Người Chứng Thứ Nhất – Chương IX: Cuộc vận động của người Bồ Đào Nha

NGƯỜI CHỨNG THỨ NHẤT

Tác giả Phạm Đình Khiêm

CHƯƠNG IX: CUỘC VẬN ĐỘNG CỦA NGƯỜI BỒ ĐÀO NHA

AnrePhuYenCuộc khám xét nhà giáo sĩ Đắc Lộ và thầy giảng Anrê ngày hôm trước, đã gây nên một xúc động mạnh mẽ trong giới giáo hữu Việt Nam cũng như giới thương gia Bồ Đào Nha có mặt tại Hội An. Sáng sớm ngày 26 tháng 7, giáo sĩ Đắc Lộ sau khi cho các thầy giảng đi ẩn kín đáo, liền tìm gặp các người Bồ Đào Nha để bàn hỏi ý kiến1. Những người này tỏ ra rất lo buồn. Họ cho giáo sĩ hay tất cả những thiệt hại mà lính đã gây ra trong nhà giáo sĩ, nhất là đã tịch thu để nộp cho quan tất cả những ảnh tượng, đồ thờ và áo lễ.

Cha Đắc Lộ lo lắng vô cùng vì sợ người ngoại giáo xúc phạm đến các đồ thánh hoặc đốt đi nữa. Sau khi bàn luận, giáo sĩ cùng mười một thương gia Bồ Đào Nha, là những người đàn anh trong tàu đậu ở bến Hội An, liền quyết định đến dinh trấn để vận động xin tha cho các bổn đạo bị bắt và xin lại các đồ thánh.

Thuyền của họ ngược sông Sài giang bị gió to sóng lớn nên đi rất chậm, khiến họ càng lo lắng. Chưa đến nơi, họ đã nghe tin quan đã tuyên án xử tử hai thầy giảng và đốt các đồ thờ. Họ bàn với nhau nếu lời lẽ không cảm hóa được quan, thì phải bỏ tiền ra chuộc lại các đồ thánh và lo liệu cho hai thầy được sống để giúp bổn đạo.

Khi thuyền đến bến chợ Củi, họ lên thẳng dinh trấn, được Ông Nghè Bộ tiếp kiến ở công đường. Trong mười một thương gia Bồ, có một người nói được tiếng Việt Nam vì thường hay có việc đến dinh trấn. Ông nói với quan rằng: “Nhà vương đã cho phép các tàu Ao Môn chúng tôi đến buôn bán ở xứ này, cùng cho phép chúng tôi đem các linh mục đi theo để làm việc tế lễ ở trong tàu, theo thói người Bồ Đào Nha chúng tôi. Vì vậy xin quan lớn truyền trả lại các đồ đạo quân lính đã lấy ở nhà giáo sĩ của chúng tôi”.2

Ông Nghè Bộ trả lời: “Chúa Thượng chẳng muốn cho người ta giảng đạo mới ở xứ này, thế mà giáo sĩ cứ làm việc bất hợp pháp ấy; cho đến nay nhà nước tha cho sự lỗi ấy, song các ảnh tượng sẽ phải đem đốt nơi công cộng cho thiên hạ biết, còn các đồ lễ, khi nào tàu nhổ neo, ta sẽ trả”.3

Giáo hữu Bồ Đào Nha nghe nói vậy, động lòng chảy nước mắt, đồng thay kêu rằng: “Xin quan lớn trả các ảnh ấy cho chúng tôi, vì là của chúng tôi ưa chuộng hơn các kho vàng bạc, hơn cả sự sống chúng tôi nữa”.4

Quan chẳng dám từ chối, vì họ là những khách buôn được kính nể, chính chúa Nguyễn cũng trọng vọng. Quan liền trả một mẫu ảnh Đức Bà, hai ảnh Chúa Giêsu, song giữ lại hai ảnh “Chuộc tội” (Thánh giá) định đem đốt cho thỏa lòng giận. Giáo sĩ Đắc Lộ năn nỉ không được, đến lượt ông thuyền trưởng João de Resende de Figueroa5 lên tiếng: “Hai ảnh này thuộc về tôi, vì tôi là chúa tàu, khi đi biển gặp kẻ cướp, tôi cầm một ảnh, linh mục tuyên uý cầm một ảnh trong tay, giơ lên cho mọi người trong tàu xem thấy, họ liền hăng hái đánh đuổi quân cướp cho đến khi hết, vì không muốn cho hai ảnh ấy lọt vào thay chúng. Vậy nếu không có hai mẫu ảnh này, tàu tôi sẽ không nhổ neo, vì tôi chỉ trông cậy vào dấu đó để được vượt biển bằng an”.6

Nói rồi, ông ta đưa tiền xin chuộc ảnh. Quan tỏ vẻ phân vân, nửa muốn đốt ảnh để làm cho giáo hữu xấu hổ, nửa sợ chúa Thượng trách cứ vì người Bồ Đào Nha sẽ phản kháng hoặc tẩy chay không đến buôn bán nữa, mất mối lợi cho Nhà nước. Sau cùng ông làm một cử chỉ lịch sự: trả lại ảnh mà không nhận tiền chuộc. Tuy nhiên ông vẫn còn giữ một ảnh Thánh giá khác cùng với mấy quyển sách đạo bằng chữ Hán 7 bắt được ở nhà ông Anrê già. Nhóm người Bồ Đào Nha cũng tha thiết xin lại, song vô hiệu, quan nhất định truyền đem đốt những thứ ấy ở ngoài đồng.

Số phận hai tử tù

Cuộc vận động của người Bồ Đào Nha đã đưa đến kết quả đầu tiên là thâu hồi được tất cả những đồ thánh bị tịch thâu tại nhà cha Đắc Lộ. Sau khi ngỏ lời cảm ơn quan Cai bộ, người Bồ Đào Nha đề cập đến số phận hai đồng đạo Việt Nam. Họ nói: “Từ trước đến nay chưa hề thấy một giáo hữu Việt Nam nào phạm lỗi với nhà vương, vì phép đạo Đức Chúa Trời dạy phải kính đấng bề trên, yêu kẻ bề dưới, nộp thuế cho vua chúa, làm lành tránh dữ. Vậy hai giáo hữu bị bắt, một người đã 73 tuổi, già yếu, không sống được bao lâu nữa, chẳng phạt cũng chết, phạt làm chi? Một người còn trẻ, mới 19 tuổi, thì chúng tôi nghĩ: nhà vương cũng chẳng muốn giết hại kẻ mới đến tuổi khôn, không ăn trộm, ăn cướp, vẫn một lòng trung thành, nộp đủ sưu dịch thuế má, làm tôi nhà vương. Còn như việc tín ngưỡng thì tuỳ trí khôn người ta lựa chọn, và là quyền tự do riêng của mỗi người để lo việc cứu linh hồn mình đời sau. Vì vậy chúng tôi xin quan lớn cải án tha cho hai bổn đạo ấy khỏi chết”.8

Quan trả lời: “Đối với lão già, đã 73 tuổi, xin được sống để ở với con cháu ít lâu nữa, cứ lẽ ấy thì chẳng đáng tha. Vì tôi đã hỏi lão ba bốn lần rằng: có phải là bổn đạo chăng, thì lão thưa: tôi là bổn đạo đã nhiều năm, cũng chẳng bọ đạo Đức Chúa Trời, và sẵn lòng chịu phạt thể nào cũng được. Lời lão già nói rất dại, vì cứng cổ thì càng dại, song đã dại thì tha cho sống. Còn người con trẻ thì không tha: y bạo ngược và cả lòng, lại quyết mình không lầm, vì thưa rằng mình là bổn đạo thờ phượng Chúa Trời đất, dầu cách nào cũng không bỏ, lại sẵn sàng chịu mọi hình phạt, cả đến mất sự sống nữa. Ví bằng khi ấy, y nói với tôi rằng: mình là kẻ nghèo khó, phải ở với giáo sĩ để có ăn, thì bây giờ tôi tha. Song cả lòng thì chết”.9

Cha Đắc Lộ và các người Bồ Đào Nha giải thích rằng: thanh niên kia cũng vô tội như ông già nọ, anh nói năng tự nhiên như vậy là biểu thị lòng ngay lành và Đức tin của anh, chứ không có ý khinh mạn quan hay do tính nết lì lợm.

Quan nói: “Tôi đã nhiều lần xin y nghe lời khuyên của tôi, nếu không, sẽ thấy hiệu quả cơn thịnh nộ của tôi. Y nói y có đạo, y muốn giữ đạo, y thà chết còn hơn nghe lời tôi, y không làm theo ý tôi thì tôi sẽ làm theo ý y. Các ông xin cũng không được. Y phải chết!”10

Giáo sĩ Đắc Lộ lại nói: “Nếu theo đạo không phải là một tội thì tại sao thanh niên kia phải chết? Còn như theo đạo là có tội, thì tại sao tôi không được chết  như anh, vì tôi xin tuyên bố công khai: tôi có đạo, tôi giảng đạo, và tôi rửa tội cho tất cả những ai theo đạo!”11

Ông Nghè Bộ trả lời: “Ông là người ngoại quốc, nhà vương chỉ truyền lệnh cho ông ra khỏi đất nước, nếu không tuân, ông cũng sẽ bị xử như tên cứng đầu kia, nội ngày hôm nay nó sẽ bỏ mạng!”12

Nói rồi quan xoay lưng, đi khỏi.

Nhưng nhóm giáo sĩ và giáo hữu người Au Châu chưa tuyệt vọng. Họ kéo đến nhà quan cựu trấn thủ Nguyễn Phúc Vinh nài xin ông dùng uy tín can thiệp giùm với ông Nghè Bộ, cứu sống thầy giảng Anrê, để máu kẻ vô tội khỏi đổ trên đầu những kẻ sát nhân.

Ông già hiền hậu ứa nước mắt trả lời rằng ông không thể làm gì được, vì ông Nghè Bổ mới ở phủ chúa về với những mật lệnh nào đó, ông không nói ra, mà chính ông cựu trấn thủ cũng lấy làm sợ. Khi ông ấy vừa về đến dinh đã sai người đến tận nhà ông cựu trấn thủ, dặn bảo phải coi chừng và liệu sao cho cả gia đình không được có điều tiếng gì ra ngoài. Ông Nghè Bộ lại tỏ ý định thẳng tay đàn áp giáo hữu nên chính ông cựu trấn thủ cũng lo lắng – lo đến cả tính mạng mình – vì bà vợ và nhiều gia nhân đã tòng giáo. Như vậy, ông còn thế lực nào mà cứu kẻ khác. Ông đành để mặc cho ông Nghè Bộ thi hành mệnh lệnh từ phủ chúa mang về. 13

Trong ngục tù

Đến đây, giáo sĩ Đắc Lộ hiểu rằng Đức Chúa Trời đã muốn đội triều thiên cho thầy giảng Anrê, vì Chúa không còn cho phương thế nào để cứu thầy nữa.14

Từ giã ông cựu trấn thủ, giáo sĩ và các người Bồ Đào Nha đến thẳng nhà lao. Tại đây, hai giáo hữu không biết gì về cuộc vận động của người Bồ Đào Nha, chỉ chăm chú cầu nguyện và suy ngắm để dọn mình chết vì đạo. Khi có giáo hữu vào thăm và mừng cho hai thầy sắp được đội triều thiên tử đạo, hai thầy lấy lòng khiêm nhường cám ơn và xin anh em cầu nguyện cho mình được lòng can đảm xưng đức tin, lại tỏ ý trông mong cho chóng đến giờ chiều để về cùng Chúa.

Ông Anrê già là người đàng hoàng lịch sự, đã mặc sẵn quần áo trọng thể, để tỏ lòng tôn kính Chúa Giêsu khi dâng hồn xác mình cho Chúa. Khi cha Đắc Lộ đến thăm, và báo tin quan đã tha không giết ông, tức thì ông như mặt trời mất sáng, đang vui bỗng hóa sầu, hai hàng lệ tuôn rơi: ông buồn tủi vì mất phúc tử đạo.

Giáo sĩ Đắc Lộ đem hết lời khuyên giải, nào nhắc tích cha con ông Abraham và Isaác, tuy không phải làm lễ toàn thiêu, song được Chúa trọng thượng vì đức vâng lời, lại như Đức Mẹ Đồng trinh theo Chúa Giêsu lên núi Sọ, tuy không được chết cùng Con, nhưng vẫn được kể là Nữ Vương các thánh tử đạo. Tử đạo thật sự là ơn rất lớn, song tử đạo thiêng liêng trong lòng bằng cách chịu khó vâng theo ý Chúa, sẵn sàng hiến dâng mạng sống vì Chúa, cũng là công trọng không kém.

Nghe lời khuyên giải ấy, ông Anrê Sơn cũng nguôi lòng, cúi đầu vâng theo ý Chúa. Ra khỏi tù, ông còn sống thêm bốn năm, chứng kiến nhiều cuộc bách hại tôn giáo, và chính ông cũng còn bị bắt bớ, tra tấn hai lần nữa. Như thế là trong đời ông, ông đã bị giam cầm vì đức tin đến bốn lần, lần nào cũng can đảm xưng danh Chúa, không bao giờ nản lòng thối chí. Giáo sĩ Đắc Lộ ca tụng ông là người thứ nhất được hân hạnh mang “cây kiềng danh dự” – các giáo sĩ thời ấy còn gọi là “thánh giá xứ Đàng Trong” – tức cái gông “với tư cách là quân binh và hiệp sĩ của Chúa”. Ông có một vợ, tên thánh là Ynhaxô, và hai con, Emmanuen và Luy, giống hệt các nhân đức của ông. Nhà ông là nơi trú ẩn rộng rãi tốt lành cho tất cả các giáo hữu lúc bình thời cũng như khi giông bão, và cũng là nơi đón nhận bao nhiêu người lương trở về cùng Chúa. Ông chết thánh thiện tại nhà ông năm 1648, thọ gần bát tuần.15

Nhưng ta hãy trở lại với Anrê trẻ. Khi các người Bồ Đào Nha kéo đến gặp thầy, thì thầy chắp tay lại, ngửa mặt lên tạ ơn Đức Chúa Trời, rồi quay mặt lại cảm ơn các bạn ngoại quốc đã tận tâm với mình như vậy. Giáo sĩ Đắc Lộ sau khi an ủi ông Anrê già, liền chạy lại ôm lấy thầy Anrê trẻ, hôn cây thánh giá của thầy, hai mắt ứa lệ, miệng nghẹn ngào không nói được nửa lời.

Tất cả những người Bồ Đào Nha lúc ấy cũng quỳ xuống dưới chân thầy, vừa hôn vừa khóc ròng ròng, xin người về Thiên đường nhớ cầu nguyện cho mình. Các giáo hữu và những người có mặt cũng bắt chước làm như vậy.

Thầy Anrê lấy làm xấu hổ vì sự kính chuộng ấy, song không biết làm thế nào tránh được, liền ngửa mặt lên trời, như có ý xưng mình chẳng đáng được kính chuộng như vậy, lại nói lớn tiếng rằng: “Tôi là kẻ rất có tội”, và xin mọi người cầu nguyện Đức Chúa Trời ban sức cho mình được chịu sự khó cho đến chết.

Đầy lòng tin cậy, thầy nói tiếp: thầy chẳng sợ cơn điên dại của kẻ dữ chỉ có thể giết mình phần xác, thầy chỉ sợ Đức Chúa Trời là đấng có quyền phạt cả hồn cả xác đời đời.16

Theo lời cha Đắc Lộ, các người Bồ Đào Nha rất ngạc nhiên được thấy một phong độ và nghe một ngôn ngữ như vậy. Họ đều nói rằng thanh niên có phúc này được Chúa Thánh Thần chẳng những ngự trong lòng, mà còn hiện ra ngoài dung nhan nữa.17

Quân lính và đồng bào ngoại giáo thấy cảnh tượng các người Au Châu, từ vị giáo sĩ đến ông chúa tàu và các thương gia, đều tôn kính một con trẻ nước mình như vậy, lấy làm ngạc nhiên vô cùng. Chẳng mấy chốc tiếng đồn lan ra khắp phố phường. Thiên hạ kéo đến đông nghịt chung quanh nhà lao, đủ mọi hạng người, lớn bé, đàn ông, đàn bà, bổn đạo hoặc bên lương.

Thầy Anrê đón tiếp mọi người rất niềm nở, và cảm ơn họ. Với anh em giáo hữu, mỗi lời thầy nói ra như một tia lửa yêu mến làm cháy lòng người. Thầy nói:

“Hỡi anh em, đối với Chúa Giêsu rất yêu dấu của ta, ta hãy lấy tình yêu đáp lại tình yêu. Chúa đã chịu chết đau khổ vì ta, ta hãy lấy sự sống đáp lại sự sống.”18

Thầy lại khuyên mọi người vững lòng trong nhân đức tin, và xin anh em bổn đạo đừng khóc lóc thương mình, vì mình về cùng Chúa để hưởng sự sống và hoan lạc đời đời.

Nghe những lời sốt sắng ấy, mọi người đều cảm động. Cả những người bên lương có mặt cũng tỏ ra động lòng, họ cảm phục lòng tin tưởng và can đảm của người thanh niên công giáo.

Thầy Anrê không bỏ lỡ cơ hội để khuyên bảo họ những điều tốt lành và giảng giải cho họ về đức tin mà thầy sắp đổ máu để bênh vực. Thầy nói:

“Các anh em thấy rõ tôi đây đã bị bắt và sắp phải chết, chẳng phải vì ăn cướp, giết người hay làm thiệt hại ai, mà chỉ vì tôi đã nhìn nhận Chúa tể Trời đất và Con Một Người xuống thế chịu chết chuộc tội cho ta. Mọi sự ta có đều do nơi Người. thế mà người ta lại muốn tôi phạm đến Người. Tôi chẳng sợ bất cứ hình phạt nào người ta có thể bắt tôi chịu, tôi chỉ sợ lửa hỏa ngục đời đời, là hình phạt dành cho kẻ từ chối không tin thờ Chúa Giêsu Kitô là Đức Chúa Trời thật. Hỡi anh em, anh em hãy coi chừng, đừng từ chối ơn Đức Chúa Trời muốn ban cho anh em, phải liệu sao cho khỏi bị xử phạt đời đời.”19

Những giờ sau hết

Như người lực sĩ mong sớm về tới đích vinh quang, thầy giảng Anrê, lực sĩ vô địch của đức tin, nóng lòng chờ đợi từng phút, giờ hạnh phúc của mình. Thầy năng hỏi lính: “Sắp đến giờ chưa? Tôi đã sẵn sàng rồi mà sao người ta chậm thế, còn chờ gì nữa?” Thầy lại thường nói:

“Tôi tưởng như cửa thiên đàng đã mở ra cho tôi, tôi thấy Chúa Giêsu đang đứng trước cửa đó để đón nhận tôi, bao nhiêu thánh tử đạo giơ cho tôi mũ triều thiên và cành thiên tuế. Ôi! Thiên đàng! Hạnh phúc dường nào! Mau mau cho tôi về thiên đàng! Tại sao người ta trì hoãn tôi lâu vậy.”20

Cảnh tượng này gây nên trong lòng giáo sĩ Đắc Lộ cảm tưởng như sau:

“Tôi thỏa mãn trong lòng nhìn thấy sự can đảm của một tinh binh trẻ tuổi của Chúa Giêsu. Trong sự đau khổ tột bực vì sắp phải mất thầy, tôi vẫn không ngớt khen Thiên Chúa, và trong lòng đầy sự yên ủi, vì Chúa đã ban sức mạnh cho một con trẻ để toàn thắng sự chết rất kinh khủng.”21

Mặc dầu thầy Anrê có thói quen cứ tám ngày xưng tội một lần22, và mới rước lễ sáng hôm qua, nhưng lúc này thầy muốn xưng tội lại để được trong sạch hơn, hầu ra trước tòa Chúa phán xét. Thầy cầm trí xét mình, ăn năn tội, rồi xưng tội rất mau chóng. Cha Đắc Lộ ghi chép:

“Thầy cáo mình một cách kỹ lưỡng, song tôi nói quyết rằng, tôi khó lòng tìm thấy điều gì đáng phải làm phép giải tội. Lương tâm rất trong sạch ấy chẳng làm cho tôi ngạc nhiên chút nào. Tôi đã quá rõ tấm lòng tinh tuyền vô tội mà thầy hằng gìn giữ, nhất là từ ngày chịu phép Rửa tội, cho nên tôi chẳng lấy làm lạ vì thấy trong sạch như Thiên thần”.23

Giáo sĩ viết tiếp:

“Trong hai năm liền, tuần lễ nào tôi cũng nghe thầy xưng tội, và thường thường tôi vẫn gặp khó khăn như vậy khi giải tội cho thầy. Đó là một tâm hồn thành thật, một lương tâm trong sạch, một trí tuệ minh mẫn. Mỗi lần thầy xưng tội, không lâu quá một kinh “Lạy Cha”, một kinh “Kính Mừng”. Tóm lại cuộc đời thầy giống hệt như đời một tập sĩ sốt sắng trong một dòng tu rất nghiêm ngặt.24

Đến đầu giờ thân – khoảng bốn giờ chiều – thầy giảng Anrê trông lên mặt trời, thấy hãy còn cao thì nói: “Sao mặt trời chẳng đi cho chóng?” Lúc ấy một người lính đến bảo đã sắp đến giờ đi xử, phải sửa soạn, muốn ăn gì thì ăn cho thong thả kẻo không kịp. Cha Đắc Lộ khuyên thầy nên dùng một chút của ăn để lấy sức đi đến pháp trường cách đó hơi xa. Giáo sĩ đã mang sẵn một ít đồ ăn nhẹ, thầy Anrê cầm lấy ăn một vài cái bánh, uống một ly nước, rồi nói thế là đủ, chẳng cần gì hơn nữa, “để dành ăn tiệc thịnh soạn trên thiên đàng” – theo cha Đắc Lộ25. Sau đó thầy làm việc tin, cây, kính mến Đức Chúa Trời, dâng phú mình cho Chúa, luôn luôn kêu tên Giêsu, Maria, và khiêm nhường cầu nguyện Ơn Trên nâng đỡ.

Nhóm Bồ Đào Nha cũng vẫn chưa rời người tù có phúc. Họ có ý ở lại xem xử án tường tận, để có thể làm chứng sau này. Họ nói rằng: “Từ khi lính đến báo tin, thầy Anrê càng vui vẻ hơn, diện mạo xem như Thiên thần”.26

Chú thích

(1) Đoạn này theo A.R Glorieuse mort, chương V-VI – P.B, Truyện Đàng Trão, đoạn 6.– Relacao, chương 10.

(2) P.B, Truyện Đàng Trão, tr.59

(3) và (4) P.B, Truyện Đàng Trão, tr.60

(5) Ông này 36 tuổi, sau về Ao Môn làm chứng, khai các sự thật trong cuộc tra án phong Thánh, cũng như các bạn đồng nghiệp khác.

(6) P.B, Truyện Đàng Trão, tr.61.

(7) P.B, Truyện Đàng Trão, tr.61. Chắc chắn đây là những sách của giáo sĩ Matteo Ricci xuất bản ở Bắc Kinh, nhất là cuốn sách phần “Thiên Chúa thực nghĩa”. Xem ch.III ở trên.

(8) P.B, Truyện Đàng Trão, tr.62-63

(9) P.B, Truyện Đàng Trão, tr.64

(10) (11) và (12) A.R Glorieuse mort, tr.38.

(13) A.R Glorieuse mort, tr.39-40 – Relation progrès foi, tr.50-51. Thái  độ sợ sệt của ông Nguyễn Phúc Vinh chẳng đáng lấy làm lạ mặc dầu ông là anh rể chúa Thượng và đã leo tới đỉnh danh vọng, tước Thanh quận công. Bởi vì trong chế độ quân chủ chuyên chế, tình anh em là một việc, nghĩa vua tôi lại là việc khác: chúa Thượng đã chẳng giết hai người em trai là gì?

(14) Đoạn này theo: A.R Glorieuse mort, ch.VI– Relation progrès foi, tr.51-53. Relacao chương 11 – P.B, Truyện Đàng Trão, đoạn 7.

(15) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.243-244– P.B, Truyện Đàng Trão, tr.66-68.

(16) A.R Relation progrès foi, tr.51 – Truyện Đàng Trão, tr.70– Relacao, chương 11.

(17) A.R Glorieuse mort, tr.42

(18) A.R Glorieuse mort, tr.44 – Đối chiếu Relacao ch.11

(19) A.R Glorieuse mort, tr.45

(20) A.R Glorieuse mort, tr.46

(21) A.R Glorieuse mort, tr.46

(22) A.R Glorieuse mort, tr.49 – Truyện Đàng Trão, tr.73

(23) A.R Glorieuse mort, tr.48

(24) và (25) A.R Glorieuse mort, tr.49

(26) Truyện Đàng Trão, tr.74

Kiểm tra tương tự

App Hành hương Dòng Tên có phiên bản tiếng Việt

App Hành hương Dòng Tên (Jesuit Pilgrimage), được phát hành từ cuối năm 2022 để …

Kinh “Lạy Nữ Vương Thiên Đàng” sẽ mang đến cho bạn niềm hân hoan Phục Sinh trong tích tắc

Bắt nguồn từ thế kỷ thứ 6, tương truyền kể lại rằng lời kinh “Lạy …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *