Cuối cùng

 

Đời người ai cũng đến lúc cuối cùng, đó là lúc mà người ta kết thúc mọi sự nơi trần thế này dù hoàn tất hay vẫn còn dang dở. Điểm cuối cùng ấy có thể là điểm mà nhiều người mong muốn, nhưng cũng có kẻ sợ hãi trốn chạy vì… thực tại ấy kinh khủng quá. Cành cây kia có bao giờ nghĩ đến lúc chiếc lá cuối cùng rơi xuống cách phũ phàng bỏ lại thân cây trơ trọi giữa cái nắng cay nghiệt. Cây cũng chẳng bao giờ nghĩ rằng có lúc không còn khả năng hút thêm chút dưỡng chất nào từ lòng đất và từ sự quang hợp. Cây cũng đâu nghĩ tới một ngày nhựa sống cạn dần và tất cả trôi vào… quên lãng. Sự còng queo báo hiệu cho một sự kết thúc của kiếp cây. Người ta cũng thế thôi.

 

Nhưng con người và bao sinh vật khác liệu có khác nhau? Hẳn là có khác. Đành rằng định luật tự nhiên quy định mọi hữu thể có sinh rồi có tử, có khởi ắt có kết, nhưng dù cái định luật ấy có phổ biến ngần nào đi chăng nữa, thì giữa con người và bao sinh vật khác vẫn không giống nhau. Có người bảo rằng vì con người có lý trí và sự tự chủ, nên sự khác biệt ấy rất rõ ràng. Với tôi, tri thức hiện tại chưa cho phép tôi chứng minh cách khẳng khái như thế, nhưng tôi đánh giá sự khác nhau dựa trên chính thái độ đối mặt với vấn đề giữa con người với bao nhiêu sinh vật khác. Rõ ràng con người có lựa chọn để có một cái kết cho đời mình như thế nào. Hẳn họ có thể khao khát đi đến điểm cuối vì họ đã hoàn tất những gì họ mong muốn. Họ thao thức được hoàn tất cuộc sống cách hoàn hảo mà điểm cuối là cột mốc. Nhưng… đâu đó vẫn có người vẫn dây dưa với những ray rứt của kiếp người chưa kịp nguôi ngoai.

 

Có bao giờ tôi dám đặt mình vào một thực tại phải đến và suy ngẫm xem mình sẽ và phải đối mặt với thực tại cuối cùng ấy như thế nào không? Hẳn cũng có lúc tôi đã, nhưng liệu có dám thực hiện những gì tôi hạ quyết tâm ở hiện tại hay không? Hay chỉ cố một quãng rồi thôi! Tôi đã ngừng lại nỗ lực bản thân chỉ vì không cảm thấy cái điểm cuối cùng ấy gần gũi với mình cũng như chẳng có gì liên quan. Hình như cái thực tại ấy nằm ở đâu ngoài mình và, nếu không muốn nói, chúng chẳng dính líu tới những phúc hạnh mà hiện tại tôi đang thụ hưởng.

 

Nhưng… chính những thực tại ngoài lề ấy lại tiên trưng cho thực tại cuối cùng của chính tôi. Tôi đã dám bước một vài bước chân và hẳn đã cảm chút gì đó niềm hạnh phúc cũng như gặt hái ít nhiều hoa trái. Một ít thất bại vất vưởng trên đường đi cũng là điều khó tránh mặt. Nhưng tôi có đọc ra đàng sau hoa trái và thất bại ấy là gì không? Đó là hai con đường cho cuộc đời. Tôi đã có thể thành công và cũng đã có thể thất bại. Nguyên cớ cho sự thành công là thất bại một vài lần. Nguyên cớ cho sự thất bại là thành công quá nhiều lần. Tôi thấy đời mình đan xen những nước mắt – nụ cười, để lúc nào đó tôi đã bị cuốn vào chính những thành quả hay hậu quả hơn là những thực tại và cùng đích đàng sau chúng.

 

Tôi đã thấy cỏ cây đi đến điểm cuối cùng. Tôi đã thấy muôn chim thú đi tới điểm cuối cùng. Tôi cũng thấy vạn vật đi đến điểm cuối. Tôi cũng thấy những con người quanh tôi đang đi đến điểm cuối cùng của họ với những tiếng khóc – nụ cười. Tôi hiểu rằng… tôi cũng đang tiến về điểm cuối của đời mình chỉ là không biết xa hay gần mà thôi. Tôi muốn khóc hay cười? Tôi muốn thành công hay thất bại? Tôi muốn cái kết có hậu hay đoản hậu? Vâng!… Tôi đã thấy, nhưng…

Little Stream

Kiểm tra tương tự

Thầy Phó tế Giuse Trần Ngọc Huynh, S.J. – Nguyện sống đời phục vụ, trở nên bạn đường của Thiên Chúa

  Vào ngày 3/12/2024, tại Nhà thờ Giáo xứ Hiển Linh, Thủ Đức, Tổng Giáo …

Bộ Phong Thánh công bố Sắc Lệnh về cuộc tử đạo của Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp

  Trong buổi tiếp kiến vào ngày 25 tháng 11 năm 2024, dành cho Đức …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *