“Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi !” (Ngày 5 tháng 8 năm 2020 – Thứ tư, sau Chúa Nhật XVIII Thường Niên)

 

“Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi !”
(Mt 15, 21-28)

 

21 Ra khỏi đó, Đức Giê-su lui về miền Tia và Xi-đôn,22 thì này có một người đàn bà Ca-na-an, ở miền ấy đi ra, kêu lên rằng: “Lạy Ngài là con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm! “23 Nhưng Người không đáp lại một lời.

24 Người đáp: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Ít-ra-en mà thôi.”25 Bà ấy đến bái lạy mà thưa Người rằng: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi! “26 Người đáp: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con.”27 Bà ấy nói: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.”

28 Bấy giờ Đức Giê-su đáp: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy.” Từ giờ đó, con gái bà được khỏi.

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)

Bài Tin Mừng hôm nay nói cho chúng ta về một người mẹ. Vậy, trước hết chúng ta hãy tạ ơn Chúa đã ban cho từng người chúng ta quà tặng tuyệt vời là mẹ của chúng ta, là “người phụ nữ yêu dấu”, là tất cả các phụ nữ trong cuộc đời của chúng ta, và trên tất cả là Đức Maria, Mẹ của chúng ta.

Nhận ra người này là ơn huệ Thiên Chúa ban cho người kia, sẽ giúp chúng ta vượt qua khó khăn để sống yêu thương và hiệp nhất, ngay trong những lúc khó khăn nhất, thử thách nhất.

  1. Người mẹ có đứa con gái bị quỉ ám

Trước hết chúng ta được mời gọi hình dung ra nỗi khổ của người mẹ có đứa con gái bị quỉ ám:

Lạy Ngài là con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!

Tai họa của người con cũng là nỗi khổ của người mẹ, và chung quanh người mẹ con có người cha, anh chị em, bạn bè và những người thân yêu. Ước gì những người con, và tất cả chúng ta đều là những người con, ý thức được sự liên đới sâu rộng trong đau khổ cũng như trong niềm vui của từng người.

Ngày nay, hơn bao giờ hết, có rất nhiều cha mẹ đau khổ vì con cái, không phải vì bị ma quỉ ám như trường hợp bé gái trong bài Tin Mừng, nhưng bị ám trong tâm trí bởi những điều xấu, những năng động xấu thuộc về ma quỉ, đó là lối sống vô trách nhiệm, đam mê phương tiện, trò chơi và thú vui, hưởng thụ, bạo lực, tự do luyến ái, vô kỉ luật, không có lí tưởng cao quí, mất hướng đi, không hướng đến những giá trí nhân bản cao quí, không thao thức đi tìm ý nghĩa cuộc sống…. Cách ma quỉ ám người ta như thế còn nghiêm trọng hơn, là khi dằn vặt thân xác ở bên ngoài, như chúng ta thỉnh thoảng vẫn nghe nói. Chúng ta, những người con, có bao giờ chúng ta thật sự đặt mình vào những những âu lo, những nỗi khổ của cha mẹ chúng ta chưa?

  1. “Người không đáp lại một lời!”

Trở lại với người mẹ đau khổ trong bài Tin Mừng, chúng ta chắc chắn rất ngạc nhiên, vì thái độ của Đức Giê-su:

  • Khi nghe bà kêu xin lần đầu, “Người không đáp lại một lời”!
  • Lần thứ hai, khi các môn đệ chỉ xin Ngài cho bà về thôi, thì Ngài trả lời: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Ít-ra-en mà thôi”!
  • Và lần thứ ba, khi bà kêu xin một lần nữa, cách Ngài trả lời có thể không chỉ làm nản lòng, mà con làm mất lòng người nghe: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con”!

Khi suy niệm, chúng ta có thể tự hỏi, tại sao Đức Giê-su lại có phản ứng từ chối càng lúc rõ ràng và mạnh mẽ như thế? Thái độ của Đức Giê-su làm cho chúng ta ngạc nhiên, nhưng lòng tin mạnh mẽ và khôn ngoan của bà cũng phải làm cho chúng ta ngạc nhiên: lòng tin mạnh mẽ, vì bà kiên trì kêu xin, như chính Đức Giê-su xác nhận: “này bà, lòng tin của bà mạnh thật”; lòng tin khôn ngoan, vì bà dựa vào chính Lời Chúa để diễn tả lòng ước ao của mình: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống”! Trong lời nói tuyệt vời này của người mẹ, lời nói khiến Đức Giê-su phải động lòng, chúng ta còn nhận thấy thái độ khiêm tốn không ghen tị: bà tự nhận mình là thân phận dân ngoại và không ghen tị với dân được chọn là Israel.

Khiêm tốn không ghen tị, đó chính là tâm tình sâu xa mà Chúa chờ đợi nơi bà, nơi mọi người chúng ta, khi trong lịch sử cứu độ, Chúa ưu tiên đi vào tương quan với một dân tộc, với một số người được tuyển chọn, để qua đó bày tỏ cho chúng hiểu, thế nào là tình yêu Thiên Chúa, vì tình yêu chỉ có thể được diễn tả và được hiểu trong tương quan một-một; và vì đó là tình yêu Thiên Chúa, nên mọi người được mời gọi “khiêm tốn không ghen tị”, mở lòng ra để đón nhận cũng một tình yêu thương xót như thế, được ban cho từng người, vốn là “những người ngoại”, như người phụ nữ có lòng tin mạnh mẽ. Kế hoạch yêu thương như thế của Thiên Chúa được hoàn tất nơi Đức Ki-tô, nơi Người, không còn phân biệt Do thái và dân ngoại, tự do và nô lệ, người nam và người nữ… Những gì Đức Giê-su thực hiện cho người mẹ đã loan báo sự hoàn tất này, sự hoàn tất mà chính Đức Giê-su sẽ thực hiện ngang qua mầu nhiệm Vượt Qua.

  1. “Lòng tin của bà mạnh thật”

Cuối cùng, vẫn còn một điều phải làm cho chúng ta ngạc nhiên nữa: lòng tin của người mẹ cứu được người con. Đức tin của người này cứu được người kia. Bởi vì, Chúa cũng thương những người chúng ta thương mến trong Chúa; và Chúa thương người này nhờ vào lòng tin của người kia.

Chân lí này được kể lại khắp nơi trong các Tin Mừng. Đó là trường hợp bà góa thành Na-in có đứa con nhỏ chết sớm : vì thương người Mẹ đau khổ, mà Chúa đã cứu người con ; đó là trường hợp những người khiêng kẻ bại liệt từ trên mái nhà thả xuống trước mặt Chúa : nhìn thấy lòng tin của họ, Ngài đã cứu chữa người bệnh ; và còn nhiều trường hợp khác nữa, như người cha có đứa con gái nhỏ bị bệnh nặng sắp chết, như người chủ có anh đầy tớ bệnh liệt giường ; và ơn cứu độ được ban cho cả nhà, nhờ vào hành trình đến với Đức Giê-su và tin vào Ngài của một mình ông Gia-kêu : « Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này ». Cùng một lúc và thật là quảng đại, Chúa ban ơn cứu độ cho cả nhà ông Gia-kêu.

* * *

Có thể nói, đây chính là một tin vui, là NIỀM VUI TIN MỪNG. Và tin vui này đặc biệt có ý nghĩa đối với chúng ta và đem lại cho chúng ta niềm hi vọng khi chúng ta cầu nguyện cho nhau, nhất là cho những người thân yêu đã qua đời. Mỗi người chúng ta hãy khát khao và xin Chúa ban cho chúng ta ơn huệ lớn lao này, đó là xin Chúa cũng công bố rằng, ơn cứu độ đã đến cho gia đình và Gia Quyến của chúng ta, cho cả cộng đoàn, cho cả Hội Dòng. Và ơn cứu độ chính là ơn được giải thoát khỏi sự chết, để sống sự sống mới và sống sự sống mới này mãi mãi với Chúa và với nhau, nhất là với những người thân yêu của chúng ta, còn sống cũng như đã qua đời.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Kiểm tra tương tự

Mến Yêu Hằng Ngày, 23-11-2024

MẾN YÊU HẰNG NGÀY Thứ 7, 23-11-2024 (Lc 20,27-40) Có mấy người thuộc nhóm Xa-đốc …

Chương trình LỜI CHÚA LÀ HỒN SỐNG

  Nếu Bạn say mê Lời Chúa, Nếu bạn thật tâm muốn để Lời Chúa …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *