(Hoàng Sỹ Quý, S.J.)
B. NHỮNG THÀNH TỐ CỦA TẦNG NỀN TÂM HỆ VIỆT
Kể từ 1867, miền Nam bắt đầu, kế đến miền Bắc, lần lượt rơi vào tay quân Pháp. Dưới thời đô hộ Pháp, người Việt Nam đi vào Âu hóa, đi vào nếp sống tân văn minh, văn minh của khoa học kỹ thuật, đồng thời của chủ nghĩa duy thực nghiệm mà cha đẻ là duy lý. Kể từ 1954, 1955, người Mỹ thay Pháp tiếp tục việc Tây hóa, sự Tây hóa mới này thiên về thực dụng hơn. Cũng vào thời kỳ trên, miền Bắc từ 1954, miền Nam từ 1975 đi vào chủ nghĩa xã hội, tiếp thu học thuyết Mác-Lênin và ảnh hưởng Nga.
Dù sao chăng nữa, những ảnh hưởng Pháp, Mỹ, Nga còn quá mới để bén rễ tới tầng nền tâm hệ Việt. Để tới đó, phải chờ lâu, rất lâu, cả ngàn thế hệ nữa.
Tầng nền này, ai chả biết văn hóa Trung Quốc góp phần rất lớn để xây dựng nên. Văn minh Trung Quốc đã tới sự đô hộ ngàn năm từ 111 tr.cn đến 939 s.cn, để rồi còn tồn tại mãi tới thời kỳ Pháp thuộc bắt đầu từ hậu thế kỷ XIX. Tuy ảnh hưởng Trung Quốc là áp đặt từ trên xuống, chứ không do thẩm thấu tự nhiên ở giữa dân, nhưng nó kéo dài cả hai mươi thế kỷ, nên không khỏi ăn sâu vào người dân, từ nếp sống đến tâm thức (metalité).
Thế nhưng tâm thức Việt không thể chỉ là sản phẩm của một văn minh Trung Quốc. Còn có sự thẩm thấu vô thức từ nhiều ngả khác nữa. Trước hết phải kể đến Ấn Độ mà xe chở là Phật giáo cùng tiếp xúc với khu vực Ấn hóa xung quanh, nhất là Chăm và Khơme. Nhưng thành tố quan yếu nhất của tầng hệ, theo tôi nghĩ, đã được cung cấp do văn minh Đông Nam Á.
Vì quả có một văn minh cổ Đông Nam Á bao trùm lấy mảnh đất Việt, bao trùm cả dân tộc Việt nữa, dù cho họ có từ gốc Mã Lai xuất thân hay xuất phát từ phía Nam Trung Quốc vốn xưa cũng thuộc nền văn minh Đông Nam Á lớn rộng này.
Vì lý do ảnh hưởng Trung Quốc quá rõ rồi, trong bài này, tôi chỉ chứng minh sự có mặt của hai thành tố kia trong tầng nền tâm hệ Việt: một là gốc Đông Nam Á, một do ảnh hưởng Ấn Độ. Tôi chỉ sơ phác hai nguồn gốc này.
I. VIỆT NAM THUỘC VÙNG VĂN MINH ĐÔNG NAM Á
Theo Montandon và ít nhiều học giả trước ông, tại vùng Đông Dương xưa có một nền văn minh mà họ đặt tên là “văn hóa cây cung”. Những nét đặc trưng của nền văn hóa này là: dùng cuốc, xâm mình, ăn trầu, nhuộm răng đen, búi tóc củ hành, chế độ mẫu hệ, mũi tên đồng tẩm thuốc độc, v.v Về sau, nhiều người khác, như Solange Thierry, đã nới rộng địa bàn của nó thành khu vực văn hóa Đông Nam Á , một văn hóa sẵn có từ lâu trước khi ảnh hưởng Trung Quốc và Ấn Độ tới chia đôi vùng này vào đầu công nguyên. Những yếu tố cấu thành văn hóa ấy vẫn là: cây lúa, trâu bò, gầu guồng, nước mắm, trầu cau, răng đen, xâm mình, nhà sàn, trống đồng, thả diều, thờ thổ công, khuynh hướng mẫu hệ… Gần đây khảo cổ học còn góp thêm cái rìu có vai và cái rìu tứ giác nữa.
Theo các nhà nghiên cứu nói trên, vùng văn hóa đna có chiều dọc ăn từ dãy núi Nam Lĩnh và sông Dương tử xuống tới Mã Lai Á, Indônêdi, Tân Ghinê, Phi luật tân và một phần Mêlanêdi, còn chiều ngang trải từ bờ biển Việt Nam sang đến vùng cực đông của Ấn là Assam. Theo tôi nghĩ, phải kể thêm cả Nam Ấn vào đấy nữa.
Tại đâu vùng này làm nên một khu vực trao đổi riêng?
Về mặt địa lý, đna được biển che chở về cả hai mặt Đông và Nam. Còn ở phía Bắc, thì dãy núi Nam Lĩnh đã ngăn chặn người Hán, khiến cho trước năm 221 tr.cn, suốt từ Vân Nam, Phúc Kiến, Lưỡng Quảng trở xuống, sử sách Tầu đều gồm chung trong một danh xưng xấc xược là “Nam man”. Đna cũng cách ly với người Ấn Arya bởi dãy núi Vindhya, khiến cho các cuộc xâm nhập từ phía Bắc của Arya, Hy Lạp, Kusâna, Hồi giáo bị khựng lại ở đó và khiến cho Nam Ấn giữ nguyên được ngôn ngữ cùng văn hóa Dravida, đồng thời cũng bảo vệ cho Ấn giáo, chạy trốn Hồi giáo phía Bắc, đã tồn tại ở phương Nam, để rồi từ đó như căn cứ địa, sẽ chiếm lại đất Bắc dần dần.
Về mặt giao thông thì khu vực đna, phần lớn là lục địa lại đồng bằng, sông ngòi cũng nhiều nữa, nên rất dễ liên lạc bằng cả bộ lẫn thuỷ. Sự trao đổi đường dài càng thuận lợi hơn bằng đường biển, khi mà dân Ấn từ xa xưa đã có khả năng đóng tàu lớn, đã có hải cảng mở về phía Đông, trong khi các dân Chăm, Khơme đều là cướp biển chuyên nghiệp, trong khi vùng này lại nằm trên đường buôn bán của tàu Ả Rập ngay từ trước công nguyên.
Riêng về đường biển, giải đất chữ S rất dài và được thiên nhiên ưu đãi, đã tạo nên những trạm dừng chân quan trọng trên hành trình hướng về phía Trung Quốc từ các nước Phù Nam, Chân Lạp, Ấn Độ, từ cả các quốc gia Địa Trung hải nữa. Thành phố Óc eo hồi đầu công nguyên đã là một hải cảng quốc tế, và Kattigara nói đến trong Ptolemaios (Ptolémée, ở Ai Cập nhưng gốc Hy Lạp, thế kỷ II) hẳn cũng thuộc đất Nam Việt này.
Cố nhiên khi ấy, người Việt còn mãi tận phương Bắc cơ. Nhưng tại đất Giao Chỉ chúng ta, quận thuộc địa của người Tàu hồi đó, đã thiết lập một hải cảng duy nhất mà mọi đoàn sứ giả từ phương Nam và phương Tây đều phải cập bến, chờ làm thủ tục để được dẫn bộ về chầu đức “Con Trời”10. Chẳng thế mà sử sách Tàu ghi việc triều cống của Phù Nam một cách khá liên tục bắt đầu từ năm 225, và những năm tiếp xúc với các nứơc xa hơn về phía Mã La á và Inđônêdi ít là từ thế kỷ V. Riêng về nước Lâm Ấp (Chăm), sử liệu Tàu nhắc đến việc cướp phá của họ kể từ năm 102 nhắm vào các quận Nhật Nam và Tượng Lâm.
Bởi đó, chúng ta có đủ lý do để kết luận rằng, vì cả ba mặt đường biển, sông và bộ đều thuận lợi từ lâu đời cho những tiếp xúc ở đna giữa các vùng thuộc lục địa với nhau cũng như giữa các lục địa với các hải đảo phía dưới, nên từ nhiều thế kỷ trước công nguyên, đna đã thành một khu vực văn minh và văn hóa riêng. Sau đây, tôi xin nói vắn tắt về một vài điểm đặc trưng của nền văn hóa này.