TBILISI. Đức Thánh Cha đã đến phi trường thủ đô Tbilisi của Georgia lúc 15 giờ chiều (13 giờ giờ Roma). Cùng đi với ngài có đoàn tùy tùng 30 người và 70 ký giả quốc tế. Đây là chuyến viếng thăm thứ 16 của Đức Thánh Cha tại nước ngoài và là phần thứ 2 trong cuộc viếng thăm miền Caucase. Phần đầu ngài đã thực hiện tại Cộng hòa Armeni từ ngày 24 đến 26.06 năm nay. Cả 3 quốc gia này đều có con số tín hữu Công Giáo ít ỏi. Nhưng qua các cuộc viếng thăm này, Đức Thánh Cha muốn cổ võ những quan hệ đại kết, hòa bình và hòa giải giữa các dân tộc.
Đón tiếp Đức Thánh Cha tại sân bay, có tổng thống Giorgi Margvelashvili cùng với phu nhân, Đức Thượng Phụ Ilia II và một số quan chức, đặc biệt là hai vị Giám mục Công Giáo.
Trong lời chào mừng Đức Thánh Cha, tổng thống cám ơn sự ủng hộ của Tòa Thánh dành cho đất nước Georgia, đặc biệt trong thời kỳ bị Nga tấn công hồi năm 2008. Ông cũng nhắc đến những quan hệ giữa Vatican, Giáo Hội Công Giáo và Georgia qua dòng lịch sử.
Sau lời chào mừng, Đức Thánh Cha có bài diễn văn đáp từ.
Sau đây là bài diễn văn của Đức Thánh Cha:
“Thưa ngài Tổng thống,
Chính quyền và thành viên ngoại giao đoàn,
Thưa tất cả quý vị,
Tạ ơn Thiên Chúa Toàn Năng đã cho tôi có cơ hội viếng thăm đất nước được chúc lành này, nơi gặp gỡ và trao đổi quan trọng giữa những nền văn hóa và văn minh. Kể từ sau khi thánh Nino rao giảng Tin Mừng vào đầu thế kỷ thứ 4, Kitô giáo đã được bén rễ nơi đây với căn tính sâu xa nhất và với nền tảng vững chắc về những giá trị Tin Mừng. Như thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã nhận xét khi ngài viếng thăm đất nước của quý vị: “Kitô giáo là hạt giống của sự đơm hoa kết trái liên tục nơi văn hóa Georgia”, và cùng một hạt mầm ấy nay lại tiếp tục trổ sinh ra những bông hạt khác. Hồi tưởng lại với lòng biết ơn về cuộc gặp gỡ tại Vatican vào năm ngoái và mối liên hệ tốt đẹp mà Georgia luôn duy trì với Tòa Thánh, tôi chân thành cám ơn ngài, thưa ngài Tổng thống; cũng cám ơn ngài vì lời mời tử tế và những sự chào đón chân thành mà ngài đã dành cho tôi, đại diện cho chính quyền và nhân dân Georgia.
Lịch sử lâu đời hàng thế kỷ nay của đất nước quý vị cho thấy rằng nền tảng của những giá trị cao quý được diễn tả ngang qua văn hóa, ngôn ngữ và các truyền thống. Điều này khiến quốc gia của quý vị có một vị thế tròn đầy và hết sức đặc biệt trong nền tảng văn minh châu âu; đồng thời, bằng chứng cho thấy rằng vị trí địa lý của đất nước quý vị như một cây cầu tự nhiên nối liền giữa Âu và Á. Đó là một nối kết làm cho việc thông truyền và tương quan giữa mọi người trở nên dễ dàng hơn. Trải qua hàng thế kỷ, điều này đã làm cho mối dây thương mại cũng như việc trao đổi và đối thoại tư tưởng, kinh nghiệm giữa những nền văn hóa trở nên dễ dàng hơn. Như trong bài quốc ca, quý vị đã tự hào tuyên bố rằng: ‘Thần tượng của tôi chính là tổ quốc… chung chia với Trời những ngọn núi và thung lũng sáng tươi’. Tổ quốc là một hình tượng diễn tả căn tính, đồng thời khắc họa lên những yếu tố và lịch sử quốc gia; những ngọn núi tự do vươn cao hướng lên trời, tách xa khỏi việc bị biến thành những bước tường ngăn cách bất khả vượt, mang lại sự tráng lệ cho các thung lũng. Núi đồi và thung lũng làm nổi bật lẫn nhau, nối kết với nhau và làm cho nhau trở nên độc nhất, nhưng tất cả đều rộng mở hướng thẳng lên trời cao. Bầu trời ấy bao phủ và bảo vệ chúng.
Thưa ngài Tổng thống, 25 năm đã trôi qua kể từ khi Georgia tuyên bố độc lập. Trong suốt khoảng thời gian dành lại được hoàn toàn tự do, Georgia đã xây dựng và củng cố hiến pháp dân chủ và tìm những cách thức để đảm bảo một sự phát triển bao gồm và chân thực nhất có thể. Tất cả những điều này cần đến những hy sinh lớn lao, và mọi người dân đã can đảm đối diện để bảo đảm một nền tự do lâu bền. Tôi hy vọng rằng con đường của hòa bình và phát triển sẽ thúc đẩy với một cam kết bền vững về tất cả mọi lãnh vực của xã hội, để tạo nên những điều kiện cho sự bền vững, công lý và tôn trọng quy định của luật pháp, để thăng tiến sự phát triển và tạo ra những cơ hội lớn hơn cho tất cả mọi người.
Việc cùng nhau chung sống cách hòa bình giữa các dân tộc cũng như các quốc gia trong vùng là một điều kiện tiên quyết và không gì có thể thay thế được cho sự phát triển chân thực và lâu dài. Điều này đòi hỏi gia tăng sự quan tâm và tôn trọng lẫn nhau, vì thế không thể gạt sang một bên việc tôn trọng chủ quyền của mỗi quốc gia trong khuôn khổ luật pháp quốc tế. Để kiến tạo nên những con dường dẫn đến một nền hòa bình lâu dài và sự hợp tác đích thật, chúng ta phải khắc cốt ghi tâm những quy tắc cần thiết cho một mối tương quan công bằng và bền vững giữa các quốc gia, nhằm phục vụ cho sự sống chung mang tính thực tế, có trật tự và hòa bình giữa các dân tộc.
Thật vậy, rất nhiều nơi trên thế giới, đang có một lối suy nghĩ cản trở việc duy trì những sự khác biệt và bất đồng cách hợp pháp, bên trong bầu khí đối thoại văn hóa nơi mà lý trí, sự điều độ và trách nhiệm có thể thắng thế. Đây là những điều cần thiết hơn bao giờ hết trong giai đoạn lịch sử hiện tại, không hề có sự thiếu hụt về chủ nghĩa cực đoan bạo lực đang lèo lái và bóp méo những nguyên tắc dân sự và tôn giáo, và bóp ghẹt chúng trong đêm tối của sự thống trị và chết chóc.
Chúng ta phải toàn tâm toàn ý lấy con người làm ưu tiên trong chính hoàn cảnh thực tế của họ và theo đuổi mọi nỗ lực để ngăn cản sự khác biệt dẫn đến phát sinh bạo lực, vì bạo lực có thể gây ra những tai họa thảm khốc cho con người và xã hội. Bất cứ sự khác biệt nào về sắc tộc, ngôn ngữ, chính trị hay tôn giáo không được sử dụng như là căn nguyên để chuyển những bất hòa thành xung đột và xung đột trong một chuỗi bi kịch vô cùng tận; nhưng có thể là và phải là nguồn gốc của một sự làm giàu có phong phú thêm cho nhau hướng đến lợi ích chung. Điều này đòi hỏi mỗi người phải hoàn toàn sử dụng căn tính đặc thù của mình để cùng chung sống cách hòa bình trong quê hương tổ quốc của họ, hoặc được tự do để trở về miền đất ấy, nếu vì lý do nào đó họ bắt buộc phải rời xa quê hương. Tôi hy vọng rằng các vị lãnh đạo quốc gia sẽ tiếp tục cho thấy mối bận tâm về hoàn cảnh của những con người này, và rằng họ sẽ hoàn toàn dấn thân để tìm kiếm những giải pháp xác thực, cho dù có phải đối mặt với bất kỳ vấn đề chính trị khó khăn nào. Cần có tầm nhìn xa và lòng can đảm để nhận ra ích lợi đích thật cho mọi người, và theo đuổi lợi ích này với lòng quyết tâm và khôn ngoan. Vì vậy, cần phải lưu giữ trước mắt chúng ta sự đau khổ của người khác, để bước đi trên con đường với niềm xác tín, mặc dù có chậm chạp và nhiều gian khổ, nhưng sẽ dẫn chúng ta đến bình an.
Giáo hội Công giáo đã tồn tại hằng thế kỷ trong đất nước này và đã trở nên một nét đặc trưng trong chính cách thức hiện hữu độc đáo của Giáo hội vì sự dấn thân đối với việc thăng tiến con người cũng như các việc bác ái, chia sẻ niềm vui và sự quan tâm của nhân dân Georgia, và quyết tâm để trao sự đóng góp của Giáo hội cho lợi ích và hòa bình của quốc gia, bằng cách hợp tác cách tích cực với chính quyền và xã hội dân sự. Khát khao mãnh liệt của tôi là Giáo hội Công giáo có thể tiếp tục thực hiện phần đóng góp đích thật của mình cho sự phát triển của xã hội Georgia, nhờ chứng tá chung với truyền thống Kitô hữu nối kết chúng ta, sự dấn thân đối với những người thiếu thốn nhất, những cuộc đối thoại được làm mới mẻ và vững chắc với Giáo hội Chính Thống Georgia cổ truyền và những cộng đồng tôn giáo khác trong đất nước.
Xin Chúa chúc lành cho Georgia, đồng thời xin Ngài ban bình an và thịnh vượng cho toàn thể đất nước!”
Chuyển ngữ: Anh Phương SJ