I-nhã, con người tìm kiếm (Chuẩn bị Mừng lễ thánh I-nhã 31.7)

1. I-NHÃ, CON NGƯỜI TÌM KIẾM THẾ GIAN

I-nhã, suốt đời là con người tìm kiếm, và tìm kiếm hết mình. Ba mươi năm đầu, ngài tìm kiếm vinh hoa thế gian, thích được tiếng tăm lẫy lừng, thích những cuộc so gươm và mang trong mình ước mơ chinh phục một tiểu thư khuê các.

I-nhã muốn tử thủ khi quân Pháp ào ạt bao vây thành Pamplona. Ngài thú tội với người bạn đồng đội, điều đó cho thấy ngài sẵn sàng chết để bảo vệ thành. Hẳn I-nhã coi chuyện chưa đánh đã hàng là một điều nhục nhã, không hợp với khí phách nam nhi. Sau sáu giờ nã pháo vào thành, một viên đại pháo đã làm gãy chân mặt của I-nhã. Thế là kết thúc việc chiếm thành, và khởi đầu một cuộc chinh phục của Thiên Chúa.

I-nhã đâu có dễ bỏ những mộng ước thế tục. Điều ngài quan tâm là cái chân đau của mình. Vết thương nơi chân phải mổ lần thứ hai khiến ngài suýt chết. Nhưng khi chân đã lành, thì I-nhã lại đau khổ vì thấy mình chân thấp chân cao, làm sao mà khiêu vũ (!). Chính ngài thú nhận: “Khi các xương đã liền, thì xương dưới đầu gối chồng lên xương kia nên chân đã bị ngắn lại, có một cục xương lồi ra rất khó coi. Vì đã quyết tâm theo hư danh trần gian, nên ông hỏi bác sĩ xem có thể cưa cục xương đó không. Họ trả lời có thể cưa được, nhưng đau đớn hơn gấp bội. Tuy nhiên, ông đã quyết chịu đau để thực hiện ước muốn của mình.”

I-nhã đã tìm kiếm thế gian một cách nghiêm chỉnh và say mê. Ngài chấp nhận trả giá để được những gì thế gian ca tụng: sắc đẹp, tài năng, danh vọng…

Thời gian dưỡng thương là thời gian I-nhã nóng ruột trở lại với cung đình, nhưng Thiên Chúa đã biến nó thành thời gian hồng phúc. Tình cờ người chị dâu đưa cho ngài cuốn sách “Cuộc đời Đức Kitô” và cuốn “Hạnh các Thánh”. Gương các thánh tạo nên một âm vang lớn trong lòng ngài. Có một thúc đẩy mạnh mẽ mời gọi ngài bắt chước các thánh: sống khắc khổ, đi viếng Đất Thánh, nhịn ăn, đánh tội. Khi nghĩ đến những việc đó, I-nhã thấy lòng bừng lên một niềm vui kéo dài, khác với thứ niềm vui hời hợt, mau qua khi ngài nghĩ đến những chuyện thế gian phù phiếm. I-nhã bắt đầu suy nghĩ một cách nghiêm túc về quãng đời quá khứ của mình, và thấy cần phải làm việc hãm mình đền tội.

I-nhã đã đi vào con đường hoán cải. Có biết bao điều cần cho một cuộc hoán cải, những điều xem ra tình cờ hay rủi ro: một thất bại, một cuốn sách, một vết thương làm cho không đi lại được… Viên đạn đại bác đã làm I-nhã gãy chân và dừng chân. Chỉ khi dừng chân, I-nhã mới có thể thấy quá khứ và định hướng lại cuộc đời.

Trở lại là tiếp tục tìm kiếm một điều khác xưa. Không tìm kiếm danh thơm tiếng tốt cho mình, nhưng vinh quang cho Thiên Chúa, không tìm phục sự vua Tây Ban Nha, nhưng tìm phục sự vua Giêsu. Từ đây, Chúa Giêsu trở nên trung tâm của đời I-nhã.

Lạy Cha,
sống là tìm kiếm.
Mỗi người theo điều mình đang mãi mê kiếm tìm.
Chúng con tử họi mình đang tìm kiếm gì, tìm kiếm ai,
đâu là hướng đi, đâu là lý tưởng đời mình?

Chúng con thấy rằng những giá trị của thế gian
chiếm chỗ lớn trong những ước mơ của chúng con.
Tiền bạc, danh vọng, khoái lạc, quyền lực
vẫn là những điều làm chúng con ngây ngất say mê.
Cha vẫn không có chỗ cao nhất trong cuộc đời của chúng con.

Lạy Cha, xin ban cho chúng con ơn hoán cải như I-nhã.
Xin đánh thức chúng con khỏi cơn mê.
Xin làm cho chúng con tỉnh ngộ để nhận ra giá trị đích thực.
Xin dạy chúng con biết kiếm tìm Cha,
vì chỉ có Cha mới thật sự đong đầy
những ước mơ sâu kín của chúng con,
và cho chúng con được hạnh phúc viên mãn.

2. I-NHÃ, CON NGƯỜI TÌM KIẾM THIÊN CHÚA

Từ khi được ơn hoán cải, I-nhã trở thành con người tìm kiếm Thiên Chúa. Ngài không thấy hết con đường Thiên Chúa muốn dắt ngài đi, chính vì thế ngài tự nhận mình là một người lữ khách, rong ruổi trong cuộc hành trình kiếm tìm ý Chúa cho đời mình.

Sau khi hoàn toàn bình phục, I-nhã lên đường đi Đất Thánh như lòng Ngài ao ước. Ngài dứt khoát muốn ở lại đây vì lòng ngài yêu mến vùng đất chính Chúa Giêsu đã sống và vì muốn giúp đỡ các người chưa biết Chúa. I-nhã nói với cha Giám Tỉnh dòng Phanxicô ở Bêlem rằng: ngài đã “nhất quyết rồi và sẽ không đổi vì bất cứ lý do nào, cũng không sợ bất cứ lời đe dọa nào…” Lúc ấy, cha Giám Tỉnh mới cho I-nhã biết ông không được ở lại Đất Thánh, bất tuân sẽ bị tuyệt thông. I-nhã thấy ngay là “ý Chúa không muốn mình ở lại Đất Thánh.” Ngài chấp nhận từ bỏ mơ ước của mình để đón lấy ý Chúa. Mơ ước là cần thiết, nhưng thực tế cũng là nơi Thiên Chúa ngỏ lời. I-nhã đã để cho Chúa dẫn mình đi vào lối của Chúa, xuyên qua thực tế của cuộc sống.

“Sau khi thấy rõ ý Chúa không muốn ông ở lại Giêrusalem, người lữ khách luôn luôn cầm trí suy nghĩ xem phải làm gì bây giờ, và ông thấy mình nghiêng về việc đi học một thời gian để có thể giúp đỡ các linh hồn.” Giúp đỡ các linh hồn đã là mối bận tâm của I-nhã ngay từ khi hoán cải. Nhưng bây giờ, ngài thấy mình cần phải đi học, học để giúp đỡ người khác một cách hiệu quả hơn. Tuy vậy, I-nhã vẫn chưa ý thức đủ về tầm quan trọng của việc học. Vừa học ngài vừa cho linh thao, dạy giáo lý, gặp gỡ thiêng liêng. Chính vì thế ngài đã gặp nhiều khó khăn từ phía giáo quyền. I-nhã bị buộc học bốn năm mới được giảng dạy giáo lý, mới được giúp người ta phân biệt khi nào thì phạm tội trọng, khi nào phạm tội nhẹ.

Chính sự cấm đoán của giáo quyền đã khiến I-nhã học tập một cách nghiêm túc hơn. Ngài chấp nhận hy sinh việc tông đồ, chỉ đi xin trợ cấp vào mùa hè, và điều độ trong việc cầu nguyện. I-nhã đã miệt mài học tập trong bảy năm trời để cuối cùng tốt nghiệp Đại học Paris lúc 44 tuổi. Việc học chỉ là phương tiện phục vụ, nhưng lại là phương tiện cần thiết, nên được I-nhã trân trọng và theo đuổi đến cùng.

Trong thời gian học tập ở Paris, nhờ Linh thao, I-nhã đã quy tụ được những người bạn cùng chí hướng. Họ muốn sống nghèo và độc thân để phục vụ Chúa Kitô và Giáo Hội. Cả nhóm đã hứa sau khi tốt nghiệp sẽ cùng nhau đi Đất Thánh và ở lại đó làm việc tông đồ. Nhưng một lần nữa, đó không phải là ý Chúa. Chẳng có chuyến tàu nào dám đi Đất Thánh trong thời gian ấy, vì có xung đột giữa Venise và người Thổ Nhĩ Kỳ, nên cả nhóm đã đi Roma, tự nguyện dâng mình cho Đức Thánh Cha định liệu. Đức Thánh Cha đã sai các bạn cựu sinh viên, nay đã là những linh mục, đi khắp nơi làm việc tông đồ. Trước nguy cơ nhóm bị tan rã và tình bạn bị mai một, I-nhã và các bạn đã quyết định lập một dòng tu mới trong Giáo Hội, dòng mang Tên Chúa Giêsu.

Tay Chúa đã dẫn đưa I-nhã từ chiếc giường bệnh ở Loyola đến với căn phòng của vị sáng lập Dòng Tên tại Roma. Ai có thể ngờ được việc Thiên Chúa dẫn đưa ngài qua những biến cố may rủi của cuộc sống? Chẳng có gì nằm ngoài kế hoạch của Thiên Chúa. Thiên Chúa dùng mọi sự để đưa ta đi vào con đường của Ngài, con đường bất ngờ, con đường khác với những gì ta dự tính. Nếu chúng ta chấp nhận tìm kiếm ý Chúa qua những biến cố của cuộc sống, nếu chúng ta không bắt Chúa phải phục vụ cho dự tính của mình, thì cuộc đời chúng ta có cơ may thành tựu như cuộc đời của thánh I-nhã.

 Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Kiểm tra tương tự

Tại sao nước Mỹ có ít bậc hiển thánh và chân phước?

  Có vị thánh nào gốc người Mỹ không, hay tất cả đều từ nơi …

Nghĩa trang Công giáo: Tuyến đầu chống lại nỗi sợ thế tục về cái chết

  Ông Peter Nobes, người quản lý các nghĩa trang Công giáo thuộc Tổng giáo …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *