Sau khi rời Qui Nhơn, đoàn hành hương tiến về Hội An, cư sở đầu tiên của các nhà truyền giáo Dòng Tên tại Đàng Trong. Đoàn ghé thăm giáo xứ Hội An và đi thăm khu phố cổ.
Tưởng cũng nên nhắc lại, ba thừa sai Dòng Tên đầu tiên đến Đà Nẵng vào ngày 18/01/1615 gồm có cha Francesco Buzomi, cha Diogo Carvalho và tu huynh Antonio Dias. Họ đến Đà Nẵng trước nhưng lại lập cư sở tại Hội An vì mục đích ban đầu của họ là đến để chăm sóc đời sống thiêng liêng cho các tín hữu Công giáo Nhật Bản sống tại Hội An. Ý định ban đầu là thế nhưng bàn tay Quan phòng của Thiên Chúa đã đưa đẩy các nhà thừa sai đến với việc loan báo Tin mừng cho người bản xứ.
Hội An ngày nay nhộn nhịp với biết bao hoạt động thương mại, du lịch… nhưng nét cổ kính của nhiều ngôi nhà nơi đây vẫn gợi nhắc cho mọi người, cách riêng cho đoàn hành hương chúng tôi những giá trị văn hóa và tâm linh phong phú. Từng con phố, cây cầu… của Hội An đều đã ghi dấu bước chân nhiệt thành của những sứ giả Tin Mừng cách đây gần 400 năm.
Rời Hội An, chúng tôi đến Đà Nẵng, nơi ghi dấu bước chân các thừa sai Dòng Tên đầu tiên đến Đất Việt ngày 18.01.1615. Thành phố Đà Nẵng hôm nay đã thay da đổi thịt rất nhiều để xứng danh là một thành phố giàu mạnh và năng động. Thế nhưng, những vết tích xưa, dù còn lại rất ít vẫn là một lời nhắc nhở cho chúng tôi về những nỗ lực và thành tựu của các bậc tiền nhân trong việc giới thiệu Tin Mừng trên Đất Việt.
Đoàn hành hương chụp hình lưu niệm với sơ phụ trách nhà khách
Tại Đà Nẵng, chúng tôi lưu trú tại nhà khách Sao Biển của các nữ tu dòng Phalô Đà Nẵng.
——-
Trong ngày thứ 2 lưu lại Đà Nẵng, chúng tôi đi ngược về Quảng Nam để hành hương về Đức Mẹ Trà Kiệu. Tại đây chúng tôi đã cùng dâng Thánh Lễ trước tượng Đức Mẹ Trà Kiệu. Địa danh Trà Kiệu tuy không có liên hệ gì với các thừa sai Dòng Tên nhưng đối với chúng tôi, đây cũng là nơi nhắc nhớ chúng tôi về tấm lòng hiền mẫu của Mẹ Maria đối với con dân Đất Việt cũng như lòng can đảm trước mọi thử thách và bách hại của giáo dân Trà Kiệu trong biến cố bị Văn Thân vây hãm năm 1885.
Rời Trà Kiệu, chúng tôi tiếp tục đi về Phước Kiều, nơi Chân phước Anrê Phú Yên chịu tử đạo. Đoàn hành hương quy tụ trong ngôi nhà thờ Phước Kiều nhỏ bé cùng đọc Kinh Năm thánh, hướng lòng tưởng nhớ và tri ân các bậc tiền nhân. Đứng trên mảnh đất Phước Kiều, dù không biết chính xác vị trí Chân phước Anrê Phú Yên chịu tử đạo, nhưng chúng tôi chắc chắn một điều rằng tại đây, một thanh niên Công giáo trẻ tuổi, thường được biết đến với tên gọi là Anrê Phú Yên đã dũng cảm đổ máu mình để làm chứng cho đức tin.
Chỉnh Trần, S.J.
Vẻ vang thay, những người gieo giống !