Đọc lại thư ĐGH Phanxicô gửi cho giới trẻ Việt Nam trong mùa Covid–19

Tôi hiện ở Châu Âu trong bối cảnh đại dịch Covid–19 đang bùng phát. Trên phương tiện truyền thông, các nhà hữu trách đều đặn hướng dẫn người dân phòng chống dịch. Châu Âu đã đóng cửa biên giới. Một trong những điều quan trọng là: “Hãy ở nhà!”

Khi ở nhà, tôi nhớ lại bức thư ĐGH Phanxicô gửi cho giới trẻ Việt Nam nhân dịp Ngày Giới Trẻ được tổ chức trong các giáo phận miền Bắc, trong những ngày 19 và 20/11/2019. Buổi lễ hôm đó thành công tốt đẹp. Tuyệt vời hơn nữa khi người trẻ được Đức Giáo Hoàng vạch cho một hướng đi trong bối cảnh Việt Nam.

Tạm gác qua những ý nghĩa sâu xa của bức thư, để chúng ta thấy được tính thực tiễn của những gì ngài chia sẻ. Đức Giáo Hoàng trích dẫn: ‘‘Hãy về với thân nhân.’’ (Mc 5,19). Nơi đó gọi là nhà, là chỗ an toàn và được che chở. Dĩ nhiên, đặc tính của người trẻ là thích giao tiếp, đi lại và tung bay khỏi mái nhà. Trong bối cảnh dịch bệnh, điều ấy là nguy hiểm. Do đó, thật quý biết bao khi ở nhà với nhau. Nơi đó, Đức Giáo Hoàng cho chúng ta ba chỉ dẫn:

1. Trung thực

Mùa Chay mời gọi con người trở về nẻo chính đường ngay. Giả như không có dịch Covid–19, Giáo Hội vẫn đồng hành với con người trên lối nẻo trở về này. Trung thực là sống lương thiện trong con đường của Chúa, là bước đi trong ánh sáng của Tin Mừng. Nếu ở nhà trong tinh thần hoán cải và cầu nguyện, thì đó quả là thái độ đúng đắn của người con Chúa.

Chắc chắn mỗi gia đình đều có những sáng kiến để ở nhà một cách lương thiện. Tôi biết có nhiều cha mẹ cùng học hành, vui đùa với con cái. Dạy cho chúng cách phòng chống dịch. Họ cùng nhau thắp nến để nguyện cầu, hoặc tham dự thánh lễ online. Họ cùng nhau nấu nướng, ăn uống cùng nhau và cùng nhau tạo nên không gian ấm cúng mà chúng ta gọi là nhà. Hóa ra, căn nhà trong mùa dịch giúp mỗi thành viên hiểu nhau hơn, cùng nhau chung sống trong tình yêu thương.

2. Tinh thần trách nhiệm

Trong thư Đức Giáo Hoàng nói: ‘‘Tinh thần trách nhiệm có thể khiến các con vất vả và đòi các con phải hy sinh.” Điều ấy đúng khi người thời nay dường như không quen ở nhà cùng nhau. Có người xem đó là gánh nặng, phiền toái. Dẫu sao là người thân, họ sẵn sàng hy sinh cho nhau. Họ không để sự sợ hãi, hoặc hoảng loạn ảnh hưởng quá nhiều đến các thành viên. Mỗi người có trách nhiệm riêng và chung:

Trách nhiệm riêng là bảo vệ sức khỏe cho chính mình. Trên Internet có biết bao cách chỉ dẫn phòng chống dịch từ tổ chức ý tế: rửa tay, ở nhà, hạn chế tiếp xúc, đeo khẩu trang, v.v. Là người Công Giáo, chúng ta cũng được Giáo Hội trao cho những trách nhiệm lớn lao: cầu nguyện cho đại dịch sớm chấm dứt, ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng, rước lễ thiêng liêng, phó thác và cậy trông, hồi tâm.v.v

Trách nhiệm chung khi ở nhà là cùng nhau tạo bầu không khí vui tươi, tốt lành và khỏe mạnh. Cùng nhau chấp hành những hướng dẫn của những người hữu trách. Nhất là đừng theo tâm lý đám đông để dự trữ hàng hóa không cần thiết. Nếu phải ra ngoài, người có trách nhiệm với cộng đồng sẽ biết hành xử thế nào trong mùa dịch. Sẽ là không tốt nếu cùng nhau ăn nhậu, chơi bời hoặc những thú vui tiêu cực, v.v.

3. Lạc quan

Đức Giáo Hoàng nói: ‘‘Tính lạc quan có thể trở nên kỳ dị trước thực tế lũng đoạn của xã hội tục quá này.” Biết bao thông tin tiêu cực, Covid–19 ngày càng gần nhà mình hơn, hoặc con số nhiễm tăng lên từng giờ, thật khó để giữ được tinh thần lạc quan.

Tuy vậy, đây lại là điều cần thiết. Thà thắp lên một ngọn nến hy vọng, còn hơn là gieo sợ hãi cho tha nhân. Tinh thần lạc quan như liều thuốc bổ, là động lực để người ta vượt qua mọi khó khăn. Nhất là những người lớn cần trao cho người trẻ, cho con cái, cháu chắt thấy được phía trước là bầu trời tươi sáng. Ở nhà cùng nhau trong niềm hy vọng.

Là người Công Giáo, ‘‘Anh em phải chiếu sáng như những vì sao trên bầu trời.” (Pl 2,15). Chúng ta lạc quan vì có lý do: Thiên Chúa không bỏ con người, mọi sự đều trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa, số người khỏi bệnh Covid–19 gia tăng, các biện pháp mạnh từ nhà nước đang làm giảm lây lan virus, sẽ có vac–xin phòng con virus này, sẽ có thuốc điều trị, v.v. Tất cả rồi sẽ ổn thôi! Lúc ấy, cuộc sống con người sẽ trở lại bình thường. Khi ấy, nhà của mỗi người sẽ thêm nhiều tình thân, bởi trong thời đại dịch, các thành viên hiểu nhau hơn.

Để kết thúc, tôi muốn nghe lại lời dặn dò của ĐGH Phanxicô:

‘‘Các con hãy yêu thương ngôi nhà của các con! Ngôi nhà gia đình và ngôi nhà Tổ Quốc của các con. Các con hãy yêu thương dân tộc Việt Nam, hãy yêu đất nước của các con ! Các con hãy là những người Việt Nam đích thực, với tình yêu Tổ Quốc.”

Ước gì trong thời gian cùng nhau vượt qua khó khăn, người Việt Nam mình, nhất là người trẻ thấy ngôi nhà mình cần được chăm sóc. Bên cạnh đó, làng xóm cũng cần được mình quan tâm, đất nước mình cần được bảo vệ, và dân tộc này cần tương thân tương ái. Được như thế, chúng ta tin rằng đại dịch sớm qua đi. Niềm tin, cầu nguyện, lòng tín thác, đồng sức, đồng lòng và tình người sẽ chiến thắng. Hãy vượt qua dịch bệnh bằng cách ở nhà với nhau và với Chúa.

Budapest, ngày 18 tháng 3 năm 2020

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

 

Vui lòng chấp nhận sử dụng dịch vụ của Youtube để xem Video này.

 

Youtube là dịch vụ phát video trực tuyến được cung cấp bởi Google

 

YouTube Terms of Services

 

 

Kiểm tra tương tự

Mười hai vị thánh đã kết hôn

  Không phải tất cả các thánh đều là các linh mục hoặc nữ tu; …

Những người thầy thầm lặng

  Bạn thân mến,   Trong tháng 11 này, chúng ta đặc biệt nhớ đến …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *