“Dù chấp cánh bay từ phía hừng đông xuất hiện
Đến tận nơi phương trời góc biển phương Tây
Tại đó cũng tay Ngài đưa dẫn
Cánh tay hùng mạnh giữ lấy con”
(Tv 139,9-10)
Kính thưa quí Cha, quí ông bà anh chị em trong Gia Đình I-nhã,
Lịch sử Cứu độ đã chứng minh đầy thuyết phục Thiên Chúa sử dụng quyền năng qua cánh tay mạnh mẽ của Ngài ra sao, khi Ngài dẫn dắt một dân tộc Israel nhỏ bé, vốn đang ở trong mối nguy cơ bị diệt vong bởi kế hoạch tàn bạo của Pharaoh, thành một dân tộc đạt đến bến bờ tự do trong phẩm giá là con cái Thiên Chúa.
Sách Xuất Hành cho chúng ta biết nơi mảnh đất Ai-cập, vốn dĩ đã cưu mang gia tộc Jacob, dân Israel ngày càng lớn mạnh, nhưng sự lớn mạnh của họ, vốn là một phần trong lời hứa của Thiên Chúa đối với ba vị tổ phụ Abraham, Isaac, và Jacob (2 lời hứa: ban cho Đất và ban cho hậu duệ đông đảo như sao trên trời, như cát dưới biển); sự lớn mạnh ấy giờ đây lại bị xem như là mối nguy cơ tiềm tàng đối với Pharaoh, một vị vua Ai-cập mới nổi lên (thuộc triều đại mới, nền chính trị của Ai-cập đã đổi chủ), vốn không biết đến Joseph là ai, hay nói đúng hơn, Pharaoh thừa biết Joseph là người nào, nhưng không thừa nhận những công lao Joseph đã góp phần cho đất Ai-cập.
Như chúng ta đã biết, Pharaoh đã dùng đến thứ kế hoạch 3 phần, càng lúc càng tỏ ra tàn bạo: triệt tiêu sức mạnh hiện tại của dân Israel (bằng những việc khổ sai, nặng nhọc), triệt tiêu tương lai của dân Israel, bằng lệnh giết chết các bé trai người Do-thái (chính sách đồng hóa > Israel sẽ bị đánh mất căn tính riêng của mình > Pharaoh ban đầu dùng hai bà đỡ, sau đó, truyền lệnh cho toàn dân Ai-cập phải thi hành lệnh truyền này). Một cách kỳ diệu, vốn chỉ có thể hiểu được qua ánh sáng đức tin, Thiên Chúa đã quan phòng, để không những dân Israel không bị tiêu diệt, mà vẫn tiếp tục phát triển.
Trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa dành cho dân tộc Israel bé nhỏ, đang đối diện với nguy cơ bị diệt vong, Thiên Chúa đã thể hiện cánh tay yêu thương của mình qua việc Ngài ban cho dân Israel một vị lãnh tụ kiệt xuất là Moses, mà cuộc đời ông gắn liền với bàn tay che chở kỳ diệu của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã dùng đến 3 người nữ để cứu sống Moses (Mẹ ông Moses, thương con, che chở con, làm hết sức mình để con được sống, sẵn sàng chuyển đổi vai trò từ người mẹ sang vai trò người vú nuôi; người chị của Moses, lanh lẹ, nhiều sáng kiến; công chúa vua Pharaoh, có lòng xót thương, lắng nghe tiếng lương tâm, chống lại lệnh truyền tàn bạo của vua cha Pharaoh).
Kế đó, cánh tay mạnh mẽ của Thiên Chúa luôn nâng đỡ Moses, biến đổi Moses từ một người hành động nông nổi nhất thời, qua việc đả thương đến độ gây tử vong một người Ai-cập, và từ một người phải sống cảnh tị nạn nơi miền đất Midian, trở thành một người hành động theo sự dẫn dắt của Thiên Chúa. Không phải sức mạnh ‚cơ bắp‘, hay khối kiến thức do được giáo dục tại triều đình Ai-cập mà Moses có thể làm được việc gì đó để cứu dân tộc mình, nhưng là do sức mạnh của Thiên Chúa và do việc lắng nghe và thi hành Thánh Ý của Thiên Chúa, Moses mới có khả năng dẫn dắt dân Israel đến bến bờ tự do đích thực. Nơi Moses, Thiên Chúa cũng làm triển nở tư chất ưu việt của ông, đó là thái độ luôn sẵn sàng bênh vực người kẻ yếu thế ‚giữa đường gặp cảnh bất bình chẳng tha‘, để Moses không chỉ lo cho một người, một nhóm người, mà chăm lo đoàn dân Chúa chống lại thế lực hùng mạnh thời bấy giờ trên đường tìm đến phẩm giá đích thực của dân Chúa, là được phụng thờ Thiên Chúa với tư cách một dân tộc tự do có Đất Hứa làm gia nghiệp.
Moses nổi lên như một nhà lãnh đạo kiệt xuất, một nhân vật trổi vượt nhất trong thời Cựu Ước, một ngôn sứ có năng quyền tối ưu, đến độ sách Đệ Nhị Luật đã không ngần ngại ngợi khen Moses: „Trong Israel, không còn xuất hiện một ngôn sứ nào như ông Moses, người mà Đức Chúa biết rõ, mặt giáp mặt. Đức Chúa đã sai ông thực hiện mọi điềm thiêng dấu lạ tại nước Ai-cập, phạt Pharaoh cùng tất cả bầy tôi và cả nước. Ông Moses đã biểu dương tất cả sức mạnh từ bàn tay ông và gây tất cả nỗi kinh hoàng lớn lao trước mắt toàn thể Israel“ (Đnl 34:12).
Cánh tay mạnh mẽ của Thiên Chúa luôn thể hiện rõ nét nơi cuộc đời của dẫn đưa những nhân vật kiệt xuất khác đã được ghi lại trong Sách Thánh (Abraham, David). Thời Tân Ước, chúng ta bắt gặp bàn tay yêu thương của Thiên Chúa nơi cuộc đời các vị tông đồ, mà nổi bật hơn cả là hai thánh Phê-rô và Phao-lô. Trong lịch sử Giáo Hội, qua Hạnh các Thánh chúng ta cũng được dẫn vào quyền năng kỳ diệu của Thiên Chúa nơi những gương mặt trứ danh. Một trong những vị Thánh ấy, chúng ta phải kể đến thánh I-nhã mà chúng ta mừng kính hôm nay.
Khi đọc tiểu sử tự thuật của Thánh I-nhã, tôi thấy thánh I-nhã có nét tương đồng với Moses trong Cựu Ước: Thiên Chúa đã tỏ lòng yêu thương thánh I-nhã cách đặc biệt, và thánh I-nhã đã để mình được Thiên Chúa biến đổi cách đặc biệt. Chúng ta thấy được điều này qua 3 luận điểm sau đây. Trước hết, từ một người mải mê chạy theo những sự phù phiếm thế gian (mong làm những việc hào hiệp để phục vụ triều đình, lập những chiến công, để lấy lòng người đẹp) trở thành một chiến sĩ can trường của Đức Ki-tô, chỉ mong được Chúa Ki-tô nhận mình làm người phục vụ. Thứ hai, từ một người ban đầu, lúc vừa được ơn hoán cải, chỉ mong làm đi hành hương để đền tội, sau đó vào một dòng khổ tu, hay chọn lối sống khổ hạnh, nghĩa là nhằm đến sự hoàn thiện bản thân là chính, thành một người khát khao làm việc truyền giáo cho người Thổ Nhĩ Kỳ tại Jerusalem, nghĩa là, nhen nhóm mong ước phục vụ tha nhân. Thứ ba, từ một người có lòng ao ước phụng sự Thiên Chúa từ những ước muốn cá nhân (mong muốn truyền giáo cho người Hồi Giáo, mong ước bắt tàu từ Venezia đi Jerusalem để hành hương), thành một người phục vụ Thiên Chúa theo sự dẫn dắt của Ngài, khi đọc được Thánh Ý Thiên Chúa qua những hoàn cảnh khác nhau (phục vụ Chúa Ki-tô và Hiền Thê của Ngài tại Roma).
Nơi Thánh I-nhã, Thiên Chúa đã thể hiện cánh tay uy hùng mạnh mẽ của Ngài, Ngài đã dồn đẩy thánh I-nhã vào chỗ chỉ còn biết cậy dựa vào một mình Thiên Chúa, chứ không cậy dựa vào chính mình hay trông chờ vào ai khác. Kinh nghiệm của thánh I-nhã tại Manresa với chứng bối rối về quá khứ tội lỗi của mình minh chứng điểm này: Ngài không thể cứu mình, không ai khác có thể cứu Ngài, mà chỉ một mình Thiên Chúa mới chữa lành được chứng bối rối đó. Sau này, cũng chính Thiên Chúa cũng sẽ gửi đến cho thánh I-nhã quà tặng là những bạn đường đầu tiên, thay cho nỗ lực tìm kiếm những người bạn cùng chí hướng, vốn 2 lần không thành.
Ngoài những điểm đặc biệt nơi thánh I-nhã, mà chúng ta thường hay nói đến, như sự kết hợp thâm sâu với Chúa Ki-tô, sự say mến các linh hồn, ước muốn luôn ‚hơn‘, một người luôn biết nhận định, v.v., nơi thánh Thánh I-nhã, tôi cũng bắt gặp hình ảnh một người có một thái độ mạnh mẽ trong các quyết định của mình; một khi đã quyết định, thì Ngài cố công thực hiện cho đến cùng, bất chấp khó khăn, gian khổ (quyết tâm đi hành hương Jerusalem, dù hầu như không có đồng xu dính túi nào; quyết chí học tiếng Latinh, dù đã 30 tuổi, để khởi đầu một sứ mạng mới); nhưng nơi Thánh I-nhã, chúng ta cũng nhìn ra một người lại luôn mềm mỏng lắng nghe tiếng Thiên Chúa nói và để cho Ngài dẫn đi qua những quyết định của những vị có thẩm quyền (tại Jerusalem, dù khao khát phụng sự Thiên Chúa qua việc truyền giáo cho người Hồi Giáo, nhưng Cha Thánh I-nhã lại sẵn sàng lắng nghe tiếng nói của Cha Giám Tỉnh Dòng Phanxico khi buộc Ngài phải rời Jerusalem).
Cuối cùng, tôi cũng nghiệm thấy nơi thánh I-nhã một mẫu gương về cách thức chúng ta nên đối diện với những giới hạn và khiếm khuyết của mình. Thánh I-nhã là một người muốn các anh em Giê-su hữu, hay tất cả những ai sống tinh thần của Ngài, nhận ra tốt đẹp nơi mình để tạ ơn Thiên Chúa, thay vì chỉ chú tâm đến một giới hạn nào đó của mình, mà vốn là con người thì không sao tránh khỏi: Chúng ta có được tiểu sử tự thuật của Thánh I-nhã là nhờ một phần công đóng góp không nhỏ của Cha Luis G. da Câmara, là vị vốn đã tâm sự với thánh I-nhã về thói hư vinh nơi mình, cha thánh I-nhã đã khuyên: ‚hãy đến thưa chuyện với Chúa về những việc của mình, dâng lên Chúa tất cả là những gì tốt đẹp nơi mình, và nhìn nhận tất cả là ân huệ của Chúa, để tạ ơn Chúa về những điều ấy‘ (NBĐTC no.1).
Nếu ông Moses được xem như quà tặng tuyệt vời của Thiên Chúa ban cho dân Israel, thì thánh I-nhã cũng được xem là ân ban Thiên Chúa dành cho Giáo Hội của Ngài. Khi lược lại đôi nét trong cuộc đời của thánh I-nhã chúng ta được mời gọi dâng lên Thiên Chúa lời cảm tạ vì quà tặng tuyệt vời ấy mà Ngài đã ban tặng cho chúng ta. Ước chi mỗi chúng ta trong tư cách là các con cái thiêng liêng của thánh I-nhã, chúng ta cũng cất lên với thánh I-nhã tâm tình ngỡ ngàng trước cánh tay quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa cho cuộc đời thánh nhân và cho Giáo Hội của Ngài:
“Kỳ diệu thay tri thức siêu phàm
Quá cao vời con chẳng sao vươn tới”
(Tv 139:6)
Giuse Phạm Tuấn Nghĩa, SJ