CHẢY ĐI SÔNG ƠI…
Cảm giác như có ai đó đang bước sau mình, hắn ngưng bặt tiếng hát.
– Xin lỗi, có phải mình làm bạn giật mình? – từ phía sau, cô bé tóc vàng lên tiếng.
+ À… không…
– Sao bạn không hát tiếp đi, đang hay mà !
+ Bạn hiểu mình hát gì sao?
– À, không, mình không hiểu ngôn ngữ bạn hát, nhưng mình cảm được nhiều tâm tình trong bài hát của bạn.
+ Bạn giỏi ghê ! Ah, có phải bạn là cô bé chiều chiều hay ngồi trên thảm cỏ bên bờ sông không?
– Phải và không phải. Mình là người chiều chiều hay ngồi trên thảm cỏ bên bờ sông, nhưng thật tiếc mình không còn là cô bé! Còn bạn, bạn là cậu bé chiều chiều hay thơ thẩn trên con đường cong cong này, và lâu lâu lại hát một mình, phải không?
+ Ừa, bạn đúng cả hai. Nhưng mà để mình đoán xem nhé, chắc là bạn nhỏ tuổi hơn mình đấy!
– Ừa, nhưng mà mình già hơn bạn…
+ Tại mình cười nhiều. Còn bạn, mỗi khi gặp bạn ngoài này mình thường thấy mặt bạn buồn rũ rượi. Nhăn nhăn cái mặt hoài nên mau già là đúng rồi…
Đó không phải là lần đầu tiên họ gặp nhau, nhưng là lần đầu tiên họ nói chuyện với nhau. Một cánh cửa nho nhỏ vừa mở ra.
…..
Lần thứ hai.
– Bạn thường ra sông mỗi khi buồn hay vui?
+ Mình chỉ ra sông mỗi khi thích. Chẳng để ý là buồn hay vui nữa. Còn bạn?
– Mình không biết, tâm hồn mình dường như lúc nào cũng chỉ có cùng một tâm trạng, chẳng buồn cũng chẳng vui, chẳng biết mình muốn gì nữa…
+ Bạn yêu dòng sông này lắm phải không?
– Không, hoàn toàn ngược lại!
– Vậy thì lạ thật đấy
– Mình ghét sông lắm. Sông có gì hay đâu mà thích chứ !
+ Vậy sao bạn hay ra ngồi đây?
– Thì nói rồi đó, mình không biết! Bạn nghĩ xem, trên đời này có điều gì bội bạc và xấu xa như dòng sông không?
+ Sao lại thế?
– Chẳng bao giờ dòng sông biết đứng lại. Bạn có thể ra ngồi bên dòng sông cả ngày như thể hai người bạn. Thật ra chỉ có bạn đứng lại, dòng sông thì cứ mãi lao mình về phía trước.
+ Đó chẳng phải là ơn gọi của dòng sông sao?
– Dòng sông mà cũng có ơn gọi sao? Bạn lãng mạn quá nhỉ! Còn mình thì khác. Tại sao dòng sông không dám dừng lại bạn biết không? Tại vì dòng sông đã ngầm chứa nơi mình quá nhiều cặn bẩn và rác rến. Chỉ cần dừng lại là bao nhiêu điều xấu xa sẽ trào lên trên bề mặt. Vậy nên nó cứ phải lao mình đi. Ra đi để che dấu. Ra đi để cố công giữ cho mình chút gì đó đẹp đẹp…
+ Bạn có khắt khe quá không?
– Nếu có, bạn không phải là người đầu tiên nói câu đó với mình…
+ Bạn nghĩ xem, rác rến của dòng sông từ đâu mà có… Chẳng phải rác rến là những cái bên ngoài người ta ném vào lòng sông sao? Nói cho cùng, dòng sông đâu có lỗi! Tự đầu nguồn, con sông nào vốn cũng là một dòng nước hiền lành trong suốt mà!
– Nhưng mà dòng sông ôm đồm và đa mang nhiều thứ. Có điều gì thấm nhiễm vào mình được nếu người không quá ôm đồm, phải không?
+ Ừa… nhưng mà bạn không nhận ra rằng ôm đồm gồng gánh lại cũng là một nét đẹp của dòng sông sao. Sông không bao giờ là một dòng chảy vô tình giữa bao la trời đất và tạp nhạp cuộc đời. Sông lặng lẽ nhận lấy nơi mình tất cả những gì người ta vứt bỏ…
Thoáng ngỡ ngàng trong mắt cô bé. Cô nhìn hắn lạ lẫm. Cô biết hắn đến từ một đất nước xa lạ. Và dưới mắt cô, hắn cũng xa lạ như chính nơi xuất thân của hắn. Chiều chiều cô hay gặp hắn thẩn thơ trên cùng một dòng sông, trên cùng một con đường. Những ngày đầu, họ lướt qua nhau như hai người xa lạ giữa bao kẻ xa lạ khác. Nhưng rồi cô nhận ra nơi hắn có nhiều điều khiến mình phải chú ý. Có thể là cái dáng trầm tư lặng lẽ. Có thể là những bước chân lãng đãng vừa như vững chãi vừa như vô định. Có thể là cái thói quen hay hát một mình chẳng giống ai. Và cũng có thể là cái kiểu lý sự không giống ai của hắn…
…..
Lần thứ ba.
– Bạn biết tại sao mình hay ngồi bên dòng sông? Soi bóng trước dòng sông, mình gặp lại mình.
+ Với tất cả những điều xấu xa mà bạn đã gán cho dòng sông sao?
– Trong lòng ai mà không có những điều xấu xa hả bạn? Có những điều xấu xa từ trong quá khứ cứ bám theo mình dai dẳng. Nhiều lúc mình muốn được tắm gội. Dòng sông gần thế, chỉ cần một bước chân. Ùm. Thế là xong mọi chuyện…
+ Nhưng sao bạn không làm điều đó?
– Mình nghĩ dòng sông không xứng đáng. Mình không thể dìm chết đời mình trong cái tạp nhạp bẩn thỉu của dòng sông được.
+ Bạn muốn giữ cho mình cái thanh cao đáng quý ghê. Nhưng mình hỏi thật nhé: bạn có nghĩ rằng dòng sông, vốn đã xấu xa và bẩn thỉu dưới mắt bạn, sẽ còn trở nên bẩn thỉu và thối tha hơn với cái xác chết trương sình của bạn không?
– Bạn… sao bạn lại nói thế với mình chứ?
+ Bạn có nghĩ rằng dòng sông có trở nên bẩn thỉu là cũng vì những cách giải quyết giống như bạn đang muốn thực hiện không? Nhiều người muốn làm như bạn lắm. Sống trong cuộc đời, người ta không muốn mang theo bên mình nhiều điều nặng nề, khó khăn, phức tạp, trách nhiệm, lầm lỗi… Họ hay tìm cách quẳng đại cho một ai đó, một chỗ nào đó mà họ gặp được trên đường đời. Nhiều người hay kết luận rằng cuộc sống tạp nhạp. Ít người nào chịu nhận ra trong cái tạp nhạp ấy có phần tham dự của chính mình…
– Mình không biết mình muốn gì, và cũng không biết mình làm đúng hay sai nữa… Nhưng mọi chuyện cứ càng ngày càng tệ, và mình thấy cuộc sống mình trống rỗng vô nghĩa quá.
– Cuộc sống vô nghĩa vì nó vốn trống rỗng hay vì bạn không cảm được ý nghĩa của nó?
– Bạn không tính dạy mình về ý nghĩa cuộc đời đấy chứ? Với bạn thì sao?
+ Mình thì chưa bao giờ phải vất vả đi tìm ý nghĩa cuộc đời. Mọi việc mình làm đều có một chút ý nghĩa nho nhỏ nào đó, cho mình chút niềm vui nào đó. Cuộc đời là một chuyến hành trình dài, nhưng mình tin rằng chuyến hành trình nào cũng được làm nên từ những bước đi nho nhỏ. Vui với những bước nho nhỏ trong đời, mình có thể vui với cuộc đời.
– Lạ thật, bạn mơ mộng như một thi sĩ, nhưng lại triết lý như một ông già…
+ Có lẽ vậy, mỗi người vốn bẩm sinh đã là một triết gia mà… À, mình nghe nói rằng cánh cửa cuộc đời chỉ mở ra cho những người nào chịu suy nghiệm nghiêm túc về nó thôi, cũng có lý phải không?
– Nhưng mà những suy nghiệm về cuộc đời làm mình mệt mỏi quá!
– Có thật vậy không? Suy nghiệm về cuộc đời làm bạn mệt mỏi, hay vì cuộc đời làm bạn quá mệt mỏi đến độ bạn không dám suy nghiệm về nó nữa?…
– Ừa, có lẽ ý của bạn đúng hơn.
+ Mình yêu mến những người thích suy tư về cuộc sống, giống như bạn. Nhưng đáng tiếc là có rất nhiều người không tìm được lối ra. Không phải vì họ kém cỏi đâu, nhưng dường như vì họ thường suy nghĩ về cuộc đời với một thái độ hằn học nào đó. Làm sao người ta có thể mở ra được cánh cửa sống với thái độ như thế, phải không bạn?…
….
Lần cuối.
– Bạn có biết tại sao dòng sông cứ phải chảy không?
+ Chẳng phải lần trước bạn đã có câu trả lời cho câu hỏi này rồi sao?
– Đó là nói theo cái kiểu của mình, còn bạn?
+ Mình tin rằng dòng sông nào cũng chảy, vì ơn gọi của dòng sông là về nguồn. Về nguồn, dòng sông sẽ được gột rửa khỏi những cặn bẩn rác rưởi đã đeo bám vào mình. Về nguồn, dòng sông sẽ được tan loãng hòa quyện giữa lòng đại dương. Về nguồn, sông sẽ căng mình ra trải rộng trong cái bao la của biển lớn. Về nguồn, sông lại sẽ trao ban chính mình bằng những luồng hơi nước làm dịu mát mặt địa cầu…
– Bạn lại đang triết lý về đời người hay đời sông đây?
+ Bạn nghĩ sao?
– … À, không, mình hiểu mà! Này, có lẽ từ ngày mai, mình sẽ không còn gặp bạn nữa rồi!
+ Bạn đã tìm nghe được tiếng gọi lên đường từ giữa lòng mình sao?
– Ừa, thì cũng phải lên đường chứ, đâu thể tù đọng mãi. Mà nè, mai không gặp mình nữa, bạn vui hay buồn? Êh, đừng có nói theo cái kiểu là không vui cũng không buồn à!
+ Vậy thì mình vừa vui vừa buồn. Vui vì bạn đã thôi lý sự loanh quanh để bước vào một cuộc sống mới. Buồn vì mất một người lý sự với mình…
Cô bé cười. Lần đầu tiên cô bé cười bên sông.
Hoàng hôn vừa ập xuống. Cơn gió chiều đột ngột làm xõa tung mái tóc vàng óng. Vài tia nắng sót lại xuyên qua những sợi tóc bay bay…
Nghiêng nghiêng mái đầu sang một bên, cô bé cười.
Nheo nheo đôi mắt tinh nghịch, cô bé cười.
Tiếng cười trong trẻo vang động trên mặt sông.
Và dòng sông vẫn chảy…
Roma 28.03.2009
Cao Gia An, S.J.