Giuse BCD
Nói đến Tây Nguyên, người ta thường liên tưởng tới bà con dân tộc thiểu số. Nói tới bà con dân tộc thiểu số, người ta thường liên tưởng tới những người nghèo khổ, bần cùng, ít học, bị gạt ra bên lề xã hội… Nói tới người nghèo là nói tới Tin Mừng, vì Tin Mừng thường dễ đến với người nghèo: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5:3), “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em” (Lc 6:20). Vì lẽ đó, truyền giáo tại Tây Nguyên thường hướng tới bà con dân tộc thiểu số. Và vì đặc tính của dân tộc thiểu số, nên truyền giáo tại Tây Nguyên cũng có những đặc thù riêng.
Trước hết, có những vấn đề nhạy cảm, chẳng hạn như trong quá khứ, đã có những bạo loạn xảy ra tại vùng đất Tây Nguyên mà ngòi nổ của bạo loạn không phải đến từ Đạo Công Giáo hoặc các nhà truyền giáo Công Giáo. Vì thế, có lẽ không nên bàn nhiều ở đây, nhưng tóm gọn một điều, đó là nhiều người chưa đặt niềm tin vào thần thánh thường không thích bà con dân tộc thiểu số được đón nhận Tin Mừng. Tuy nhiên, đó không phải là trở ngại lớn, cũng chẳng phải là thách đố lớn trong việc truyền giáo. Có lẽ trở ngại và thách đố đến từ tâm hồn mỗi người, một tâm hồn thiếu vắng Lời Chúa, thiếu vắng cầu nguyện, thiếu vắng ngọn lửa yêu mến việc truyền giáo, một lỗ tai bị điếc trước lời mời gọi thống thiết của Đấng Phục Sinh: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16:15).
Thứ đến, truyền giáo tại Tây Nguyên cần một tâm hồn thanh thản, tín thác vào Chúa cách tuyệt đối, không nên lo lắng về tiền bạc hoặc bất cứ điều gì khác (Mc 6:8), chỉ cần ôm trọn Chúa trong con tim và lên đường như gương của Mẹ Maria mà thôi (Lc 1:39-44). Bởi lẽ, đối tượng lắng nghe loan báo Tin Mừng là người nghèo khổ (nghèo vật chất, yếu tinh thần, thiếu đức tin). Người nghèo thì chẳng có gì giúp ta. Ngược lại, ta phải tìm cách giúp họ. Người nghèo vật chất thì nghèo quanh năm suốt tháng. Bà con dân tộc thiểu số có đói có rách vẫn vui cười. Trong nhà chẳng còn hột gạo, họ vẫn bình thản. Cho nên, người truyền giáo chẳng phải lo cơm áo gạo tiền cho họ, vì làm sao lo cho xuể. Do đó, nỗi lo trên hết của người truyền giáo là làm thế nào Lời Chúa được gieo vào tâm hồn người nghèo, giúp bà con có được sức mạnh nội lực, sức mạnh thiêng liêng để bù đắp cho nỗi yếu hèn của thể xác và tinh thần; làm thế nào giúp bà con cảm nhận được niềm vui Tin Mừng để xua tan những nỗi buồn cơ cực, và cản ngăn những trào lưu thực dụng và hưởng thụ đang dần xâm chiếm đời sống văn hóa của họ. Nói như thế, không có nghĩa phủ nhận vai trò của sứ vụ Caritas, của Tông đồ Xã hội. Người truyền giáo cũng thực thi sứ vụ Tông đồ Xã hội, nhưng nó chỉ được thực hiện sau khi bà con đã đón nhận Tin Mừng. Sứ vụ Tông đồ Xã hội của người truyền giáo đi từ bên trong lòng đời sống và nhu cầu thiết thực của bà con nghèo khổ, tức là thực sự biết họ đang cần gì, đang thiếu gì… để đáp ứng, hỗ trợ và phát triển cho cuộc sống của bà con!
Sau cùng và cũng là lời tạm kết, truyền giáo tại Tây Nguyên cần sự dấn thân và sống mầu nhiệm Nhập Thể cách sâu xa để giúp bà con sống mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa, sống sức sống mới của Thánh Thần; nghĩa là sẵn sàng học văn hóa và ngôn ngữ của bà con, thấu cảm với trình độ và bản sắc văn hóa của người bản địa, đồng hành sát cánh với bà con, sẵn sàng ở lại với họ, “vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12:15), như lời Chúa Giêsu căn dặn các Tông Đồ: “Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi” (Mc 6:10).
Sứ vụ Truyền giáo tại Tây Nguyên khó có thể chia sẻ đầy đủ chỉ trong một trang giấy. Hy vọng rằng một vài chia sẻ vắn tắt trên đây cũng đóng góp phần nào cho những ai muốn đi vào cánh đồng mênh mông trên mảnh đất Tây Nguyên này.
Tây Nguyên, đêm ngày 10/3/2016
Đúng vậy.Thách đố đến từ tâm hồn mỗi người, một tâm hồn thiếu vắng Lời Chúa, thiếu vắng cầu nguyện, thiếu vắng ngọn lửa yêu mến việc truyền giáo, một lỗ tai bị điếc trước lời mời gọi thống thiết của Đấng Phục Sinh: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16:15).