Do không biết, do thần tượng hoặc cũng có khi do yêu mến, mà người ta thường thổi phồng, thêm thắt điều này điều kia liên quan đến dòng Tên. Có những điều bạn cứ ngỡ là đã biết về dòng Tên, nhưng có khi chưa đúng hoặc chưa đủ đâu. Mời bạn đọc 6 điều dưới đây, xem mình có chút hiểu lầm gì về dòng Tên không nhé!
- Các tu sĩ dòng Tên chỉ biết dạy học và giảng Linh Thao
Đây là hai mảng hoạt động mạnh mẽ và rõ nét nhất của dòng Tên. Hẳn là bạn đã từng nghe nói đến những trường Đại Học của Dòng Tên, các giáo sư của dòng Tên; hoặc những khoá Linh Thao do các cha dòng Tên tổ chức. Rồi khi nghĩ đến các tu sĩ, các bạn cho rằng họ chỉ dạy thần học và triết học, hoặc những gì liên quan đến Giáo Hội.
Nói về ngành nghề, dòng Tên còn có các nhà nghiên cứu, các nhạc sĩ, ca sĩ, hoạ sĩ, bác sĩ, nhà thiên văn học… Nói về hoạt động, dòng Tên còn có các nhà truyền giáo. Dòng Tên cũng có thể coi xứ. Dòng Tên cũng có thể làm nông nghiệp, hoạt động xã hội, chăm sóc bệnh nhân… Trong dòng Tên, có người làm những chức vụ cao, được nhiều người biết đến, nhưng cũng có người làm những công việc hết sức bình thường như canh cổng, trông vườn; có những người được Chúa ban cho một bộ óc siêu việt, nhưng cũng có người IQ không được cao cho lắm. Nhưng tất cả đều được mời gọi để nên thánh trong bậc sống và bổn phận của mình.
Nói chung, dòng Tên chẳng có một chuyên môn cụ thể nào. Dòng Tên làm tất cả mọi việc có thể, miễn là nó giúp ích cho công cuộc truyền giảng Tin Mừng.
- Chẳng ai biết mấy “ông dòng Tên” nghĩ gì
“Không biết mấy ông dòng Tên nghĩ gì” là một trong số ba điều mà ngay cả Chúa Thánh Thần cũng không biết, theo như lời nói đùa của bàn dân thiên hạ. Người ta truyền khẩu nhau như thế vì cho rằng các tu sĩ dòng Tên quá “cao siêu”, lúc nào cũng suy nghĩ, lúc nào cũng cân nhắc, nhận định… Người khác còn cho rằng bởi vì dòng Tên rất giỏi đóng kịch, bên ngoài thể hiện ra như thế, nhưng bên trong thì khác. Người khác nữa còn nói: vì các tu sĩ dòng Tên cứ thấy im im nhưng sau đó phán một câu làm người khác “té ngửa”…
Mấy “ông dòng Tên” không thần thánh như thế đâu. Chẳng qua là họ thận trọng, nói gì, làm gì, quyết định gì cũng có nền tảng vững chắc. Thánh Inhaxio mời gọi con cái mình sống một cách có chiều sâu, không được hời hợt. Mặc dù hay suy nghĩ, nhưng các tu sĩ dòng Tên không “sống trên mây”, không viễn vông, bâng quơ. Tất cả đều xuất phát và trở về với thực tại cuộc sống. Thật ra thì bạn có dư khả năng để biết mấy “ông dòng Tên” nghĩ gì. Dễ lắm: họ chỉ đang suy nghĩ tìm cách nào để “vinh danh Chúa hơn” mà thôi.
- Chẳng bao giờ thấy tu sĩ dòng Tên đọc kinh
Đến những dòng tu khác, người ta thường nghe các tu sĩ cùng nhau hát những câu kinh êm đềm, hệt như tiếng Thiên Thần đưa tâm hồn người ta về với Chúa, về với cõi trời cao. Đến với dòng Tên, ngoài trừ các nhà huấn luyện, người ta ít bao giờ thấy các tu sĩ tụ họp lại với nhau để cùng đọc kinh Phụng Vụ. Mấy “ông dòng Tên” được miễn chuẩn, hay làm biếng?
Dòng Tên sống theo linh đạo của Thánh Inhaxio, một linh đạo “chiêm niệm trong hoạt động”, hay “tìm thấy Chúa trong mọi sự”, luôn tìm và thực thi ý Chúa trong mọi hoạt động của ngày sống, chứ không bị bó hẹp chỉ trong giờ đọc kinh cầu nguyện. Các tu sĩ cũng có các bổn phận thiêng liêng phải thực thi như các giờ cầu nguyện cá nhân, thánh lễ, xét mình… Liên quan đến bổn phận đọc Kinh Phụng Vụ, những người có chức thánh trong Dòng cũng phải tuân theo. Chỉ có điều, do yếu tố sứ mạng, Dòng Tên không buộc phải đọc kinh Phụng Vụ chung với nhau, nhưng mỗi người phải tự chu toàn nó trong quỹ thời gian của mình.
- Dòng Tên là dòng “vâng phục tối mặt”
Bạn trẻ nào muốn đi tu dòng Tên thường bị người khác “hù”: có vâng phục được không mà đòi đi dòng Tên. Thánh Inhaxio cũng không ngần ngại đòi buộc các tu sĩ dòng Tên phải trỗi vượt trong đức vâng phục. Trong luật Dòng, ngài còn dùng những cụm từ rất mạnh, khiến những người ngoài hiểu lầm như: vâng phục như xác chết, vâng phục như cây gậy trong tay người già. Có thật dòng Tên buộc các tu sĩ vâng phục theo kiểu “tối mặt” như vậy không?
Trước hết, phải biết rằng sở dĩ thánh Inhaxio muốn các tu sĩ trong Dòng phải vâng phục là vì như thế, việc thực thi các sứ mạng trong Dòng mới được đảm bảo và tiến triển tốt đẹp. Tuy nhiên, một cuộc sai đi luôn là kết quả của một cuộc đối thoại giữa bề trên và bề dưới. Bề trên không bao giờ đơn phương và vô lý ra những quyết định trái ngược với sở trường của bề dưới mà không hỏi ý kiến họ, hay ít là hỏi ý kiến những người có liên quan, đến độ làm nguy hại đến ơn gọi của họ và việc chung của Dòng. Các bài sai luôn là kết quả một cuộc nhận định, tìm và thực thi ý Chúa.
Bởi vậy, các tu sĩ vâng phục bề trên, chính là vâng phục Chúa; mau mắn thi hành những gì bề trên truyền dạy, chính là mau mắn thực thi ý Chúa. Đó là điều hết sức “chính đáng và phải đạo” còn gì!
- Là dòng của “giáo hoàng Đen”
“Giáo hoàng Đen” là cái tên người ta dùng để nói đến vị Bề Trên Cả của Dòng Tên. Người ta thường nhìn vào ngài như một người có thẩm quyền tối cao, có thể quyết định sự “sống còn” của tất cả mọi thành viên trong Dòng. Từ đó, họ nhìn về dòng Tên như một trại lính.
Thật ra thì, xuất phát từ bối cảnh sứ mạng, cách quản trị của dòng Tên là “tập quyền”, chứ không phải “phân quyền”. Bề Trên Cả là người đại diện Dòng để đảm nhiệm trọng trách lãnh đạo toàn thể thành viên trong Dòng hoạch định và thực thi sứ mạng. Ngài được toàn thể Dòng tín nhiệm, uỷ thác trọng trách cùng với quyền hành để làm việc, chứ không phải để thống trị. Bên cạnh ngài còn có các cố vấn để giúp đỡ và giám sát những việc ngài làm. Bề Trên Cả dòng Tên, dù có nhiều quyền trong tay, nhưng lại rất gần gũi, thân thiện. Ngài giống như người cha trong gia đình. Vì thế, bạn đừng nhìn về ngài như một người ở chót vót trên cao và cực kỳ “nguy hiểm”.
- Các tu sĩ dòng Tên dùng đầu nhiều hơn trái tim
Các tu sĩ dòng Tên làm việc gì cũng có kế hoạch, phương pháp, trình tự. Có giai đoạn chuẩn bị, thực thi, rồi lượng giá lại những gì đã làm. Mọi cái được xếp đặt vào trong trật tự thì họ mới có thể làm được nhiều việc và đạt đến thành công. Vì thấy các tu sĩ dòng Tên rất cứng nhắc khi làm việc, nên người ta còn cho rằng dòng Tên là dòng của lý trí. Đúng là các tu sĩ dòng Tên làm việc trí óc rất nhiều, nhưng thật sai lầm khi nói rằng họ không có con tim.
Ngược lại là đàng khác, ngay từ trong gốc rễ của linh đạo Dòng, thánh Inhaxio đã nói nhiều đến việc “nếm và cảm nhận”. Không có con tim thì tu sĩ dòng Tên cũng sẽ không tìm được động lực cho lý tưởng phục vụ của mình. Thánh Phanxico Savie đã định nghĩa dòng Tên là dòng yêu thương, mà người ta yêu thương nhau bằng con tim chứ không phải bằng lý trí. Các tu sĩ dòng Tên thường không uỷ mị, bên ngoài thường tỏ ra lạnh lùng, nhưng không có nghĩa là họ không có cảm xúc. Chẳng qua là họ học cách làm chủ đó, biến nó thành động lực cho sứ mạng, chứ không để nó chế ngự và ngăn cản bước chân mình.
Hy vọng là đọc đến đây, những thắc mắc trong lòng bạn đã phần nào được giải gỡ. Trong 6 hiểu lầm được nói ở trên, bạn đã từng có một hiểu lầm về dòng Tên chưa? Bạn có còn hiểu lầm gì về dòng Tên nữa không? Xin dành cho chúng tôi một lời cầu nguyện nhé!
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ