Linh mục Phê-rô TRƯƠNG VĂN PHÚC, SJ
1. NÉT ĐẶC TRƯNG CỦA ĐẶC SỦNG I- NHÃ
Khi đề cập đến Linh Đạo I-Nhã, người ta luôn nhắc đến hai công thức diễn tả nét đặt trưng của đặc sủng I-Nhã, đó là: TÌM CHÚA TRONG MỌI SỰ ( Finding God in all things) và CHIÊM NIỆM TRONG HOẠT ĐỘNG ( Contemplative in action).
Công thức TÌM CHÚA TRONG MỌI SỰ ( Finding God in all things) đã được chính thánh I-nhã dùng trong Linh Thao và trong Hiến Luật. Trong Linh Thao, bài CHIÊM NIỆM ĐỂ ĐƯỢC TÌNH YÊU, phần tiền nguyện 2, Thánh I-nhã đề nghị người tập Linh Thao “Xin ơn được hiểu biết thâm sâu về bấy nhiêu ơn lành đã lãnh nhận; để với lòng biết ơn sâu xa, tôi có thể yêu mến và phụng sự Chúa chí tôn trong mọi sự”[1]. Trong Hiến Luật Dòng Tên, phần huấn luyện tập sinh, thánh I-nhã nhắc nhở: “Phải thường xuyên khuyến khích tập sinh tìm kiếm Thiên Chúa là Chúa chúng ta trong mọi sự, hết sức giũ bỏ khỏi mình lòng yêu mến mọi thứ thụ tạo, để đặt lòng yêu mến nơi Đấng tạo dựng nên chúng, yêu mến Người trong mọi sự và mọi sự trong Người, phù hợp với ý muốn rất thần thánh của Người”[2] .
Công thức CHIÊM NIỆM TRONG HOẠT ĐỘNG chưa được thánh I-nhã dùng bao giờ. Công thức này do cha Jerome Nadal ( 1507-80) sử dụng để giải thích điều được thánh I-nhã đề cập trong LT 233 và HL288, đó là “ TÌM CHÚA TRONG MỌI SỰ”. Cha Jerome Nadal được biết đến như một người giải thích trung thành những suy nghĩ của thánh I-nhã. Năm 1553, khi gởi cha Nadal đi phổ biến Hiến Luật, chính thánh I-Nhã cũng nói: “ Cha ấy biết suy nghĩ của tôi và có cùng thẩm quyền giải thích như tôi”[3]. Khi nói về tương quan giữa cha I-nhã và cha Jerome Nadal, cha Juan Polanco viết: “ Ngài biết cha giáo I-nhã của chúng ta rất rõ, vì ngài có nhiều liên lạc với cha giáo, và dường như ngài là người hiểu biết tinh thần của cha I-nhã, cũng như hiểu Dòng của chúng ta hơn bất cứ ai mà tôi biết trong Dòng”[4].
2. CHIÊM NIỆM TRONG HOẠT ĐỘNG – MỘT ĐẶC ÂN
Công thức “ CHIÊM NIỆM TRONG HOẠT ĐỘNG” xuất hiện 1 lần duy nhất trong bản văn do cha Jerome Nadal ( 1507-80) viết vào năm 1557, sau khi thánh I-nhã qua đời 1 năm, khi mô tả sự gần gũi của Thánh I-nhã trong cầu nguyện đối với Chúa Ba Ngôi: “Đôi lúc ngài chiêm ngắm sự hiệp nhất của Chúa Ba Ngôi, đôi khi ngài chiêm ngắm từng Ngôi một. Thánh I-nhã đã nhận phương pháp cầu nguyện này ngang qua một ân huệ lớn lao mà Chúa ban riêng cho ngài. Nhờ vậy, trong mọi sự, dù là trong các hoạt động hay trong các cuộc chuyện trò, ngài có thể cảm thấy hay chiêm ngắm sự hiện diện của Thiên Chúa và đồng thời tình yêu dành cho những thực tại tinh thần, như thế, ngài là người chiêm niệm trong hoạt động ( là tinh thần mà ngài đã dùng để hiểu cách nói: Thiên Chúa phải được tìm thấy trong mọi sự”[5].
Ta có thể được hiểu thực tại CHIÊM NIỆM TRONG HOẠT ĐỘNG tương tự như một tương quan thân thiết được dưỡng nuôi qua tháng năm dài giữa hai người bạn. Người này vẫn ý thức về sự hiện diện của người kia ngay cả khi họ ở xa cách nhau, hay cả khi họ không liên lạc trực tiếp với nhau. Tuy họ không đang chuyện trò với nhau, nhưng ở thâm sâu cõi lòng họ vẫn đang kết nối với nhau. Chiêm niệm trong hoạt động của Thánh I-nhã cũng mang mối tương thiết thân với Thiên Chúa theo cũng một cách thức như vậy.
Bằng tương quan gắn bó gần gũi với Thiên Chúa trải dài qua năm tháng, chúng ta cho phép Thánh Thần biến đổi mình trở thành một dân mang hình ảnh của Thiên Chúa như chính Chúa đã tạo dựng nên chúng ta ngay từ thuở ban đầu. Nói khác đi, Thánh Thần biến đổi làm cho chúng ta ngày càng trở nên giống Chúa Giê-su, Đấng luôn chiêm niệm trong hoạt động.
3. SỐNG TINH THẦN CHIÊM NIỆM TRONG HOẠT ĐỘNG
Sống tinh thần CHIÊM NIỆM TRONG HOẠT ĐỘNG trước tiên là sống sự phó thác chính mình cho Thiên Chúa, hay trở nên chính mình trước mặt Thiên Chúa, như Thánh Vịnh 46:11 khuyên: “Dừng tay lại: Hãy biết Ta đây là Thiên Chúa!”. Trước khi hành động, chúng ta cần nhận thức rằng tốt nhất là chúng ta phải trở nên chính mình trước mặt Thiên Chúa, Đấng yêu thương chúng ta như một con người với những tài năng và lầm lỗi của mình. Thường thì những lúc dừng lại như thế, chúng ta sẽ không khỏi ngạc nhiên tự hỏi: Phải chăng Thiên Chúa muốn tôi có phẩm tính này, hay có ước ao nọ? Phải chăng Thiên Chúa yêu cả vẻ đẹp lẫn sự hỗn độn xấu xí nơi tôi? Cha Walter Burghardt,SJ nói rằng: Chiêm niệm là nhìn vào thực tại bằng một cái nhìn lâu dài và yêu thương. Trước khi chúng ta nhìn lâu dài và yêu thương ai đó hay yêu thương điều gì đó, chúng ta phải cho phép Thiên Chúa có cái nhìn yêu thương và lâu dài ấy đối với mình.
Sống tinh thần CHIÊM NIỆM TRONG HOẠT ĐỘNG kế đến là chú tâm khám phá ra sự có mặt của ân sủng Thiên Chúa ban ngay tại nơi chúng ta đang sống và trong những gì chúng ta đang làm. Trong các dấn thân phục vụ tha nhân, nhất là phục vụ anh chị em nghèo, chúng ta cần phải nhìn và lắng nghe hơn là cố áp đặt ý tưởng của mình về những gì mình nghĩ là họ đang cần, để rồi những dấn thân của chúng ta vừa vun trồng được các mối tương quan bình đẳng và thấm đượm tình liên đới với tha nhân, nhưng đồng thời cũng tránh được tình trạng mà Chúa Giê-su đã nói trong Tin Mừng Mattheu 13:13:” Họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu”. Sống tinh thần Chiêm Niệm Trong Hoạt Động là cho phép người khác trở nên một Dụ Ngôn hay một mầu nhiệm đang được mạc khải cho chúng ta, và như thế chúng ta phải cần đến ơn Thiên Chúa ban mới có thể yêu thương và thấu hiếu được họ.
Sống tinh thần CHIÊM NIỆM TRONG HOẠT ĐỘNG cuối cũng là dấn thân yêu thương một cách vô điều kiện. Chúng ta được mời gọi yêu thương người nghèo, người đói, người đau yếu, người trong lao tù, người cô đơn hay người bị gạt qua bên lề xã hội dưới mọi hình thức. Thế nhưng, tình yêu đích thực thì vượt xa những cảm xúc nhất thời. Tình yêu cần phải được đặt nền trên thực tế. Một khi chúng ta biết rằng, chúng ta đã được yêu một cách vô điều kiện, thì chúng ta được tự do trao ban tình yêu ấy cho người khác. Một khi chúng ta biết dành giờ để nhìn và để lắng nghe, thì chúng ta đã chuẩn bị mình tốt hơn để hành động với một tình yêu mang tính thiết thực đáp ứng được nhu cầu của tha nhân.
Trở nên người “ CHIÊM NIỆM TRONG HOẠT ĐỘNG” đồng nghĩa với việc chúng ta để đời sống hoạt động nuôi dưỡng đời sống chiêm niệm và để cho đời sống chiêm niệm khuôn đúc nên đời sống hoạt động của mình trong một vòng hỗ tương không bao giờ ngừng. Chiên niệm cho phép chúng ta canh tân đời sống hoạt động của mình ( như làm việc, giải trí, xây dựng tương quan) đến độ tất cả những gì chúng ta thực hiện không trở thành hành động vô hồn, nhưng trở thành hành động tôn vinh Thiên Chúa.
CHIÊM NIỆM TRONG HOẠT ĐỘNG cùng một lúc huấn luyện chúng ta cách thức hiện hữu của mình, cách thức nhìn và lắng nghe thế giới của mình và cách thức yêu mến mọi loài tạo vật như buổi ban đầu khi được chính Thiên Chúa sáng tạo, nhìn và yêu thương. Như vậy, CHIÊM NIỆM TRONG HOẠT ĐỘNG là con đường dẫn chúng ta đến với sự thánh thiện, nghĩa là con đường giúp chúng ta trở nên giống Thiên Chúa. Con đường ấy đã được Chúa ban cho Giáo Hội ngang Thánh I-nhã và Dòng Tên, nhằm cho Vinh Danh Chúa Hơn.
[1] LT 233
[2] HL p3.c1.26 s.288
[3] MonNad, I,144 ( 10 April 1553)
[4] EppIgn, V, 109 ( 7 June 1553)
[5] MHSJ MN,v.162
Cám ơn Cha bài viết Chiêm Niệm trong Hoạt Động.
Cụm từ ấy, thoạt nghe, có vẻ của các đan sĩ trong các đan viện, những người vừa cầu nguyện vừa làm “việc tay chân”. Có vẻ nó rất khó cho những người không phải là tu sĩ, sống trong xã hội mà các thông tin, các hoạt động đều diễn ra thật nhiều và rất nhanh trong cùng một khoảng thời gian; trong một cuộc sống mà dường như người ta không có đủ giờ để suy nghĩ những gì thuộc nội tâm, tâm linh.
Vâng, nhưng khi thực hành CNTHĐ, thì thấy việc này không khó. Trong ngày sống, khi đang tiếp cận với các đối tượng, ta ý thức “nhìn và lắng nghe” một vài thụ tạo (con người, cảnh, vât) của Thiên Chúa, trong sự hiện diện của Ngài, rồi sau đó trao đổi suy tư của mình với Ngài thì thật là thú vị, hoặc là được an ủi. Thú vị vì nhận ra quà tặng Ngài ban, được an ủi vì thấy vấn đề của mình sáng ra.