Anh em trong Chúa Kitô thân mến,
Anh mới nhận được thông báo lễ truyền chức linh mục của anh em. Đọc thư mà lòng vui mừng với anh em trong ngày trọng đại này. Là linh mục trẻ trước anh em vài năm, anh xin gửi đôi dòng tâm sự, hy vọng tăng thêm niềm xác tín của anh em vào Chúa Giêsu, vị Thượng Tế tối cao của chúng ta.
Ngày 3 tháng 12 đang đến gần, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời các anh em – ngày anh em chính thức trở thành những linh mục của Chúa Kitô. Anh nghĩ thánh lễ này không chỉ đơn giản là một lễ nghi, mà là một sự biến đổi sâu xa, một cuộc đời mới trong sứ mạng cao quý mà Thiên Chúa đã trao phó. Từ ngày ấy, anh em sẽ không còn chỉ là chính mình, nhưng là những “alter Christus” – những “Đức Kitô khác,” mang lấy trách nhiệm tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu nơi trần gian này.
Ơn gọi linh mục thật sự là một hồng ân cao cả, như Công đồng Vatican II khẳng định: “Thiên chức linh mục là một sự tham dự đặc biệt vào chức linh mục của Đức Kitô, Đấng Cứu Thế duy nhất của nhân loại.” (x. Presbyterorum Ordinis, số 2). Ơn gọi này đến từ chính Thiên Chúa, không phải do ý muốn con người, nhưng là do Ngài đã mời gọi chúng ta đáp lại bằng tình yêu, sự dấn thân, và lòng trung thành. Thiên Chúa không chỉ chọn gọi, Ngài còn trao cho chúng ta trách nhiệm cử hành các bí tích; nhờ đó, chúng ta có thể thông truyền ân sủng của Ngài cho muôn người.
Sự cao quý và mong manh của thiên chức linh mục
Ơn gọi linh mục không chỉ là một sứ vụ, nó còn là một hành trình đức tin và biến đổi thiêng liêng. Như Công đồng Vatican II đã chỉ ra: “Linh mục phải sống gần gũi với Chúa Kitô và tuân phục những gì Thiên Chúa yêu cầu nơi họ; để nhờ họ, Chúa Kitô có thể tiếp tục hiện diện và hoạt động trong Giáo hội và trong thế giới” (x. Presbyterorum Ordinis, số 5). Điều này có nghĩa rằng, chúng ta không chỉ là những người thực hiện công việc mục vụ, mà là những người mang trong mình dấu ấn của Chúa Kitô, hiện thân của lòng thương xót, và tình yêu của Ngài. Điều đó thật cao quý, nhưng cũng đầy thách thức. (Anh cảm nhận thế!)
Hình ảnh “bình sành dễ vỡ” mà thánh Phaolô đã dùng trong thư gửi tín hữu Côrintô thật phù hợp để mô tả thiên chức linh mục (2 Cr 4,7). Thiên Chúa đặt để ân sủng của Ngài, kho tàng vô giá ấy, trong những con người mong manh như chúng ta; để qua đó, quyền năng của Thiên Chúa được tỏ hiện. Chúng ta được trao phó một trách nhiệm to lớn, nhưng đồng thời, chúng ta cũng là những con người với giới hạn và yếu đuối. Điều này không phải là lý do để nản lòng, nhưng là một lời mời gọi linh mục hãy khiêm nhường và tìm đến sức mạnh của Thiên Chúa trong mọi việc mình làm.
Giáo hội tin rằng: “Qua tác vụ của linh mục, Thiên Chúa ban cho loài người ơn tha thứ và xóa bỏ mọi tội dường như tội lỗi không có bao giờ. Một linh mục chỉ có thể thực hiện được việc đó vì Chúa Giêsu đã cho tham dự vào quyền thần linh riêng tư của Chúa để tha tội.” (Youcat 150). Thậm chí thánh Gioan Chrysostom còn xác tín mạnh hơn: “Linh mục đã nhận được nơi Thiên Chúa một quyền năng đầy đủ mà Thiên Chúa đã không ban cho các thiên thần hay các tổng lãnh thiên thần. Thiên Chúa ở trên trời cao xác nhận điều linh mục làm ở dưới thế.” Do đó khi chúng dâng Thánh Lễ, hay ban bí tích, lắng nghe những tâm tư của giáo dân rất hữu ích. Chúng ta là cánh tay nối dài của Chúa Giêsu, mang đến sự chữa lành và bình an cho những người cần đến. Điều này đòi hỏi nơi chúng ta lòng khiêm tốn, sự kiên nhẫn, và một trái tim luôn biết rộng mở.
Linh mục – Hình ảnh của Đức Kitô giữa đoàn chiên
Từ ngày anh em chịu chức, anh em sẽ được gọi là “cha”. Thân thương! Lý do là những người đến với anh em, không chỉ vì anh em có quyền cao chức trọng, nhưng vì anh em được mời gọi trở thành những người cha thiêng liêng, dẫn dắt và chăm sóc đoàn chiên của Chúa. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc nhở các linh mục rằng: “Linh mục phải mang trong mình mùi của chiên”, nghĩa là linh mục cần gần gũi với dân Chúa, hiểu được những khó khăn, nỗi đau, niềm vui và hy vọng của họ. Linh mục không chỉ là một người đứng trên tòa giảng, mà còn là người bước xuống, sống giữa đoàn chiên, sẵn sàng lắng nghe, và đồng hành cùng họ trong mọi thăng trầm của cuộc sống.
Anh nhớ có dịp Đức Giáo Hoàng Phanxicô kể câu chuyện cho các linh mục trẻ: “Có lần một người bạn linh mục của tôi, khi vừa chịu chức linh mục, đã đến thăm một bệnh nhân sắp qua đời. Bệnh nhân nói: ‘Con không cần ai khác, con cần một linh mục’. Và bạn tôi đã khóc, vì anh nhận ra rằng, trong giây phút đó, anh đang đại diện cho chính Chúa Kitô.” Ước sao chúng ta được mời gọi để hiện thân cho tình yêu và sự hiện diện của Chúa Kitô giữa đời thường.
Sự thánh thiện và đời sống nội tâm của linh mục
Linh mục là người sống gần gũi với Chúa Giêsu. Trong thư gửi Timôthê, thánh Phaolô đã nhắc nhở: “Con hãy giữ gìn ân huệ đã nhận được qua việc đặt tay, và làm mới lại lòng nhiệt thành của con” (2 Tm 1,6). Điều này nhấn mạnh đến đời sống nội tâm, cầu nguyện và gặp gỡ Chúa Giêsu mỗi ngày. Một thách đố nữa! Chúng ta sẽ dễ dàng cảm thấy mệt mỏi, thiếu động lực nếu chỉ nhìn vào công việc mục vụ như một trách nhiệm phải hoàn thành. Nhưng khi chúng ta nhìn mọi việc qua lăng kính của tình yêu, với sự hiện diện sống động của Chúa Kitô trong đời sống hàng ngày, anh em sẽ tìm thấy niềm vui và bình an sâu xa.
Linh mục không phải là những người hoàn hảo, nhưng được mời gọi nên thánh. Sự thánh thiện không phải là một đích đến, mà là một hành trình liên tục. Mỗi lần anh em cảm thấy nản lòng, mệt mỏi, hãy nhớ rằng Chúa Kitô luôn đồng hành cùng anh em. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã từng nói: “Chức linh mục không phải là một sự nghiệp, mà là một sự hy sinh lớn lao. Nhưng trong sự hy sinh đó, chúng ta tìm thấy niềm vui và sự tự do thực sự.” Nhất định “linh mục không phải là một nghề!”, anh em nhỉ?
Sứ mạng phục vụ – Linh mục là người của cộng đoàn
Anh em được gọi để phục vụ, không chỉ phục vụ trong nghĩa vụ thiêng liêng, mà còn trong những công việc đời thường. Ở đây hai chữ khiêm nhường được đề cao: “phục vụ khiêm nhường.” Giáo Hoàng Phanxicô chia sẻ rằng: “Thay vì tìm cách tỏ ra hơn người khác, chúng ta phải “lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình” (Pl 2:3). Chính các tông đồ của Chúa đã được toàn dân thương mến. Rõ ràng Chúa Giêsu không muốn chúng ta là những nhân vật quan trọng coi khinh kẻ khác, nhưng là những người nam người nữ của dân chúng.” (Evangelii Gaudium, số 271). Điều này nghĩa là chúng ta cần phải luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác, lắng nghe họ, và chia sẻ gánh nặng với họ.
Trong đời sống mục vụ, có những lúc anh em sẽ cảm thấy mình “mỏng manh” như chiếc bình sành dễ vỡ. Nhưng chính trong sự mong manh ấy, quyền năng của Thiên Chúa được tỏ hiện. Chúng ta tin rằng ân sủng Thiên Chúa không phụ thuộc vào khả năng của ta, nhưng hoàn toàn đến từ Ngài. Linh mục chỉ là chiếc máng thông chuyển ân sủng đó đến cho đoàn chiên của Chúa. Anh rất thích câu này của Mẹ Têrêsa Calcutta đã khuyến khích các linh mục:
Xin cha dâng Thánh Lễ này như Thánh Lễ đầu tiên, như Thánh Lễ cuối cùng, và như Thánh Lễ duy nhất chỉ có một lần trong đời”.
Anh em thân mến,
Thư đã dài mà tâm tình vẫn còn nhiều! Tóm lại, hành trình linh mục mà anh em sắp bước vào không phải là một con đường dễ dàng, nhưng lại là con đường tình yêu, sự dấn thân và hy vọng. Giáo Hội cần những linh mục thánh thiện, biết lắng nghe và đồng cảm với nỗi khổ đau của con người. Chúng ta cầu nguyện cho nhau để mỗi người trở thành những “bình sành” mà Thiên Chúa đã chọn, mang lấy kho báu ân sủng của Ngài, để trao ban cho thế giới.
Xin Thiên Chúa luôn ở bên các anh em, ban cho các anh em sức mạnh, lòng can đảm, và tình yêu để chu toàn sứ vụ cao cả mà Ngài sắp trao phó.
Trong tình thương mến và lời cầu nguyện,
Anh, Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc, S.J.