Chúa Giêsu làm gì khi bắt đầu rao giảng Nước Trời?

Kết thúc thời gian sống ẩn dật, giờ đây Đức Giêsu chính thức bước vào giai đoạn công khai loan báo Tin Mừng. Người trẻ chúng ta thấy ngạc nhiên khi Đức Giêsu làm hành động này: chịu phép rửa của ông Gioan Tẩy giả. Có nhiều bạn ngạc nhiên khi Đức Giêsu cũng cần thanh tẩy để mặc lấy con người mới trên bước đường sứ vụ. Đây là câu chuyện khá lý thú được kể trong Tin Mừng.

Gioan Tẩy Giả là ai? Dacaria và Elisabét vào tuổi xế chiều mới sinh được cậu bé Gioan. Lớn lên một chút, Gioan lui vào hoang địa sống ẩn cư. Gioan ăn châu chấu và uống mật ong rừng. Nơi đó ông dần nhận ra sứ mạng của mình là loan báo cho dân chúng biết Đấng Thiên Sai đang đến. Bởi đó, khi ra mắt dân Ítraen, ông kêu gọi người ta sám hối và chịu phép rửa để dọn đường đón Chúa. Ông thực sự là người đi bước trước để dọn đường cho Đức Giêsu. Vì sứ mạng này mà ông còn có một tên khác: Gioan Tiền Hô. Địa bàn hoạt động của ông dọc theo bờ sông Giođan. Tuy với thân hình gầy guộc, lối sống đơn giản, nhưng lời rao giảng của ông không phải dạng vừa đâu! Sức hút của ông mạnh đến nỗi đoàn người lũ lượt đến xin ông làm phép rửa. Từ người già cho tới trẻ nhỏ, kể cả người trẻ cũng bị ông thách thức: “Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa.” (Mt3, 10). Ôi sợ quá! Sợ vị cuộc sống tôi nếu không sinh hoa trái, khéo tôi cũng vị quăng vào lửa mất!

Có thể nói, Gioan trong những năm ấy đã nổi như cồn. Ông là một hiện tượng khiến cả dân tộc Israel phải chú ý. Dĩ nhiên Đức Giêsu của chúng ta cũng biết những chuyện ông đang làm. Là anh em họ hàng, dường như họ cũng chia sẻ ước mơ kéo người dân về với Thiên Chúa. Vào một ngày đẹp trời, chính Gioan tẩy giả làm phép rửa cho Đức Giêsu. Đây là phép rửa chỉ dành cho hạng tội nhân, lính tráng, gái hư hỏng, người thu thuế để được tha tội. (Lc3, 3). Phép rửa này hoàn toàn khác với phép rửa tội mà chúng ta lãnh nhận từ hồi còn nhỏ. Dẫu sao hầu hết chúng ta đều thắc mắc là tại sao Giêsu cần rửa tội?

Là con người, Đức Giêsu giống chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi (Dt 4,15). Người không cần nước của sông Giođan tẩy rửa. Tuy nhiên người trẻ chúng ta được an ủi khi có một Thiên Chúa muốn hòa nhập với dòng người tội lỗi. “Người chấp nhận dìm trong lịch sử tội lỗi của cả nhân loại. Nhờ đó Người dạy ta rằng để cứu độ chúng ta khỏi tội lỗi, một ngày kia Người sẽ bị dìm trong cái chết, để được sống lại nhờ quyền năng của Cha Người.” Ý hướng tốt lành của Đức Giêsu lúc đầu bị Gioan từ chối, nhưng Đức Giêsu tha thiết yêu cầu, và thế là ông rửa cho Người. Ông dìm cả người Đức Giêsu xuống dòng nước. Khi lên khỏi nước, chúng ta thấy một hiện tượng lạ lùng: “Thánh Thần dưới hình chim bồ câu ngự xuống trên Người và có tiếng từ trời phán: Đây là Con yêu dấu của Ta.” (Mt3, 13-17).

Như thế trong biến cố này, chúng ta diễm phúc được gặp gỡ cả Ba Ngôi Thiên Chúa. Đó là một hồng ân mà nhân loại bắt đầu được hưởng trọn vẹn. Nói như thế vì trong Cựu Ước dân chúng không thể gặp Thiên Chúa. Giavê và dân là hai khung trời cách biệt. Thế nhưng lúc này dân được Thiên Chúa ở giữa, chia sẻ cuộc sống vui buồn với họ. Nếu có một lúc nào đó, bạn buồn phiền tội lỗi, thì chính lúc ấy bạn tin rằng Đức Giêsu cũng muốn chia sẻ nỗi khổ đau ấy với bạn. Điều ấy là sự thật, vì ba năm sau, chính Người bằng lòng chịu phép rửa bằng máu để tha thứ tội lỗi chúng ta (Mt 26,39).

Ngày nay nhiều bạn trong chúng ta thường cảm thấy một Thiên Chúa quá xa lạ. Dường như Thiên Chúa chỉ thích chốn vinh quang trời cao. Cảm xúc ấy là có thật khi chúng ta chưa chạm được Đức Giêsu gần gũi với con người. Từ biến cố hòa mình vào dòng tội nhân dưới dòng sông Giođan, Giêsu chính thức thường xuyên lui tới với tất cả mọi hạng người. Bởi đó hồi ấy người ta xem Giêsu “là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.” (Lc19, 1-10). Nhưng đó lại là một nghệ thuật cảm hóa lòng người. Với tội của ta, Thiên Chúa luôn chờ đợi và gần bên. Người thực sự cảm thấy sức nặng ghê gớm của tội lỗi. Chúng ta không cần xuống dòng sông Giođan để ông Gioan làm phép rửa nữa, nhưng chính Đức Giêsu Phục sinh sẽ giúp ta tái sinh trong Thánh Thần. Người có quyền năng biến chúng ta thành con người mới. Vấn đề là người trẻ chúng ta có dám lui tới với Người không mà thôi!

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

Kiểm tra tương tự

Giáng Sinh trong Nghệ Thuật – Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem

Các mục đồng thờ lạy Chúa (1622). Hoạ Sĩ Gerrit van Honthorst (1592-1656). Tranh được …

Phép màu Giáng Sinh: Cuộc hoán cải của thi hào Paul Claudel

  Vì sao thi sĩ nổi tiếng ấy trở lại đạo Công giáo vào đúng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *