II. ĐỘNG LỰC NHÂN LINH
2. Xúc cảm và tình cảm
Loại năng động lực thứ hai là xúc cảm và tình cảm*. Đa số chúng ta có một ý niệm rất mơ hồ về cảm xúc và năng động tự biểu thị. Cảm xúc và tình cảm là hai hình thức năng động tự diễn tả, nhưng không đồng nghĩa với nhau. Tình cảm có thể dễ dàng biến thành xúc cảm nhưng tự chính nó, tình cảm không phải là xúc cảm. Bởi đó có lẽ tốt hơn nên cứu xét bản chất của xúc cảm, rồi sau đó đề cập đến bản chất của tình cảm.
Cách chung, cảm xúc được mô tả như sự ý thức của tâm não về một đối tượng kèm theo một sự kích thích, bao gồm một thúc bách hoặc dẫn đến hoặc tránh xa đối tượng và sự thúc bách này lan tỏa đến các chức năng thể xác, dẫn đến những biến đổi sinh lý hay những phản ứng nơi tác phong.
Điều cần thiết là phải biết về bản chất của cảm xúc là chuyển động riêng biệt và mãnh liệt mà nó biểu thị. Chúng ta hãy cứu xét cách vắn tắt bản chất của những năng động tự biểu thị.
Tình yêu (love/ amour) là sự vui thích trong việc hiểu biết một đối tượng được coi là quí báu và là khuynh hướng đưa chúng ta về đối tượng đó.
Thù hận (hate/ haine) là sự ghê tởm và từ chối đến với một sự vật mà ta coi như không thể thích được.
Ước mốn (desire/ désir) là tìm kiếm theo đuổi một đối tượng quí giá.
Đố kỵ (aversion) là từ rẫy (ghê tởm, gớm ghét) và trốn tránh điều làm chúng ta không thích.
Niềm vui (joy/ joie) là hứng khởi trong sự chiếm đoạt đối tượng yêu thích.
Đau khổ (sorrow/douleur) là buồn phiền chán nản do một sự thiệt hại hay một sự dữ gây nên.
Hy vọng (hope/ espérance) là mong đợi một sự thiện có thể đạt đến.
Thất vọng (despair/ désespoir) là một sự thiện không thể đạt được hay một sự đe dọa không thể tránh được.
Can đảm (courage) là chiến đấu với các sự khó khăn, hoặc có thể hoặc không thể vượt qua.
Sợ hãi (fear/ crainte) là lùi lại trước một sự đe dọa nặng nề không chịu nổi.
Tức giận (anger/ colère) xảy ra khi xuất hiện trước một sự dữ đã bị khước từ nhưng không thể tránh được.
Các kinh nghiệm này từ sơ khởi có tính chất tâm lý hay tâm thần, nhưng cũng kéo theo những âm hưởng nơi thể lý. Các cảm xúc, hơn bất cứ hiện tượng nào khác, biểu thị ảnh hưởng hỗ tương giữa hồn và xác và sự kết hợp của chúng trong con người.
Các cảm xúc ảnh hưởng đến thân xác. Khi chúng ta cảm thấy một niềm vui bất thần, một sự sợ hãi mãnh liệt, một tình yêu sâu đậm, một đau khổ xót xa hay một cơn giận quá mạnh, toàn thân đều phản ứng. Mọi cảm xúc mạnh đều lay chuyển thần kinh hệ. Tim đập nhanh, tái mặt, hơi thở dồn dập, toát mồ hôi, đó là những phản ứng thể lý rất thông thường khi gặp cảm xúc mạnh. Thể xác được trang bị để đương đầu với các sự va chạm và những căng thẳng thông thường, nhưng trong trường hợp xúc động quá mạnh và quá dài, có thể xảy ra các sự xáo trộn thể lý.
Tình cảm thường kém hơn xúc cảm về cường độ và tự bản chất không có tính cách đặc loại. Thường người ta định nghĩa chúng như là những tình trạng tinh thần thoải mái hoặc khó chịu. Chúng phát xuất từ các nguồn khác nhau, tâm lý hoặc thể lý. Người ta có thể nghiệm thấy một tình cảm mà không biết tại sao. Người ta có thể thấy một thứ tâm tình bất mãn tổng quát mà không biết nguyên nhân của nó hay chỉ biết cách mơ hồ. Hoặc ngược lại, người ta có thể ý thức về một tình cảm vui thích, hạnh phúc mà không thể tìm ra một nguyên nhân đặc biệt. Trạng thái tình cảm là những kinh nghiệm vui thích hoặc khó chịu, thỏa mãn hay bất bình mà người ta biết hoặc không biết nguồn gốc. Mặt khác, cảm xúc là những phản ứng năng động rất mạnh về phương diện tâm lý với những cảm giác thể lý kèm theo, những biến đổi sinh lý tiềm ẩn và chúng bao hàm ý thức về một kích tố thực sự hoặc tượng trưng.
Các chứng bệnh tâm thể lý
Các chứng bệnh tâm thể lý chứng tỏ cách thảm hại những hậu quả đau thương của năng động lực tự-biểu-thị nơi thân xác. Các chứng bệnh này thường do một sự chấn thương xúc cảm sâu đậm và lâu dài gây nên. Bằng cách này hay cách khác, thay vì biểu lộ cường độ cảm xúc trước tiên bằng các con đường tâm thần như những người yếu thần kinh hay điên loạn, người mắc bệnh tâm thể lý bộc lộ sự căng thẳng xúc cảm một cách trực tiếp bằng các lối thoát thể lý và sinh ra các thứ lở lói, nhức đầu, áp huyết cao, hen suyễn hoặc đủ loại phản ứng bệnh lý khác. Ngoài việc chuyên chữa tổng quát, người bị bệnh tâm thể lý cần phải giảm bớt hành động bên ngoài, nghỉ ngơi và làm dịu bớt căng thẳng nội tâm. Nếu không giảm bớt căng thẳng tâm thần cách nào đó, người ấy không thể giải quyết các xáo trộn thể lý của mình, mặc dầu thuốc thang có thể đưa đến một sự dịu bớt tạm thời nào đó. Sự giảm bớt căng thẳng có lợi cho việc chữa các chứng bệnh tâm thể lý hơn mọi thứ thuốc men.
Các nghiên cứu y học cũng tìm được một phần nào những nguồn gốc tâm lý của các xáo trộn tâm thể lý; nghĩa là những căng thẳng nghiêm trọng xuất phát từ sự xung đột giữa điều ta hiện có và điều ta muốn thực hiện. Khi khoảng cách quá lớn và sự chiến đấu quá gian truân, người bệnh tâm thể lý thấy thể xác như bị tách rời khỏi hình ảnh lý tưởng họ có trong đầu. Khi thể xác hoạt động “lệch pha” với tinh thần, thì một điều gì đó phải nhượng bộ; trong trường hợp này, có lẽ hệ thống sinh lý sẽ yếu hơn. Có thể xảy ra là một người mải mê việc quản trị tìm kiếm thành công đến độ không nghe thấy những cảnh cáo và phản kháng từ các chức năng thể lý.
Nhiều loại nghiên cứu khác cho thấy một vài liên hệ giữa các xáo trộn tâm thể lý và tham vọng quá đáng. Những loại người muốn đứng đầu, muốn được đề cao, thường mắc phải những chứng bệnh tâm thể lý. Ý nghĩa của vấn đề không phải là cơn bệnh thể xác cho bằng thái độ tâm thần nào tạo ra nó hay làm cho nó thêm trầm trọng. Người bị mắc bệnh tâm thể lý có khuynh hướng phát triển các tập quán tâm não* theo đó, điều quan trọng không phải là chính công việc cho bằng sự thán phục và thành công mà họ hy vọng công việc đem đến. Như vậy người mắc bệnh tâm thể lý không tìm kiếm giá trị nội tại của hành động và điều mà hành động đem đến cho bản thân, nhưng chỉ chú trọng đến cách thế để được người khác chấp nhận. Khi sự phân cách giữa vui thích bên trong và các mục tiêu bên ngoài mà nó nhắm tới là quá lớn và khi việc sử dụng năng lực không cân xứng với sự vui thích bên trong mà nó tạo ra, thì động lực của sự căng thẳng tâm thần quay lại làm hại cho các khu vực thể lý. Sự lệ thuộc của người bệnh đối với thế giới bên ngoài càng lớn, thì con người sâu thẳm của họ càng yếu đi. Trong trường hợp của người bệnh tâm thể lý, những sự căng thẳng nội tại của tình trạng cảm xúc, nếu phải chịu đựng trong một thời gian quá dài, có thể đưa đến nhiều sự xáo trộn thể lý.
Mọi cảm xúc của chúng ta đều có chỗ đứng trong đời sống bình thường và đều có giá trị đối với chúng ta; tuy nhiên sức khỏe tâm thần tùy thuộc sự ưu thắng của các cảm xúc tích cực như: tình yêu, niềm vui, ước muốn và hy vọng. Các dạng thức tự biểu lộ này có tính cách toàn nhập* nhất là khi chúng được xếp đặt bởi những nguyên tắc tự lập. Các cảm xúc tiêu cực nhiều khi có tính cách bảo vệ; chúng giúp ta tránh các nguy hiểm. Nhưng sự thích ứng cá nhân và sự trưởng thành tùy thuộc vào sự ưu thắng của các cảm xúc tích cực. Tự bản tính, chúng rất thuận lợi cho sự tăng trưởng, tiến bộ và phát triển.
Người tu sĩ áy náy
Ta thử xem người tu sĩ mà đời sống bị thống trị bởi xao xuyến, lo âu, hoặc những cảm xúc tiêu cực khác. Mỗi ngày họ cảm thấy đau nhức ở một chỗ nào đó. Họ cảm thấy mệt mỏi, giấc ngủ bị xáo trộn và tiêu hóa khó khăn. Không biết bao nhiêu sự suy yếu về thể xác có thể phát xuất từ sự thống trị của sợ hãi trong đời sống của họ. Họ bị giao động, do dự, không thể quyết định; họ có những cử chỉ dư thừa, vụn vặt và thường cảm thấy không được khỏe mà không hiểu tại sao. Sự sợ hãi liên tục là một kinh nghiệm bào mòn và có xu hướng hủy hoại. Nó làm tiêu hao sức khỏe thể xác và làm cản trở lối suy nghĩ chín chắn. Người tu sĩ áy náy không thể tiến xa trong đời sống thiêng liêng và tương quan với người khác thường bị căng thẳng.
Vì cái nhìn bị giới hạn, nên người tu sĩ áy náy, cũng có xu hướng phóng đại những nhận thức của mình. Họ có thể rất tỉ mỉ và rắc rối về những chi tiết vô nghĩa. Viết một lá thư đơn giản có thể là một công việc khó nhọc đối với họ, bởi vì họ không thể chấp nhận một sai lầm nhỏ mọn hay một sự bất toàn trong chi tiết. Người tu sĩ bị thúc bách vì lo âu, và bất an nội tại, lặp đi lặp lại những lý do để giải thích công việc của họ, hoặc họ cứ khư khư giữ lấy cách sắp đặt phòng bè một cách tỉ mỉ hay luôn luôn bám lấy thức ăn riêng của mình bất cứ giá nào.
Người tu sĩ áy náy thích có một chương trình cứng nhắc và một sự thay đổi nhỏ mọn trong giờ giấc cũng làm họ bị xáo trộn và bực dọc. Thói quen là sự an ninh của họ. Họ nghi ngờ tất cả điều gì mới mẻ. Suy nghĩ của họ rất hạn hẹp. Thái độ ngờ vực và hẹp hòi trong tư tưởng là đặc tính của những người yếu đuối và nhát đảm. Họ bám víu vào cái đang có và tránh phiêu lưu vào những con đường mới bất cứ trong lãnh vực lý thuyết hay thực hành. Họ lên án một cách tiên thiên và không suy nghĩ. Thay đổi là mối đe dọa đối với họ; họ lúng túng và khổ sở khi kẻ khác có những ý tưởng và đề nghị độc đáo. Đời sống họ bị suy yếu vì những chuyện lặt vặt, vì từ những chuyện cỏn con, họ làm thành những vấn đề trọng đại. Nhu cầu được quý chuộng hướng dẫn phần lớn các quyết định của họ; họ không thể chịu được một sự xúc phạm nào đến phẩm giá của họ dầu nhỏ mọn đến đâu. Các quyền lợi của họ bị giới hạn vào những gì có liên hệ trực tiếp với họ. Các vấn đề quốc tế, các khó khăn của Giáo hội phổ quát, các vấn đề địa phương không có ý nghĩa gì đối với một tu sĩ bị xâu xé bởi sợ hãi và đố kỵ. Cách chung, các cảm xúc tự biểu thị có tính cách tiêu cực làm tiêu hao tinh thần và làm cho nó trở nên cằn cỗi, làm nó mất hết sức lực để phục vụ sự thiện.
Khi bề trên nào đặt giáo huấn thiêng liêng của họ trên các yếu tố tiêu cực hơn là trên tình yêu, niềm vui và hy vọng, thì các đồ đệ có thể vùi chôn vào tâm hồn mình những thói quen sợ hãi vốn có thể ăn rễ thật sâu trong tâm trí. Sự căng thẳng thần kinh là một tình trạng sợ hãi. Tính bối rối xuất phát từ sự sợ hãi. Các âu lo, xao xuyến là những hình thức sợ hãi. Nếu chúng bị phóng đại quá đáng thì có thể làm cản trở việc phát triển một nền tu đức vững chắc. Người ta không thể luôn luôn tránh được sự căng thẳng thần kinh và sự áy náy. Sự kiên nhẫn của người đau yếu đối với điều không thể tránh được lúc đó thật có giá trị và cũng có thể ích lợi về phương diện tâm lý. Sợ hãi, giận dữ, đố kỵ, buồn phiền là điều ai cũng trải nghiệm, nhưng không bao giờ nên để cho các xúc cảm này chiếm ngự đời sống chúng ta, làm tan rã sự duy nhất của chúng ta và làm phương hại đến hiệu năng của đời sống chúng ta.
Khi ý thức được tình trạng căng thẳng kéo dài, chúng ta phải tìm đến bề trên hay một người nào khác mà chúng ta có thể tin tưởng để nhờ giúp đỡ. Chúng ta không thể luôn luôn tự giải quyết vấn đề cho mình. Chúng ta cần phải biết tìm các phương thế chữa trị bệnh tâm thần như khi mang một cơn bệnh thể xác vốn là điều ngăn trở chúng ta làm việc và cầu nguyện.
Tiến trình thích ứng*
Những người trẻ mới xin gia nhập đời sống tu trì bắt đầu một tiến trình tái thích nghi (readjustment) mới mẻ. Tình yêu, niềm vui, ước muốn và hy vọng mà họ duy trì lúc ở thế gian phải được dần dần thay thế bằng các tình yêu mới, niềm vui mới, ước muốn mới và hy vọng mới, thiết thực nhưng ít cụ thể hơn, khó thấy và khó hiểu hơn, nhưng có sự ưu việt của yếu tố siêu nhiên. Chỉ có ơn Chúa mới hoàn thành sự chuyển tiếp này cách viên mãn. Tuy nhiên trong giai đoạn này, cần thiết cộng đoàn phải biết sử dụng mọi phương thế tự nhiên thích hợp để giúp cho những người trẻ tuổi này. Lấp đầy những khoảng trống cảm xúc bằng những nguyên động siêu nhiên thật là một công việc tế nhị. Chú trọng đến việc cầu nguyện, các nhân đức và đời sống của Chúa Cứu Thế sẽ lôi cuốn tâm hồn và dẹp tan các khuyết điểm hơn là ương ngạnh miệt mài nghĩ đến các khuyết điểm, tội lỗi, hình phạt và sự dữ. Điều này làm tăng thêm xao xuyến, các tình cảm thất đoạt, hụt hẫng và rỗng không, chính vào lúc mà tâm hồn lại cảm thấy bất an trong cách sống mới của mình. Sau đó, khi người tu sĩ trẻ đã bắt đầu đời sống thiêng liêng thì sẽ biết nhờ vào việc cầu nguyện, sẽ thấu hiểu sức mạnh của ân sủng và sẽ có đủ khả năng đương đầu với các khuyết điểm một cách thiết thực, bằng cái giá của những sự hy sinh khó nhọc.
Chính tình yêu chứ không phải sự sợ hãi hay áy náy là nguyên động của sự hy sinh và từ bỏ chính mình. Sự sợ hãi và lẩn tránh ngăn cản những sự dâng hiến tự phát, trái lại tình yêu giúp chúng phát triển. Người tu sĩ đầy lo âu hay bất an không thâu nhận được lợi ích nào từ các lần sửa dạy nghiêm nhặt. Cách thế này, trái lại, càng làm tăng thêm mối sợ hãi của họ và sự bất an của họ. Những lời khuyên bảo được trình bày với sự dịu dàng, kính trọng và yêu thương có thể đem đến kết quả và gia tăng sự tin tưởng, cả nơi những tu sĩ luôn luôn áy náy, xao xuyến. Sự dịu dàng và yêu thương là những phương thế duy nhất hữu hiệu với những người mới bắt đầu đời sống thiêng liêng và thực ra, đó là những phương thế tốt đẹp nhất đối với bất cứ hình thức tương quan nhân loại nào. Ít khi một lời khiển trách trong lúc nóng giận lại đem đến kết quả. Sự nóng giận, cũng như sự sợ hãi, có tính cách tiêu cực và không thuận tiện cho việc tăng trưởng. Một lời khiển trách bình thản thì cương nghị, khôn ngoan và hợp lý. Một lời nói giận dữ lại rất yếu đuối, vì lợi ích mà người ta giả thiết bị mất đi trong sự tổn thương do giận dữ gây nên. Điều đó cũng đúng đối với những việc sửa phạt chỉ có tính cách tiêu cực. Cơn thịnh nộ của cách sửa trị gây một ấn tượng mạnh hơn là bài học. Về phương diện tâm lý, hai cách thế đó thật là khác biệt.
Khi bề trên muốn quở trách, thì nên làm điều đó trong một cuộc đàm thoại thân mật và dịu dàng. Sự trao đổi: cho và nhận lúc đó được thực hiện dễ dàng không khổ cực; bài học được chấp nhận và nhớ mãi. Những lời quở trách xối xả, giận dữ, gợi lên một thứ tình cảm tiêu cực làm mất hết ý nghĩa của chúng. Phía này làm mất ý hướng mình trong những nẻo quanh co của cảm xúc. Phía khác bực dọc vì giận dữ, và thường thường, từ hai phía người ta chỉ còn giữ lại ký ức của một hoàn cảnh cực nhọc, khó chịu.
Kinh nghiệm thất đoạt*
Mọi giai đoạn chuyển tiếp hay tái thích ứng đều kéo theo một một trải nghiệm mất mát và bất an. Sự trống vắng này thúc giục tìm cách lấp đầy khoảng không càng sớm càng tốt. Trong thời kỳ tu luyện thiêng liêng cũng như ở vào mọi giai đoạn của cuộc đời, có hai điều thường xảy đến: hoặc là người tu sĩ, vì sợ hãi, tìm kiếm các loại bù trừ không lành mạnh, để làm dịu bớt tình trạng thất đoạt, hoặc là họ tìm đến các hình thức cao hơn của tình yêu, niềm vui và hy vọng hòa hợp với các lý tưởng tôn giáo. Trong những lúc đó, người tu sĩ chỉ có thể cảm thấy an ủi trong kinh nguyện và công việc, sau khi đã thấu hiểu sâu xa về giá trị thiêng liêng và nguyên động của hai việc đó. Trong những buổi giao thời và thích nghi, cần phải giúp tu sĩ nhìn nhận và quí chuộng sự bình an và vui thích xuất phát từ các phương thế tích cực.
Chỉ có tình yêu mới thay thế tình yêu. Nếu sợ hãi chiếm chỗ của tình yêu, thì cơ sở đầu tiên của tâm bệnh đã bắt đầu. Khi một tu sĩ mang nặng cảm tưởng mất mát và trống rỗng ở khắp nơi, cảm thấy luôn bị trách mắng nặng nề, đột nhiên bị hụt hẫng, bị phạt, bị nghi kỵ, thì sự sợ hãi và áy náy hay các tình trạng thoái hóa khác cuối cùng đã hoàn toàn xâm chiếm cuộc đời họ. Có thể lại là vô phương cứu chữa. Những tình trạng sợ sệt kéo dài và sự thắng vượt quá mức của các cảm xúc tiêu cực sớm muộn gì cũng dẫn đến các sự xáo trộn tâm thần và sự suy sụp thể lý.
Tính ưu việt của tình yêu
Nếu tình yêu thống trị thì ta có một hình ảnh khác. Người tu sĩ vui tươi và biết yêu thương có đặc tính là một sự khiêm tốn hoàn toàn tự nhiên và một sự đơn sơ không ngờ nghệch. Chẳng có gì là gượng gạo trong cách cư xử của họ. Họ không đòi hỏi cũng không độc đoán. Nếu cần phải nhờ việc gì, họ thỉnh cầu một cách lịch sự: họ đề nghị hơn là ra lệnh. Vì không bị căng thẳng thần kinh nên họ sống hồn nhiên, được thông hiệp với người khác cách tự do và yêu mến công việc của mình mà không ghen tức với sự thành công của người khác. Danh dự được trao tặng cho người khác không làm họ buồn tủi. Trái lại họ vui mừng vì sự thành công của người khác, nhất là của anh chị em trong cùng hội dòng và của các cộng sự viên thân cận nhất. Tình yêu làm cho công việc được dễ dàng và thúc đẩy người ta hy sinh chính mình. Tình yêu xoa dịu và tăng sức. Nó phát triển sự tăng trưởng về mặt tâm lý cũng như thiêng liêng. Nó giúp duy trì sức khỏe. Chiều sâu của tình yêu là thước đo cho sức khỏe tâm thần, cũng như một thần kinh hệ hoàn hảo là điều kiện cho tình trạng sức khỏe thể xác.
Tình yêu là trung tâm-thần kinh của linh hồn. Nơi một tu sĩ mà tình yêu và niềm vui chiếm ngự, cái “tôi” được hoà nhập đầy đủ để phát triển sức khỏe và năng lực của tinh thần. Người tu sĩ biết yêu mến, chú trọng đến hạnh phúc và sự triển nở của người khác; họ rất nhạy cảm đối với nhu cầu, nguyện vọng và ước muốn của người khác. Họ có trực giác bén nhạy và biết chú ý. Họ biết an ủi người khác. Họ rất thân thiện, thông cảm và niềm nở, nhưng hoàn toàn thoát khỏi mọi hình thức tình cảm ủy mị và vị kỷ. Tình yêu làm mạnh mẽ, thanh luyện và thăng hoa. Chỉ có những tu sĩ tràn ngập yêu thương mới có thể đại lượng. Lòng đại lượng vượt trên sự ti tiện, cừu hận và căm thù nơi người khác; nó cho phép tu sĩ chịu đựng những thái độ thù hằn của kẻ khác mà không cay đắng và luôn yêu thương đối với những người chỉ trích họ hoặc xúc phạm đến họ. Chỉ có tình yêu mới đủ sức vượt qua các đố kỵ. Và trước hết mọi sự, chính sự dịu dàng bộc lộ tình yêu bao la. Tình yêu dịu dàng thì uy nghi và chỉ phát sinh từ những tâm hồn thực sự vô vị lợi, được hội nhập và trưởng thành. Những tu sĩ đã được tình yêu Chúa Kitô thấm nhập rất nhạy cảm đối với sự đau khổ của anh em mình trong Nhiệm Thể. Lòng yêu thương của họ lan rộng đến mọi bờ cõi trái đất. Họ rất chú trọng đến các biến cố lớn trong ngày, các vấn đề quốc tế, để hiệp thông cầu nguyện. Họ chăm chú theo dõi sự phát hiện của sự thật trong mọi nơi và mọi trường hợp.
Sự khác biệt giữa hai hình ảnh đơn sơ và phiến diện này cũng đủ cho thấy sự ưu việt của tình cảm tích cực hoặc tiêu cực đối nghịch nhau như thế nào và chúng ảnh hưởng sâu xa đến nhân cách của một tu sĩ như thế nào.