Suy Tư Chúa Nhật 26 TNC: Sự hào phóng dẫn đưa đến điều thiện hảo

Ở mỗi kỳ chuyển nhượng, các ngôi sao bóng đá có những hợp đồng bạc tỷ. Các công ty lớn có thể ký những hợp đồng triệu đô… Phải chăng những người giàu, ngày càng trở nên giàu có hơn; còn những người nghèo, thì vẫn nghèo bền vững? Nếu điều này đúng, và thực tế đúng là như vậy! Bạn có cảm thấy khó chịu không? Phản ứng của bạn là gì? Không dễ trả lời. Phần lớn, chúng ta cho rằng như thế là không công bằng. Nhưng trớ trêu thay, chúng ta chống đối lại “sự không công bằng ấy”, với lòng ghen tỵ, và “phản đối” với con mắt thèm thuồng: ước gì mình cũng được như thế! Nói một ngắn gọn, ai cũng thích sự giàu sang, hơn là sự nghèo khó.

Người ta thường nghĩ rằng, giàu sang là dấu hiệu chúc lành của Thiên Chúa, và nghèo khổ là sự nguyền rủa. Một người phải chịu cảnh nghèo nàn và bệnh tật như La-da-rô, trong bài Tin Mừng hôm nay,[1] có lẽ là do mắc tội, hoặc do sống không tốt… nên mới bị nghèo khổ và bệnh tật như thế. Trong các sách Tin Mừng, nhiều lần Đức Giêsu thách thức cái nhìn có vẻ logic này của chúng ta. Ví dụ, Ngài tuyên bố: “điều cao trọng đối với người đời lại là điều ghê tởm trước mặt Thiên Chúa.[2]

Ngược lại, có những người chạy sang thái cực bên kia. Họ dễ dàng đưa ra kết luận: người giàu bị trừng phạt, còn kẻ nghèo được thưởng. Họ nhầm tưởng rằng Đức Giêsu cổ súy cho sự nghèo nàn và khốn khổ. Không. Đức Giêsu không bao giờ “lý tưởng hóa” cái nghèo khổ và coi sự giàu có là xấu xa. Thực ra, Ngài dạy cho chúng ta biết rằng, Thiên Chúa là Đấng giàu có, chứ không phải là nghèo đói. Ngài đến với chúng ta, để chúng ta được sống dồi dào, chứ không phải để sống trong nghèo túng.[3] Và chính những người nghèo, không thích bị nghèo mãi. Nhưng cái nghèo vẫn luôn tồn tại, vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Có thể, nghèo là do lỗi của chính chúng ta; có khi là do lỗi của hệ thống xã hội. Nhưng cho dù vì lý do nào đi nữa, thì sự nghèo đói là điều cần phải vượt qua và xóa bỏ.

Nhưng tại sao, rất nhiều lần Đức Giêsu cảnh báo cách mạnh mẽ và dứt khoát: của cải là sự nguy hiểm. Người giàu có, khó vào Nước Thiên Chúa.[4] Vậy chúng ta cần có quan niệm thế nào về sự giàu có?

Trước tiên, chúng ta cần nghiêm túc suy gẫm những lời cảnh báo của Đức Giêsu về sự nguy hiểm đến từ sự giàu có. Nhưng chính Thiên Chúa chúng ta là Đấng “giàu có” và hào phóng, cho nên sự giàu có tự nó không phải là xấu. Chính cách sử dụng của cải như thế nào, mới là điều gây hại cho tâm hồn của chúng ta. Có những người giàu hào phóng, họ bắt chước Thiên Chúa, sự giàu có và hào phóng làm cho tâm hồn họ lành mạnh. Có những người giàu bủn xỉn, họ đóng kín cửa lòng với người xung quanh, loại giàu này nguy hiểm và gây hại cho tâm hồn.

Chúng ta cần ghi khắc trong con tim mình: tập sống quảng đại, sẵn sàng chia sẻ và cho đi những gì mình có. Chúng ta cần làm như vậy, ngay cả khi thấy mình chưa giàu có như những người khác. Chúng ta cần san sẻ những gì mình có, không phải bởi người nghèo cần những thứ đó từ chúng ta, mặc dù họ cần thật; nhưng điều quan trọng và đáng quý hơn, sự chia sẻ và cho đi, sẽ làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên lành mạnh hơn.

Cái nhìn khôn ngoan trong đời sống đức tin dạy cho chúng ta biết: chúng ta chỉ là những người lữ hành trên dương gian. Mọi sự ta có và những điều thuộc về ta, đều là món quà đến từ Thiên Chúa. Chúng ta không phải là chủ sở hữu, mà chỉ là người quản lý mà thôi. Chính Thiên Chúa là ông chủ. Ngài giao mọi sự cho ta sử dụng, để kiến tạo những điều tốt đẹp cho mọi người. Tất cả những gì chúng ta có và những điều thuộc về chúng ta, chúng không phải “của riêng” của chúng ta. Cho nên, chúng ta cần trở nên người quản lý khôn ngoan, chứ không phải là những ông chủ, bà chủ hà tiện, chỉ biết vun vén cho lợi ích của riêng mình. Mặc dù, sự lao động vất vả đem lại cho chúng ta những gì được coi là “của riêng” tôi. Nhưng các thành quả lao động của chúng ta, cũng là thành quả lao động của người khác nữa. Thật trớ trêu, là chúng ta quá dễ dàng quên mất điều này.

Các truyền thống tôn giáo đều công nhận quyền sở hữu cá nhân và quyền tư hữu. Nhưng bên cạnh đó, các tôn giáo đều đưa ra giới hạn luân lý đối với quyền sở hữu tài sản cá nhân. Chúng ta ý thức rằng, không ai là một cá nhân tiêng lẻ. Tất cả chúng ta đều thuộc về và sống trong cộng đồng. Cho nên, có thể nói, chẳng có gì hoàn toàn là của riêng tôi.

Dụ ngôn trong bài Tin Mừng hôm nay, Thiên Chúa không nhìn vào ví tiền, không dựa trên số tiền bạn có để phán xét, nhưng Ngài thưởng phạt theo tấm lòng của bạn dành cho anh chị em mình. Tất cả chúng ta được nhắc nhở: hãy biết sử dụng của cải một cách khôn ngoan. Đừng như ông nhà giàu, vì quá yêu và coi trọng tiền bạc, cho nên đôi mắt ông đã trở nên mù quáng và con tim bị chai cứng. Nếu thành thật với chính mình, chúng ta nhận ra rằng, tôi không phải là anh La-da-rô nghèo khó, mà là ông nhà giàu keo kiệt. Đã bao lần, tôi đã đóng cửa lòng mình, trước những nhu cầu của anh chị em. Đã nhiều lần, tôi không thực hành những lời khuyên dạy của Chúa. Đôi khi, tôi còn phớt lờ sự sống đời sau… Bởi vì tôi là người rất yêu tiền, và chỉ thích đi tìm những gì vui cho cuộc sống ở đời này mà thôi.

Sự giàu có không phải chỉ là tiền bạc và tài sản, mà còn là tài năng, kiến thức, thời gian…Thiên Chúa đã tin tưởng trao cho tôi, để tôi kiến tạo cuộc sống tốt đẹp cho mọi người.

Xin cho chúng con biết sống quảng đại như Chúa. Biết chia sẻ và cho đi những gì mình có. Để sự hào phóng dẫn chúng con đến sự cao thượng và thiện hảo.

Giuse Trần Văn Ngữ SJ

[1] Tin Mừng Chúa Nhật 26 Thường Niên Năm C: Dụ ngôn ông nhà giàu và anh La-da-rô nghèo khó (Lc 16,19-31).

[2] Đức Giê-su khiển trách người Pha-ri-sêu ham tiền (Lc 16,15).

[3] Vị Mục Tử nhân lành (Ga 10,1-10).

[4] Người giàu có khó vào Nước Thiên Chúa (Lc 18,24-27; Mt 19,23-26; Mc 10,23-27).

Kiểm tra tương tự

Trong Chúa, chúng ta là những người bạn đích thực

Trong tâm tình chờ đón Đại lễ Mừng Chúa Giáng Sinh, Học Viện Thánh Giuse …

Tìm lại ý nghĩa đích thực của Mùa Vọng

  Đôi khi, chúng ta nỗ lực hoàn thành danh sách những việc phải làm …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *