Người trẻ và giai đoạn ẩn dật của Đức Giêsu?

Các bạn trẻ thân mến,

Chúng ta biết Đức Giêsu đi rao giảng Tin Mừng khoảng 3 năm. Trước đó 30 năm, Đức Giêsu đã sống như thế nào và có những thú vị gì liên quan đến giai đoạn đó không? Đây là câu hỏi lý thú mà tôi thường nghe các bạn trẻ thắc mắc khi chúng tôi tìm hiểu về cuộc đời Đức Giêsu.

Chắc chắn tuổi thơ của Đức Giêsu không được cung phụng như nhiều cô chiêu cậu ấm của thời nay. Người không có nhiều đồ chơi mắc tiền, không có điện thoại thông minh, không được đi du lịch và không có nhiều thứ. Sau khi sinh, Đức Mẹ và Thánh Giuse đem Hài Nhi Giêsu trốn sang Aicập, vì vua Hêrôđê tìm giết Người. Chúng ta không biết các ngài ở bên đó bao nhiêu năm, nhưng chỉ biết sau đó cả nhà về sống tại ngôi làng Nazarét, một xóm nhỏ khó nghèo. Chính nơi đó, cậu bé Giêsu ở với Đức Mẹ và thánh Giuse. Hằng năm Giêsu được trẩy hội đền Giêrusalem. Nói chung cuộc sống của Đức Giêsu cứ thế êm đềm trôi qua trong suốt 30 năm trường.

Biến cố lớn nhất trong giai đoạn này là khi Đức Giêsu ở lại đền thờ Giêrusalem khi Người 12 tuổi (Lc2, 41-52). Đây là độ tuổi theo người Do Thái là khá trưởng thành về mặt đức tin. Sau kỳ lễ, Đức Mẹ và Thánh Giuse lạc mất Giêsu, lý do chắc các bạn cũng đoán ra. Khi trở lại Đền Thờ, các ngài gặp Đức Giêsu đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Sau đó, Đức Giêsu hé lộ một chút sứ mạng của Người sẽ làm trong tương lai: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” Hai ông bà ngơ ngác không hiểu! Sau đó, Người cùng với cha mẹ trở về Nazarét. Tin Mừng cho thấy Đức Giêsu là một người trưởng thành như thế nào khi đúc kết rằng: “Người ngày càng khôn lớn và được Thiên Chúa cũng như mọi người thương mến.” (Lc2, 52).

Là người trẻ, chúng ta học được gì từ Đức Giêsu ẩn dật. Đó là giai đoạn Giêsu thực sự im lặng và chuẩn bị cho sứ mạng sau này. Tuy thinh lặng là vàng, nhưng “sự im lặng tột cùng dẫn tới nỗi buồn. Đây là hình ảnh của cái chết.” – như triết gia Jean Jacques Rousseau cảm nghiệm. Dĩ nhiên sự thinh lặng của Đức Giêsu không thuộc nghĩa này. Trái lại, chúng ta chiêm ngắm Đức Giêsu thinh lặng trong cầu nguyện với Chúa Cha. Là người trẻ, bạn Giêsu của chúng ta thinh lặng khi nghe lời Cựu Ước thường được đọc trong hội đường. Người thinh lặng để thấy được mình đang cần gì, phải làm gì và sẽ làm gì. Quan trọng hơn hết, trong thinh lặng, Đức Giêsu dần hiểu ra ý của Thiên Chúa Cha. Mỗi ngày một chút, chương trình Loan Báo Tin Mừng dần hé lộ. Nói chung, đó là thinh lặng của một tâm hồn luôn hướng về trời cao với những hoài bão lớn lao. Tôi tin rằng đôi lần các bạn cũng có những giây phút sống trong sự thinh lặng này.

Dĩ nhiên Đức Giêsu thinh lặng không có nghĩa là Người “câm như hến”. Chúng ta hiểu được bạn Giêsu cũng có nhiều người trẻ để chuyện trò, vui chơi và chia sẻ. Hơn hết, Đức Giêsu vui sống trong gia đình. Nơi đó, Người thường tâm sự với Đức Mẹ và thánh Giuse. Có thể Đức Mẹ cũng dạy cho Người từng câu thánh kinh, kể cho Người truyền thống của dân tộc mình, và biết bao sinh hoạt hằng ngày diễn ra nơi Thánh Gia. Ví dụ chúng ta có thể đọc những kỷ niệm thú vị ấy trong cuốn “Nhật Ký Đức Giêsu” mà cha Piô Ngô Phúc Hậu chiêm ngắm bạn Giêsu trong giai đoạn này. Ước gì bạn Giêsu dạy cho chúng ta biết thế nào là gia đình, là hòa hợp yêu thương. Tuy đời sống đạm bạc và đơn sơ, nhưng nơi ấy thực sự là tổ ấm vô cùng thánh thiêng. Đó mới là nền tảng của một gia đình hạnh phúc vững bền.

Tiếc là tuổi trẻ ngày nay không phải ai cũng có được gia đình hạnh phúc như thế. Dù sống trong gia đình giàu sang hay nghèo khổ, nhiều người con vẫn cảm thấy không được yêu thương hạnh phúc. Người giàu cũng khóc, kẻ nghèo cũng than. Đó là bi kịch gia đình mà chúng ta thường chứng kiến, và có khi là nạn nhân nữa. Đã đến lúc người trẻ chúng ta cần đến giai đoạn ẩn dật của Đức Giêsu để hy vọng Người cho chúng ta hướng đi. Nghĩa là giai đoạn ấy thực sự quan trọng và ý nghĩa để đưa chúng ta đến một tương lai tươi sáng.

Có bạn hỏi Đức Giêsu có đi học trong thời gian này không? Các nhà chuyên môn không biết rõ câu trả lời, chỉ có điều Người biết đọc (Lc4, 17); thêm vào đó, những kiến thức Kinh Thánh, những kỹ năng “mềm” thì người Bạn của chúng ta “hơi bị siêu”! Ngoài ra, trong thời gian ẩn dật, Đức Giêsu cũng cần cù lao động. Người làm nghề gì? Chắc hẳn Người thường theo thánh Giuse đi làm mộc, đóng tủ bàn, dựng nhà cửa…Người theo thánh Giuse như hình với bóng, đến nỗi về sau người ta gán cho Đức Giêsu một “nickname – con bác thợ mộc.” Nói chung, Đức Giêsu cho mỗi người trẻ thấy giá trị của lao động để dựng xây thế giới này. Có nhiều bạn ngây ngô nghĩ rằng mình có thể “ngồi chơi xơi nước” mà vẫn giàu sang phú túc. Thực ra đồng tiền trong sạch chỉ có được từ con đường lao động chân chính mà thôi. Đó là giá trị của lao động mà mỗi người trẻ được mời gọi bước vào. Chúng ta nghe ĐGH Phaolô khi thăm Nadarét ngưỡng mộ tinh thần lao động của Đức Giêsu biết bao: “Chúng ta ước ao được thấu hiểu và đề cao bổn phận lao động của con người, tuy nhọc nhằn nhưng đem lại ơn cứu chuộc.” (Diễn văn ngày 5-01-1964).

Với một vài chia sẻ trên đây, ước mong người trẻ chúng ta không chê ghét giai đoạn âm thầm chuẩn bị cho tương lai. Người ta chỉ thành công khi có một giai đoạn chuẩn bị kỹ càng. Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu là vậy. Rồi từng ngày với Đức Giêsu ở Nazarét, chúng ta biết phải làm gì, cần sống như thế nào để cuộc đời là những chuỗi ngày có ý nghĩa, các bạn nhé!

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

Kiểm tra tương tự

Nghĩa trang Công giáo: Tuyến đầu chống lại nỗi sợ thế tục về cái chết

  Ông Peter Nobes, người quản lý các nghĩa trang Công giáo thuộc Tổng giáo …

Xin cho Nước Cha trị đến | Suy tư Tin Mừng CN Chúa Kitô Vua

  Trong bài Tin mừng Chúa nhật cuối cùng của năm Phụng vụ, chúng ta …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *