Cùng với tâm tình cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo của toàn thể Giáo hội, anh em Dòng Tên kính nhớ 67 chân phước và nhiều anh em khác của Dòng đã được phúc tử đạo vì trung thành với Hội Thánh và nỗ lực hiệp nhất Kitô giáo. Sau đây là một vài nét về các chân phước tử đạo.
1. Cha Inhaxio de Azevedo và 39 anh em tử đạo khi đang trên đường đi Brazil truyền giáo (1570). Cha Inhaxio de Azevedo sinh năm 1526 tại Oporto, Bồ Đào Nha. Sau khi h oàn tất chương trình huấn luyện cơ bản của Dòng và chịu chức linh mục năm 1553, Cha được sai đi Lisbon để thành lập một số học viện của Dòng. Năm 1565, Cha được Cha Phanxicô Borgia, Bề Trên Cả của Dòng lúc đó, chỉ định đi khảo sát tình hình truyền giáo ở Brazil. Khi đã hoàn tất với không ít khó khăn, cha trở về Châu Âu vào năm 1569. Sau đó, Cha được sai đi Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha để kêu gọi các anh em Giêsu hữu ở đây lên đường đi truyền giáo ở Brazil. Cha đã quy tụ được chừng 70 Giêsu hữu tình nguyện, trong đó có một số linh mục, hầu hết là các học viên và tu huynh cùng khá đông các tập sinh vẫn đang trong thời kỳ thử luyện đầu tiên.
Ngày 5.6.1570, cha Azevedo và các Giêsu hữu này rời cảng Lisbon lên đường sang Brazil. Cha Azevedo và 39 anh em đi cùng chiếc thuyền Santiago vốn đi chậm hơn, số anh em còn lại được phân bổ trên hai thuyền khác. Đang trên đường hướng về đảo Santa Cruz de la Palma, thuyền Santiago bị nhóm hải tặc Huguenot (một nhóm Tin Lành người Pháp) cướp. Khi thấy Cha Azevedo đang cầm chặt bức ảnh Đức Mẹ, những người này liền hướng thẳng về phía cha và sát hại cha. Trước khi bị sát hại, cha Azevedo lớn tiếng nói: “Các anh là những người làm chứng cho tôi rằng tôi sắp chết vì đức tin Công Giáo và vì Giáo hội La-Mã.” 39 anh em Giêsu hữu còn lại cùng tất cả các thủy thủ cũng đã bị nhóm này sát hại; trừ một mình John Sasnchez không bị giết nhưng bị bắt làm đầu bếp và người phục vụ cho chúng. Các vị tử đạo này đã bị sát hại vào ngày 15.7.1570 và được Đức Giáo Hoàng Piô IX tôn phong chân phước ngày 11.5.1854.
2. Cha Giacôbê Bonaud và 24 anh em tử đạo vào thời Cách mạng Pháp. Sau khi Dòng Tên bị giải thể năm 1773, nhiều anh em Giêsu hữu người Pháp đã trở về quê hương và trở thành linh mục địa phận. Năm 1789, cuộc cách mạng Pháp nổ ra; khởi đầu đây chỉ là cuộc cách mạng chống lại sự bóc lột của tầng lớp quý tộc, nhưng sau đó nhanh chóng chuyển sang chống Công giáo. Ngày 12.7.1790, chính quyền mới ban hành “Hiến chế Dân sự cho hàng giáo sĩ”. Theo hiến chế này, các giáo sĩ bị buộc phải tuyên thệ trung thành với Giáo hội Pháp, từ chối hoàn toàn sự lệ thuộc vào Đức Giáo Hoàng. Hiến chế này cũng quy định công dân Pháp có quyền bầu cử giám mục và linh mục. Đáp lại đòi buộc này, chỉ một số ít giáo sĩ đã tuyên thệ, phần lớn còn lại đã không tuyên thệ. Các giáo sĩ từ chối tuyên thệ đã bị tước quyền công dân và phải lẩn trốn trước lệnh bắt bớ.
Khi cuộc chiến nổ ra ngày 10.4.1792, nhóm bài công giáo đã chiếm thế thượng phong và ra lệnh bắt giam tất cả các giáo sĩ vào trong các chủng viện và đan viện. Cha Giacôbê Bonnaud cùng với 13 linh mục (nguyên là tu sĩ Dòng Tên) đã bị giam tại đan viện Cát minh ở Paris cùng với đông đảo các linh mục khác. Ngày 2.9.1792, một nhóm quân lính theo chủ nghĩa quốc gia quá khích đã xông vào Đan viện và sát hại tất cả các linh mục. Ngay hôm sau, 7 linh mục khác (nguyên Giêsu hữu) cũng bị sát hại tại Chủng viện Thánh Firmin. Cũng thời gian này, 2 linh mục (nguyên Giêsu hữu) là Giuse Imbert và Gioan Nicolas Cordier cũng bị sát hại trên một chiếc thuyền giam các linh mục. Ngoài ra, hai cha khác là Alexander Lanfant và Phanxicô Le Livec cũng bị sát hại trong khoảng thời gian đó.
Khi Dòng Tên được tái lập năm 1814, các Cha này trên được kể vào trong số các Giêsu hữu chịu tử đạo vì sự hiệp nhất của Giáo Hội. Đức Giáo Hoàng Piô XI đã tôn phong cha Giacôbê Bonaud cùng 22 anh em khác lên hàng chân phước ngày 17.10.1926. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tôn phong hai cha Giuse Imbert và Gioan Nicolas Cordier vào ngày 01.10.1995.
3. Cha Giacôbê Salès và thầy William Saultemouche tử đạo vì Bí Tích Thánh Thể tại thị trấn Aubenas, miền trung nước Pháp (1595). Cha Giacôbê Salès sinh ngày 21.03.1556 tại Lezou miền Auvergne, miền trung nước Pháp. Khi lớn lên, ngài được học trong trường của Dòng Tên tại Billom. Tại đây, ngài đã nhận ra lời mời gọi của Chúa để trở nên người linh mục Dòng Tên. Sau khi gia nhập Dòng năm 1573 và hoàn tất hai năm tập, ngài được gửi đến đi học triết lý và thần học. Ngài thụ phong linh mục năm 1585 và được chỉ định dạy thần học tại trường đại học Pont-à-Mousson. Đầu năm 1587, ngài trình bày nguyện vọng đi truyền giáo ở Châu Mỹ, Trung Hoa hoặc Nhật Bản với Cha Claudio Aquaviva, Bề Trên Cả của Dòng lúc bấy giờ. Tuy nhiên, Cha Aquaviva trao cho cha Salès sứ mạng bảo vệ đức tin Công Giáo ngay tại Pháp.
Trong bối cảnh nước Pháp đang xảy ra cuộc chiến tranh tôn giáo giữa Tin Lành và Công Giáo, cha Salès được chỉ định để giải thích và cũng cố đức tin Công giáo cho mọi người đồng thời chỉ ra những sai lạc của Tin Lành. Cha đã tham gia nhiều cuộc tranh luận thần học và viết nhiều sách để giải thích đức tin Công giáo, trong đó có cuốn sổ tay trình bày giáo lý về Bí Tích Thánh Thể. Cuốn sổ tay này đã được in ấn và phổ biến rộng rãi cho khá nhiều người. Cha đã thi hành sứ mạng của mình tại nhiều nơi, trong đó có Pont-à-Mousson, Tournon và Aubenas.
Aubenas là nơi thường xuyên xảy ra các cuộc xung đột đẫm máu giữa người Công giáo và người Tin lành. Cha Salès được sai đến đây cùng với thầy William Saultemouche để thi hành sứ mạng bảo vệ đức tin. Tối 05.2.1593, khi biết mình sắp bị bắt, và vì sợ người Tin lành xúc phạm đến Bí Tích Thánh Thể, Cha và Thầy Saultemouche đã chạy đến nhà thờ và rước hết Mình Thánh Chúa trong nhà Tạm. Ngay sáng sớm hôm sau, cả hai đều bị bắt. Sau khi không dụ dỗ được hai ngài chối từ đức tin công giáo để được sống, nhóm Tin Lành này đã giết hai ngài vào chiều 7.2.1595. Hai ngài đã được Đức Giáo Hoàng Piô XI tôn phong lên hàng chân phước và ban danh hiệu “Tử Đạo vì Bí Tích Thánh Thể” vào ngày 6.6.1926.
Trong tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo (từ ngày 18 đến 25.1), chúng ta xin Chúa, nhờ lời chuyển cầu của các ngài, cho mọi người tin kính Chúa Giêsu Kitô được sớm hiệp nhất trong cùng một đoàn chiên.