Hướng Dẫn Sống Linh Thao Trong Kỳ Dịch Covid-19 ngày 6 tháng 5

Hướng dẫn sống Linh Thao ngày 6/5/2020

 

VIỆC NHẬN ĐỊNH THẦN LOẠI BỘ II (tt)

Anh chị em thân mến,

Hôm nay tôi tiếp tục gởi đến anh chị em việc nhận định thần loại liên quan đến sự an ủi có nguyên do trước, tức an ủi thuộc đời sống soi sáng.

Phần hai: Việc nhận định về hai loại AU

 

1/ Việc nhận định về AU có nguyên do trước:

 

Việc nhận định này được nói từ số 331 đến 334 bao gồm các đề mục sau: khả thể an ủi của thiên thần dữ (331) – chiến thuật an ủi của thiên thần dữ (332) – về chính việc nhận định (333) – và bài học rút ra (334).

 

a/ Khả thể an ủi của thiên thần dữ:

 

331.Qui tắc III: 1Có nguyên do thì thiên thần lành cũng như thiên thần dữ đều có thể an ủi linh hồn, nhưng nhằm mục đích trái ngược nhau: 2thiên thần lành nhằm mưu ích cho linh hồn, để nó lớn lên và tiến bước từ điều tốt đến tốt hơn – 3còn thiên thần dữ nhằm điều ngược lại, để rồi lôi cuốn linh hồn theo ý muốn và  sự hiểm độc xấu xa của nó.

 

Chúng ta đặt tựa đề cho số này như thế để trong việc nhận định thần loại, chúng ta không được phép dừng lại ở cảm xúc. Bởi lẽ theo lý thường tình, (thiên) thần lành đem đến AU và ngược lại, (thiên) thần dữ gây ra SK. Nhưng trong đời sống thiêng liêng, cả cả hai đều có thể gây ra SK như đã nói ở bộ I và cả hai đều đem đến AU như ở đây đề cập.

 

Trong bộ I về SK, không chỉ kẻ thù gây SK khi cắn rứt, làm buồn phiền và đặt chướng ngại, bằng cách gây băn khoăn lo lắng (3152), mà cả thần lành cũng gây SK khi thôi thúc và cắn rứt lương tâm (3143). Điều chính yếu là những SK này dẫn đến đâu? Loại SK thứ nhất làm cho người tiến bộ đánh mất Nguyên Lý và Nền Tảng tự nhiên của mình nên là của kẻ thù; còn loại SK thứ hai thì lôi kéo người sa sút về với NLNT tự nhiên nên là của thần lành.

 

Ở đây về AU, thánh I-nhã cũng viết theo cùng một nguyên tắc: “thiên thần lành cũng như thiên thần dữ đều có thể an ủi linh hồn” (3311). Tuy nhiên ngài không dừng lại ở đó, nhưng xác định mục đích chúng hướng đến: thiên thần lành nhằm mưu ích cho linh hồn để nó lớn lên và tiến bước từ điều tốt đến tốt hơn trong sự liên kết với Đức Kitô từ Tuần II – ngược lại, thiên thần dữ lôi cuốn linh hồn theo ý muốn và sự hiểm độc ấu xa của nó ra khỏi sự liên kết với Ngài.

 

b/ Chiến thuật của thần dữ

 

  1. Qui tắc 332: “Đặc điểm của thiên thần dữ là giả dạng thành thiên thần ánh sáng đi vào cùng với linh hồn sốt mến và đi ra theo chính nó; nghĩa là nó bày ra những tư tưởng tốt lành, thánh thiện hợp với linh hồn công chính, rồi dần dà gắng lôi kéo linh hồn ra theo những mưu mô ẩn kín và những ý định tồi tệ của nó.”

 

Ta bàn đến hai thành tố được nói đến trong qui tắc này: về thuật ngữ chỉ về tác nhân và chủ thể – thứ đến là chiến thuật của thiên thần dữ.

 

Về thuật ngữ:

 

Có hai thuật ngữ được đề cập: trước hết là thuật ngữ “linh hồn sốt mến ” và “linh hồn công chính” được thánh I-nhã vận dụng để nói về chủ thể sống trong “sự an ủi có nguyên do trước”, nghĩa là người thuộc đời sống soi sáng. Tin Mừng từng phân biệt hai loại người, người non yếu với người trưởng thành. Người non yếu cần phải được ban ơn cứu độ nên không có tên gọi, chẳng hạn người mù Bếtsaiđa (Mc 8,22-26), người phụ nữ ngoại tình (Ga 8,1-11). Còn người trưởng thành là những người được liên kết với Đức Kitô và sống lối sống của Ngài và có tên gọi, chẳng hạn người mù Bartimê (Mc 10,46-52), anh Lazarô (Ga 11, 1-44), ông Giakêu (Lc 19,1-11)… Từ ánh sáng Tin Mừng, những chủ thể trong bộ I không có tên gọi. Tuy nhiên trong bộ hai, chủ thể có tên gọi: ‘linh hồn sốt mến’ hay ‘linh hồn công chính’ là tên gọi dành cho người thuộc đời sống soi sáng; còn “người thuần thiêng” là tên gọi dành cho người thuộc đời sống thần hiệp (x. LT 336).

 

Thứ đến là thuật ngữ “thiên thần ánh sáng’’ do thánh Phaolô sử dụng để chống lại những tông đồ giả, những người thợ gian xảo đội lốt tông đồ của Đức Kitô, nhằm lường gạt kẻ khác và trục lợi cho bản thân. Điều đó ngài không lấy làm lạ vì “chính Satan cũng đội lốt thiên thần ánh sáng” (2Cr 11,14). Vậy thiên thần dữ giả dạng thành thiên thần ánh sáng chính là cách nó vận dụng điều tốt để lường gạt con người. Thánh I-nhã gọi đó là “cám dỗ dưới dạng sự thiện” (Lt 101).

 

Về chiến thuật của kẻ thù:

 

Chúng ta đã đề cập đến chiến thuật chống lại kẻ thù ở bộ I khi bàn về SK, xét như là đối tượng của việc nhận định. Đó là chiến thuật “làm ngược lại” (agere contra) dựa vào chuẩn mực luân lý, khi kẻ thù cám dỗ con người làm điều xấu chống lại Thiên Chúa. Và chúng ta cũng đã biết chiến thuật đó có ba hình thức liên quan đến mục đích (325), đến khoa sư phạm trung gian (326) và đến việc việc xây dựng con người mới chống lại con người cũ (327).

 

Bước vào bộ II, đối tượng để nhận định không còn là SK mà là AU. Vì thế, kẻ thù không thể lôi kéo con người về phía mình bằng các hình thức trên. Nó chỉ còn một cách thức duy nhất lôi kéo là cám dỗ dưới dạng sự thiện mà thôi. Và thánh  I-nhã mô tả chiến thuật đó là chiến thuật “vào cửa người ta ra cửa mình”. Thực ra đó chỉ là chiến thuật “nhập thể” mà Thiên Chúa đã thực thi công trình cứu độ cho con người, qua biến cố Con Thiên Chúa làm người. Nghĩa là Ngài đi vào thế giới loài người, mặc lấy tội của họ, nhờ đó mà lôi kéo họ trở về và được trở nên con Thiên Chúa (Ga 1,1-18). Kẻ thù học Thiên Chúa chiến thuật này, bằng cách đi vào tác động theo tâm tình, lối suy nghĩ thánh thiện của chủ thể, rồi lựa khi thuận tiện lôi kéo họ đi ra theo ý định tồi tệ của nó.

 

Thánh I-nhã khuyên nhủ hai cha Paschase Broet và Alphonse Salmeron vận dụng chính chiến thuật này khi được Tòa Thánh gởi đi làm sứ thần tại Irlande để giúp cải hóa những tín hữu tin lành trở về với Giáo Hội Công Giáo (thư tháng 9/1541).

 

c/ Nhận định về AU có nguyên do trước

 

  1. 1Qui tắc V: Cần chú ý nhiều về diễn biến của tư tưởng. Nếu từ khởi đầu, ở giữa và cuối cùng đều tốt, hoàn toàn hướng về điều thiện, là dấu hiệu của thiên thần lành. 2Nhưng nếu diễn biến của tư tưởng đưa ta tới bất cứ điều nào xấu hoặc gây lo ra hay không được tốt như điều trước đó linh hồn định làm, 3hoặc làm giảm sút, khiến ta lo lắng, làm cho linh hồn bối rối khi lấy mất sự bình an, sự tĩnh lặng và an tĩnh đã có từ trước, 4đó là dấu hiệu rõ ràng điều đó bởi thần dữ, kẻ thù của sự tiến tới và phần rỗi đời đời của ta.

 

Qui tắc này bàn về chính việc nhận định của sự AU có nguyên do trước với hai yếu tố: chuẩn mực và kết quả:

 

– Trước hết, chuẩn mực của việc nhận định là “thời lượng”: nghĩa là qua lượng thời gian cho từng vấn đề mà chủ thể tìm ra được chân dung của những tác nhân: thiên thần lành hay thiên thần dữ. Thánh I-nhã sử dụng những hạn từ chỉ thời gian như “từ khởi đầu” – “ở giữa” – và “cuối cùng” để nói đến hai tính chất: tính trọn vẹn và tính liên tục của AU. Nếu từ đầu, ở giữa và sau cùng đều hướng về điều thiện, đó là dấu chỉ về kết quả của thiên thần lành tác động. Ngược lại, có sự chuyển hóa bất cứ ở thời điểm nào, khi gây ra sự sa sút, lo ra, mất sự bình an, tĩnh lặng… là dấu chỉ xác định hậu quả của thiên thần dữ để lại.

 

– Thứ đến, về kết quả: khi nói đến diễn biến của sự AU luôn hướng về điều thiện, thánh I-nhã xác định đó là dấu hiệu của thiên thần lành. Thế nhưng ngược lại, khi diễn biến dẫn đến lo ra, hướng về điều xấu… ngài không nói đó là dấu hiệu của thiên thần dữ mà lại nói là của thần dữ. Tại sao ngài nói thế? Có lầm lẫn về tác nhân không? Thưa, hoàn toàn không. Điều ngài muốn nhắm là kẻ thù tác động vào mà chủ thể không tỉnh táo thì người ấy có nguy cơ sa sút, mà không chỉ sa sút trong phạm vi đời sống soi sáng mà thôi, mà còn có nguy cơ sa sút xuống tận đời sống thanh luyện. Và ngài không nói ngược lại về phía thiên thần lành tác động, bởi lẽ để tiến vào đời sống thần hiệp, chủ thể không chỉ phải xây dựng tình yêu với Đức Kitô thành văn hóa mới của mình tận vô thức mà còn phải được Thiên Chúa chuẩn nhận.

 

d/ Bài học rút ra từ việc nhận định

 

  1. 1Qui tắc VI: Khi kẻ thù của bản tính loài người được cảm thấy và nhận biết bởi cái đuôi rắn của nó và mục đích xấu xa của nó muốn đưa tới, 2thì điều có ích cho người bị cám dỗ là sau đó xem xét diễn biến về những tư tưởng tốt nó đã bày ra và khởi đầu của những tư tưởng đó, 3và xem nó đã lần lần tìm cách khiến ta rời bỏ sự dịu ngọt và niềm vui thiêng liêng vốn có trước, cho đến chỗ đưa ta tới ý định tồi tệ của nó như thế nào; 4để nhờ một kinh nghiệm đã được nhận biết và được ghi chép lại như thế, ta sẽ giữ mình thoát khỏi những dối trá thường lệ của nó sau này.

 

Khi nói về bài học rút ra có nghĩa là nói đến việc làm sau khi biến cố AU đã kết thúc. Trong bộ I, thánh I-nhã không đả động gì đến việc làm này. Tại sao? Thưa vì sự cám dỗ dưới hình thức đối kháng là những cám dỗ về SK mang tính thô thiển mà chủ thể dễ dàng nhận ra. Ngược lại, cám dỗ của kẻ thù ở bộ II về AU mang tính “nhập thể” của chiến thuật “vào cửa người ta ra cửa mình” có tính tinh tế khiến chủ thể không dễ phát hiện được và rất dễ sập bẫy nếu không tỉnh thức đủ.

 

Để có thể rút ra cho mình những bài học sau này, thánh I-nhã đề nghị người bị cám dỗ phải xem xét lại diễn biến những tư tưởng tốt mà kẻ thù đem vào từ lúc khởi đầu cho đến khi nó dẫn dắt chủ thể đi theo những ý định tồi tệ của nó. Bài học được rút ra có vị trí quan trọng đến nỗi chủ thể có thể liên kết các sự kiện lại và tìm được “điểm rơi” mà mình có nguy cơ bị sập bẫy. Vì việc rút bài học có tầm quan trọng như thế nên thánh nhân đề nghị chủ thể phải ghi chép lại, nhờ đó chủ thể mới biết rõ mình hơn và để phòng được những lừa đảo của kẻ thù cách hữu hiệu hơn.

Lm. Giuse Lê Quang Chủng, SJ.

Kiểm tra tương tự

Kinh nghiệm tôn giáo đích thực | Suy niệm Chúa Nhật Tuần XXII – Mùa Thường Niên

Các bạn thân mến! Tôn giáo là một trong những yếu tố thiết yếu trong …

GIÊSU, TẤM BÁNH HẰNG SỐNG | Suy Tư Tin Mừng Chúa Nhật 19 Thường Niên B

Trong đoạn Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, Chúa Giêsu xác định căn tính và …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *