Dâng hiến sáng tạo (39)

VII. SÁNG TẠO TÍNH

Sáng tạo tính là một biểu hiện của Thiên Chúa trong chúng ta. Là hình ảnh của Thiên Chúa, mỗi khi chúng ta phản chiếu quyền năng sáng tạo của Ngài, chúng ta gầy dựng một công trình, mà theo một nghĩa thần nhiệm nào đó, là duy nhất và hoàn toàn mới mẻ. Không là đặc ân dành riêng cho một cá thể nào, sáng tạo tính không biết đến phạm trù, thứ loại và giới hạn; nó là một năng lực tiềm tàng nơi một con người và thúc giục kẻ ấy vén mở nội tâm mình cho kẻ khác; nó hiện diện nơi mọi người và cho mọi người mà không phải là đặc quyền của thành phần ưu tú. Cũng như một vài khi Đấng Tạo Hóa mạc khải sự huy hoàng của Ngài qua các chi tiết: bóng mờ của lá cây trên sân gạch, nhịp điệu của gió và cát, cánh hoa bay nhẹ trong gió; cũng thế con người có thể biểu lộ sức hùng sáng tạo của Thiên Chúa bằng nhiều phương tiện lớn lao: suy tư vô tận, động lực tuôn tràn, xuất thần yêu đương, tư duy không giới hạn và tự hiến không tính toán.

Sáng tạo tính là một sự tăng trưởng, trong mức độ mà con người nội tại cố gắng thực hiện sự viên mãn của chính mình theo thể thức cá biệt và độc nhất của mình. Vì mỗi người đều sáng tạo, theo nghĩa rộng và theo nhiều cách khác nhau; và có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu mức độ và cấp bậc sáng tạo. Chắc chắn một khả năng bẩm sinh cho phép thẩm định một phần nào sáng tạo tính, nhưng nó cũng còn là chuyển động, vọt lên từ cái “ngã” để chuyển thông cho người khác những tài năng và thiên tư vốn biểu lộ sự hiện hữu của nó.

Con người trong yếu tính là sáng tạo, vì được phú bẩm cho những phẩm tính thiêng liêng; vượt trên khả giác, bản tính con người mở ra những nẻo đường vô tận cho sự biểu lộ chính mình.

Một cách đặc biệt hơn, sáng tạo tính giống như sự tìm kiếm giải đáp cho một vấn đề, việc nghiên cứu khoa học, cảm hứng nghệ thuật, khám phá tân kỳ và các thành tựu phi thường khác bên ngoài. Hay hiểu theo nghĩa tổng quát nhất: một khát vọng căn bản được đặt trong mỗi người làm nguyên động lực phổ quát cho sự tăng trưởng. Đối với tu sĩ, sáng tạo tính trước tiên tùy thuộc mức độ phát triển đời sống thiêng liêng, sau đó là sự hội nhập nhân cách, vốn là nền tảng của mọi triển nở nội tại.

Căng thẳng làm tê liệt sáng tạo tính

Một tu sĩ có óc sáng tạo phong phú trong mức độ mà người ấy ít bị căng thẳng. Sáng tạo tính không phải chỉ là độc đáo tính (uniqueness); nó là một thể thức biểu hiện sự độc đáo của mình một cách lành mạnh và hữu ích cho xã hội. Một người bị suy nhược thần kinh hay tâm bệnh vẫn tiếp tục biểu thị, nhưng một cách rất máy móc, không lành mạnh, cũng không hữu ích. Theo nghĩa này, sáng tạo tính là phẩm chất của một nhân cách sung mãn, một sự biểu thị chính mình làm phong phú cho cả cộng đoàn. Ví dụ một người có sáng tạo tính, khi là một giáo sư dạy học với tất cả tâm tình và làm cho học sinh không còn có thể như trước được; hay một nghệ sĩ biết đưa sứ điệp Kitô giáo qua màu sắc và đem lại sự sống bên trong cho nhiều người; hay một nhà thuyết giảng làm cho thính giả tìm được nguồn mạch ân sủng, để họ ra đi với một hy vọng mới; hay một tu sĩ chiêm niệm mà gương mẫu sống động về mối tương quan cốt yếu với Thiên Chúa, làm đánh động cả những người hoài nghi nhất.

Đó là những phương thế đa dạng mà nhờ đó ngọn lửa sốt mến trong tâm hồn của một tu sĩ âm thầm có thể được thông chuyển với những hậu quả khôn lường, vào những cơ hội gặp gỡ ngẫu nhiên không sắp đặt trước. Hành động của một tu sĩ càng sáng tạo, thì cách phô diễn của người ấy càng thêm cá biệt và ảnh hưởng càng sâu xa. Trở thành tu sĩ sáng tạo là trở nên chính mình, là tự hiến chính mình, mở rộng chính mình.

Để gia tăng các năng lực sáng tạo của mình ở cấp độ đời sống thiêng liêng hay trong công việc, trong các tương quan với người khác hay trong sự tận tâm phục vụ cộng đoàn, cần thiết phải biết các năng lực nào ảnh hưởng trên chính mình, đồng thời khám phá ra các sức lực đối nghịch làm khô cạn triều lưu sáng tạo, chặn đứng nguồn mạch tư tưởng và ngăn chặn sự thực hiện của nội tại tính.

Nhiều khi trong đời sống cộng đồng, các tu sĩ tùy thuộc bề trên trong việc phát huy sáng tạo tính. Bởi đó bề trên cũng nên nhận ra những nhu cầu khách quan cũng như chủ quan của từng tu sĩ trong lãnh vực sáng tạo. Các ngài nên biết rằng các nhu cầu chủ quan, như sự tiếp nhận, an ninh, cảm thức trực thuộc, sở thích, công việc, có một tầm quan trọng sinh tử cho một hiện hữu sáng tạo lành mạnh, hơn cả những nhu cầu khách quan như: cơm ăn, áo mặc. Người ta biết rõ vai trò của hảo tâm, của khích lệ và thông cảm trong việc giúp làm giảm bớt căng thẳng. Điều đó cũng được áp dụng cho việc phát huy sáng tạo tính, vì căng thẳng làm phương hại đến sự thăng tiến tâm linh. Những bề trên biết thấy trước các nhu cầu chủ quan của thuộc cấp có thể giúp đỡ họ bằng nhiều cách và khi cảm nghiệm được lợi ích của sự trợ giúp này, thì nhiều người cũng sẵn sàng hơn để chịu đựng các nghịch cảnh: thiếu thốn vật chất, thử thách trong việc làm, hay sự buồn phiền, chán nản.

Điều này cũng đúng trong thái độ của bề dưới đối với bề trên, vì các ngài có những nhu cầu chủ quan mà người ta cần phải biết để giúp cho sự hòa hợp của một cộng đoàn. Sự thông cảm và nâng đỡ mà một bề trên có thể gặp thấy, cũng đóng góp rất nhiều vào việc gia tăng tinh thần sáng tạo trong việc tổ chức, hoạch định các dự án; tất cả điều đó vì lợi ích tinh thần và hiệu năng của toàn thể cộng đoàn. Lúc đó, cộng đoàn được linh động từ trên xuống dưới bởi một tâm tình hợp nhất, có thể thực hiện nhiều điều hơn là tổng số các cố gắng cá nhân.

Kiểm tra tương tự

Giới thiệu sách mới: VÂNG PHỤC TRONG ĐỜI TU – MỘT ĐÓNG GÓP CỦA LINH ĐẠO I-NHÃ

Sự vâng phục là một trong ba lời khấn mà các tu sĩ phải tuân …

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *