Cha Peter-Hans Kolvenbach, SJ: thư về tông đồ xã hội của Dòng Tên, 2000

Trong sứ mạng tông đồ xã hội của Dòng Tên, các định hướng tông đồ không chỉ được dựa trên các thủ bản quan trọng của Thánh I-Nhã và của Dòng (Linh Thao, Tự Thuật, Hiến Chương, các thư tín và các văn kiện của các Tổng Hội), nhưng còn dựa trên những huấn thị của các Bề Trên Tổng Quyền.

Ngày 24.01.2000, Cha Peter – Hans Kolvenbach, SJ đã viết cho toàn Dòng một thư về Tông đồ xã hội. Ngài đã nêu rõ các đặc tính của Tông xã hội cũng như các điểm mạnh – yếu của loại hình tông đồ này lúc bấy giờ. Phân tích của vị Nguyên Tổng Quyền Dòng Tên vẫn còn cần thiết cho Dòng hiện nay. Ví dụ, vấn đề cộng tác với người ngoài Dòng, hợp tác giữa các Tỉnh dòng. Đặc biệt chú ý đào tạo cảm thức và kiến thức về tông đồ xã hội cho các anh em Giê-su hữu trong giai đoạn thụ huấn theo tinh thần của Tổng Hội 34: “Vì thế, tôi khuyến khích những anh em Giê-su hữu dấn thân vào tông đồ xã hội và những anh em có trách nhiệm huấn luyện hợp tác với nhau để lập nên những chương trình quy củ, trong một Tỉnh hay liên Tỉnh, như Tổng hội 34 đòi hỏi: “các Giê-su hữu trẻ cần phải sống liên đới với người nghèo, không chỉ thỉnh thoảng, nhưng trong một lối sống đều đặn hơn. Những kinh nghiệm này cần đi đôi với sự phản tỉnh kỹ lưỡng như một phần của huấn luyện tri thức và thiêng liêng và phải được hội nhất trong việc huấn luyện phân tích văn hóa xã hội”.

Xin trân trọng giới thiệu toàn văn của lá thư của cha Peter – Hans Kolvenbach, SJ.

 

VỀ TÔNG ĐỒ XÃ HỘI[1]

Peter-Hans Kolvenbach, S.J.

Quý Cha và Quý Thầy thân mến,

Nguyện chúc bình an của Đức Ki-tô!

 

1. Một vài tuần sau khi Cửa Thánh được mở, tôi muốn nhắc lại rằng Đại Năm Thánh 2000, như mọi năm thánh khác, là một cuộc hiệu triệu của Đấng Tạo hóa và là Đấng Cứu Chuộc của chúng ta để tái lập sự hòa hợp đã bị mất và để thăng tiến trong công bình xã hội. Hồi kèn trổi vang– yôbel – để khai mạc năm thánh,[2] đã mời gọi tra vấn lại mọi thứ bất công và đưa ra niềm hy vọng cho người nghèo! Khi Đức Giê-su bắt đầu rao giảng tin mừng, việc xức dầu tấn phong và sứ mạng của Ngài là “để công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Thiên Chúa.”[3] Nay Đức Thánh Cha John Paul II đã tái hoạt hóa mục đích xưa kia đó của năm thánh để phục hồi lại công bình xã hội này. “Giáo huấn về xã hội của Giáo hội, vốn luôn là một phần giáo huấn của Giáo hội và đã phát triển lớn trong thế kỷ qua, đặc biệt sau Thông điệp Rerum Novarum, được bắt nguồn từ truyền thống năm thánh.”[4]

2. Để đưa trở về với khía cạnh xã hội của đức tin, vốn thấm nhập trong truyền thống thánh kinh và Tin Mừng, Thiên Chúa, Cha chúng ta, cũng mời gọi Dòng Tên thêm một lần nữa. Ngay từ khởi thủy, chọn lựa ưu tiên cho người nghèo, với nhiều hình thức khác nhau tùy theo thời đại và nơi chốn, đã là dấu ấn của toàn thể lịch sử Dòng Tên. Với Bản hướng dẫn đầy sức nặng của năm mươi năm trước đây, Cha Jean-Baptiste Janssens đã hướng tông đồ xã hội của Dòng đến “với bao nhiêu người có thể, hay đúng hơn, trong mức độ những điều kiện cho phép đối với tất cả mọi người, nỗ lực đạt đến một sự phong nhiêu cả những lợi ích thiêng liêng lẫn trần thế ngay cả trong trật tự thiên nhiên, hay ít nhất là đạt đến một sự đầy đủ mà bản chất con người cần để họ không cảm thấy bị hạ phẩm giá hay bị khinh rẻ.”[5]

Cha Pedro Arrupe đã nhiệt liệt theo định hướng này, và đặt nó trên nền tảng của mối tương quan mang tính Tin Mừng sâu xa giữa công bình xã hội, như đã được định nghĩa bởi vị tiền nhiệm của ngài, với giới răn yêu thương mới – mới đến mức cần một từ mới, chính là agape. Một công bình xã hội hội nhất với giới răn yêu thương lớn lao chính là điều luôn được các Tổng Hội Dòng Tên nhắm đến. “Công bình xã hội mà chúng ta đang được mời gọi theo đuổi đến từ công bình của Tin Mừng, nằm trong tình yêu và lòng xót thương cứu chuộc của Thiên Chúa.”[6] Đức Thánh Cha John Paul II, khi đặt vấn đề liệu công bình tự nó là đủ, đã đưa ra giải đáp này: “kinh nghiệm trong quá khứ và trong thời đại của chúng ta đã chỉ ra rằng chỉ có công bình không thì không đủ, thậm chí nó còn có thể dẫn đến tiêu cực và phá hủy chính nó, nếu nguồn sức mạnh sâu xa hơn là tình yêu không được cho phép định hình nên đời sống con người trong những khía cạnh phong phú của nó.”[7] Cha Arrupe và các Tổng Hội gần đây, khi nhắc lại mối quan tâm của Đức Thánh Cha, một mặt thừa nhận việc đức bác ái có thể bị lạm dụng khi nó chỉ là tấm áo choàng hay chỉ là một thứ bịp bợm để tạo bất công, nhưng mặt khác cũng thừa nhận rằng “người ta không thể hành động mà thuần túy không có tình yêu. Ngay cả khi chúng ta chống lại những bất công, chúng ta cũng không thể tách rời khỏi tình yêu, vì tính phổ quát của tình yêu, theo cách diễn tả ước muốn của Đức Ki-tô, chính là một mệnh lệnh cho mọi người, không loại trừ một ai.”[8]

3. Đúc kết tiến triển của bốn kỳ Tổng hội sau Công đồng Vatican II, Quy luật Bổ sung khẳng định: “sứ mạng hiện nay của người Giê-su hữu là phục vụ đức tin và thăng tiến xã hội trong đó công bình của Tin Mừng, vốn nằm trong tình yêu và lòng xót thương cứu độ của Thiên Chúa… Sứ mạng này là “một thực tại đơn nhất nhưng phức tạp, phát triển theo nhiều cách thức[9] trong nhiều lãnh vực, công việc và hoạt động khác nhau trong đó người Giê-su hữu dấn thân trên toàn thế giới. Dù có những khó khăn đáng kể và cả những thất bại, chúng ta vẫn nhìn lại với lòng biết ơn Thiên Chúa vì những ơn huệ Ngài ban cho trong “hành trình đức tin khi chúng ta cam kết dấn thân để thăng tiến công bình như một phần trong sứ mạng mang tính hội nhất của mình.”[10] Dòng Tên đã dấn thân vào điểm mà Tổng hội 34 đồng thuận ủng hộ nghị quyết Sứ mạng của chúng ta và Công bình, và phần lớn anh em Giê-su hữu đã hội nhất khía cạnh xã hội vào trong căn tính Giê-su hữu của chúng ta và vào trong ý thức về sứ mạng của chúng ta trong giáo dục, huấn luyện và truyền thông xã hội, trong các công việc mục vụ và tĩnh tâm. Trong nhiều nơi, mối bận tâm về công bình là một phần thiết yếu trong hình ảnh về chúng ta cả trong xã hội lẫn Giáo hội, nhờ những sứ vụ của anh em chúng ta, những sứ vụ mang đặc nét của tình yêu dành cho người nghèo và những người bị gạt bên lề xã hội, đặc nét bảo vệ nhân quyền và môi sinh, thăng tiến bất bạo động và hòa giải.

4. Từ sứ mạng hiện thời này với những nguyên tắc hội nhất của đức tin và công bình đã trực tiếp dẫn đến tông đồ xã hội và những điểm nhấn đặc thù, như Quy Luật Bổ Sung giải thích: “tông đồ xã hội, giống như mọi hình thức tông đồ khác của chúng ta, phát xuất từ sứ mạng; trong việc lập kế hoạch cho các hoạt động tông đồ, trong việc hoàn thành sứ mạng ngày hôm nay của Dòng trong việc phục vụ đức tin, nó phải có vị trí trong số những ưu tiên của chúng ta. Mục tiêu của nó là xây dựng một sự diễn tả trọn vẹn hơn về công bình và đức ái trong cấu trúc của đời sống nhân loại nói chung.”[11] Trong mỗi Tỉnh Dòng và mỗi Vùng, tông đồ xã hội này hội nhập khía cạnh xã hội của sứ mạng chúng ta, cách cụ thể là hội nhập nó vào trong những cam kết và thể hiện ra bên ngoài. Trong những nơi khác nhau và trong những hoàn cảnh đa dạng, tông đồ xã hội mang nhiều hình thức khác nhau: nghiên cứu xã hội và xuất bản, vận động và phát triển con người, và những hành động xã hội trực tiếp với người nghèo.[12]

Tông đồ xã hội của Dòng Tên ngày nay thể hiện một số yếu tố tích cực đáng lưu ý. Trên hết, nó phải đối diện với những thách đố khác nhau trong tất cả mọi ngóc ngách của thế giới với một sự tinh tế, sức mạnh và sáng tạo. Có vô vàn những mẫu gương anh em Giê-su hữu đang dấn thân, đang cộng tác với người khác, trong các dự án và các phong trào để mang đến một công bình và tình thương lớn hơn cho xã hội. Hơn nữa, tông đồ xã hội còn cho thấy khả năng thu hút những người cộng tác tài năng và quảng đại, cũng như những ứng sinh cho Dòng. Như để xác định sứ mạng phục vụ đức tin và công bình, Thiên Chúa đã quan phòng ban cho Dòng những quà tặng nhiệm mầu là những vị tử đạo trọng những năm qua.
5. Đồng thời và cũng là điều nghịch lý, ý thức này về khía cạnh xã hội của sứ mạng chúng ta lại không luôn tìm thấy cách diễn tả cụ thể trong một tông đồ xã hội sống động. Ngược lại, điều sau (tông đồ xã hội sống động) lại tỏ lộ một số yếu kém: hơn bao giờ hết, dường như ngày nay có rất ít người sẵn sàng và ít người được chuẩn bị cho tông đồ xã hội, trong khi những người đã dấn thân vào lãnh vực này có khi lại không được khuyến khích và bị phân tán, cách nào đó là thiếu cộng tác và tổ chức. Những yếu tố ngoài Dòng cũng làm suy yếu tông đồ xã hội: là thời đại đặc trưng của những đổi thay nhanh chóng về văn hóa xã hội và những gì không đoán định được, không dễ nhận ra và thậm chí còn khó khăn hơn trong việc đáp trả cách hiệu quả (ví dụ, toàn cầu hóa, những sự thái quá của kinh tế thị trường, buôn lậu ma túy, tham nhũng, di dân ồ ạt, xuống cấp về môi sinh, bạo lực bùng nổ). Những tầm nhìn cũ của xã hội và những chiến lược lan rộng cho một sự thay đổi về mặt cấu trúc lại nhường bước cho chủ nghĩa hoài nghi hoặc một một chọn lựa cho những dự án vừa phải hơn và những tiếp cận hạn chế hơn.

Do đó, tông đồ xã hội có nguy cơ mất đi sức mạnh và lực đẩy, định hướng và ảnh hưởng của nó. Nếu điều này xảy ra trong một Tỉnh hoặc Vùng nào đó, thì rồi vì thiếu một tông đồ xã hội được tổ chức tốt và có sức sống, nên khía cạnh xã hội thiết yếu cũng có thể dần mờ mịt đi. Một tiến trình xói mòn như thế tất yếu sẽ giảm thiểu Sứ mạng của chúng ta hôm nay (GC 32) và Sứ mạng của chúng ta và Công bình (GC 34) thành những diễn từ nói đến trong Dòng, trong đó tính trách nhiệm thì ít còn tính hùng biện thì nhiều, bỏ lại lựa chọn của chúng ta cho người nghèo, còn thăng tiến công bình thì trở nên rỗng tuếch.
Ước gì chúng ta không thấy chính mình hơn bao giờ hết ít có khả năng hiện diện – hoặc thậm chí khả năng nghe được lời gọi để đi-“bất cứ nơi nào trong Giáo hội, thậm chí cả trong những lãnh vực khó khăn nhất, giữa những giao lộ của các ý thức hệ, nơi tuyến đầu của những xung đột xã hội, nơi đã và đang có những đối đầu giữa những ước muốn thẳm sâu nhất của con người và những thông điệp vĩnh cửu của Tin Mừng,” trong những lời vang vọng của Đức Thánh Cha Paul VI dành cho các đại biểu của Tổng hội 32 và của Đức John Paul II cho các đại biểu Tổng hội 34.[13]

6. Vì thế, dường như tầm quan trọng cơ yếu để giữ vững nỗ lực chuyển dịch ý thức xã hội, căn tính và hình ảnh của chúng ta vào trong sự phục vụ hiệu quả và mang ý nghĩa tin mừng dành cho những người nghèo khổ nhất và những người đau khổ nhất trong dân Chúa. Đó là vấn đề tái-khám phá cách liên tục và tái phân định –in situ– là những đòi buộc và thách đố mà các Tổng hội gần đây đưa ra cho hành động xã hội trong các xã hội, các nền văn hóa và tôn giáo hôm nay. Ví dụ, trong “cuộc đối thoại của hành động,” chúng ta sẵn sàng hợp tác với người khác, bén rễ trong những truyền thống tôn giáo của họ, nhằm hướng đến một sự phát triển hội nhất và sự tự do của con người.[14] Như chúng ta đang ý thức ngày một rõ hơn, vì các cấu trúc của đời sống con người nói chung là khác biệt nhau, không chỉ trong kinh tế chính trị, mà còn trong văn hóa và tôn giáo; tất cả chúng điều kiện hóa đời sống con người, tất cả chúng có thể làm suy yếu hoặc hủy diệt đời sống con người, và tất cả chúng có khả năng được thấm nhập bởi Tin Mừng vàthấm nhập và một nền công bình và tình yêu lớn hơn. Vì thế, cần phải luôn chú ý đến những khía cạnh khác nhau trong hoàn cảnh mà chúng ta nhận ra chính mình, để ta không bị lung lay trước những đổi thay đang nổi lên hay thờ ơ với chúng.

7. Đó là những lý do tại sao, sau Tổng hội 34, tông đồ xã hội lại trở thành điểm cần xem xét ở phạm vi toàn thế giới. Điều cần làm là tổ chức Đại hội Đại biểu ở Naples năm 1997 trong nỗ lực đưa ra một động lực mới trong  Dòng đối với tông đồ xã hội như một dấu hiệu cho thấy sự cam kết hoàn toàn đối với khía cạnh xã hội trong sứ mạng của chúng ta. Trong những kết quả đầy hứa hẹn của tiến trình này, được lên chương trình cho giai đoạn 1995-2005, thì những điều sau đây dường như có giá trị đặc biệt. Thứ nhất là tầm quan trọng của việc phát triển những đặc tính của tông đồ ở tầm mức toàn Dòng và áp dụng chúng vào tầm mức địa phương. Những đặc tính như thế cung cấp một khung sườn cho sự phân định liên tục, trong tính trung tín sáng tạo đối với khía cạnh xã hội của đặc sủng chúng ta, điều mà Thánh Thần mời gọi ta đi vào trong những mối nghèo khó và bất công khác nhau của thế giới. Một số trong những hiểu biết và những vấn đề cần nêu lên theo nghĩa ở đây là tìm ra cách diễn tả trong bản thảo đang thực hiện về Những đặc tính của tông đồ xã hội. Vì những bản thảo gần đây cần có nhiều thời gian hơn để chỉnh sửa so với dự tính, nên mọi người được khuyến khích gửi những bình luận và đề nghị để có một bản xác định về những đặc tính này, sau khi nghiên cứu và thảo luận trong các nhóm và các cộng đoàn. Trong khi mỗi cam kết có thể và cần phải cụ thể, chúng ta cần tiếp tục lưu ý đến những mức độ khác nhau của hành động và phản tỉnh, như cách diễn tả rất nổi tiếng “địa phương/toàn cầu” đề nghị. Những cấp độ này đi từ những nối kết đơn giản nhất với sự phục vụ cho người nghèo ở mức cơ bản nhất, thông qua mọi cách thăng tiến và phát triển con người, cho tới mức dấn thân hướng đến thay đổi cấu trúc trên bình diện quốc gia và quốc tể.

Khi làm việc ở những mức độ khác nhau, chúng ta cũng muốn ý thức và thích ứng với những thay đổi và phức tạp của những bất công và của những cấu trúc văn hóa xã hội trong thế giới hôm nay. Điều này đòi hỏi phải mang lấy tính đa dạng trong quan điểm để giải quyết những vấn đề và lao tác theo nhiều cách thức để hiểu biết về xã hội và làm việc trong đó. Cuối cùng, kinh nghiệm dạy ta phải đặt những cam kết dấn thân xã hội của mình trên nền tảng của linh đạo I-nhã và của truyền thống Dòng Tên chúng ta, cả hai đều “đặt chúng ta với Chúa Con và với những người mà Chúa Con muốn, là những người nghèo và những người bị lãng quên của thế giới.”[15] Chúng ta nhận ra rằng không thể mời gọi một người làm bạn đường của Đức Giê-su nếu người đó không chia sẻ tình yêu của Ngài cho những ai đau khổ.
8. Những yếu tố đó chỉ ra hướng tới và chỉ ra những lượng định cụ thể để hỗ trợ cho tiến trình đang tiến hành gần đây.
Điều không nghi ngờ là một chủ trương hết sức đa dạng trong những cách tiếp cận và sự phong phú trong những phương pháp và những khuôn mẫu tổ chức tạo nên một sự phong phú lớn lao của tông đồ xã hội; nhưng, để hoàn thành tiềm năng này và phát triển trong tư cách là một thân thể tông đồ, cần phải có một sự điều phối hợp lý. Theo đó, chúng ta cần sử dụng tốt những mô hình và cấu trúc điều phối đang có và tăng cường sức mạnh cho chúng. Tôi mong muốn mỗi Tỉnh, Miền, và tổ chức liên tỉnh như Đại hội các Bề trên Thượng cấp đều có một vị điều phối tông đồ xã hội, được hỗ trợ bởi một ủy ban thích hợp, và có đầy đủ khả năng, nguồn lực và thời gian để thực thi vai trò của mình.

Đồng thời, cần có một nguồn thông tin được cập nhật lớn hơn về tông đồ xã hội trong các Tỉnh và bên ngoài các Tỉnh. Sự trao đổi thông tin như thế sẽ khích lệ những ai dấn thân, đưa ra những vấn đề hay những chỉ dẫn phản tỉnh, và giúp các mạng lưới phát triển và thực thi cách hiệu quả hơn. Lợi ích lớn hơn có thể rút ra từ Giáo huấn xã hội của Giáo hội và từ những kinh nghiệm tông đồ xã hội được tập hợp từ Chỉ dẫn của cha Janssens. Tôi yêu cầu Văn phòng Công bình Xã hội tại Curia tiếp tục công việc điều phối và gia tăng sự truyền thông xuyên suốt tông đồ xã hội.
So với công việc của các nhóm và các tổ chức khác đang hoạt động trong lãnh vực xã hội, tông đồ xã hội của Dòng nổi bật vì sự hiện diện trong tất cả mọi cấp độ khác nhau, từ những mức thấp nhất cho tới những tổ chức quốc tế, và bằng tất cả mọi tiếp cận khác nhau, từ những hình thức phục vụ trực tiếp, thông qua những dấn thân làm việc với các nhóm và các phong trào, cho tới những nghiên cứu, suy tư, và xuất bản. Trong sự hiện diên đa dạng đầy đặc thù này, một tiềm năng lớn lao nhưng ít được nhận ra của toàn Dòng lại đang bị ẩn dấu, và đó là điều chúng ta mắc nợ những người nghèo và mắc nợ Giáo hội vì có thể sử dụng nó tốt hơn. Hãy nhìn cách năng động đến những phương thức kết hợp những năng lực phân tích xã hội và những phản tỉnh thần học, với những kinh nghiệm gần gũi với người nghèo và kinh nghiệm làm việc với những người đau khổ vì bất công của mọi loại hình thức, và nhìn đến việc khai thác tốt hơn những khả thể Thiên Chúa ban cho ta trong tư cách là một thân thể tông đồ mang tính quốc tế và phổ quát. Cuối cùng, việc gìn giữ và phát triển tông đồ xã hội không thể có được nếu không có sự ứng trực của những Giê-su hữu và những cộng tác viên “chất lượng”. Vì thế, tôi khuyến khích những anh em Giê-su hữu dấn thân vào tông đồ xã hội và những anh em có trách nhiệm huấn luyện hợp tác với nhau để lập nên những chương trình quy củ, trong một Tỉnh hay liên Tỉnh, như Tổng hội 34 đòi hỏi: “các Giê-su hữu trẻ cần phải sống liên đới với người nghèo, không chỉ thỉnh thoảng, nhưng trong một lối sống đều đặn hơn. Những kinh nghiệm này cần đi đôi với sự phản tỉnh kỹ lưỡng như một phần của huấn luyện tri thức và thiêng liêng và phải được hội nhất trong việc huấn luyện phân tích văn hóa xã hội.”[16] Việc huấn luyện bình thường phải cung cấp cho các học viên và tu huynh những môn học xã hội và những kinh nghiệm tông đồ sẽ giúp tất cả phát triển một tâm trí-xã hội, cho phép một số người gặp được nơi tông đồ xã hội lãnh vực mà họ có thể hoàn thành ơn gọi mang tính cá nhân và tư tế của họ trong Dòng.

Cũng vậy, những cộng tác viên không phải Dòng Tên của anh em chúng ta cần phải đảm bảo được tiếp cận tốt với những kinh nghiệm tông đồ và gia sản thiêng liêng của Dòng, là nơi mà từ đó họ có thể rút ra cho mình khi họ hội nhất những ơn huệ và nền tảng cá nhân của họ. Những cơ hội học hỏi, suy tư, cầu nguyện và huấn luyện liên tục cần phải được đưa ra cho những cộng tác viên của chúng ta, với sự tôn trọng lớn nhất đối với niềm tin tôn giáo của họ. Một số kinh nghiệm đã cho thấy những đặc nét cần trở nên nguồn lực hữu ích cho những mục đích này.
9. “Đức Ki-tô đã đến để nối kết những gì bị chia cắt, để phá hủy tội lỗi và lòng hận thù, và để tạo lại ý thực cho nhân loại về ơn gọi hiệp nhất và huynh đệ.”[17] Những nhu cầu thống thiết của người nghèo, những đòi hỏi triệt để của Tin Mừng, giáo huấn kiên định của Giáo hội, và những mời gọi mang tính tiên tri của các Tổng hội, cho ta thấy không thể tự mãn với những đáp trả của mình. “Cam kết của Dòng Tên về một đời sống đức tin triệt để tìm kiếm sự diễn tả trong việc thăng tiến công bình[18] đã, đang và sẽ là một ân sủng cho tất cả chúng ta. Nhiều công việc tốt lành đã được làm và nhiều đổi mới cũng đang được thực hiện. Với một lòng biết ơn sâu xa, chúng ta cảm kích công việc đã làm nhân danh toàn thể Dòng, qua những công việc xã hội lớn bé, qua tổ chức JRS và qua nhiều Giê-su hữu thiện nguyện. Những trang tài liệu ít ỏi này cho thấy tại sao và làm thế nào để tăng sức tông đồ xã hội, ở địa phương và xa hơn nữa, để chiều kích xã hội trong sứ mạng phổ quát của Dòng có thể nhìn thấy sự diễn tả cụ thể và hiệu quả hơn bao giờ hết nơi định nghĩa chúng ta là ai, chúng ta làm gì, chúng ta sống thế nào. “Dòng sẽ thực hiện đến mức nào” – Cha Janssens tuyên bố ở cuối cuốn Chỉ dẫn của ngài – “chỉ khi chúng ta nối kết các nguồn lực và, trong một tinh thần hiệp nhất, khiêm tốn và quyết tâm buộc mình với công việc phía trước chúng ta!” Ước gì Chúa Giê-su, với sự cầu bầu của Đức Maria Mẹ Vinh hiển của chúng ta, cho chúng ta trở thành những tôi tớ phục vụ sứ mạng của Người cách trọn vẹn hơn lúc nào hết.

Thân ái trong Đức Ki-tô

Peter-Hans Kolvenbach, S.J.

Bề trên Tổng Quyền

Roma, ngày 24 tháng Giêng năm 2000

(Chuyển dịch: Anthony Trần Khắc Bá, SJ)


[1] Tài liệu này có tại Văn phòng Công bình Xã hội, bằng các ngôn ngữ Anh, Trung, Séc, Pháp, Indonesia, Ý, Balan, Slovak, Slovenia, và Tây Ban Nha. Cf. www.sjweb.info/documents/sjs/pj/…/PJ73.ENG.pdf

[2] Leviticus 25:9.

[3] Luke 4:16ff.

[4] John Paul II, Tertio Millennio Adveniente (1994), s.13.

[5] “Instruction on the Social Apostolate” of 10.10.1949, AR XI, 714; Promotio Iustitiae 66 (1997), s.7.

[6] TH. 33, NQ.1, s.32; xem thêm TH.32, NQ.4, s.28,31.

[7] John Paul II, Dives in misericordia (1980), s.12.

[8] Pedro Arrupe, S.J., Rooted and grounded in love (1981), s.56.

[9] TH. 34, NQ.2, s.3 (trích từ TH.33, NQ.1, s.32) and QLBS 245 § 2; loc.cit. (trích từ Redemptoris Missio, s.41)

and QLBS 245 § 1.

[10] TH 34, NQ.3, s.1.

[11] QLBS 299 § 1; QLBS 298.

[12] xem QLBS 300, § 2.

[13] Allocutions of 3 December 1974 and of 5 January 1995.

[14] TH34, NQ.5, s.4b.

[15] TH34, NQ.9, s.18.

[16] TH34, NQ.3, s.18.

[17] John Paul II, Message for the World Day of Peace, 1 January 2000, s.19.

[18] TH34, NQ.2, s.8.

Kiểm tra tương tự

Món Quà Giáng Sinh – Suy tư Tin Mừng CN 4 Mùa Vọng năm C

  Giáng sinh là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong năm đối với phần …

“Lạy Đấng Emmanuel, xin hãy đến!”: Nỗi khắc khoải và niềm hy vọng trong Mùa Vọng

Người phương Tây thế kỷ 21 – từ Taylor Swift đến Billie Eilish – đã …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *