2. Đông – Tây xa cách mọi mặt
Các nhà truyền giáo thời ấy muốn đi từ châu Âu qua Đông Á, trừ Philippin, thường phải theo ngả Lisbõa, để từ đó tàu vua Bồ sẽ chở đi. Cuối tháng 1.1619 Rhodes tới thủ dô Lisbõa, sau khi rời bỏ Roma từ cuối nãm 1618, ghé qua Avignon thăm gia đình. Ngày 4.4.1619 nhà truyền giáo lên tàu từ thủ đô Bồ Đào Nha, tới hải cảng Goa 9.10.1619. Vì xứ Anh đào đang cấm đạo nghiêm ngặt, bề trên Dòng Tên ở Goa tạm giữ ông lại hơn 2 năm trời, mãi đến 22.4.1622 Rhodes mới lên tàu từ Goa, tới Malacca 28.7.1622, nhưng rồi phải đến ngày 29.5.1623 Rhodes mới có mặt tại Áo Môn, chờ đi Nhật Bản. Tại đây, cũng như ở Goa từ 1619-1622, dù Rhodes chưa chính thức hoạt động truyền giáo, nhưng đã tỏ ra là nhà thừa sai năng động, nhiệt tình, dám nói dám làm, đặc biệt trong phương diện hội nhập văn hoá.
3. Còn hơn cả những gì mong đợi
Cuộc cấm đạo ở Nhật do Tướng quân Phong Thần Tú Cát khởi đầu từ 1587, rồi đến Tướng quân Đức Xuyên Tú Trung năm 1614, làm cho Giáo hội non trẻ ở đây tàn lụi dần. Giữa lúc ấy thì ở Đàng Trong xem ra việc truyền bá Tin Mừng khá thành công; do đó bề trên Dòng Tên ở Áo Môn gửi Rhodes đến xứ Chúa Nguyễn Phước Nguyên thời ấy. Thế là cuối năm 1624 Rhodes có mặt tại Thành Chiêm (Thanh Chiêm, Kẻ Chăm) cách Hội An về phiá Tây chừng 4km, để học tiếng Việt với linh mục Francisco de Pina, một tu sĩ Dòng Tên đầu tiên thời điểm ấy thông thạo tiếng Việt nhất. Xem ra từ cuối năm 1624 đến tháng 6.1626, Rhodes được bề trên cho ở Đàng Trong với mục đích chính là học tiếng Việt và làm quen dần với con người và xã hội Việt, để rồi tung ông ra Đàng Ngoài. Vì vậy, theo các tài liệu của Rhodes, thì hơn một năm ở xứ Trầm hương Yến sào, Rhodes chỉ có một lần theo Francisco de Pina ra Huế, khi Pina làm bí tích rửa tội cho bà Minh Đức Vương thái phi vào năm 1625. Cũng chẳng thấy Rhodes nói đến các công việc khác.
Để chuẩn bị cho sứ vụ ở Đàng Ngoài, Rhodes phải về Áo Môn đã, không thể trực tiếp từ xứ Chúa Nguyễn vào xứ của Chúa Trịnh được, vì hai nhà cầm quyền đang thù nghịch nhau dữ dội.
Tháng 6.1626, Rhodes cùng với linh mục Pedro Marques bỏ Đàng Trong về Áo Môn chờ gió mùa sang năm sẽ vào đất Chúa Trịnh. Vâng, ngày 12.3.1627, Rhodes và Marques lên tàu từ Áo Môn, chỉ một tuần sau, ngày 19.3.1627, tàu tới bờ biển Cửa Bạng tại Thanh Hoá. Lắm sáng kiến, lại nói tiếng Việt ngon lành, Rhodes đã chinh phục lòng người ở vùng Cửa Bạng khá dễ dàng. Chẳng thế mà chỉ trong 2 tuần ở đây, ông đã làm cho 32 người tin vào Đức Kitô. Tại An Vực và Vân No, tức tỉnh lỵ Thanh Hoá ngày nay, dù chỉ ở tạm chừng 2 tháng, cũng có đến 200 người được rửa tội. Ngày 2.7.1627, hai nhà thừa sai đượctận mắt nhìn thấy Thăng Long, kinh thành ngàn năm văn vật. Lúc đầu các ông được Chúa Trịnh Tráng rất quý mến, ra lệnh dựng nhà cho hai ông ở (có lẽ sát với đền Bà Kiệu cạnh hồ Hoàn Kiếm). Nhờ đó, uy tín hai ông càng lớn. Chẳng những giới bình dân mà cả giới trí thức, quan lại và một số vị Sư ở Cầu Giấy cũng đến với Rhodes, người được gọi là Tiến sĩ Tây phương. Nhưng chỉ mấy tháng sau, người ta phao tin hai ông Tiến sĩ Tây phương là gián điệp của Chúa Nguyễn tung ra Đàng Ngoài, là kẻ làm. bùa phép (khi làm các bí tích), là kẻ phá hoại đất nước, thuần phong mỹ tục của xã hội, vì rao truyền đạo giáo mới lạ, kỳ cục, lại chỉ cho phép người ta được lấy có mỗi một vợ!
Thế là những chuỗi ngày “xui xẻo” ập đến: 28.5.1628 hai cha bị quản thúc tại chính ngôi nhà do Chúa Trịnh cung cấp; 10 tháng sau, 3.1629, hai vị bị Chúa Trịnh ra lệnh đưa xuống Bố Chính. Nhưng hai cha cứ từ từ lần mò lên tới Vinh, rồi cơ hội đến, hai cha theo tàu Bồ Đào Nha lại lên Thăng Long. Rốt cuộc, tháng 5.1630, hai cha bị Chúa Trịnh trục xuất hoàn toàn khỏi xứ.
Tuy ở Đàng Ngoài hơn 3 năm, nhưng tính ra chỉ hơn một năm đầu là được tự do. Vậy mà tổng cộng số người được rửa tội lên đến 5.602, chưa kể Rhodes đã lập được tu hội Thầy giảng, mà ba vị đầu tiên tuyên khấn đều là ba nhà Sư: Phanxicô Đức, Anrê Tri, Inhaxiô Nhuận.
Về Áo Môn, Rhodes “bị chỉ định” làm Giáo sư Thần học tại Học viện Madre de Deus, điều mà ông không cảm thấy thích thú, chỉ làm vì đức vâng phục. Trong 10 năm trời, 1630-1640, Rhodes ở Áo Môn làm “cái nghề” tay trái ấy, nhưng vẫn hoàn toàn đặt mình trong sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa. Đúng là ông giống như chiếc gậy trong tay cụ già.