Hỏi: Em có thắc mắc: khi người ta chết thì linh hồn họ sẽ đi về đâu, theo Kinh Thánh chỉ đi lên Thiên đàng hoặc vào luyện ngục, hay hỏa ngục? Nhưng ngày phán xét là ngày Chúa cho con người sống lại và chính Ngài phán xét, nếu vậy thì những người đã chết nhiều nghìn năm trước thì linh hồn họ đi đâu trước khi chờ ngày tận thế ạ?
Trả lời:
Trước khi trả lời câu hỏi trên, chúng ta cần chấp nhận hai niềm tin căn bản này:
1) Con người là tổng hòa giữa hồn và xác.
2) Có sự sống đời sau.
Khi tin như thế, câu hỏi về linh hồn sau khi chết thường là câu hỏi đau đáu của nhân loại từ cổ chí kim. Nói như thế để cho thấy đây là câu hỏi gắn liền với cuộc sống hiện sinh của con người. Tùy góc nhìn mà chúng ta tiếp cận đề tài này vô cùng phong phú và phức tạp. Chẳng hạn triết học nhìn linh hồn như thế nào và xem sự sống đời sau ra sao. Tôi không đi vào lãnh vực này. Thay vào đó, chúng ta xem niềm tin Công giáo dạy gì về điều này? Chúng ta cũng không đi vào lãnh vực thần học khó hiểu[1], nhưng cố gắng trả lời câu này theo những suy luận mà Giáo hội nói với chúng ta.
- Mục đích của ta là Thiên Đàng
Sau khi chết linh hồn không thể làm gì hơn ngoài việc đứng trước sự phán xét của Thiên Chúa. “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ mà loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu Phép Rửa sẽ được cứu độ; còn ai không tin thì sẽ bị kết án.” (Mc 16,15-16). Ngài luôn là Đấng công bình, nghĩa là ai xứng đáng thì được vào Thiên Đàng, ai chối từ Thiên Chúa thì vào hỏa ngục, còn ai chết mà còn lỗi lầm nào đó thì phải chịu lửa luyện tội. Cả một đời Thiên Chúa mời gọi chúng ta hướng về Thiên Đàng. Chúa không muốn con người phải sa vào hỏa ngục. Đỉnh cao là cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu đã mở toang cánh cửa Thiên Đàng cho những ai muốn bước vào.
Kinh Thánh và Giáo lý trình bày rất rõ về Thiên đàng “là tình trạng hạnh phúc tối cao và vĩnh viễn. Những ai chết trong ân sủng của Thiên Chúa và không cần bất cứ sự thanh luyện cuối cùng nào, sẽ được quy tụ quanh Chúa Giêsu và Đức Maria, các Thiên thần và các Thánh. Những ai được lên Thiên Đàng nghĩa là gặp được Thiên Chúa, được “mặt giáp mặt” (1Cr 13, 12). Đó là tình trạng hạnh phúc tuyệt đối mà linh hồn được hưởng muôn đời. Nếu hiểu như thế, chúng ta chỉ có một lần sống trên đời này mà thôi. Niềm tin này cũng hoàn toàn khác với giáo lý nhà Phật về đầu thai. Chúng ta không sống lại làm người như thể trước khi chết, như lời Đức Giêsu xác nhận: “Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ.” (Ga 11,1-45). Chính Chúa phục sinh sẽ cho linh hồn con người được vào Thiên đàng.
Chúng ta cũng có thể hỏi thêm: vậy trước Chúa Giêsu, những người chết sẽ đi về đâu?[2] Điều này Kinh Thánh không minh nhiên nói về tình trạng Thiên Đàng, nhưng đề cập đến một nơi hạnh phúc. Câu chuyện ông phú hộ và anh nhà nghèo (Lc 16,19-31) tỏ lộ cho thấy vài điều thú vị. Sau một đời giàu sang hay nghèo hèn, cả hai người này đều chết. Cái chết tuy hãi hùng nhưng là thước đo công bằng nhất áp dụng cho mọi người. Tương truyền xác anh Lazarô không được chôn cất chu đáo như ông phú hộ. Tuy vậy ở thế giới bên kia, anh Lazarô được đưa vào lòng tổ phụ Abraham[3]. Trong khi đó ông phú hộ phải chịu than thiêu lửa đốt. Hai phương trời cách biệt, một bên tràn đầy hạnh phúc, bên kia muôn trùng đau khổ. Nếu được chọn, chắc chắn ai cũng chọn được đưa vào chốn hạnh phúc bình an. Thực tế lại không phải thế!
Một ví dụ khác cho thấy sau cái chết, người ta có thể lên Thiên Đàng. Đó là vào chiều thứ Sáu Tuần Thánh, Đức Giêsu bị treo lên cây thập giá. Hai bên là hai anh trộm cướp (Lc 23,33-34, 39-43). Một anh đã hoán cải xin Đức Giêsu khi vào trong vương quốc tình yêu, hãy nhớ đến ông. Với lòng tin như thế, Đức Giêsu nói anh sẽ được lên thiên đàng ngay sau khi chết. Đó là niềm hy vọng của những ai tin vào quyền năng cứu độ của Thiên Chúa. Đạo Công giáo không phải đạo tự độ như Phật giáo (nghiệp quả), nhưng là đạo của tha độ. Chỉ có Thiên Chúa mới cứu độ chúng ta, nếu chúng ta muốn. Ước gì ai cũng muốn lên Thiên đàng ngay từ đời này, nhờ đó chúng ta biết sống tốt đạo đẹp đời.
- Hỏa ngục không ai muốn vào
Đối nghịch với Thiên đàng là Hỏa ngục. “Hell- Sheol” dịch sang tiếng Việt được hiểu rằng đó là nơi ngục tù đầy lửa cháy than hồng. Nội hàm của từ nói lên tình trạng đau khổ quằn quại của linh hồn. Thực vậy, Giáo lý dạy rằng: “Hỏa ngục, theo đức tin của chúng ta, là tình trạng con người phải dứt khoát chia cách với Thiên Chúa. Khi ai thấy rõ tình yêu nhờ đối mặt với Thiên Chúa, nhưng họ lại từ chối, không muốn được ở trong Tình yêu ấy, đó là họ đã chọn hỏa ngục.” Đó là tự do của mỗi người, như lời nhận xét của thần học gia người Anh C.S. Lewis: “Tất cả những ai ở hỏa ngục là do họ tự ý chọn lựa chỉ theo ý mình.”
Tuy hỏa ngục đề cập đến lửa thiêu đốt, nhưng Chúa Giêsu biết hỏa ngục và nói về nó như những nơi tối tăm bên ngoài (Mt 8,12). Ngày nay nhiều người tin rằng hỏa ngục là nơi lạnh lẽo. Khi nói Thiên Chúa là tình yêu, thì sau khi chết ai ở trong tình trạng xa lìa đời đời với Thiên Chúa, thiếu vắng tình yêu cách tuyệt đối, thì gọi là hỏa ngục. (Youcat 161). Thực ra đây là hậu quả khi người này còn sống trên trần gian. Bởi chúng ta tin rằng: “Ai chết trong tình trạng đã phạm tội nặng do biết rõ và cố tình mà không ăn năn hối cải, ai từ bỏ đến muôn đời tình yêu hay thương xót và tha thứ của Thiên Chúa, người đó tự loại bỏ mình ra khỏi sự hiệp thông với Thiên Chúa và các Thánh.
Chúng ta cũng có thể lập luận rằng: “Vậy khi nhìn thấy vinh quang của Thiên Chúa sau khi chết, người ấy chẳng lẽ cũng từ chối Thiên Chúa.” Về điểm này chúng ta khiêm tốn thưa rằng: Ta không biết! Chúng ta chỉ biết một điều: con người có tự do hoàn toàn, và Thiên Chúa cũng tôn trọng tự do này. Chúa nói với những ai chối từ Thiên Chúa rằng: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời…” (Mt 25,41).
Chúng ta không có kinh nghiệm về thế giới bên kia. Tuy nhiên, những thị kiến liên quan đến hỏa ngục cũng ít nhiều cho ta hiểu về chúng. Chẳng hạn một trong ba bí mật Fatima mà Đức Maria đã cho chị Lucia thấy vào ngày 13 tháng 7 năm 1917. Sau này chị đã viết lại thị kiến này vào năm 1941:
“Đức Mẹ cho chúng tôi thấy một biển lửa lớn dường như ở dưới lòng đất. Chìm trong ngọn lửa này là những con quỷ và linh hồn dưới hình dạng con người, giống như than hồng đang cháy trong suốt. Tất cả đều bằng đồng đen hoặc cháy, trôi nổi trong đám cháy, giờ được nâng lên không trung bởi ngọn lửa phát ra từ bên trong chúng cùng với những đám khói lớn. Ngọn lửa khổng lồ ấy nghiêng ngả về mọi hướng, không trọng lượng hay thăng bằng. Những tiếng la hét, rên rỉ đau đớn và tuyệt vọng, khiến chúng tôi kinh hoàng và run rẩy vì sợ hãi. Những con quỷ có thể được phân biệt bởi sự giống nhau đáng sợ và ghê tởm của chúng với những con vật đáng sợ và vô danh. Tất cả đều đen và trong suốt. Thị kiến này kéo dài và liên tục. Làm sao chúng ta có thể biết ơn cho đủ đối với Mẹ trên trời nhân từ của chúng ta, người đã chuẩn bị cho chúng ta bằng cách hứa, trong lần hiện ra đầu tiên, sẽ đưa chúng ta lên thiên đàng. Nếu không, tôi nghĩ chúng tôi đã chết vì sợ hãi và kinh hoàng.”[4]
- Luyện ngục để chuẩn bị vào Thiên đàng
Giáo lý dạy rằng: “Luyện ngục thường được coi là một nơi, nhưng đúng ra là một tình trạng của những người chết trong ơn nghĩa Chúa, đã được cứu độ, nhưng còn cần thanh luyện trước khi họ có thể được xem thấy Thiên Chúa mặt đối mặt.” Cả ba chốn chúng ta đang bàn ở đây không hẳn chỉ về nơi chốn, nhưng đúng hơn là tình trạng của linh hồn mình. Chẳng hạn tình trạng mình ăn năn, thống hối để xứng đáng hưởng hạnh phúc Thiên đàng cũng có thể nói là chốn luyện tội. Chẳng hạn thánh Phêrô sau khi chối Chúa, đã ra ngoài khóc thảm thiết; đó là nỗi lòng của người đang hối hận, muốn thanh luyện tâm hồn mình. (Lc 22,61-62). Hoặc kinh nghiệm của thánh Phaolô cho thấy: “Những công việc của mỗi người sẽ được phơi bày ra ánh sáng. Thật thế, Ngày của Thiên Chúa sẽ cho thấy công việc đó, vì Ngày ấy tỏ rạng trong lửa; chính lửa này sẽ thử nghiệm giá trị công việc của mỗi người.” (1Cr 3,13)
Thú vị là những người còn sống có thể cầu nguyện cho những linh hồn còn trong luyện ngục. Nhờ lời cầu nguyện của ta mà họ sớm được về Thiên đàng. Đây là mầu nhiệm các thánh thông công. Nói như Thánh Gioan kim khẩu: “Bạn đừng ngại ngùng cứu giúp những người đã ra đi và dâng lời cầu nguyện cho họ.”
Tạm kết
Tóm lại những ai sống tin tưởng và chết trong ân sủng của Chúa, họ sẽ được lên Thiên Đàng. Linh hồn họ sẽ được sống đời đời. Còn ai sống nhưng tuyệt đối không tin vào Chúa, từ chối tình yêu cứu độ của Ngài, khi chết họ cũng không được vào (không muốn) Thiên đàng, nên họ chọn hỏa ngục. Những ai chết nhưng còn thiếu sót, cần thời gian thanh luyện linh hồn để thanh sạch bước vào Thiên đàng. Đó là cuộc phán xét riêng của từng người.
Còn những người chết nhiều nghìn năm về trước hay trước ngày tận thế, họ cũng phải chịu phán xét riêng. Xác họ hóa thành tro bụi trong lòng đất. Tới ngày phán xét chung, vào lúc tận thế, lúc Chúa Kitô đến lần thứ hai. Khi đó chúng ta tin rằng “xác của từng người” sẽ sống lại và hợp với linh hồn của họ để chịu phán xét một lần nữa (xem Kinh Tin Kính). “Mọi kẻ ở trong mồ sẽ nghe tiếng Người và bước ra. Những kẻ đã làm việc lành, sẽ sống lại để hưởng sự sống đời đời. Những kẻ đã làm ác, sẽ sống lại để chịu phán xét.” (Ga 5,29).
Khi đó, chỉ có Thiên đàng và hỏa ngục. Đối với những ai đã chọn sự sống, Thiên Chúa sẽ lại dẫn đưa họ như Đấng tạo hóa: trong “một thân xác mới” (2 Cr 5,1). Ngày đó các dân thiên hạ sẽ được tập họp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê… Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời. (Mt 25,31-32). Hạnh phúc cho những ai được ở trong vương quốc của Thiên Chúa. Đó là cùng đích của đời người.
Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
[1] Cụ thể chúng ta có thể đi vào môn Cánh Chung học sẽ gặp rất nhiều trường phái và tư tưởng liên quan đến câu hỏi này. (https://gpcantho.com/than-hoc-ve-canh-chung-lm-giuse-than-van-tuong/)
[2] (Sheol, Hy Lạp: שְׁאוֹל trong Kinh Thánh nhằm chỉ nơi tối tăm mà linh hồn cư ngụ sau khi chết. Trong Cựu ước chúng ta có thể đọc được những điều này: Tv 88,11; Job 28,22; Cn 15,11; Is 38,17; Ez 28,8.
[3] https://gpquinhon.org/q/than-hoc/nguoi-phu-ho-va-ong-lazaro-suy-tu-hien-dai-va-thoi-cac-giao-phu-56.html
[4] Santos, Fatima in Lucia’s Own Words I (2003), tr. 123.