Chúa Ki-tô Vinh Quang

Chúa đặt người phục vụ Giao Ước Mới.

Cuộc tìm và gặp trong vườn là phần đầu của tương quan giữa Chúa Ki-tô Vinh Quang với cộng đoàn Giao ước Mới. Xưa Chúa sai Mô-sê đưa dân ra khỏi Ai-cập, Chúa ban Luật Giao ước ở núi Xinai, rồi Chúa cho Mô-sê những người cộng tác để phục vụ cộng đồng, Chúa ban nước và lương thực nuôi họ trong hành trình qua hoang địa để vào Đất Hứa. Cộng đoàn Giao ước Mới là Dân mới của Thiên Chúa, nên Chúa Giê-su cũng ban nước và lương thực như Chúa đã công bố khi rao giảng, đó là chính Chúa, manna đích thật và nguồn nước đích thật, mà dân lãnh nhận  qua Lời và Bánh (x.Ga 6-7). Nhưng vì là dân lữ hành nên Chúa cũng đặt những người đầy Thần Khí để  phục vụ (x. Xh 18 ; Ds 11,10-30).

Chúa Giê-su Phục Sinh cũng đến ban cho cộng đồng dân của Giao Ước Mới những người phục vụ. Ngày thứ nhất trong tuần, buổi sáng Chúa sai bà Maria Mac-đa-la đến báo tin ; buổi chiều trong khi  các môn đệ còn đóng kín cửa « vì sợ người Do Thái » thì « Chúa đến », Chúa không cần ai mở cửa. « Chúa đứng giữa các ông và nói : « Bình an cho anh em ! » Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa ». Chúa đã hứa :

« Thầy bảo thật anh em, anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui. Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình ; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian. Anh  em cũng vậy, bây giờ anh  em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng ; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được » (Ga 16,20-22).

Niềm vui gặp lại Chúa thật to lớn. Chúa cho các ông xem tay và cạnh sườn còn mang dấu bị đâm thâu. Cơn đau sinh con đã qua rồi, một con người mới đã sinh ra cho đời. Con người mới là Chúa Giê-su phục sinh và cũng là cộng đồng dân mới của Giao Ước, đứa con mới của E-và mới. Niềm vui này không ai lấy mất được, vì Chúa Phục Sinh đã thắng thế gian và thủ lãnh của thế gian (Ga 12,31;14,30;16,33). Cái chết không làm gì được Người nữa. Chúa phục sinh luôn đứng giữa cộng đồng dân của Giao ước Mới.  

Người lại nói với các ông: “bình an cho anh  em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” Nói xong, người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”.

Trong sách Dân số có lần ông Mô-sê khổ tâm quá vì nghe dân ta thán, ông than với Chúa: “Sao Ngài lại làm khổ tôi tớ Ngài… Có phải con đã cưu mang tất cả dân này không? Có phải con đã sinh ra nó không mà lại bảo con: “Bồng nó vào lòng, như vú nuôi bồng trẻ thơ… Một mình con không thể gánh cả dân này được nữa, vì nó nặng quá sức con. Nếu Ngài xử với con như vậy, thì thà giết con đi còn hơn – ấy là nếu con đẹp lòng Ngài! Đừng để con phải khổ nữa” (Ds 11,12-15).

Chúa Giê-su hơn hẳn ông Mô-sê. Chúa không xin chết để khỏi khổ. Chúa đã cưu mang, và đã sinh ra dân mới này bằng đau khỏ và cái chết của Chúa!

Trong sách dân Số, Thiên Chúa cho ông Mô-sê một giải pháp: “Đức Chúa phán với ông Mô-sê: “hãy tập họp lại cho Ta bảy mươi người trong số kỳ mục It-ra-en… Ngươi sẽ đem chúng đến Lều Hội Ngộ, để chúng đứng đó với ngươi. Ta sẽ xuống đó nói chuyện với ngươi. Ta sẽ lấy một phần Thần Khí đang ngự trên ngươi mà đặt trên chúng, chúng sẽ cùng với ngươi gánh vác dân này, và ngươi sẽ không còn phải vác một mình nữa” (Ds 11, 16-17).

Chúa Giê-su là Chúa nên trực tiếp lo liệu cho có người phục vụ dân. Được tôn vinh, Chúa có quyền năng ban Thánh Thần: “Nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh  em” (Ga 16,7). Bây giờ Chúa Phục Sinh trực tiếp ban Thánh Thần cho các môn đệ để họ phục vụ Giao Ước Mới  bằng quyền tha tội. Ơn tha tội đưa người ta vào và giúp người ta ở lại trong Giao ước Mới.

Kẻ cứng lòng: Ông Tô-ma.

Tin Mừng Gioan cho chúng ta một “niềm an ủi” vì trong 12 tông đồ có một ông “cứng đầu gương mẫu” và một câu trả lời trước cho những kẻ nghi ngờ và đòi tự tay kiểm chứng sự hiện diện của Chúa Phục Sinh. Mt 28,16-17 // Mc 16,11-14// Lc 23,11 đều kể về thái độ hoài nghi, cứng lòng của các tông đồ, nhưng không “vạch mặt chỉ tên” người nào. Tin mừng Gioan muốn cho chúng ta những “mẫu thu gọn” (icons), không ngần ngại kể thẳng cho chúng ta danh tánh một vị: ông Tô-ma, và cho thấy Chúa Giê-su Phục Sinh là mục tử kiểu mẫu: “Không để mất một ai trong số những người Cha đã ban cho con, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh” (Ga 17,12).

Tin mừng thứ tư cho chúng ta biết một số chi tiết về cá tính của ông Tô-ma (11,16; 14,5; 21,2), rất giống ông Nathanaen người Cana (1,45-49 và 21,2), là người thẳng thắn, nghĩ sao nói vậy, chỉ tin khi chính mình kiểm tra được. Ông vắng mặt khi Chúa đến vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần. Nghe các ông khác kể lại, ông đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”. Nói như thế hóa ra ông thách đố chính Chúa Giê-su! Nếu Chúa muốn cho ông tin thì Chúa phải chịu khó cho ông tự tay kiểm chứng. Chúa để cho ông chờ tới ngày thứ nhất tuần sau đó : “Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em”. Thế là quang cảnh như tám ngày trước. Và cách thức Chúa đến cũng như tám ngày trước. Tám ngày đó chẳng có ai gặp để “méc” Chúa. Nhưng Chúa đáp lại vượt mức mọi yêu cầu của ông Tô-ma. “Rồi người bảo ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”. Bản văn không nói ông có làm theo như được Chúa cho phép không, nhưng kể ngay lời tuyên xưng: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Thế là ông đã tin và nhìn nhận Chúa Giê-su là Chúa, như bà Maria Mac-đa-la đã tuyên xưng, và là Thiên Chúa, đúng như lời mở đầu Tin Mừng: “Ngôi Lời là Thiên Chúa” và ông nhận vào trong Giao Ước Mới.

Chúa Giê-su công bố mối phúc thứ hai trong Tin Mừng này: “Phúc cho ai không thấy mà tin”. Chúng ta thường mơ ước được thấy Chúa như các môn đệ đã theo Chúa trên các nẻo đường. Nhưng phúc của chúng ta là không thấy mà tin. Tin mới là Phúc chứ không phải thấy. Bao nhiêu người đương thời đã thấy Chúa mà không tin. Chúng ta không được thấy nhưng được đức tin. Đức tin mới cho chúng ta được lãnh nhận quyền làm con Thiên Chúa. Mối phúc thứ nhất trong Tin Mừng Gioan là : “Anh  em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành thì thật phúc cho anh em” (13,17).

Về phương diện văn chương, tác giả đã hoàn tất dàn bài dự tính trong lời mở đầu. Tác giả kết luận: “Chúa Giê-su còn làm nhiều dấu lạ khác trước mặt các môn đệ, nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. Còn những điều được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người”.

Vậy thì sách Tin Mừng không nhằm kể hết mọi chi tiết về đời sống Chúa Giê-su, vì mục đích là “để anh em tin và nhờ tin mà được cứu độ nhờ danh Người”. Người viết sách chọn một số điều và kể ra vì mục đích đó thôi. Sau dấu lạ đầu tiên Chúa tỏ vinh quang cho môn đệ tại Cana thì các môn đệ đã tin vào Người (2,11). Người Do Thái ở Giê-ru-sa-lem đòi Chúa làm một dấu lạ để chứng tỏ Chúa có quyền thanh tẩy Đền Thờ đã bị họ biến thành cái chợ (2,16.18). Nhưng rút cuộc họ quyết định giết Chúa vì Chúa làm nhiều dấu lạ quá (11,47-48).

(mời quý vị và các bạn xem trang tiếp theo)

Kiểm tra tương tự

Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật 12 Thường Niên: Chúa muốn nói gì với con?

Tuần trước, khi trở về thăm quê hương, tôi có dịp gặp gỡ và trò …

Suy Tư Tin Mừng Chúa Nhật 10 TN: Để Lời Chúa tạo tình thân

Tin mừng Thánh Maccô hôm nay thuật lại bài nói chuyện của Chúa Giêsu dành …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *