưng làm sao có thể yêu thương, nếu không phải chính bản thân chúng ta đã được yêu thương, đã được bao dung, đã được tha thứ, đã được thương xót. Cũng trong thư Roma, thánh Phao-lô xác tín :

Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào,39 trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.

(Rm 8, 38-39)

Chính Thiên Chúa yêu thương và bao dung chúng ta trước, nên chúng ta con tim chúng ta được tái tạo để có thể yêu thương và bao dung nhau, và có thể ứng xử với nhau như lời dạy của Đức Giê-su trong bài Tin Mừng :

  • Hết lòng kiên nhẫn và kiên nhẫn cho đến cùng đối với người anh em phạm tội.
  • Được Đức Giê-su tin tưởng trao ban quyền bình ràng buộc và tháo cởi, nhưng không phải để kết án và giết chết, nhưng để cứu sống và tò bày tình thương và lòng thương xót của Đức Ki-tô cho mọi người.
  • Và vì được Thiên Chúa yêu thương và bao dung, nên chúng ta có thể hiệp nhất với nhau trong cầu nguyện và có thể họp nhau nhân danh Đức Ki-tô. Điều làm đẹp lòng Thiên Chúa là bầu khí hiệp nhất, vì chúng ta được dựng nên là một như Thiên Chúa là một ; và Đức Ki-tô hiện diện ở giữa tương quan hiệp nhất yêu thương của gia đình và cộng đoàn của chúng ta.

Bài giảng của Đức Giê-su về Giáo Hội kết thúc, hay đúng hơn là hướng tới, với lời mời gọi tha thứ cho nhau đến « bảy mươi lần bảy » ; và sự tha thứ vô hạn chúng ta được mời gọi trao ban cho nhau đặt nền tảng và hướng tới chính ơn tha thứ vô hạn của Thiên Chúa, được thể hiện nơi Đức Ki-tô chịu đóng đinh. Như thế, chính Thiên Chúa yêu thương và bao dung chúng ta trước, nên con tim chúng ta mới được tái tạo để có thể yêu thương và bao dung nhau, và để có thể ứng xử với nhau như lời dạy của Đức Giê-su về Giáo Hội.

 

2. Quyền bính và hoán cải

Ngay trước đó, Đức Giê-su đã trao quyền « tháo cởi và cầm buộc » cho chính thánh Phê-rô, với tư cách là « Đá Tảng » : « Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy » (Mt 16, 19). Nhưng ở đây, quyền bính này, được Người phát biểu với cùng những từ ngữ, lại được trao cho nhóm, nghĩa là cho Giáo Hội :

Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy.

(Mt 18, 18 ; x. Ga 20, 23)

Việc thi hành quyền bính được thực hiện vừa bởi một người và vừa bởi cả nhóm ; như thế, sự quân bình được hình thành. Tuy nhiên, chúng ta được mời gọi vượt qua bình diện tổ chức và quyền bính để nhận ra sự tin tưởng mà Đức Ki-tô đặt để nơi Giáo Hội, vì quyền ở trên trời, nhưng lại được trao hết cho những con người mỏng dòn ở dưới đất! Sự tin tưởng thật trọn vẹn, trọn vẹn đến độ trời và đất như trở nên một. Vấn đề là Giáo Hội thi hành quyền bính theo năng động nào, của trời cao được thể hiện nơi ngôi vị và nơi mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô, để giáo huấn, làm cho lớn lên và cứu sống, hay theo năng động của đất thấp, nghĩa là thế gian, sự dữ, ma quỉ, để lên án, loại trừ và giết chết.

Một cách cụ thể khi phải đối diện với một thành viên phạm tội, là điều không thể tránh được trong đời sống đức tin của Giáo Hội: “Nếu người anh em trót phạm tội”. Nhưng thay vì dùng quyền để lên án và loại trừ, Đức Giê-su mời gọi sửa lỗi người anh em: “anh hãy đi sửa lỗi nó”. Và Đức Giê-su đề nghị cả một tiến trình rất sư phạm để giúp tội nhân hoán cải: ban đầu là cuộc gặp gỡ riêng tư và huynh đệ giữa hai người; tiếp đến, nếu tội nhân không nghe, thì thêm một hay hai người nữa; và cuối cùng, nếu tội nhân vẫn không nghe, thì Hội Thánh mới can thiệp. Và nếu tội nhân cũng chẳng nghe Hội Thánh, thì như Đức Giê-su nói: “hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế”; bị coi là “người ngoại hay người thu thuế”, theo cách nói của Do thái giáo, điều này có nghĩa là, người này không còn thuộc về cộng đồng.

Nhưng thực ra, khi từ chối lắng nghe lời khuyên bảo đến ba lần, tội nhân đã quyết định tự loại mình ra khỏi Hội Thánh rồi. Như thế, quyền bính chỉ được dùng đến khi giải pháp đối thoại trong kiên nhẫn và đức mến đã đi tới cùng và bị từ chối.

 

3. Quyền bính và cầu nguyện

Trong bài Tin Mừng, khi nói về đời sống Giáo Hội, Đức Giê-su còn nói đến bầu khí hiệp nhất trong lời nguyện xin và lời đáp trả chắc chắn của Thiên Chúa Cha, Đấng ngự trên trời:

Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho.

Lời của Đức Giê-su vừa mang lại cho chúng ta niềm hi vọng khi nguyện xin, và vừa làm cho chúng ta nhận ra rằng, điều làm đẹp lòng Thiên Chúa, chính là bầu khí hiệp nhất trong cầu nguyện và nhờ cầu nguyện, vì chúng ta được dựng nên là một như Thiên Chúa là một ; và Đức Giê-su cũng cầu nguyện và làm tất cả mọi sự để cho chúng ta nên một : « Xin cho họ nên một, như chúng ta là một ». Xin Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta biết kiên nhẫn cùng nhau nguyện xin và hướng chúng ta tới những ơn xin làm đẹp lòng Chúa Cha, nhất là những ơn xin làm cho chúng ta nên một, như Người dạy chúng ta trong kinh Lạy Cha.

Tuy nhiên, vì lời giáo huấn của Đức Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay hướng tới việc cầu nguyện, chúng ta có thể hiểu lời của Đức Giê-su về « lời nguyện chung » còn phải là nền tảng của việc thi hành quyền bính, nhất là thi hành quyền bính trong việc sửa lỗi nhau cho nhau. Như thế, quyền bính không chỉ nhường bước cho đối thoại huynh đệ, nhưng còn phải được thực hiện, từ đầu đến cuối, trong cầu nguyện. Và cả khi tội nhân đã bị loại trừ khỏi cộng đồng, Giáo Hội vẫn được mời gọi kí thác người anh em cho lòng thương xót của Thiên Chúa và vẫn được mời gọi cầu nguyện cho người anh em ấy, tương tự như khi Người mời gọi chúng ta cầu nguyện cho kẻ thù (x. Mt 5, 43-48).

* * *

Và trong mọi sự, nhất là trong việc thi hành quyền bính, để mời gọi hoán cải trong bầu khi cầu nguyện, Đức Giê-su mời gọi Giáo Hội « họp lại nhân danh Thầy ». « Nhân danh Thầy », có nghĩa là, trong đời sống đức tin, Giáo Hội và từng người chúng ta được mời gọi, không chỉ nhân danh Đức Ki-tô bằng lời nói, nhưng còn mặc lấy tâm tình của Đức Ki-tô. Chính khi đó, như Đức Giê-su nói :

Thầy ở đấy, giữa họ.

Như thế, ở mức độ tận cùng và sâu xa nhất, Giáo Hội được mời gọi để cho Đức Ki-tô tiếp tục hiện hiện, lên tiếng và hành động ở giữa loài người chúng ta, để tha thứ, chữa lành, giải thoát và tỏ bày tình yêu đến cùng của Thiên Chúa Cha, nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc, S.J.

Kiểm tra tương tự

Manna: Ai nấy được no nê (Thứ Ba, sau lễ Hiển Linh – Mc 6,34-44)

Lời Chúa: Mc 6, 34-44 Khi ấy, Chúa Giêsu xem thấy dân chúng đông đảo …

Manna: Ánh sáng và sự sống (Thứ Hai sau lễ Hiển Linh – Mt 4,12-17.23-25)

Lời Chúa: Mt 4, 12-17.23-25 Khi ấy, nghe tin Gioan bị nộp, Chúa Giêsu lui …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *