Cuộc sống sinh viên chắc các bạn đều hiểu, ngủ sao cho thật nhiều, chơi sao cho hết mình. Thế mà ngày hôm nay, đã có nhiều người phải hi sinh giấc ngủ của mình, hi sinh đi chơi với người yêu với tâm trạng vui tươi để bước tới nhà thờ Đình Quán thu dọn, trang trí, mua thiết bị cần thiết để làm lên khung cảnh buổi lễ được trang trọng và thiêng liêng hơn. Để tổ chức được buổi lễ truyền thống chúng ta không thể thiếu được sự hi sinh, lòng nhiệt thành của các thành viên, sự quyết đoán sáng suốt và chu toàn của ban điều hành và không thể thiếu được sự quan tâm nâng đỡ của quý Cha, quý ân nhân.
Đúng 13h30, bắt đầu khai mạc và đón tiếp khách mời song song là bài nói chuyện chia sẻ của cha Giuse Trịnh Duy Nam.
Những câu chuyện có thật, những tình huống li kì mang tính triết lí sâu sắc cộng thêm lòng nhiệt thành mang đậm tình thương của bạn trẻ với học vấn vững chắc của Cha Giuse, mà buổi chia sẻ đã trở lên có ý nghĩa hơn. Một quãng thời gian tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại không ít trong lòng mỗi bạn trẻ chúng ta những bài học quý báu. Bài học biết lắng nghe, biết sẻ chia và quan tâm đến người khác.
Bên trong nhà thờ là sự chia sẻ cho nhau những bài học tình thương. Còn bên ngoài lại là sự đón tiếp khách mời nhiệt tình của ban lễ tân.
Trước khi ban phép lành cuối lễ, đó là nghi thức sai đi
Mới ngày nào còn bỡ ngỡ trong ngôi trường đại học, còn rụt rè trong khi đi sinh hoạt nhóm. Giờ đây, tôi đã phải ra trường đồng thời cũng ít có thời gian để tham gia sinh hoạt nhóm. Tôi thực sự cảm thấy mình vẫn chưa hết cái cảm giác bỡ ngỡ và rụt rè ấy. Ôi lạy Chúa, một quãng thời gian tuy không dài nhưng cũng để lại cho con rất nhiều bài học quý giá. Chính ngôi nhà Công nghiệp đã dạy con biết thế nào là hi sinh vô vì lợi, biết thế nào là sự lắng nghe ý kiến của người khác, biết chia sẻ, quan tâm đến mọi người từ những điều bình dị nhất như nụ cười, sự hỏi thăm lẫn nhau hay 1 cái bắt tay nhẹ nhàng. Đồng thời cũng dạy cho con biết tác phong của người lãnh đạo, hiểu và thông cảm cho mọi người. Khoảnh khắc này con xin ghi nhớ trong lòng. Tôi cũng không thể nào quên được sự hi sinh vất vả và âm thầm của các thành viên ca đoàn. Một thánh lễ không thể thiếu được ca đoàn. Họ dâng những lời ca, tiếng hát tâm tình. Họ dâng cả con tim của họ cho Chúa và cho nhóm nữa. Cám ơn các bạn!
Các bạn! bữa tiệc này cũng nói lên rằng chúng ta cần quan tâm đến nhau nhiều hơn nữa. và nếu có thể, chúng ta hãy biết động viên nhau, khuyên nhủ nhau không nên so sánh bản thân mình với người khác, bởi lẽ luôn có những người vĩ đại hơn. Chúng ta đều là con cái của Chúa, Chúa luôn đối xử công bằng với từng thành viên chúng ta. Đồng thời, giữa các nhóm luôn luôn phải có sự giao lưu, sự chia sẻ và giúp đỡ nhau. Vì Công Nghiệp là một khối đoàn kết. Tiếng hò dô cũng dần lặng xuống, lúc này là thời khắc mà ban bác ái vất vả nhất. Họ cố gắng thu dọn sạch sẽ, thật nhanh để mọi người có một nơi, một khuôn viên trong lành, mát mẻ để chào đón các tiết mục văn nghệ. Trong lúc chờ đợi, các linh hoạt viên lại giúp chúng ta thư giãn bằng những bài cử điệu hết sức quen thuộc. Tạo lên bầu không khí náo nhiệt, sôi động và cũng là để khai mạc và chào đón các tiết mục văn nghệ. Đúng 19h, cha Giuse Trịnh Duy Nam tuyên bố khai mạc chương trình văn nghệ. Với tính hài hước, nhí nhảnh của 2 MC, các tiết mục lần lượt được trình diễn trên sân khấu với các diễn viên hạng nhất nhưng chưa được cấp bằng.
Mở màn cho đêm văn nghệ là một tiết mục vô cùng đặc sắc. Vở kịch như phần nào phác họa được những chặng đường mà nhóm công nghiệp đã đi được. Đồng thời, cũng giúp khán giả hiểu rõ hơn về chủ đề “ thắp sáng ngọn lửa đức tin” năm nay. Đó là vở hài kịch “ táo quân”. Tôi thấy các bạn nhóm Đức Diễn cũng thật là táo bạo khi chọn vở kịch này. Điều ấn tượng nhất cho tôi, cũng như đem lại tiếng cười cho khán giả đó là vai Cô Đẩu. Cô Đẩu đóng rất chuyên nghiệp đúng không các bạn?
Nhẹ nhàng, thanh thoát và dịu dàng nữa đó là chị Thanh Tâm với ca khúc “ Việt Nam gấm hoa”. Và chúng ta cũng không thể bỏ quên được giọng ca vàng được đánh giá là hay, thanh tao, truyền cảm, thấm đượm chất tình trong giọng hát của cô, Thúy Lành đã mang đến cho đêm văn nghệ ca khúc “ Con là người công giáo việt nam”.
Tiếp theo là vở kịch “ sao anh lỡ vội đi tu” của nhóm Kiều Mai chúng tôi.
Vở kịch được dàn dựng khá công phu với các tình tiết rất đời thường nhưng cũng mang đậm chất đời tu. Tôi không nghĩ là vở kịch lại thành công đến như thế. Khi diễn vở kịch này chúng tôi cũng mất khá nhiều thời gian, một vở kịch tập đi tập lại biết bao nhiêu lần nhưng vẫn chưa đâu vào đâu. Ngay cả đến hôm duyệt các tiết mục văn nghệ, tuy không được chứng kiến trực tiếp nhưng có nhiều người phản ánh lại rằng vở kịch chán lắm anh ạ. Tôi cũng chẳng biết động viên thế nào chỉ biết nói rằng “ sợ gì, cứ diễn thôi”. Và điều kì diệu đó đã đập ngay vào mắt tôi qua phần mở màn vở kịch. Vở kịch không chỉ đem lại tiếng cười mà còn đem lại cho người xem những triết lí sống. Sống sao cho có ý nghĩa, sống sao cho nên người. Hãy biết quay lại khi chưa quá muộn và mỗi chúng ta hãy nhớ rằng dù thế nào đi nữa Chúa cũng không bỏ chúng ta nếu chúng ta biết ăn năn và tìm về với Người vì Người đã từng nói : “Ta đến vì lòng nhân chứ đâu cần lễ tế”.
Cha Phaolo Nguyễn Hữu Trinh cũng không thể kiềm chế được môi miệng của mình nữa, trái tim Ngài như đang nổ tung ra với ca khúc “Con tin Chúa ơi” rất chân tình, rất đức tin và cũng khiến người nghe phải nhìn lại mình. Và sau đó, anh Đỗ Trường cũng đã cống hiến cho khán giả ca khúc rất tâm tình, vang vọng tâm hồn: “ khúc cảm ta”.
Để tổ chức thành công buổi lễ truyền thống này, ban điều hành đã không quản ngày đêm suy nghĩ, tính toán sao cho chu đáo, làm sao cho có ý nghĩa. Không biết bao nhiêu cuộc họp đã diễn ra, không biết bao nhiêu ý kiến đóng góp cũng như phản biện. Nhưng với sự quyết đoán và sáng suốt của ban điều hành mà buổi lễ đến giờ này đã được thành công như mong muốn. Và ngay lúc này đây chúng ta sẽ được chiêm ngắm dung nhan của ban điều hành nhóm Công nghiệp cũng như Ban Điều hành khách mời của chúng ta. Giờ phút này cũng là lúc mà anh Vang cảm thấy tự hào, vinh dự với nhóm bạn vì thành quả mà nhóm đã làm được.
Những lời phát biểu của anh Sử hay những cái bắt tay nhẹ nhàng cùng những cái ôm hôn thắm thiết và những món quà ý nghĩa đều nói lên tình liên đới anh em trong một nhà. Chúng ta có chung 1 người cha trên trời, dù có đi đâu thì cũng không thể quên được nhau. Kết thúc nghi thức tình anh em là tiết mục múa “ cánh diều” của nhóm nguyên xá.
Những cánh tay khéo léo, uyển chuyển và rất nhẹ nhàng cùng bộ trang phục đã vẽ lên 1 bức tranh rất mượt mà, rất tinh tế qua chính đôi bàn tay của các cô gái xinh xắn trong nhóm Nguyên Xá.
Nhóm Tu Hoàng, cũng khá đặc sắc qua tiết mục diễn nguyện “ Lí do Ngài đến”. Tiết mục thể hiện sự đoàn kết, tình thân của anh chị em Tu Hoàng. Điều khiến người xem phải suy nghĩ và sâu lắng tâm hồn, đồng thời cũng là lúc để mỗi chúng ta nhìn lại tâm hồn mình, để kiểm chứng lại đức tin đó là vở kịch “ everything” của nhóm Tây Tựu.
Một lần nữa, chúng ta hãy ngồi lại và lắng đọng tâm hồn để nhìn lại thành quả mà nhóm đã đạt được. Nhìn lại các diễn viên của chúng ta, họ không chuyên nghiệp, họ không được đào tạo qua trường lớp nào thế mà họ vẫn hoàn thành tốt vai diễn không chỉ thế họ còn để lại trong lòng người xem một ấn tượng khó phai. Bởi đâu mà họ làm được như thế. Có lẽ lòng nhiệt thành của họ, bởi họ đam mê chăng hay họ coi đó là niềm vui. Điều quan trọng ở đây chính là Công Nghiệp là ngôi nhà rất đáng để họ phải hi sinh và dành trọn tình cảm và Công Nghiệp cũng chính là ngôi trường đào tạo họ.
Giây phút thiêng liêng mà tôi cũng như bao người cùng thắc mắc là năm nay thay vì đốt lửa trại thì nhóm sẽ tổ chức gì đây. Tôi cũng hồi hộp lắm, ngóng trông từng phút từng giây như đứa trẻ mong mẹ về vậy. Nói theo cách lãng mạn và tình cảm hơn thì tâm trạng hồi hộp và thao thức như lần hẹn hò đầu tiên vậy. Và rồi giây phút đó cũng đã đến. Giây phút thiêng liêng, giây phút lắng đọng tâm hồn để nhìn lại bản thân. Nhìn lại những lỗi lầm, những khó khăn thử thách để củng cố lại đức tin cho thêm phần vững mạnh và đó cũng là nghi thức quan trọng nhất để nói lên chủ đề “ thắp sáng ngọn lửa đức tin” cho năm nay.
Khi bước vào giờ Chầu Thánh Thể, mọi người đều được nhận 1 cây nến. Cây nến tượng trưng cho ánh sáng Chúa Kitô. Ánh sáng của tình yêu, ánh sáng của đức tin. Khi đèn điện sân khấu tắt hết thì cũng là lúc ngọn lửa cây nến được thắp sáng. Mỗi một cây nến, mỗi một con người, mỗi một niềm tin đang dần được thắp sáng và tăng thêm sức mạnh. Những phút lặng thinh, hay những những lời ca, lời hát từ sâu thẳm trái tim đều được cất lên. Mỗi lúc càng làm cho giờ Chầu Thánh Thể được long trọng và thiêng liêng hơn. Tôi thực sự cảm thấy ý nghĩa khi tham gia giờ Chầu này. Ít nhất cũng mở mang được tâm hồn tôi phần nào. Kế đến giúp tôi nhìn lại những lỗi lầm, những thiếu sót của mình. Có lỗi với cha mẹ, bạn bè, người thân. Có lỗi với chính bản thân mình. Chắc các bạn không biết tôi còn có một nỗi niềm mà tôi thực cảm thấy cô đơn khi nhận được cây nến. Tôi nhớ lại lễ truyền thống năm trước, tôi được nắm tay người yêu trong giờ đốt lửa trại, được cầu nguyện, được đốt nến và ngồi cùng nhau. Khoảnh khắc đó giờ chỉ là kỉ niệm, mãi mãi là kỉ niệm mà thôi.
Kết thúc giờ Chầu tôi thấy mọi người đều thở phào nhẹ nhõm. Bởi đó cũng là tiết mục cuối cùng và mọi người sẽ được về nghỉ ngơi. Tôi thấy rõ sự mệt mỏi trên từng khuôn mặt nhưng nụ cười rạng rỡ thì vẫn nở với từng người. Họ đã hi sinh hết mình vì buổi lễ.