Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta phải nghe bao nhiêu điều, làm bao nhiêu việc, bận tâm bao nhiêu thứ. Có người còn phải làm một lúc hai ba việc. Chưa hết cái lo này, cái lo khác đã ập đến. Dồn dập, bộn bề. Cuộc sống cứ vuột trôi dần trong lo toan, trong bộn bề công việc. Có lúc ta thấy mình mỏi mệt, tâm hồn ta rã rời. Tâm ta mất dần sự an tĩnh. Một lời nói chơi cũng làm ta bực mình, một lời nói khích cũng khiến lòng ta dậy sóng. Ta bực mình với hết mọi sự, có khi chẳng vì một lý do gì to tát. Ta làm cho mọi sự rối lên và tự giam mình trong bế tắc. Và khi mọi sự đã loạn cào cào lên hết, ta lại muốn vứt bỏ tất cả. Rồi bất chợt, ta lại thèm một chút yên lặng…thèm được lặng và lắng.
Ta cứ nghĩ sống là phải hoạt động, phải làm việc. Làm việc khiến ta thấy an tâm, thấy rằng mình hữu ích. Ai lại mất thời giờ cho những giây phút trầm ngâm tĩnh lặng. Thật lãng phí! Tuy nhiên, ta quên mất rằng luật của tạo hóa, có ngày thì cũng có đêm, có hoạt động thì cũng có nghỉ ngơi, có ồn ào náo nhiệt thì cũng cần có những lúc trầm ngâm, thinh lặng. Cũng như ngày làm việc để đêm yên giấc, đêm yên giấc để ngày làm việc hiệu quả hơn, những giây phút trầm lặng cũng vậy, nhờ yên lặng, ta sống đậm chất hơn, và hoạt động chứ không náo động.
Cuộc sống cần lắm những giây phút trầm lặng. Lặng để lắng. Lắng để cho những khuấy động trong tâm tư ta lặn chìm vào đáy. Lắng để ta có đủ khoảng cách nhìn lại đời mình. Lắng để ta có đủ tỉnh thức, không để mình bốc đồng, bộc trực phản ứng buông xuôi theo dòng cảm xúc tiêu cực. Lắng để ta bình tĩnh khôn ngoan giải quyết từng công việc một. Lắng để ta không phí phạm thời gian than phiền ủ dột về những điều không thể, nhưng tập trung tinh thần vào những gì ta có thể làm được. Lắng để ta vững vàng vượt qua từng cơn sóng trong đời.
Lắng còn để ta có thể nghe được những điều cuộc sống không hề nói. Nó được diễn tả bằng ngôn ngữ không lời, nên không thể nghe thấy bằng đôi tai, mà chỉ có thể cảm nhận được bằng con tim trầm lặng. Đó là những âm thầm chăm sóc của mẹ cha. Những chăm chút tỉ mỉ nấu cho chồng con một bữa cơm ngon; những giọt mồ hôi mặn đắng tuôn rơi cho những trang sách miệt mài sinh quả ngọt; những nỗ lực vươn lên của một cậu học trò nghèo; những món quà được đan xếp cẩn thận trao tay bạn trước lúc lên đường…Những điều ấy không thể đong đếm được bằng vật chất, nó thuộc về con tim và vì vậy, chỉ có thể cảm nhận được bằng con tim. Đó là những âm thanh không được vang lên trong cuộc sống, nó được vang lên trong tâm hồn.
Lại có những khoảng lặng rất thiêng liêng. Lặng khi ta chia tay một ai đó. Lặng khi ta tiễn biệt một con người. Không gian cô đọng ấy không có chỗ cho ngôn từ. Mọi lời nói đều vụng về, thừa thãi. Không gian ấy là để cho những gì đẹp nhất của họ, được ghi khắc lại trong tâm hồn ta. Giáo hội cung kính gọi thời gian Chúa Giê-su chịu an táng trong mồ là ngày sa-bat vĩ đại của Thiên Chúa, là thời gian “thinh lặng thánh”. Thời gian ấy không phải là lúc của suy tư, nhưng là thời khắc ta cúi mình lặng lẽ cảm nhận một tình yêu quá lớn đã tận hiến vì yêu ta.
Cuối cùng, lặng còn để ta chìm sâu gặp gỡ vị Thiên Chúa “ẩn mình”. Chẳng phải vô tình mà các thánh thường tìm nơi cô tịch để gặp gỡ Thiên Chúa, các bậc thầy tu đức mời ta tìm kiếm Chúa trong thinh lặng sao? Trong Kinh thánh, hai vị ngôn sứ và tiên tri vĩ đại nhất của người Do Thái là Mô-se và Ê-li-a cũng đều gặp Đức Chúa nơi hoang mạc thanh vắng. Chúa Giê-su, dù luôn ở trong sự thông hiệp thần linh với Cha, cũng tìm gặp Cha nơi bầu khí thanh tịnh của ngày mới. Dường như thinh lặng đã trở thành “không gian thánh” nối kết trời với đất, thần linh với người phàm, Thiên Chúa với con người.
Bạn thân mến, cần lắm những khoảng lặng trong cuộc sống làm lương thực bồi dưỡng tâm hồn. Nó đưa ta trở về với “đền thờ” nội tâm mình để gặp gỡ và kín múc nguồn sống từ Thiên Chúa. Cầu chúc bạn luôn có những khoảng lặng cần thiết trong đời như những người bạn thân đồng hành cùng tiến về quê Trời.
Dominic Vũ Chí Kiên, SJ.