Chân phước Gioan XXIII và Gioan Phaolô II với Giáo hội Á Châu

asia2

Chân phước Gioan XXIII và Gioan Phaolô II đã mang lại cho Giáo hội một tầm quan trọng mang tính lịch sử lớn lao trong thế giới hiện đại. Các tín hữu Công giáo dành cho các ngài một sự tôn kính lớn lao trong tâm hồn cũng như nơi tâm trí. Ngoài ra, các tôn giáo Ki-tô khác và mọi tín hữu thuộc các tôn giáo khác đều dành cho hai vị một sự tôn trọng sâu sắc vì khả năng lãnh đạo phi thường của các ngài. ĐTC Gioan XXIII đã thiết lập một giai điệu và một chương trình của thế kỷ XX và cho thấy khả năng đọc dấu chỉ thời đại của ngài. Với ĐTC Gioan XXIII, việc triệu tập Công đồng [Vaticanô II] là một dấu chỉ rõ ràng cho thấy Giáo hội có khả năng đáp lại những thách đố của thế giới hiện đại và làm cho sứ điệp của Đức Ki-tô được biết đến. Mặc dù qua đời vào năm 1963, nhưng viễn tượng, sứ mạng và gợi hứng của ngài vẫn âm vang một cách mạnh mẽ trong các tài liệu của Công Đồng Vaticanô II. Những tài liệu này đã đổi mới cách thế trong đó Giáo hội gặp gỡ các thành viên và cá nhân của tất cả các tôn giáo.

ĐTC Gioan Phaolô II có một ảnh hưởng lớn lao và quan trọng không chỉ với Giáo hội mà còn với hết thảy mọi người, các Ki-tô hữu cũng như ngoài Ki-tô hữu, Hồi Giáo, Ấn độ giáo, Phật giáo và những người thuộc các tôn giáo khác.

Châu Á là cái nôi của tất cả các tôn giáo lớn: Ki-tô giáo, Ấn độ giáo, Do thái giáo, Phật giáo, Đạo giáo, Lão giáo, Hồi giáo… Đây cũng là vùng đất cư ngụ của 2 phần 3 dân số thế giới. Lãnh thổ Á Châu biểu lộ kế hoạch cứu độ của toàn thể thế giới. Thiên Chúa được mạc khải thông qua Kinh Thánh Do thái (Cựu Ước) và cuối cùng được mạc khải trọn vẹn qua người Con Một là Đức Giê-su Ki-tô, để ai tin vào Người thì có sự sống vĩnh cửu. Vì quả thật, Đức Giê-su là đường, là sự thật và là sự sống.

Một mặt, nếu Châu Á phải đối diện với nhiều khủng hoảng và khó khăn như nghèo đói, mù chữ, bất công, lao động trẻ em, thì mặt khác, chúng ta cũng nhận ra rằng, phân biệt đối xử dựa trên đẳng cấp, tín ngưỡng, giới tính cũng đang lan rộng trên lục địa này. Hàng triệu người sống dưới mức nghèo khó. Họ không có đủ cơm ăn, thiếu áo mặc, không có một nơi để cư ngụ. Ngoài ra còn có một làn sóng mạnh mẽ của khủng bố, cuồng tín, cực đoan. Trong một vài quốc gia, các cuộc tấn công khủng bố và đánh bom tự sát đã trở nên khá phổ biến. Hàng triệu người đã chết vì bạo lực được thúc bẩy bởi tôn giáo. Phụ nữ phải đối diện với khó khăn vì không có quyền thích hợp và một vị trí đúng đắn trong xã hội. Có một vấn đề nghiêm trọng liên quan đến công lý và trật tự. Có một nhu cầu mạnh mẽ về sự hòa hợp giữa các tôn giáo, hòa bình, đón nhận và tôn trọng lẫn nhau. Có một nhu cầu mạnh mẽ về tự do tôn giáo và các việc thực hành tôn giáo.

Trong bối cảnh đó, tôi tin rằng Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII và Gioan Phaolô II đóng một vai trò quan trọng trong việc mang đến những thay đổi tích cực trong xã hội. Cả hai vị có những đóng góp quan trọng và lâu dài đối với Giáo hội ở Á Châu. Có một thực tế là ở Châu Á, nơi Đức Giê-su được sinh ra, Giáo hội vẫn tiếp tục là thiểu số, với khoảng 3% dân số. Đây là lục địa đông dân nhất. Đây là nơi cư ngụ của hai phần ba dân số thế giới và cũng là nơi cư ngụ của hầu hết những người thuộc về tôn giáo khác như Hồi giáo, Ấn Độ giáo, Phật giáo, Do Thái, Zoroastrian, Jain, đạo Sikh… Kitô hữu vẫn chỉ là thiểu số. Giáo Hội tại Châu Á là “muối cho đất và là ánh sáng cho thế gian” (x. Mt 5,12-14).

Trong bối cảnh Á Châu, Thông điệp Pacem in terris của ĐGH Gioan XXIII có tầm quan trọng nền tảng. Thông điệp này có thể ảnh hưởng một cách mạnh mẽ đến cách thức mà chúng ta đáp trả lại với những khó khăn đang đối diện, ví dụ như thách đố của cuộc đối thoại giữa những người thuộc các tôn giáo khác nhau, đặc biệt là giữa Hồi giáo và Ki-tô giáo. Tuy vậy, thông điệp này cũng đặt ra cho chúng ta những thách đố. Thông điệp Pacem in terris trao phó cho những người nam và nữ thiện chí một nhiệm vụ lớn lao liên quan đến tất cả mọi người, đặc biệt là những ai sống trong xã hội Á Châu. Ví dụ, nơi số 87 của Thông điệp, chúng ta đọc thấy như sau: “Hết thảy những người thiện chí ngày nay đều phải đảm nhận một trách vụ lớn lao, là nối lại những mối tương quan của cuộc sống trong xã hội trên nền tảng luân lý, công bình, bác ái và tự do: mối tương quan giữa các cá nhân, giữa công dân và quốc gia, tương quan giữa các quốc gia với nhau, và sau hết là mối tương quan giữa các cá nhân, các gia đình, các đoàn thể trung gian với quốc gia và với cộng đồng thế giới. Đây quả thực là bổn phận cao quý hơn hết, bởi vì mục tiêu của nó là nhằm mở đường thống trị cho nền hòa bình đích thực, trong trật tự Thiên Chúa đã thiết lập.”

Mặc dù Thông điệp này đã được viết cách đây 50 năm, nhưng nó vẫn rất quan trọng cho đến ngày nay. Điều này càng đúng ở Á Châu, và đây quả là một thách thức lớn để vượt qua những khủng hoảng mà chúng ta đang đối diện để xây dựng một nền hòa bình viên mãn ở lục địa này. Thông điệp này đã đưa ra những nguyên lý mà về sau đã lặp lại trong một vài tài liệu của Công đồng Vaticanô II, và quả là một điều tốt đẹp khi biết rằng Pacem in terris là một Thông điệp đầu tiên của ĐTC không chỉ dành cho các tín hữu Công giáo mà còn dành cho “hết thảy mọi người thiện chí.” Do đó, Thông điệp này quả thực dành cho hết thảy mọi người tại Á châu, các Ki-tô hữu và Hồi giáo, và cả những người thuộc các tôn giáo khác. Thông điệp này cũng gợi hứng và khích lệ chúng ta thực thi những điều tốt lành, dựa trên chân lý, công bình và bác ái, để mang lại hòa bình và sự hòa hợp cho xã hội chúng ta. Hòa bình là một quá trình liên tục chứ không chỉ là một khoảnh khắc vắng bóng chiến tranh.

Trong thông điệp của mình, ĐTC Gioan XXIII cũng rất chú trọng đến quyền nền tảng của con người theo thứ tự sau: quyền sống, quyền giữ gìn thân thể toàn vẹn, quyền có cơm ăn, áo mặc, nhà ở, nghỉ ngơi, chăm sóc y tế, và các dịch vụ xã hội thiết yếu (số 6). Quyền được người khác tôn trọng nhân phẩm, quyền có một thanh danh tốt, quyền được tự do tìm kiếm chân lý, tự do ngôn luận (số 7), quyền tự do thờ phượng (số 8), quyền chọn lựa bạn đời và lập gia đình (số 9), quyền tự do khởi sự một công việc kinh doanh, quyền lao động, quyền liên quan đến điều kiện lao động thích hợp, quyền sở hữu cá nhân (số 10), quyền tụ hội họp và lập hội (số 11). Đây là những quyền mà chúng ta mong muốn được hiện thực hóa ở Á Châu.

ĐTC Gioan Phaolô II đã để lại một gợi hứng sâu sắc cho người dân ở Á Châu. Ngài là một vị lãnh đạo tôn giáo vĩ đại. Ngài đã bảo vệ tự do tôn giáo, cổ võ các cuộc đối thoại đại kết và liên tôn. Ngài đã gặp gỡ và lắng nghe những người thuộc các tôn giáo khác ở Vatican cũng như tại các quốc gia mà ngài thăm viếng. Ngài đã trao cho các Ki-tô hữu tại Á Châu một sự khích lệ mạnh mẽ với những lời trong các thông điệp. Cụ thể, trong tông huấn Giáo hội tại Á Châu, ngài cung cấp cho chúng ta một nguồn cảm hứng liên tục và trao cho chúng ta một sự can đảm lớn lao để tự hào mình là người Ki-tô hữu Á Châu. Và đây cũng là một hướng dẫn quan trọng để loan báo và rao giảng Đức Ki-tô cho những anh chị em bên cạnh chúng ta, cho sự lớn mạnh của Giáo hội. Tài liệu này xác nhận rằng “cũng như trong ngàn năm thứ nhất, Thánh Giá đã được cắm trên miền đất Âu Châu, rồi trong ngàn năm thứ hai được cắm trên miền đất Mỹ Châu và Phi Châu, thì chúng ta có thể cầu ước nguyện rằng, trong ngàn năm thứ ba Kitô giáo, một mùa gặt lớn về đức tin sẽ được thu hoạch tại lục địa rộng lớn và đầy sức sống này” (số 1). Sứ mạng rao giảng đã được trao ban như thế. Cũng trong tài liệu này, ĐTC Gioan Phaolô II nhận ra “tầm quan trọng của sự đối thoại như là một phương thức đặc thù của đời sống Giáo Hội tại Á Châu (số 3).” Ngài giải thích rằng, đối thoại “không chỉ đơn thuần là một chiến lược để cùng chung sống hoà bình giữa các dân tộc; thay vào đó, đối thoại là một phần thiết yếu trong sứ mạng của Giáo hội […], một ơn gọi đích thực”. Đối thoại “còn hơn là một cách thức cổ võ sự hiểu biết và làm giàu cho nhau; đó là thành phần của sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội, một diễn tả của sứ vụ đến với dân ngoại (Ad Gentes) (số 31). Cuộc đối thoại được nối kết với việc Phúc Âm hoá. Vì thế, trong sứ mạng của Giáo hội tại Á Châu, cả hai chiều kích này đều mang tầm quan trọng hàng đầu. Tông huấn cũng chú trọng rất nhiều vào phong trào đại kết. Tất cả chiều kích trong sứ mạng của Giáo hội đều rất quan trọng đối với Giáo hội tại Á Châu. Vì thế, quả là một niềm vui lớn lao khi hai vị Giáo Hoàng vĩ đại của chúng ta được phong thánh. Giáo huấn và đời sống của họ tiếp tục trao cho người dân tại Á Châu một nguồn gợi hứng lớn lao. Chúng giúp chúng ta trong sứ mạng loan báo Tin Mừng, trong cuộc đối thoại liên tôn, đại kết, trong việc bảo vệ quyền con người, bình đẳng, công bình và tự do trong tư tưởng, tôn giáo, và thực hành tôn giáo. Đời sống của các ngài tiếp tục giúp đỡ chúng ta chiến đấu cho các quyền bình đẳng, để chúng ta có thể hợp tác với nhau giữa các quốc gia và tôn giáo. Nó giúp chúng ta biết lên đường để hỗ trợ những người bị áp bức, những kẻ bị thiệt thòi và bị gạt ra bên lề. Đó cũng là nguồn cảm hứng cho chúng ta để có một sự kiên định trong đức tin, giữa biết bao nhiêu khó khăn và thách đố mà chúng ta phải đối diện trong hành trình cuộc sống với tư cách là những người Ki-tô hữu. Trước mắt chúng ta luôn luôn là Đức Ki-tô, Đấng đã chịu đau khổ, chịu chết và ngày thứ ba đã sống lại vì chúng ta và để cứu độ chúng ta. Chúng ta phải tự hào vì mình là những người Ki-tô hữu, những người theo Đức Ki-tô, những người Á Châu, vì Đức Ki-tô – Ngôi Lời của Thiên Chúa – đã làm người tại Á Châu.

 

 

Nguồn: Radio Vaticana

Nguyễn Minh Triệu sj chuyển ngữ

Kiểm tra tương tự

Tin vui từ Vatican: Công nhận Cuộc Tử đạo của Cha Trương Bửu Diệp

Ngày 25 tháng 11 năm 2024, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho phép Bộ Phong …

Tại sao nước Mỹ có ít bậc hiển thánh và chân phước?

  Có vị thánh nào gốc người Mỹ không, hay tất cả đều từ nơi …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *