Hành Hương

 

VẤN ĐỀ

Người Công Giáo Việt Nam ngày nay chẳng ai còn xa lạ với việc hành hương, thường được kết hợp với việc tham quan, mang hình thái du lịch. Việc này các nước đã có từ rất lâu, nhất là đối với các nước tiên tiến, mà ngày nay ngành du lịch gọi là “du lịch tâm linh” nói chung, hoặc “du lịch hành hương” nói riêng.

Riêng về hành hương thì từ xa xưa, nó đã là một tập tục gắn liền với đời sống người Công giáo, Chính thống giáo và Anh Giáo. Hành hương Công giáo là một cuộc du hành đến những nơi có những thánh tích đặc biệt của Chúa, Đức Mẹ và các thánh. Hầu như các Tôn Giáo lớn đều có truyền thống hành hương: Tín hữu Phật giáo đến chùa, Ấn độ giáo đến Sông Ganges, Hồi giáo đến Mekka ( Mecque), Do thái giáo đến đền thánh Jerusalem.

Rất ít người tìm hiểu và biết chuẩn bị cho mình một cuộc hành hương để có kết quả tốt lành thực sự, chỉ như “Tấp tễnh người đi tớ cũng đi (Trần Tế Xương).  Nhiều người đi để biết thêm địa danh mới lạ do tò mò, ngay cả người đạo đức cũng muốn tìm cảm giác thần thiêng mủi lòng, đi tìm những dấu lạ hoặc tìm một phép mầu nào đó như kiểu mua sổ xố hy vọng trúng độc đắc. Còn có những người đi hành hương mang kiểu trả giá, thử nghiệm xem sao nếu xin được ơn như ý mình thì đi tiếp, nếu không thì thôi, có người lại đồng bóng vuốt ảnh tượng thoa lên thân thể mình. Nói chung con người tìm đến hành hương như là giải pháp xả stress và thỏa mãn nhu cầu “lợi nhuận”, do mê tín, sự tò mò, thích tham quan, xem điều mới lạ về con người và vùng đất nơi mình đến.

Sau khi về thì tất cả tâm tình, cảm xúc, ý nghĩa và tinh thần hành hương trở lại bình thường, có chăng chỉ còn chút kỷ niệm nhạt phai, và tinh thần sống đạo cũng chẳng có gì khác.

Điều thiếu sót và lệch lạc này phải chăng do sự thiếu hiểu biết? Hay đời sống đức tin chưa trưởng thành? Có lẽ do cả hai. Nhưng tại sao giới hữu trách không giáo dục, học hỏi chia sẻ hoặc hướng dẫn cho những ai muốn đi hành hương biết điều cốt lõi, tinh thần và mục đích thực sự của hành hương. Nó cần phải chuẩn bị trước tinh thần như thế nào cho một cuộc hành hương, dù xa hay gần, một buổi hay nhiều ngày. Điều này trong mục vụ xem ra còn đang bỏ ngỏ.

THẾ NÀO LÀ HÀNH HƯƠNG VÀ MỤC ĐÍCH CỦA NÓ

Hành hương là gặp gỡ Thiên Chúa tại những nơi ghi dấu sự hiện diện đặc biệt của Người, là những nơi có những thánh tích đặc biệt của Chúa, Đức Mẹ và các thánh. Dù đền thờ nào cũng thánh thiêng, cũng là nơi con người có thể gặp Chúa, nhưng vẫn có những nơi đặc biệt gợi lên trong chúng ta những tâm tình đạo đức mãnh liệt hơn. Đồng thời, hành hương cũng là cơ hội giúp chúng ta trong thinh lặng và cầu nguyện, có thể xác tín hơn rằng, chỉ có Chúa mới thật sự là đích điểm cuộc đời người Kitô Hữu, và cuộc đời Kitô Hữu đang là cuộc hành trình đi về quê hương đích thực là Nước Trời.

Mục đích của hành hương là giúp các tín hữu củng cố Đức Tin, Đức Cậy, Đức Mến và sống một cách tràn đầy các nhân đức nhân bản Kitô Giáo. Khi vượt qua một quãng đường dài và bỏ lại sau lưng nếp sống thường nhật, người hành hương dễ dàng nhận ra con người của mình, những việc cần làm, những cái cần phải chỉnh sửa, để đời sống đức tin được củng cố và lớn mạnh. Từ đó, mỗi người được thôi thúc dám dấn thân để làm chứng cho giá trị Tin Mừng, sẵn sàng phục vụ Giáo Hội và yêu mến tha nhân một cách vô vị lợi. Do đó, mỗi khi có điều kiện thực hiện một cuộc hành hương, mỗi người cần ý thức được các lợi ích trên, không những khích lệ bản thân mà còn có sức lan tỏa trên phạm vi gia đình và cộng đoàn, trong môi trường mình sống và làm việc.

Như vậy, tinh thần hành hương phải có là tinh thần Hiệp thông với Giáo hội, với Cộng đoàn, tinh thần vô vị lợi, lắng đọng nội tâm (thinh lặng), biết hy sinh (trong khi hành hương), nhìn lại mình để hồi tâm-sám hối-đền tội (sửa mình), nhận ra tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa (thánh ý của Người), tập trung cầu nguyện trong sự tin yêu phó thác vào Người (cảm tạ, ngợi khen, xin ơn), và nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ hoặc vị thánh nào mà mình kính viếng.

Do đó hành hương nếu biết chuẩn bị và hiểu đúng đắn sẽ có tác dụng lớn lao trong việc xây dựng đời sống đạo. Người tín hữu cố gắng kiếm tìm để gặp Thiên Chúa tại những nơi được thánh hiến để dâng lời cầu nguyện trong một khung cảnh đặc biệt thích hợp, qua đó họ xác tín niềm tin, thay đổi và thăng tiến trong đời sống đức tin của mình.

CHUẨN BỊ CHO CUỘC HÀNH HƯƠNG

Đáng tiếc khi rất ít người hay cộng đoàn có thời gian để chuẩn bị cho một cuộc hành hương đúng nghĩa, nhiều khi chỉ vội vội đi vội về, có chuẩn bị chăng nữa cũng chỉ là vấn đề phương tiện và ăn mặc. Chú trọng về hình thức lễ hội, tiện nghi, ăn ngon, mặc đẹp là điều trái với tinh thần hành hương – như trên đã trình bày.

Không kể cá nhân, một cộng đoàn hay đoàn thể, nhóm đi hành hương rất cần tập trung trước đó để được học hỏi chia sẻ về những vấn đề của hành hương, như ý nghĩa và mục đích của hành hương (trình bày trên). Từ đó loại đi những hình thức, những điều làm trở ngại cho tinh thần hành hương, như tinh thần du lịch hưởng thụ, mê tín, xô bồ, đua tranh, chia rẽ, ham hố thế tục….

Câu hỏi luôn đặt ra cho những người hành hương là: Đi đâu? Mục đích gì? Chương trình như thế nào? Nơi đó có giá trị gì? Sự kiện lịch sử và những dấu tích hay “sự lạ” nơi đến?  Học và noi gương vị nào (Chúa, Đức Mẹ, các thánh) nơi đó, ở điểm nào? Thường được những ơn gì?

Ví dụ như đến Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ Núi Cúi, ĐM. La Vang, ĐM.Tà Pao, ĐM. Bình Triệu, ĐM. Măng Đen, Trà Kiệu…, hoặc thánh Vinh Sơn, T. Martinô, thánh tử đạo VN…. nó khác nhau về nhiều phương diện, nên tâm tình, ý nghĩa, lối sinh hoạt, bài học sinh ơn ích cũng khác nhau.

Ngoài những trung tâm hành hương, ngày nay nhiều cộng đoàn còn được các nhà dòng thành lập theo hiến pháp dòng, đó là thành phần thứ ba (dòng ba) của dòng, theo linh đạo, mục đích và đường lối riêng, nên họ thường hành hương về Nhà Mẹ, như Phan Sinh, GĐTH Đồng Công, Hiệp Hội Thánh Thể, Hiệp Hội Mến Thánh Giá, Huynh Đoàn Đaminh…. Lúc này người hướng dẫn cộng đoàn cần biết chia sẻ thêm về ý nghĩa của cuộc hành hương. Về Nhà Mẹ như người con cái đi xa nay được trở về nhà, để thấy, để cảm nghiệm được “cái nôi” nuôi dưỡng và bao bọc những người con muốn nên thánh bằng con đường đặc biệt, đồng thời cũng thể hiện được tinh thần hiệp nhất, lòng trung thành và sự quyết tâm theo Đức Kitô qua linh đạo của nhà dòng. Hành hương về Nhà Mẹ để gặp gỡ Thiên Chúa qua hình ảnh các bề trên, các cha, các thầy (hoặc Mẹ Bề trên) trong nhà dòng, được trở nên thành viên cũng như được hưởng “ơn đoàn sủng” của dòng như mọi con cái khác trong dòng.

Người phụ trách hay trưởng đoàn cần am hiểu về công việc và thấm nhuần tinh thần hành hương, biết soạn và hướng dẫn tập thể làm việc thiêng liêng nơi minh đến cho thích hợp. Cần tìm hiểu trước về lịch sử, chương trình sinh hoạt nơi đó, sự kiện, sự tích, những sắc thái, giá trị…. nơi mà cộng đoàn sẽ đến để truyền đạt trước cho mọi người trong đoàn.

Những công việc trên cần được chuẩn bị từ trước, vì nếu tới nơi thì đâu còn thời gian để tìm hiểu và như thế người hành hương không được chuẩn bị gì cả. Lúc đó sẽ rất thiệt thòi cho cộng đoàn, và chuyến hành hương sẽ kém sốt sắng, vô vị, ơn ích sẽ rất ít kết quả. Khi người hành hương ra về, tinh thần sẽ mau nguội lạnh, chẳng hiểu gì nơi mình đến, và tất nhiên cũng chẳng phổ biến cho người khác được, sự truyền giáo sẽ không có hiệu quả.

Ngoài ra người hành hương còn được chuẩn bị ở góc độ nội tâm, hành hương tuy là ra khỏi chính mình để sống trọn vẹn hơn cho Chúa và tha nhân – xét cả về bên ngoài và bên trong – nhưng nó lại hàm chứa một cuộc tĩnh tâm đặc biệt. Vì tĩnh Tâm là lánh riêng ra một nơi, trong thinh lặng để bồi bổ tinh thần, để cầu nguyện cách mật thiết, mục đích là gặp được Chúa, được trải lòng ra với Chúa, nghe Chúa nói, chiêm ngắm Chúa, và nhận ra thánh ý Chúa trong đời sống, nhận ra mình để sám hối, để điều chỉnh, để quyết định. Nhưng hiếm người lưu ý tới điểm này, nên cuộc hành hương dễ trở nên “ồn ào” – chi phối bởi người lạ, cảnh vật mới, bởi mua sắm, bởi mang theo con nít… nên không còn sinh khí của Thánh Thần Thiên Chúa.

KẾT LUẬN

Người hành hương đến một nơi thánh để thờ phượng Chúa, đi vào nội tâm để gặp Người. Nhờ đó, cảm nhận tình yêu của Chúa, nhận ra thánh ý Người trên cuộc đời và mau mắn thi hành, làm vững mạnh những bước chân lữ hành trên đường tiến về quê thật là Nước Trời. Qua Bí tích Rửa tội, đời sống Kitô hữu được tháp nhập vào Mầu Nhiệm Vượt Qua, bước theo Đức Kitô trên hành trình tiến về Giêrusalem trên trời.  Đời người tín hữu trở thành một cuộc hành hương thiêng liêng nhiều gian khó nhưng tràn đầy niềm vui và hy vọng.

Mỗi cuộc hành hương nếu được hiểu và chuẩn bị đúng đắn, chắc chắn người hành hương sẽ được đón nhận dồi dào ơn sủng để canh tân đời sống đức tin, thêm xác tín đời mình là lữ thứ để biết gắn bó hơn với những giá trị vững bền mà mối mọt không thể gậm nhấm, thêm khao khát tìm kiếm Chúa như cùng đích hạnh phúc tối thượng đời mình (Trích: Ý nghĩa và mục đích của hành hương – Lm. Giuse Đinh Văn Huấn).

Ngày nay do nhu cầu du lịch tăng cao, nên nhiều người lẫn lộn giữa du lịch và hành hương, thường họ lồng trong nhau như là sự kết hợp giữa tôn giáo và nhu cầu hiểu biết, tham quan, học hỏi thêm về con người và vùng đất nơi mình đến, chưa kể còn mang tính hưởng thụ. Nếu mang não trạng như thế, hành hương đúng nghĩa chỉ là nửa vời, chẳng gặt hái được những ân sủng cần thiết thực sự trên đường thiêng liêng. Sau khi hành hương, người ta có thể đi du lịch, nhưng cần tách biệt ra giữa du lịch và hành hương. Du lịch là du lịch, hành hương là hành hương, không nên hóa đồng “du lịch hành hương” như các công ty du lịch quảng cáo.

 Tinh thần, mục đích và chuẩn bị cho một cuộc hành hương là vô cùng quan trọng, là yếu tố “thành bại” trong việc tổ chức, xét về mặt thiêng liêng. Điều thực tế cho thấy, người giáo dân ít được học hỏi, hướng dẫn, càng ít được chuẩn bị cho những cuộc hành hương một cách cụ thể. Không biết thiếu sót này thuộc về ai, nhưng rõ ràng rất thiệt thòi cho nhiều người tham gia hành hương, cả người khô khan lẫn người đạo đức.

(Dựa theo kinh nghiệm và tham khảo bài về hành hương trên internet)

Hàn Cư Sĩ

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

Kiểm tra tương tự

Trân trọng hành trình hiện tại để khởi đầu năm mới

  Tôi thích sự khích lệ để thay đổi cuộc sống trong năm mới, nhưng …

Bí tích của niềm hy vọng

  Khi tuyên xưng mình là người Công giáo, ta bước trên cùng một con …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *