Những thách đố của sự khó nghèo trong đời tu

Người tu sĩ nào có thể sống được sự nghèo khó như Thiên Chúa mong chờ theo mẫu gương Giêsu quả thật là một vị thánh. Ý nghĩa của đời khó nghèo, dường như ai cũng biết và nắm rõ. Nhưng có thể đưa nó vào thực tế cuộc sống lại là một chuyện khác. Lúc nào cũng vậy, đời tu luôn bị những xu thế của thời đại tấn công. Con người nào cũng có xu hướng muốn trở nên giàu có, tìm kiếm sự sung túc thành đạt cho bản thân. Sự giàu có luôn có một sức thu hút rất lớn. Lối sống nghèo dường như là con đường hẹp, đi ngược lại với những gì người ta mong chờ. Là một con người sống trong thế giới này, vẫn còn phải hít thở không khí, chân vẫn còn đạp đất, người tu sĩ vẫn luôn phải đối diện với nhiều cám dỗ, bên trong cũng như bên ngoài, khiến họ có thể quên mất đi điều mà họ đã khấn hứa liên quan đến đời sống khó nghèo. Có khi, họ đã đi trệch hướng mà không hề hay biết, lại còn cứ cỡ là mình đang sống sự khó nghèo rất thành công. Đâu là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

Nó có thể đến trước tiên từ gương xấu của nhiều người trong giới tu, đặc biệt là những tu sĩ đã sống đời tu lâu năm. Ngày trước, có thể họ cũng đã từng có một lý tưởng cao đẹp về sự từ bỏ để trở nên khó nghèo. Nhưng rồi, khi thời gian trôi qua, họ đã dần quên mất. Niềm kiêu hãnh về thâm niên tu trì của mình khiến cho họ tự mặc định rằng mình đáng được sống một cuộc sống khá hơn, đầy đủ hơn, bù lại cho những hy sinh của mình cho nhân loại, cho nhà dòng bấy lâu nay. Thế hệ trẻ nhìn vào họ, cứ tưởng rằng họ người sống đời tu lâu năm thì trưởng thành hơn, chín chắn hơn và cách hành xử của họ đáng được noi theo hơn. Cứ thế, các tu sĩ trẻ bắt đầu phỏng theo lối sống hưởng thụ ấy và cho rằng đó là khó nghèo của đời tu mà chẳng mảy may tự đặt lại vấn đề về nó.

Xưa cũng như nay, những người sống đời dâng hiến bao giờ cũng được người khác tôn trọng, nể nang và đi kèm với đó những món quà, những “biếu xén”. Ngay từ khi chập chững bước vào đời tu, khi chưa làm gì để cống hiến trong Giáo Hội và xã hội, các tu sĩ đã được “những phụ nữ đạo đức” chăm lo từ miếng ăn đến giấc ngủ. Chẳng ai có thể cấm họ làm chuyện này. Việc người dân có lòng yêu mến tu sĩ là điều rất đáng trân trọng. Nhưng nếu không được giáo dục cho kỹ lưỡng, các tu sĩ sẽ xem đây như là “nguồn thu” của mình, là nơi mình có thể tìm kiếm nguồn an ủi, sự trợ giúp. Đặc biệt, khi đã trở thành linh mục, lòng tôn kính của người dân dành cho họ ngày càng lớn, bởi họ tin rằng chỉ cần “một cái dang tay” là bao ơn lành của Chúa sẽ tuôn đổ xuống trên gia đình họ. Những món quà tặng riêng, những phong bì xin lễ có thể càng ngày càng dày và nặng hơn. Khi không có đủ ý thức, người tu sĩ rất dễ dàng bị những điều này lôi kéo, làm mất tự do.

Chủ nghĩa tiêu thụ càng ngày càng bành trướng mạnh mẽ. Biết bao công nghệ mới, tiện ích và sang trọng ra đời. Người tu sĩ có thể có xu hướng biện minh rằng “phải no đủ mới làm việc được”, hay “có thực mới vực được đạo”, “có phương tiện tốt mới làm việc tông đồ được” để rồi tìm cách thủ đắc cho mình những gì mình muốn. Dĩ nhiên, nếu được ăn no đủ, cơ thể khoẻ mạnh, có những công cụ trợ giúp đắc lực thì các tu sĩ sẽ làm việc hiệu quả hơn. Nhưng khi không đủ tỉnh thức, họ sẽ chạy theo lời mời gọi của các thương hiệu, sử dụng hay sưu tập những điều vượt quá mức cần thiết. Khi đó, sự khó nghèo có nguy cơ bị ảnh hưởng. Luôn tồn tại một sự căng thẳng giữa sống nghèo và làm việc tông đồ, như chúng ta đã thấy khi tìm hiểu về lịch sử linh đạo. Chỉ có một bộ quần áo rách rưới thì sao có thể giúp người khác hiệu quả được, nhưng nếu trở nên quá sang trọng, thì có thật là sẽ làm việc tông đồ tốt hơn không? Cũng có thể tồn tại một kiểu hoang mang khi thời đại có những thay đổi, không biết phải giữ điều gì, thay đổi điều gì, để vừa giữ được truyền thống, vừa có thể bắt nhịp với sự phát triển của thời gian.

Một lý do khác đến từ chính đời sống đức tin của người tu sĩ. Đó là một thái độ thiếu niềm tin, thiếu tín thác vào sự quan phòng của Chúa, hay một kiểu kiêu ngạo, cho rằng mình đã trưởng thành trong đời sống thiêng liêng rồi nên không cần phải bỏ mình, hãm mình, sống nhiệm nhặt nữa. Sự ảo tưởng bao giờ cũng làm hại người ta. Sau một khoảng thời gian sống đời tu, có thể người ta sẽ không còn thấy được giá trị của khó nghèo nữa, không còn coi đó là lý tưởng sống. Tệ hại hơn, có người còn coi đời tu như một phương thức để “đổi đời”, một kiểu làm giàu “cách ngọt ngào”, lợi dụng lòng tốt của người dân. Từ đó, họ có xu hướng muốn dành dụm, tích lũy cho riêng mình, dù có khi được phép. Một số khác, do xuất thân từ gia đình giàu có, nên mang tư tưởng rằng bây giờ tôi từ bỏ, nhưng vì tôi có học, có hậu thuẫn nên tôi có thể lấy lại nó bất cứ khi nào tôi muốn. Ngoài ra, cũng chẳng cần phải bận tâm làm gì, tôi nghèo nhưng cộng đoàn tôi giàu; tôi không có lúc này nhưng sẽ có bất cứ lúc nào tôi muốn, chỉ cần một lời xin phép là xong.

Những con sâu đục khoét đời sống khó nghèo có muôn hình vạn trạng, chẳng biết phải kể ra bao giờ mới đủ. Nhưng tựu trung, cũng giống như bao cám dỗ khác, nó chỉ có thể làm đổ sập bức tường khó nghèo của đời tu, khi chính người tu sĩ mở đường cho nó. Khó khăn và thách đố sẽ luôn luôn có, những mối nguy hại vẫn mãi còn đó, nhưng nếu người tu sĩ luôn biết thức tỉnh, cảnh giác với nó thì với ơn Chúa, họ sẽ dễ dàng vượt qua được. Lịch sử đã cho chúng ta thấy điều này qua biết bao gương lành của những vị thánh. Trước sức tấn công của cám dỗ, ước gì các tu sĩ luôn bền tâm và các tín rằng “mọi sự đều có thể đối với người tin” (Mc 9,23).

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

 

Bài tiếp theo: Sống đời khó nghèo

Kiểm tra tương tự

Những người thầy thầm lặng

  Bạn thân mến,   Trong tháng 11 này, chúng ta đặc biệt nhớ đến …

Hãy tìm hiểu nhau như một vị thánh

Phần lớn các bạn trẻ Công giáo cảm thấy được mời gọi bước vào đời …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *