Sống sự khó nghèo

Chúng ta đã nói nhiều về khó nghèo, về ý nghĩa, mục đích của nó, cũng như những điều có thể làm nguy hại đến nó. Nhưng rốt cuộc, phải sống sự khó nghèo thế nào? Biết là phải sống thanh đạm, không dính bén… nhưng cụ thể là thế nào? Thực ra, việc sống sự khó nghèo còn tuỳ thuộc vào mỗi dòng tu với những chỉ dẫn và quy định riêng sao cho phù hợp với thể chế, linh đạo và đường hướng tông đồ. Lối sống nghèo của các Đan Viện sẽ không giống của dòng khất thực hay dòng tông đồ… Tuy nhiên, dù sao đi nữa, thiết nghĩ cũng có một vài cách hành xử được cho là chung mà bất cứ người tu sĩ nào cũng phải nên có để theo đuổi sự khó nghèo theo tinh thần Tin Mừng.

Phải tránh hết sức có thể một thái độ “để dành” của riêng để có cái đảm bảo. Phải đặt làm của chung tất cả những gì mình có. Bằng lòng với mọi cái nhận được từ cộng đoàn, vâng phục những phán quyết của bề trên về khó nghèo và không làm điều gì căn trở hay nghịch lại. Những gì mình không xài mà vẫn còn sử dụng được thì nên san sẻ với người khác, chứ không được bỏ đi một cách hoang phí, nhưng cũng không nên để cho người khác sử dụng “đồ thừa” của mình, còn mình thì tìm kiếm những gì tân tiến nhất.

Cũng cần thiết và là một sự trợ giúp khi các tu sĩ viết thu chi điều độ, đúng đắn để có thể điều chỉnh khi cần thiết. Việc làm giấy thu chi (dù cha quản lý có yêu cầu hay không) hay ít ra là một sự suy xét và cân nhắc về những chi tiêu của mình sẽ giúp người tu sĩ bỏ đi thái độ “muốn làm gì thì làm”. Họ sẽ ý thức hơn khi biết rằng mình đang sử dụng những đồng tiền từ mồ hôi ước mắt của người khác, và bất cứ một sự lãng phí nào cũng không thể chấp nhận được. Họ có thể bỏ ra một số tiền lớn để làm điều gì đó nếu nó cần thiết và có lợi ích, nhưng tuyệt đối không được đánh mất một đồng nhỏ để làm chuyện không đâu. Tiền bạc mà họ có trong tay là tiền của cộng đoàn, của dòng, chứ không phải của họ. Cũng có thể có những sai lầm trong việc chi tiêu. Điều này có thể chấp nhận được, nhưng tuyệt đối đừng xem chuyện đó như không có gì, có thể cho qua một cách dễ dàng.

Trong việc sử dụng các vật dụng trong cộng đoàn, hãy sử dụng một cách khôn ngoan, tiết kiệm, và đừng bao giờ coi mình là chủ sở hữu tuyệt đối của nó. Nhưng cũng đừng bủn xỉn đến độ khiến cho đời sống trở nên ngột ngạt hay làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của các thành viên. Ví dụ, khi thức ăn đã ôi thiu, thì đừng vì sợ mắc lỗi khó nghèo mà ráng ăn nó để rồi phải nhập viện. Điều này chẳng những đi ngược lại với sự khó nghèo mà còn bị cho là thiếu khôn ngoan. Tiêu chí để mình mua hay sử dụng điều gì đó chính là sự cần thiết, chứ không phải vì thích. Có thể mua một chiếc xe để có phương tiện đi lại và làm việc tông đồ, chứ không nên mua chỉ vì thấy nó đẹp và hợp thời trang. Những vật dụng trong cộng đoàn nên là loại phổ thông, chứ không nên là loại cá biệt. Chén bát có thể mua loại bình thường, tuy mắc tiền một chút, nhưng bền và xài lâu (và như thế sẽ tiết kiệm tiền), chứ không cần phải mua loại có trạm khắc nghệ thuật cầu kỳ, vật liệu hiếm…

Dĩ nhiên, trước khi vào dòng và trước khi khấn đầu, khấn cuối, phải từ bỏ của cải theo quy định của Giáo hội và luật Dòng và phải luôn ý thức về ý nghĩa của sự từ bỏ này. Đừng từ bỏ theo một kiểu tạm thời để rồi thu vén lại. Cũng đừng giả vờ từ bỏ để cố gắng thu lại một món hời to hơn, như kiểu kinh doanh. Từ bỏ của cải, và phải cố gắng từ bỏ luôn ước muốn có của cải. Trong quá trình đào luyện, cũng nên để cho các tu sĩ trải qua những thử nghiệm sống với người nghèo thực sự để giúp họ hiểu hơn về cái nghèo và nhận định về ơn gọi của mình, xem thử mình có thể mang lấy điều kiện của người nghèo với một sự sẵn sàng hay không. Trước khi xin phép bề trên để mua và sử dụng điều gì đó, hãy có một sự suy xét cho kỹ. Đừng để bề trên nhận định thay cho mình. Chính bản thân mình phải biết đâu là điều cần thiết, đâu là điều không cần thiết trước khi mở lời. Sự khó nghèo cũng bao hàm cả việc sẵn sàng nghe theo phán quyết của bề trên, cả khi bề trên không chấp nhận lời cầu xin của mình vì một lý do nào đó.

Trong quá trình làm việc tông đồ, hãy mang lấy một tinh thần vô vị lợi. Được phục vụ người khác là niềm hạnh phúc của mình, là ơn gọi của mình và là lý do vì sao mình chọn đời tu. Phục vụ của người tu sĩ không phải là một kiểu làm công ăn lương. Vì thế, hãy tránh bao nhiêu có thể sự sòng phẳng. Đặc biệt, cần có một sự liên đới, hiệp thông, chia sẻ với người nghèo. Hãy sống, hành xử, nói năng như một người bình dân, tạo niềm tin nơi họ, gần gũi với họ và giúp đỡ họ về mặt vật chất và tinh thần khi có thể, nhưng hãy tránh thái độ ban phát như thể mình là người ban ơn và người kia phải biết ơn mình. Khi đến với người nghèo, cần có lòng bác ái, và cũng đòi hỏi một sự tế nhị để không làm tổn thương đến lòng tự trọng của họ.

Có một yếu tố rất quan trọng không thể không nói đến liên quan đến sự khó nghèo, đó chính là yếu tố lao động. Sự khó nghèo trong đời tu cũng đòi hỏi người tu sĩ phải không ngừng lao động, theo những cách thức và mức độ khác nhau, tuỳ theo hoàn cảnh. Có người có tư tưởng rằng dòng mình đã có đầy đủ rồi, không cần phải lao động hết sức hoặc nếu phải lao động để kiếm sống như bao người khác vậy thì đi tu để làm gì. Người ta đi tu không phải chỉ để ăn với uống, nằm đó để người khác phục vụ. Họ phải lao động vì nhiều lý do khác nhau. Trước hết, lao động là quy luật tự nhiên, phải có làm thì mới có ăn. Lao động thể hiện trách nhiệm của mình đối với các thụ tạo khác. Lao động cũng tạo ra nguồn vui cho chính mình. Lao động giúp ngăn ngừa những cám dỗ vì nhàn cư vi bất thiện. Lao động giúp nâng cao tâm hồn, mở rộng trí tuệ, phát triển tài năng, được tham gia vào công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Lao động để phục vụ cộng đoàn, sống liên đới với người khác, giúp tạo kỷ luật bản thân cũng như có sự quân bình trong cuộc sống. Khi lao động, người tu sĩ có thể tự chu cấp cho mình và cho cộng đoàn, đồng thời hướng đến tha nhân.

Tuy nhiên, lao động của người tu sĩ không phải là kiểu làm ăn kiếm cơm. Người tu sĩ lồng vào trong hoạt động lao động của mình sứ mạng tông đồ. Người tu sĩ có thể lao động bằng cách cuốc đất trồng cây, giảng dạy, cầy cấy, nghiên cứu, viết sách, giúp tĩnh tâm, dâng lễ, thực thi các sứ mạng hoặc các thừa tác vụ khác nhau do bề trên giao, hay có khi chỉ là những hoạt động âm thầm khác chỉ trong phạm vi cộng đoàn. Dù làm những việc to tát hay nhỏ bé chẳng ai biết đến, người tu sĩ luôn đặt mình trong tư thế phục vụ. Họ không chỉ làm việc để có cái đảm bảo cuộc sống nhưng còn thổi vào trong công việc của mình một ý hướng mang Chúa đến cho tất cả mọi người. Sống đời khó nghèo chính là mang lấy tinh thần và lối sống như thế.

 

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

 

Bài tiếp theo: Thân xác và vấn đề phái tính 

Kiểm tra tương tự

Những người thầy thầm lặng

  Bạn thân mến,   Trong tháng 11 này, chúng ta đặc biệt nhớ đến …

Hãy tìm hiểu nhau như một vị thánh

Phần lớn các bạn trẻ Công giáo cảm thấy được mời gọi bước vào đời …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *