Hành trình Thương Khó (13): Lạy Cha, xin tha thứ!

Các bạn trẻ thân mến,

Có lẽ chẳng ai trong chúng ta khi chứng kiến cảnh tượng hành hình của Đức Giêsu mà không có chút sợ hãi. Hình phạt bị đóng đinh treo trên cây thập giá thời xưa chỉ dành cho những ai phạm trọng tội vô cùng nguy hiểm. Tử hình theo hình thức này không chỉ là một cuộc đọa đày thân xác, nhưng còn là một sự xúc phạm đến trọn vẹn nhân phẩm tử tù bị hành quyết. Cái chết không đến một cách nhanh chóng như bổ một ngọn đao qua cổ, nhưng đến một cách từ từ, khiến người bị đóng đinh phải chịu đựng sự dai dẳng của nỗi đau trên thân xác. Người bị hành quyết còn bị lột trần truồng, treo lên cao để cho người ta nhìn thấy. Vừa chịu cái đau vì thương tích, vừa nghe những lời phỉ báng nhục mạ, cái chết cứ thập thò ở đó. Chẳng có một nỗi kinh hoàng nào khiếp khủng đến thế.

Chỉ cần một mũi kim đâm qua da, hay vô tình bị con dao sắt cắt ngón tay, ta đã hốt hoảng và sợ sệt. Ấy vậy mà đôi bàn tay và bàn chân của Giêsu đã bị những đinh sắt to lớn từ từ đóng xuyên qua, đính chặt thân xác Ngài với cây gỗ. Từng nhát búa bổ xuống là từng miếng thịt bị xé toang, từng miếng da bị đứt đoạn. Không chỉ một lần giáng xuống, nhưng là cả chục lần. Không chỉ một cánh tay nhưng là toàn bộ tứ chi. Trước sự đau đớn của Ngài, dân chúng đứng chung quanh hò hét, Thượng tế và Kinh sư cười thầm vì đã hạ được một mối nguy cho vị thế và quyền lực của họ, quân lính thì ra sức thực thi bổn phận chẳng chút tiếc thương. Giêsu đã không một lời nguyền rủa, không một lời trách cứ. Trái lại, với chút sức lực ít ỏi còn lại của mình, Ngài cố thều thào đôi ba chữ: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm.”

Nếu là chúng ta, hẳn là chúng ta sẽ buông ra những lời cay nghiệt, chửi rủa những con người bội nghĩa vô ơn kia, sẽ chúc dữ cho những vị lãnh tụ mưu mô thâm độc đang ở đó, sẽ nguyền rủa cho những tên lính đang nỡ ra tay tàn độc trên thân xác ta. Thế nhưng, khác với chúng ta, Giêsu đã không có một kiểu hành xử ăn miếng trả miếng như vậy. Trái tim từ ái của Ngài không có chỗ cho những lời cay nghiệt, không có chỗ cho những hận thù. Tất cả chỉ là tình thương, dù người kia có đối xử thế nào với mình đi chăng nữa. Khi yêu, người ta luôn có thể tìm ra được lý do để tha thứ. Lí do của Chúa Giêsu là: “chúng không biết việc chúng làm”. Khi yêu, người ta chẳng những không chấp tội người mình yêu, mà còn xin những người khác cũng đừng chấp tội người yêu của mình. Một Giêsu uy phong mạnh mẽ năm xưa, đã trở nên vô cùng yếu đuối vì tình yêu. Nhưng nếu tình yêu có thể làm cho người ta trở nên yếu đuối thì nó cũng ban cho người đang yêu một sức mạnh để chịu đựng tất cả, hy sinh tất cả vì người mình yêu, mà vẫn cảm thấy hạnh phúc.

Giêsu biết, lấy bạo lực đối lại bạo lực không phải là cách. Dùng vũ lực để mua lấy hòa bình là một lối hành xử sai. Rốt cuộc, hận thù cũng sẽ chất thêm hận thù, và con người sẽ không bao giờ có được bình an đúng nghĩa. Chỉ có sự tha thứ mới hòa giải tất cả. Tha thứ là phương thuốc xoa dịu mọi độc dược, là cách duy nhất để hàn gắn các tương quan, và làm cho tình người thêm mặn nồng hơn nữa. Lấy tha thứ đối lại hận thù, đó mới thực là một gương cảm hóa cho người khác. Bài học này ai cũng biết, nhưng chẳng mấy ai trong chúng ta đủ can đảm để áp dụng, vì để có thể tha thứ, ta phải chịu thiệt thòi nhiều điều, phải hy sinh, phải kìm nén. Đây vốn dĩ không phải là thói quen thường ngày của chúng ta. Mỗi khi có ai gây điều bất trắc cho chúng ta, điều đầu tiên ta nghĩ đến là tìm cách gây ra điều tương tự cho họ. Có khi ta bất chấp tất cả, kể cả tiền bạc và thời gian, cốt chỉ để khiến cho đối tượng kia phải gánh lấy những gì họ đã gây ra cho ta. Thế rồi, ta được gì sau những trận chiến ấy? Chỉ một chút cảm giác thỏa mãn, nhưng rồi biết bao mất mát, thiệt hại, hoang tàn và đổ vỡ. Có khi, một cuộc trả thù của ta còn gây ra bao thiệt hại cho những người khác không liên quan. Ta tự tạo thêm kẻ thù cho mình. Ta tự biến cuộc sống của mình thành hỏa ngục. Ta tự biến mình thành nô lệ của hận thù và cảm xúc. Chẳng được gì thêm, nhưng ta còn mất đi nhiều điều.

Giêsu đã dâng tất cả những hy sinh của mình lên Chúa Cha, để chỉ xin Cha một điều là ơn tha thứ cho toàn thể nhân loại. Ngài đánh đổi ơn cứu độ cho chúng ta bằng mạng sống của chính Ngài. Ước gì, nhờ sự hy sinh cao cả của Ngài, mà chúng ta được mở mắt ra hơn, biết mình đang làm gì, biết mình đang hành xử thế nào, để không còn đóng đinh một ai vào thập giá nữa. Ước chi, ta cũng biết noi gương Giêsu, nghĩ đến tha thứ hơn là trả thù, biết lấy tình yêu để hành xử với người khác, không lấy bạo lực để đối đầu bạo lực nhưng luôn hy sinh để mưu cầu hạnh phúc cho mọi người.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Kiểm tra tương tự

Bộ Phong Thánh công bố Sắc Lệnh về cuộc tử đạo của Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp

  Trong buổi tiếp kiến vào ngày 25 tháng 11 năm 2024, dành cho Đức …

Tin vui từ Vatican: Công nhận Cuộc Tử đạo của Cha Trương Bửu Diệp

Ngày 25 tháng 11 năm 2024, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho phép Bộ Phong …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *