Gửi chị, người đã quỳ xuống…

 

Chị mến,

Sự hỗn loạn trong những ngày qua nơi đất nước Myanmar đã gợi nên sự quan tâm từ nhiều quốc gia. Đâu đâu người ta cũng bàn tán về những cụm từ như: phe phái, sự chết chóc, súng đạn hay biểu tình… Tuy nhiên, hành động quỳ xuống trước những người lính để van xin họ ngừng bắn, ngừng làm hại người dân, của chị đã dấy lên một làn sóng mạnh mẽ về lòng can đảm, và truyền cảm hứng cho bao nhiêu con người về lối sống quên mình vì tha nhân, và kiến tạo hòa bình.

Chắc hẳn việc quỳ gối không có gì quá xa lạ với chị, bởi lẽ trong nguyện đường nhỏ bé, nơi những chiếc bàn quỳ đã ghi dấu bao nhiêu lần chị đặt gối vào ấy, những lần cùng với chị em, hoặc một mình quỳ xuống trước Thánh Thể, để trò chuyện cùng Thiên Chúa và dâng lên Người những tâm tư, ước nguyện của mình và của cộng đoàn. Thậm chí, có lúc hẳn chị đã quỳ hàng giờ để lần hạt Mân Côi hoặc suy ngắm về cuộc thương khó của Đức Giê-su Ki-tô. Tuy nhiên, hôm nay chị cũng quỳ xuống, nhưng trong một bối cảnh hoàn toàn khác với trước đây. Đối tượng hôm nay mà chị quỳ xuống để nài van là chính những người lính, là những người anh em của chị trong Đức Ki-tô. Trong cuộc bạo loạn và đổ máu, Chị xin họ hãy rời đi và để những người dân được sống bình an. Em tự hỏi chị đã lấy đâu ra can đảm đủ mạnh để làm những điều phi thường như thế?

Những ngày qua, em cũng nghe không ích những thông tin trái chiều, khi có nhiều lời phê phán việc làm của chị. Có ý kiến cho rằng chị liều lĩnh và dại dột khi làm hành động như thế. Lý giải cho những phê phán ấy là trong khi người ta sợ hãi né tránh, hoặc mạnh mẽ giáp lá cà để đấu tranh, thì chị – một người nữ tu bình dị – chỉ với tu phục và bàn tay không bước ra trước họng súng của những người lính để van xin họ. Có người nói rằng: “Ngu gì ngu thế! Không chết đã là hên! Biết đâu tay nào đó xả súng vào người bà ấy thì lúc đó đừng nói là xui!”. Hay thậm chí, em còn nghe người ta cho rằng chị thích làm nổi, thích tạo gây cấn (scandal) trong cảnh hỗn loạn như thế, cho nhiều người biết đến. Em chỉ biết ngậm ngùi để lắng nghe, nhưng em không đồng tình với những quan điểm tiêu cực như thế! Em đồng ý với cách làm của chị.

Chị đã gợi lên trong em hình ảnh những vị thánh tử đạo ngày xưa, những con người đã can đảm làm chứng về Chúa, và dám liều mất mạng sống mình để bảo vệ đức tin, bảo vệ anh chị em xung quanh mình, thậm chí là bênh vực cho những kẻ làm hại mình. Có thể, sẽ có những con người không hiểu được điều mà chị làm, đó là điều bình thường thôi chị! Người ta đâu biết rằng những tu sĩ cũng là những con người bình thường, những con người được đắp nên từ da thịt chứ đâu phải thần thánh, để rồi không biết sợ hãi trước những điều nguy hiểm. Họ cũng đâu biết được giá trị của những lời van xin từ tận đáy lòng của một người phụ nữ yếu đuối, đang chảy nước mắt van xin cho anh chị em đồng bào mình trước nguy hiểm cận kề. Họ càng không hiểu vì sao không cầm vũ khí đứng lên, mà lại quỳ van xin nhục nhã như thế? Họ chắc chắn chẳng thể hiểu có trăm vạn cách đấu tranh, vạn cách chết can đảm, sao chị lại chọn lối can đảm “khờ dại” như vậy!

Căm thù, chiến tranh, giành giật cứ nối tiếp mãi thì kết quả sẽ là gì?…

Chẳng có gì bằng chính khao khát sự hòa bình, như chính Chúa Giê-su đã dạy trong tám mối phúc: “Phúc cho ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (x. Mt 5,9). Hay trong lời kinh Hòa Bình của thánh Phan-xi-cô Át-xi-xi đã nhắc tới: “Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân…”. Vâng! Giá trị đảo ngược nơi người Ki-tô Hữu, mà nhất là nơi người linh mục, tu sĩ lại càng thể hiện rõ hơn bao giờ hết. Chẳng phải chính Con Thiên Chúa cũng đã chọn lối sống đảo ngược như thế hay sao? Con Thiên Chúa chấp nhận kiếp người nghèo, lao động vất vả để mưu sinh, can trường chiến đấu với những thách thức từ các phe phái chống đối, theo đường lối hòa bình, và cuối cùng là chịu chết trên Thánh Giá cũng chỉ vì cứu chuộc nhân loại. Vâng! Điều mà chị làm hôm nay cũng giúp em nhớ lại hình ảnh Chúa Giê-su, và nhận ra chị đang rập khuôn theo Người cách rõ nét hơn bao giờ hết.

Cám ơn chị đã truyền cho em thái độ sống tìm kiếm và xây dựng hòa bình hơn là chiến tranh, chết chóc. Giúp em hiểu được sự hạ mình tột bậc vì ích chung của những con người vô tội. Giúp em thấy được giá trị của sự quỳ xuống, điều mà người đời cho là nhục nhã, hèn hạ và thiếu khôn ngoan, lại ẩn chứa những giá trị vĩ đại không tưởng. Chính Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, sau hành động can đảm của chị, cũng đã tuyên bố: “Tôi cũng quỳ trên những con phố của Myanmar và nói với họ rằng: Xin dừng bạo lực lại! Tôi giang hai cánh tay và xin họ: Hãy tiến tới đối thoại”[1]. Chắc hẳn chị đã biết trước hành động của mình sẽ dẫn tới kết quả gì? Hoặc sẽ chịu vài phát súng và kết liễu cuộc đời, hoặc chẳng làm được gì vì chị chỉ là một con người nhỏ bé. Nhưng hành động của chị đã đạt tới một kết quả to lớn là truyền sự can đảm và hướng tới đối thoại hòa bình hơn là gây hấn. Có thể chiến tranh, bạo loạn vẫn chưa chấm dứt, không chỉ trên đất nước Myanmar và còn nhiều quốc gia khác nữa, nhưng em tin ý nghĩ về sự quỳ xuống của chị sẽ gây nên ý thức sâu sắc về xây dựng hòa bình.

Hành động can đảm của chị – người nữ tu nhỏ bé – tại một quốc gia nhỏ bé – trong một cuộc bạo loạn giữa bao nhiêu cuộc bạo loạn khác trên thế giới – đã mạnh mẽ tuyên bố rằng việc làm của chị không nhục nhã, không yến hèn, cũng chẳng khờ dại. Đàng khác, chị đang tiến tới trong vai trò là sứ giả hòa bình, loan báo tình thương của Thiên Chúa cho mọi người. Nguyện chúc chị luôn bình an, hạnh phúc và xin Chúa luôn đồng hành cùng chị trong sứ mạng làm sứ giả hòa bình, chị nhé!

Việt Nam, ngày 20 tháng 3 năm 2021

Little Stream

[1] https://www.vaticannews.va/en/pope/news/2021-03/pope-francis-myanmar-appeal-general-audience-wednesdsay.html

Kiểm tra tương tự

Sinh Nhật Chúa Giêsu và câu chuyện Giáng Sinh

  Tại sao Sinh Nhật của Chúa Giêsu được gọi là Giáng Sinh?   Thuật …

“Lạy Đấng Emmanuel, xin hãy đến!”: Nỗi khắc khoải và niềm hy vọng trong Mùa Vọng

Người phương Tây thế kỷ 21 – từ Taylor Swift đến Billie Eilish – đã …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *