“Cầu nguyện không phải là tự nghe mình nói,
cầu nguyện là làm thinh và giữ thinh lặng
chờ đợi cho đến khi nghe thấy Chúa.”
Soren Kierkegaard
Chúng ta bắt đầu Mùa Vọng với nhiều tâm tình thiêng liêng. Đây là thời gian khởi đầu năm phụng vụ mới, là thời gian “Hội thánh sống lại niềm mong đợi Chúa đến lần thứ nhất, qua đó canh tân lòng nhiệt thành mong đợi Chúa đến lần thứ hai.” (GLHTCG 524). Bầu không khí bên ngoài với những trang hoàng liên quan đến Giáng Sinh giúp chúng ta để tâm đến sự kiện quan trọng: Ngày Con Một Thiên Chúa chào đời.
Nguồn gốc của từ “Mùa vọng” bắt nguồn từ tiếng Latin adventus, nghĩa là “đang đến, đợi chờ”. Chúng ta không biết chính xác Mùa Vọng bắt đầu từ khi nào, hoặc thời kỳ nào trong Giáo hội lại chuẩn bị cho Lễ Giáng Sinh mà ngày nay được gọi là Mùa Vọng. Sử liệu cho biết việc mong chờ này đã tồn tại từ khoảng năm cuối thế kỷ thứ 5. Công đồng Tours năm 567 khuyên các tu sĩ nhịn ăn hàng ngày trong tháng 12 cho đến lễ Giáng sinh[1]. Sau đó, Đức Giáo Hoành Gregory I (590-604) ban hành luật rằng Mùa Vọng là cơ hội cho dân Chúa thực hành sám hối, ăn chay và hãm mình[2]. Còn theo Giám mục John Neil Alexander: “Không thể tự tin khẳng định một lời giải thích đáng tin cậy về nguồn gốc chính xác của Mùa Vọng”[3].
Tuy nhiên, vòng hoa trong mùa vọng lại có nguồn gốc rõ ràng. Để chuẩn bị cho ngày này, Giáo hội dành bốn tuần Mùa Chay với bốn ngọn nến trên vòng hoa mùa vọng để chuẩn bị tâm hồn đón Chúa. Tại Việt Nam trong những năm gần đây, nhiều nhà thờ đã hội nhập nét đẹp một trong những biểu tượng của Mùa Vọng: Vòng Hoa Mùa Vọng. Để hiểu thêm về vòng hoa này, chúng ta tìm hiểu vài thông tin thú vị dưới đây:
- Nguồn gốc vòng hoa
Những ai ở Châu Âu, Châu Mỹ đều quen thuộc với Vòng hoa Mùa Vọng (Advent wreath). Chúng ta không chỉ thấy vòng hoa này ở nhà thờ, nhưng trong gia đình hoặc những nơi công cộng cũng dễ dàng nhận ra. Tất cả như muốn nói cho mỗi người cần chuẩn bị tâm hồn để đón Chúa Giáng Sinh. Cách trang hoàng này đã xuất hiện từ thế kỷ 16 trong cách trang trí nghi lễ của anh em Tin Lành. Tuy nhiên phải chờ đến 3 thế kỷ sau (từ năm 1839), vòng hoa này mới được phổ biến rộng rãi hơn. Khi đó các anh em Tin Lành tạo nên một vòng tròn với những trang trí đẹp mắt. Mỗi ngày họ đều thắp một cây nến cho đến ngày Giáng Sinh. Như vậy, lúc đầu vòng hoa Mùa Vọng có rất nhiều ngọn nến. Về sau người ta làm đơn giản hơn khi thắp 20 cây nến đỏ tượng trưng cho các ngày trong tuần và 4 cây nến trắng tượng trưng cho bốn ngày Chúa Nhật Mùa Vọng.
Với nét đẹp trên, truyền thống trang trí vòng hoa này đã lan nhanh đến các nước khác ở Châu Âu. Công Giáo cũng đón nhận nét đẹp này kể từ sau Thế chiến thứ Nhất (1918). Khi đó, vòng hoa Mùa vọng chỉ còn lại 4 ngọn nến. Màu của 4 ngọn nến cũng khoác trên mình ý nghĩa của phụng vụ, thường là ba cây nến màu tím và một cây nến màu hồng.
Vào thời Trung cổ, Mùa Vọng là thời kỳ ăn chay trong đó suy nghĩ của mọi người hướng đến sự tái lâm được mong đợi của Chúa Kitô. Nhưng trong thời hiện đại, nhiều người đã quên ý nghĩa này. Hơn nữa, kinh tế thị trường cũng thu hút con người mua sắm và chuẩn bị cho lễ hội hơn là chờ ngày Noel. Trong bối cảnh này, vòng hoa Mùa Vọng đóng vai trò như một lời nhắc nhở sống động về sự đến gần của ngày lễ. Hơn nữa, vòng hoa này thu hút sự chú ý của người trẻ, kẻ cả các em thiếu nhi. Càng ngày vòng hoa càng lan rộng đến các nước trên thế giới, và đến cả Việt Nam.
- Dấu chỉ của sự mong chờ
Có lẽ nhiều người sẽ ngạc nhiên về nhận xét sau đâu: “Sự chờ mong cũng mang tính thần học và thiêng liêng.” Với người Công Giáo, chúng ta hằng chờ mong Chúa đến trong ngày Cánh Chung. Có cả môn học về sự chờ mong này: Cánh Chung Học (Eschatology). Một trong những nền tảng của môn học này là lấy Chúa Kitô làm trung tâm. Chúng ta chờ đợi Chúa đến: “Vậy xin anh em đừng vội xét xử điều gì trước kỳ hạn, trước ngày Chúa đến. Chính Người sẽ đưa ra ánh sáng những gì ẩn khuất trong bóng tối, và phơi bày những ý định trong thâm tâm con người. Bấy giờ, mỗi người sẽ được Thiên Chúa khen thưởng đích đáng.” (1 Cr 4,5). Do đó, sự chờ mong theo ý nghĩa này vừa mang đặc tính của hiện tại và tương lai, vừa cá nhận, vừa phổ quát.
Về mặt thần học Cựu Ước, dân tộc Do Thái chờ mong Đấng Thiên Sai: Mêsia. Từ khi con người sa ngã, Thiên Chúa hứa ban một Đấng để đem con người trở về vườn địa đàng. Đó là khoảng thời gian dài vô tận mà con người chờ mong, van xin và hy vọng. Nếu tính lịch sử dân Chúa từ thời tổ phụ Abraham năm 1900 TCN, họ đã trải qua chừng ấy năm đợi và chờ[4]. Có thể tóm tắt tâm tình chờ mong của người xưa qua lời nguyện của tiên tri Isaia (sống 700 năm trước Chúa Giáng Sinh): “Trời cao hỡi, nào hãy gieo sương, mây hãy đổ mưa, mưa đức công chính; đất mở ra đi cho nẩy mầm ơn cứu độ.” (Is 45,8).
Tạ ơn Thiên Chúa, vì ơn cứu độ ấy đã đến với dân người. Lịch sử ghi nhận vào khoảng giữa năm 7 và 4 TCN, có một Hài Nhi Giêsu chào đời. Từ đó, nhân loại bước sang thời Tân Ước. Để tưởng niệm biến cố trọng đại ấy, Giáo Hội hằng năm mừng trọng thể lễ Chúa Giáng Sinh[5] vào 25 tháng 12. Gọi là tưởng nhớ vì Chúa Giêsu đã sinh ra vào một đêm giá lạnh. Ngài đã trải qua cuộc đời dương thế, đã chết, đã sống lại và lên trời. Chính Chúa Giêsu sẽ trở lại lần thứ hai trong ngày tận thế. Như vậy, chờ mong không chỉ là tưởng nhớ biến cố Giáng Sinh, nhưng còn hướng về ngày Chúa Giêsu khải hoàn. Theo đó, Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI chia sẻ rằng:
“Khi thời gian đợi chờ giúp hiện tại trở nên giá trị, có ý nghĩa, chúng ta cảm nhận được điều gì đó cụ thể và có giá trị trong từng khoảnh khắc. Chúng ta hãy sống trọn vẹn trong hiện tại; nơi đó chúng ta đón nhận những hồng ân của Chúa ngay bây giờ. Chúng ta cũng hãy sống tập trung vào tương lai, một tương lai tràn đầy hy vọng. Đây là cách mà Mùa Vọng trở nên thích hợp để chúng ta khơi lại ý nghĩa thực sự của việc đợi chờ, trở về với bản chất đức tin của chúng ta. Đó là mầu nhiệm của Chúa Kitô, Đấng Thiên Sai, Đấng đã được chờ đợi trong nhiều thế kỷ và đã sinh ra trong cảnh nghèo khó ở Bêlem.”[6]
Về chiều kích thiêng liêng, để chuẩn bị tâm hồn với tâm tình trên, Giáo hội Công giáo dành 4 tuần, được gọi là 4 Chúa Nhật mùa Vọng. Như nói ở trên, 4 Chúa Nhật này được biểu hiện bằng 4 ngọn nến thắp sáng cho thấy lòng mong chờ của con người được diện kiến Hài Nhi Giêsu. Theo lễ nghi Rôma, Giáo hội trình bày những chủ đề khác nhau:
- Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng: Chúng ta chờ mong Thiên Chúa đến lần thứ hai. Đó là ngày cánh chung, là ngày tận thế. Chúng ta thắp cây nến màu tím thứ Nhất. Cây nến này còn nhắc chúng ta đến niềm tin, Đức Tin mà chúng ta vẫn xác tin: “Người sẽ lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết, Nước Người sẽ không bao giờ cùng.”[7]
- Chúa Nhật thứ hai: Các bài đọc gợi nhớ cho chúng ta đến những lời giảng của thánh Gioan Tẩy Giả. Ngài kêu gọi người ta chuẩn bị con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Đấng Thiên Sai đến. Lúc này chúng ta thắp cây nến thứ hai – nến của Đức Cậy. Chúng ta hằng chờ mong Chúa.
- Chúa Nhật thứ ba: Nhắc đến niềm vui của ngày Đấng Cứu Độ đến trần gian. Cây nến màu hồng được thắp lên với niềm hân hoan, giống như phẩm phục màu hồng của linh mục trong ngày Chúa nhật này (Chúa Nhật Hồng-Gaudete Sunday).
- Chúa Nhật thứ tư: Nhắc chúng ta nhớ đến câu chuyện của Đức Mẹ và Thánh Giuse liên quan đến cuộc hạ sinh của Chúa Giêsu. Và cây nến cuối cùng được thắp lên trong Chúa Nhật trước ngày Giáng Sinh. Ngọn nến này có tên là Đức Mến. Thiên Chúa yêu con người đã xuống thế làm người. Con người cũng được mời gọi yêu mến Thiên Chúa hết tâm hồn, hết sức lực và hết trí khôn (Mc 12,28-34).
Với bốn tuần Mùa Vọng, chúng ta tin rằng Thiên Chúa sẽ hành động trong những ai đang chờ đợi Ngài (x. Is 64,4). Để kết thúc, tôi ước mong vòng hoa Mùa Vọng tiếp tục được trưng bày tại nhiều giáo xứ, gia đình Việt Nam. Đây thực sự là nét đẹp và là dấu chỉ giúp chúng ta đếm từng ngày trong khi chờ mong Chúa Giêsu đến với con người vào đêm giáng sinh và vào lần thứ hai. Hoặc nói như lời tiên tri Mi-kha trong Cựu ước: “Phần tôi, tôi ngóng đợi ĐỨC CHÚA, tôi cậy trông Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi; Thiên Chúa của tôi sẽ nghe tiếng tôi kêu cầu.” (Mk 7,7).
Lạy Chúa Giêsu, tháng 12 về, Mùa Vọng đến là lòng chúng con rộn mừng chờ mong Chúa đến. Mừng sinh nhật Chúa! Mỗi mùa Giáng sinh là thời gian để mong, để mừng và để nhớ. Xin Chúa đến với từng người chúng con. Nhất là những ai đang thiếu vắng bình an, những bệnh nhân và người nghèo khó, những tâm hồn lạnh lẽo, v.v. Xin cho chúng con và cho họ được một Mùa Giáng Sinh an lành và hạnh phúc.
Lm Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
[1] Guéranger, Prosper; Fromage, Lucien; Shepherd, James Laurence (13 October 1867). “The liturgical year”. Dublin, IE: J. Duffy – via Internet Archive.
[2] Paul F. Bradshaw and Maxwell E. Johnson, The Origins of Feasts, Fasts and Seasons in Early Christianity
(Collegeville: Liturgical Press, 2011), 158.
[3] Alexander, J. Neil (2013). “Advent”. In Bradshaw, Paul F. (ed.). New SCM Dictionary of Liturgy and Worship. Hymns Ancient and Modern Ltd. p. 2.
[4] Theo ước tính của các nhà khoa học, khoảng 40 ngàn năm trước đây, Người hiện đại hay Người tinh khôn (Homo Sapiens) đã ra đời. Homo Sapiens có cấu tạo cơ thể phát triển như người ngày nay. Nói chung sau khi ông bà Tổ Tông phạm tội, Thiên Chúa đã thực hiện chương trình cứu độ con người.
[5] Tại sao lại rơi vào ngày này cũng là chủ đề sôi nổi trong giới học giả. Một trong nhiều lý do được chúng ta biết đến đó là ngày lễ hội Mặt Trời.
[6] https://www.vatican.va/content/benedict-xvi/en/homilies/2009/documents/hf_ben-xvi_hom_20091128_vespri-avvento.html
[7] Kinh Tin Kính Nicea