V. ĐỜI SỐNG CỘNG ĐỒNG
Một tu sĩ thiếu an ninh nơi chính mình hay quá buồn phiền vì bị bỏ rơi đương nhiên sẽ có những thái độ hung hăng gây hấn. Cuối cùng họ tuyên bố là trong cuộc đời cần phải biết xoay xở; cũng có thể tìm đến những phương thế ti tiện để người ta nghe thấy tiếng nói của họ hay sử dụng những cách đặt điều nói xấu hoặc những thủ đoạn đê hèn khác để thỏa mãn hận thù. Người tu sĩ sống bình an với bề trên và được cộng đoàn chấp nhận không cần những thứ tự vệ này. Trong một cộng đồng, bề trên và tu sĩ có thể làm nhiều điều để sửa chữa hoàn cảnh này. Không phải bằng những lời phỉ báng cay chua vốn không thay đổi gì, nhưng bằng cách học biết đón nhận kẻ khác.
Các tu sĩ gây hấn sẽ không đầu hàng cho đến khi họ được chấp nhận trong cộng đoàn. Càng muốn cho họ thấy cái dở trong tác phong của họ, càng làm cho họ ngoan cố trong sự đối kháng và nhu cầu làm nổi bật chính mình. Người ta nói: “tôi đòi hỏi công bình”, nhưng phải hiểu là: “tôi muốn được chấp nhận”. Nói cách khác, đương sự sẽ nhận ra trách nhiệm của mình như phần tử của nhóm, ngày nào mà đương sự được chấp nhận như phần tử của nhóm. Nếu bạn bỏ rơi họ, họ sẽ không thích ứng được. Các thái độ tự vệ là những dấu chứng của tình trạng bất thích ứng.
Thật đặc biệt khó khăn cho một vị bề trên – cũng như khó cho mọi tu sĩ – là nhìn nhận rằng mình có xu hướng từ rẫy đối với một vài người. Một vài sự quên lãng, một vài dấu hiệu thiếu kiên nhẫn và tức giận, còn được, nhưng nhìn nhận rằng mình có thành kiến và bất bình với ai đó, thì quá cực nhọc. Khi thấy sự vô trách nhiệm xã hội nơi kẻ khác, với một chút sáng suốt, chúng ta không thể không nhớ rằng: chính các thái độ của chúng ta có thể làm tê liệt thiện chí của họ. Rất dễ mà biện hộ cho những tâm tình đố kỵ của chúng ta bằng cách nhắm mắt lại trước những nhu cầu của kẻ khác; việc phát huy trách nhiệm xã hội là một tiến trình hai chiều: cởi mở đối với chính mình và cởi mở đối với kẻ khác. Đòi hỏi đối với chính mình, nhưng bao dung đối với tha nhân, đó là lý tưởng của một tu sĩ có trách nhiệm trên bình diện xã hội.
Một vài dấu chỉ bất thích ứng xã hội và thiếu thích ứng cá nhân rất thường bị bỏ quên vào lúc đầu. Sự khẳng định chính mình (ra vẻ ta đây) để được nhìn nhận là một phương thức chống đối xã hội (anti-social). Thường những thành quả tốt đẹp thì đáng ghi nhớ, cả khi không cần đòi hỏi, nhưng kẻ nào không đựơc phần chú ý mà họ có quyền đòi hỏi, thì trong vô thức có thể sử dụng các phương tiện tiêu cực để được chú ý, bắt kẻ khác theo ý mình hay làm ngược lại điều kẻ khác muốn. Do đó mà có nhiều sự va chạm và đổ vỡ.
Thói quen hận thù với những mưu đồ thật ti tiện là một ngăn trở nghiêm trọng cho các tương quan xã hội. Người ta có thể tìm cách trả đũa, đối xử với các tu sĩ khó thương bằng những phương thế tinh vi. Nhưng sự trả thù không làm giảm bớt các khuyết điểm của kẻ mang nó. Nó chỉ làm hại cho kẻ chủ trương nó. Người báo thù chỉ làm thiệt hại cho chính mình, mà không có lợi ích nào khác. Đáp trả sự khinh thị bằng những lời mạt sát không làm cho bầu khí thêm trong sáng. Đối chọi với các lời đả kích bằng sự khinh miệt cũng không giảm bớt sự đụng chạm, trả lời kẻ khoe khoang bằng một cái cười ngạo nghễ cũng không thêm được gì. Ngoài đặc tính xúc phạm, các lời đáp tiêu cực chỉ tổ làm gia tăng sự bất đồng ý kiến và thêm căng thẳng. Chà đạp và chèn ép là hai giải pháp không đem đến kết quả nào.
Nhiều khi trong các tiểu thuyết và kịch bản người ta cho thấy những cách nói quanh để xoay xở như một điều hợp pháp. Nhưng thực ra đó là một điều thiệt hại cho sự cương trực của tinh thần, cho suy nghĩ có trách nhiệm. Sử dụng cách nói quanh để tránh phiền hà hay trốn thoát những đòi hỏi khắt khe của lề luật là một xảo kế chống-xã-hội, mặc dầu ít có người nghĩ đến điều đó. Thường thì đó là những sự dối trá thực sự dưới chiêu bài xoay xở. Thường xuyên sử dụng cách nói đầy ẩn ý cuối cùng làm tiêu hủy sự chân thành và lòng tin tưởng.
Nghĩ rằng, vì các sự lơ đễnh hay lỗi phạm mà kẻ khác đáng gặp thất bại và mất tiếng tốt của mình, chứng tỏ một phán đoán nghèo nàn. Chính Thiên Chúa cũng không phạt chúng ta vì mỗi lầm lỡ của chúng ta; nếu Người làm thế, tất cả thời giờ của chúng ta phải dùng vào việc đền tội. Tin rằng một đồng bạn đáng gặp thất bại hay thiệt thòi, là phán đoán quá mức về tội trạng của y. Trách nhiệm xã hội đòi buộc một thái độ trưởng thành đối với kẻ khác, là muốn sự thiện cho kẻ khác về phương diện xã hội cũng như cá nhân. Nếu không có thái độ này, chúng ta không hành động tốt hơn con thú, vốn chỉ biết bảo vệ nòi giống theo bản năng và tuân theo quy luật “mạnh thì sống”.
Khuyến khích sáng kiến của các tu sĩ là một công việc hữu ích. Nhiều khi các tu sĩ trẻ cho rằng “tinh thần phục vụ” không lợi gì cho họ, bởi vì người ta lạm dụng thiện chí của họ. Nếu họ tình nguyện làm một công việc phụ trội, thì họ nhận thấy người ta bắt họ làm quá nhiều. Tuy nhiên, nếu cả nhóm đều có óc sáng kiến và có tinh thần cộng tác, thì không còn phải sợ kẻ khác lợi dụng. Các tu sĩ trẻ phải học tự chính mình đảm nhận trách nhiệm trong một vài trường hợp. Mưa tạt ướt phòng bên cạnh, nếu ai biết điều đó thì đi đóng cửa sổ, coi như công việc ấy liên can đến mình cách trực tiếp. Sự thờ ơ đối với lợi ích chung của cộng đồng hay đối với các nhu cầu của một tu sĩ khác là một thiệt hại lớn lao và trên phương diện luân lý, đó thường là dấu chỉ của một sự xung đột nội tại nghiêm trọng. Điều này có lý do của nó. Những người bị chi phối bởi những bận tâm riêng của mình, chắc chắn phải mù lòa trước nhu cầu của kẻ khác hay giải thích những nhu cầu ấy cách lệch lạc.