Khi còn trong năm học, có người hỏi tôi về chuyện hè và biết tôi sẽ đi Châu Phi, liền hỏi: “thầy đi truyền giáo ở Châu Phi hả”. Và tôi thấy cần phải đính chính ngay. Tôi chẳng phải đi truyền giáo, tôi chỉ đến để cùng sống kinh nghiệm tị nạn với anh chị em tôi. Mà giả như tôi có nói về Chúa cho những người chưa biết Chúa, thì tôi cũng không thích dùng từ “truyền giáo”. Không biết cách hiểu ngôn ngữ của tôi có chính xác không, nhưng với tôi, từ “truyền” này có vẻ cùng họ hàng với những từ “truyền bá, tuyên truyền”, vốn không được hiểu tích cực lắm. Tôi chẳng muốn trở thành một kẻ tuyên truyền một điều gì đó, đặc biệt là về niềm tin. Điều tôi mong ước là cùng chung chia phận người với anh chị em tôi, và từ đó chia sẻ kinh nghiệm về ý nghĩa của phận người ấy thôi. Vì thế, tôi thích từ “loan báo Tin Mừng” hơn. Thế giới mỗi ngày có bao nhiêu “tin tức” và được mấy “tin vui”? Tôi chỉ biết rằng tôi nhận được một Tin Vui / Tin Mừng lớn lao khiến đời tôi có ý nghĩa nên tôi muốn chia sẻ Tin Mừng ấy cho những ai đang muốn biết; vì niềm vui thì không thể chôn giấu hay giữ riêng cho mình. Cũng như người ta không thể ngồi đó cười một mình, nhưng muốn chia sẻ để người khác cùng chung nhau tiếng cười!
Tin mừng nào tôi đang chia sẻ ở đây? Đó là tin mừng về tình thương và sự sống. Ở đây đã quá đủ và có lẽ rất dư hận thù, khiến nhiều người trong số họ đã hơn 20 năm không được trở về quê hương. Điều mà họ cần lúc này là tình thương để cuộc sống của họ được chớp lên tia hy vọng; tình thương của những người ở xa nhưng lại gần; tình thương của cuộc sống dù nghèo khổ nhưng vẫn đầy lòng nhân ái; và đặc biệt là tình thương của “người dám hy sinh mạng sống vì bạn hữu của mình”. Quả thật, cộng đoàn Kitô hữu này dù nhỏ nhưng đầy tình thương mà tôi được cùng chung chia với họ, từ những đứa trẻ chạy lon ton đến những cụ già lọm khọm.
Hơn nữa, dù ở đây mặt đất khô cằn thì sự sống vẫn trổ sinh. Tôi đến cầu nguyện ở một gia đình người Sudan với bà mẹ và năm đứa con ở độ tuổi 8-15. Anh chồng thì vẫn đang mắc lại ở quê nhà. Thấy cảnh này ai mà chẳng phải trố mắt nhìn, và tôi cũng vậy! Nhưng nếu nói đến chuyện phá thai thì họ sẽ trố mắt nhìn lại, vì có người mẹ nào lại nhẫn tâm đến thế!
Có thể người mẹ ấy nói rằng: “tôi còn quá trẻ và đó là do lầm lỡ.” Chẳng lẽ vì lỡ lầm của tôi mà con tôi phải bị giết. – “Nhưng lúc đó thai còn nhỏ lắm!” Bào thai không phải là con người sao, vậy nó là thứ gì? Hoặc, “gia đình đông con quá, tôi muốn phá thai này để nuôi mấy đứa kia tốt hơn.” Chẳng lẽ vì tương lai của thằng anh mà thằng em phải bị trục xuất ra khỏi sự sống? Giả như thằng anh biết vì nó mà cha mẹ đã giết đứa em, nó sẽ nghĩ gì? Nghe có vẻ rùng rợn quá nhưng đó là sự thật của hơn 1 triệu thai nhi bị giết mỗi năm tại Việt Nam. Đọc những phóng sự về nạo phá thai, đặc biệt của những phóng viên đóng vai người trong cuộc để đến các cơ sở nạo phá thai, ai cũng phải mủi lòng vì tình cảnh của họ, ai lại muốn phá thai bao giờ nhưng vì hoàn cảnh phải thế thôi. Trong việc chọn lựa, giữa có hai điều xấu, nếu bắt buộc phải chọn một, thì người ta sẽ chọn điều ít xấu hơn. Và trong trường hợp, người ta đã thấy việc giết một con người vẫn ít xấu hơn mọi điều khác. Đất nước sẽ về đâu với lối tâm thức đạo đức này! Nếu nói đến trách nhiệm về dân số thì hãy lo trách nhiệm từ giáo dục nhận thức và trách nhiệm trước đó chứ không phải tạo ra rồi gạt bỏ, chẳng phải là đồ vật gì mà là mạng sống con người. Dân tộc sẽ ra sao khi những người yếu thế bị gạt đi không hề thương tiếc!
Tôi còn nhớ chuyện xảy ra với một nữ tu tại Iraq hơn mười năm trước. Khi quân Hồi Giáo nổi dậy tấn công vào một nữ tu viện và hiếp dâm nữ tu. Một trong số nữ tu trẻ này đã mang thai. Vì tình cảnh éo le này, nhà dòng cho chị tự do quyết định theo lương tâm (dĩ nhiên là lương tâm Công Giáo). Sau thời gian dài cầu nguyện trong đau khổ, chị nữ tu này đã đến gặp mẹ bề trên để xin rời dòng với lý do: “đứa trẻ này là kết quả của bạo lực và hận thù, nhưng con sẽ cho nó được lớn lên trong yêu thương!”
Làm sao đo được tình mẹ bao la đến mức nào, tôi chỉ thấy người mẹ năm con này sẵn sàng hy sinh tất cả để các con chị được sống vui. Và chúng vui thật. Tôi cũng được chia sẻ niềm vui ấy với chị và mấy đứa nhóc! Phải chăng những người nghèo thì quảng đại với con cái hơn những người giàu? Không kể những trường hợp riêng biệt, nhưng nếu nhìn cách chung, người ta không khỏi ngạc nhiên về điều đó. Đây là sự thật của Âu Châu giàu có. Dân số ngày càng già mà trong nhà chỉ có thú cưng chứ không có trẻ nhỏ. Ở Roma, cô bạn người Ý kể với tôi về gia đình của cô. Ba mẹ cô, khi cưới nhau hai vợ chồng quyết định có nhiều con. Nhưng khi cô ra đời, cô khóc cả ngày lẫn đêm khiến cả hai quyết định: đủ con rồi, nuôi chó. Nhưng gia đình ở Ý thì còn tốt hơn nhiều so với nhiều nước Âu Châu khác. Sự hy sinh và chăm sóc con cái trở thành một gánh nặng chứ không phải niềm vui và hạnh phúc của bố mẹ. Có lẽ đây là thành quả của thế giới hiện đại quá đề cao vật chất! Họ sẵn sàng chu cấp cho con đủ tiền bạc, còn sự hy sinh và chăm sóc thì tạm nhờ đến tiện nghi; nhưng sự sống đâu chỉ là sinh ra và cho đầy vật chất là đủ. Tình thương là thứ mà sự sống cần hơn tất cả, mà dù nghèo đến đâu thì bất cứ người nào cũng có khả năng cho.
Là một người đã nhận được tin mừng về tình thương và sự sống, tôi không có một tin mừng nào khác để loan báo ngoài tin mừng này. Nếu có một chút nào đó khác chăng, thì đó là nhận biết và yêu mến Tác Giả của tin mừng này!
Văn Yên, SJ