Bước vào tuần thánh của mình với Đức Giê-su

Một bạn trẻ chia sẻ rằng, từ khi nhận ra mình là kẻ bị phản bội, bao nhiêu suy nghĩ xấu và những ý định gây hại, muốn trả thù, làm nhục người kia… cứ ào ạt tấn công tâm trí. Điều tệ hại hơn, những tư tưởng xấu xa ấy lấy đi hết năng lượng và sức sống của em trong một thời gian dài. Các mối tương quan với người khác cũng bị tê liệt theo. Nhìn nơi đâu, em cũng thấy bất an và sự nghi ngờ ngày càng lớn mạnh. Cả mối tương quan với Thiên Chúa cũng bị rạn nứt, và em không thể ngồi cầu nguyện với Ngài như trước đây được nữa!

Sống lâu, chúng ta nhận ra cuộc đời nhiều lúc bạc như vôi. Xã hội sẵn sàng ném vào chúng ta nhiều sỏi đá khác nhau. Thử hỏi trên đời này, có ai không bao giờ gặp chuyện đau khổ, hoặc chẳng gặp khó khăn gì? Cho nên câu hỏi làm sao để tránh đau khổ, có lẽ là một câu hỏi ảo tưởng! Câu hỏi thực tế hơn, làm sao để tìm thấy được sự bình an và có thể sống hạnh phúc trong đau khổ?

Khoa học Tâm lý phát triển đưa ra những lời khuyên tốt, phần nào giúp con người biết chấp nhận và tìm những cách thế hữu ích để vượt qua các cuộc khủng hoảng. Nhưng để đi đến một sự chữa lành thực sự thì sao? Theo thống kê của các nhà làm tư vấn, những người có niềm tin nơi một tôn giáo nào đó, thường thường họ sẽ vượt qua những đau khổ và khủng hoảng trong cuộc sống dễ dàng hơn những người vô tin.

Có lẽ điều chúng ta ao ước và tìm kiếm là sự chữa lành thực sự. Hay nói một cách khác, con người nói chung và người Ki-tô hữu nói riêng cần học và nhận ra ý nghĩa huyền nhiệm của đau khổ. Theo cái nhìn của Ki-tô giáo, không phải mọi đau khổ đều xấu. Có những đau khổ cao thượng và đem lại sức sống cho cuộc đời.

Phụng vụ mùa Chay năm B mời gọi chúng ta bước vào cuộc thương khó của Chúa Giê-su theo Tin Mừng của thánh Mác-cô.[1] Tin Mừng theo thánh Mác-cô: nhấn mạnh về sự đau khổ của Chúa Giê-su. Ngài bị từ chối một cách bi thảm, bị kết án bất công, bị đánh đập dã man, bị xúc phạm khủng khiếp và bị nhiều nhóm đối xử tàn tệ… Chắc hẳn, những sự kiện thánh sử Mác-cô ghi lại về cuộc thương khó của Đức Giê-su, mà chúng ta sẽ đọc trong Tuần Thánh, không chỉ nhắm đến việc tường thuật lại các sự kiện đã xảy ra với Đức Giê-su trong những ngày đen tối như một bộ phim kinh dị của Hollywood, nhưng nơi ấy còn ẩn chứa sự thánh thiêng và tình yêu vô biên.

Đức Giê-su là Con Yêu Dấu của Thiên Chúa, nhưng Ngài không được miễn trừ về đau khổ. Các sách Tin Mừng đều ghi lại Ngài bị phản bội, bị người khác ghen ghét, bị đám đông ném đá…. Có thể nói, Ngài phải hứng chịu sự cay đắng tột cùng nhất của thế gian dành cho Ngài là chết nhục nhã như một tên tội phạm nguy hiểm. Thế gian cố gắng „vận dụng” tất cả sự hiểm độc và sự gian ác để nhấn chìm Đức Giê-su. Nhưng sự dữ và đau khổ mà thế gian dùng để hạ bệ Đức Giê-su, thì chúng chẳng làm gì được Ngài. Đâu là bí quyết của Đức Giê-su?

Nếu chỉ nhìn cuộc thương khó của Đức Giê-su nơi những sự kiện đã xảy ra, ta thấy Ngài thật đáng thương và tội nghiệp. Ngẫm nghĩ xa hơn một chút, chúng ta nhận ra tình cảnh của Đức Giê-su chính là tình trạng của nhiều người chúng ta hiện nay. Đi sâu hơn một chút nữa vào trong tâm hồn của Đức Giê-su, chúng ta sẽ thấy một sự hoàn toàn khác lạ. Không giống như những gì đang diễn ra ở bên ngoài, tâm hồn Ngài hoàn toàn bình an và thanh cao. Chúng ta có thể nhận ra sự bình an lạ thường này nơi Đức Giê-su qua những chi tiết mà các sách Tin Mừng ghi lại: an ủi những người khóc thương Ngài; cầu nguyện và tha thứ cho những kẻ đang làm hại mình….

Nhìn theo những sự kiện đang diễn ra ở bên ngoài, Đức Giê-su là người thất bại toàn tập. Ngài đang bị dẫn đến một cái chết tức tưởi và nhục nhã. Ngài đang bị sự hận thù, sự giận dữ và bạo lực bủa vây mà không làm gì được. Còn những điều diễn ra ở sâu thẳm bên trong Ngài là lòng tin tưởng, sự phó thác và bình an đón nhận. Nhìn kỹ vào bức tranh cuộc thương khó, ta sẽ nhận ra hai chuyển động tương phản ấy: Ngài không lấy sự cay đắng đáp trả lại sự phản bội; Ngài chẳng lấy sự giận dữ đáp trả lại sự ghen ghét.[2] Ngài chỉ lấy tin yêu, phó thác và tha thứ để chiến đấu với hận thù và bạo tàn. Con đường thập giá của Đức Giê-su, mà chúng ta được mời gọi suy niệm vẫn mãi là con đường khó hiểu và dễ gây hiểu lầm. Con đường ấy luôn bị người đời coi là điên rồ, nhưng đó là con đường khôn ngoan của Thiên Chúa. [3]

Trong thinh lặng, chúng ta bước theo chân Đức Giê-su vào tuần thánh. Học nơi Ngài những bước đi vững chắc trên sỏi đá của cuộc đời, nhờ lòng tin yêu và phó thác nơi Thiên Chúa. Dĩ nhiên, lòng tin yêu và sự phó thác không có nghĩa là một sự đảm bảo cho chúng ta sẽ không gặp phải khó khăn gì, hay chẳng còn sợ hãi trước sự dữ, nhưng chắc chắn đảm bảo cho chúng ta một sự bình an đích thực trong cơn nguy khốn và đối diện với nghịch cảnh cuộc đời bằng sự khôn ngoan của Thiên Chúa.

Bạo lực, thù ghét, giận hờn… đã lầm tưởng rằng chúng sẽ nuốt chửng Người Con Yêu Dấu của Thiên Chúa, nhưng các thế lực ấy đã bị đánh bại hoàn toàn bởi một tình yêu, sự tha thứ và lòng tín thác. Chính tình yêu và sự tha thứ là liều thuốc thần dược chữa lành mọi vết thương. Nhưng thuốc này đắng lắm và không dễ nuốt![4]

Tất cả chúng ta đều có cuộc thương khó riêng của mình. Bước vào tuần thánh, chúng ta được mời gọi mở lòng và đi vào cuộc thương khó với Đức Giê-su, để Ngài chỉ dạy cho chúng ta biết sống cuộc thương khó của riêng mình. Cuộc thương khó nào cũng vậy, nhìn bên ngoài, chúng luôn xấu xa và đáng sợ. Nhưng nếu chúng ta biết đối diện với nó như cách thức mà Đức Giê-su đã làm: dùng tin yêu, phó thác và tha thứ để chiến đấu với hận thù và bạo tàn, thì „cuộc thương khó của chúng ta” sẽ trở nên tốt lành và hòa bình sẽ hiện diện trên mặt đất này.

Cầu chúc cho nhau bước vào Tuần thánh với nhiều lòng sốt mến! Amen.

Giu-se Trần Văn Ngữ, SJ

…………..

[1] Mc 14,1 – 15,57.

[2] Theo như nhận định của cha Ronald Rolheiser, OMI (nhà thần học và nhà văn thiêng liêng): Thứ Sáu Tuần Thánh chuyển từ xấu xa thành tốt lành, chính là nhờ Đức Giê-su. Ngài không đi theo con đường của sự dữ – cay đắng, hận thù, hay giận dữ, nhưng đi theo con đường của sự thiện – tình yêu, tin tưởng và tha thứ.

[3] „Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ” (1 Cr 1,22-23).

[4] Lời xin của hai người con ông Dê-bê-đê (Mc 10,35-40).

Kiểm tra tương tự

10 bước để củng cố Hội Thánh tại gia

  Gia đình là thể chế đầu tiên trên thế giới được Thiên Chúa thiết …

5 cách để mừng lễ Thánh Gia Thất

  Lấy cảm hứng từ các sách Phúc âm, chúng tôi chia sẻ năm cách …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *