Cuộc gặp gỡ của các giám mục toàn thế giới do Đức Thánh Cha triệu tập để bàn về vấn đề lạm dụng và bảo vệ trẻ em đã khai mạc hôm thứ Năm. Tuy nhiên, kết quả của hội nghị có thể không nhiều như người ta mong đợi, nhất là khi sự kiện này đang gần kết thúc. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với cha Hans Zollner. Cha là giám đốc trung tâm bảo vẻ trẻ em tại Đại Học Gregoriana (Roma) và là người đồng tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh này.
Hỏi: Người ta có thể mong chờ những gì từ cuộc gặp gỡ của các Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục vào tháng 2 này? Có thể có những kết quả cụ thể không?
Chúng ta sẽ có thể coi hội nghị này là thành công nếu các tham dự viên mang lấy những chủ đề được thảo luận trong đại hội này, như trách nhiệm, như sự ứng trực sẵn sàng tiếp cận vấn đề, khả năng đối diện với những đòi buộc của lương tâm và sự minh bạch, để các ngài trở về Giáo Hội địa phương của mình và để cho hiệu quả của hội nghị này được phát huy. Cũng còn phải coi cách mỗi tham dự viên mường tượng trách nhiệm lãnh đạo của mình trong vấn đề này như thế nào, mức độ rõ ràng mà từng vị có thể thấy trong vấn đề này cũng như có thể thiết lập cho mình những phương tiện thiết yếu để hành động và giải quyết.
Cũng có nghĩa là cần phải nhận ra rõ ràng, “chỉ đúng mặt gọi đúng tên” những rào cản và khó khăn của sự việc và có lộ trình khả thi nhất để loại bỏ chúng. Các tham dự viên cần trở về nhà với cảm giác được động viên và nâng đỡ, để có thể chủ động đối ứng với thực tế của quê hương mình.
Hỏi: Cha đã đi nhiều nơi trên thế giới để thị sát tình hình. Phải chăng hoàn cảnh của các Giáo Hội địa phương trên trên thế giới quá khác nhau, đến độ khó có thể đưa ra một luật chung từ trung tâm Rôma được?
Giáo hội toàn cầu phải trao trách nhiệm cho từng địa phương một cách rõ ràng cũng như cổ võ những việc thích nghi những thách đố của từng vấn đề hoàn vũ vào những bối cảnh văn hoá khác nhau. Chúng ta phải đối diện với những khó khăn trong vấn đề tương quan liên văn hoá và cộng tác với nhau. Vì thế, các tổ chức xuyên quốc gia trong Giáo Hội cũng có liên quan trong vấn đề này.
Với chúng ta, trong tư cách là Giáo Hội, câu hỏi đặt ra không hẳn là một câu hỏi mang màu sắc thực dụng, theo đó Giáo Hội nên hiểu vấn đề này như thế nào để hành động cho hiệu quả và đủ mức. Đối với một thể chế như Giáo Hội, điều tiên quyết là coi những sự khác biệt đó như là một điều hiển nhiên, như là một bản chất riêng của Giáo Hội.
Hỏi: Có thực sự là bạo lực tính dục đối với trẻ em và thiếu niên hiện diện trong từng văn hoá không, hay như người ta nói, đúng hơn chúng là những biểu hiện của văn hoá Tây phương?
Tôi không dám nói là có bạo lực tính dục đối với trẻ chưa vị thành niên trong từng văn hoá giữa hàng ngàn văn hoá trên thế giới. Nhưng có điều chắc chắn là hình thức bạo lực này có trong tất cả các quốc gia và trên khắp các châu lục, trong tất cả các tôn giáo và trong mọi hệ thống xã hội, và thậm chí, từ khi loài người có trí khôn. Bạo lực tính dục là một thực tế kinh khủng ngay từ thuở ban đầu của lịch sử.
Hỏi: Trong hội nghị với các Chủ tịch HĐGM vào tháng 2 lần này, có sự tham dự của Bề Trên Cả Dòng Tên. Các dòng tu đóng vai trò gì trong vấn đề lạm dụng này, khi đối chiếu với hoàn cảnh toàn Giáo Hội?
Các Dòng tu quốc tế như Dòng Tên hay Don Bosco ít nhiều được chuẩn bị khả quan hơn so với từng giáo phận riêng rẽ. Điều này nằm ở chỗ trong các Dòng Tu hoạt động toàn cầu thì việc nhận định tình hình và tính cấp bách của vấn đề cũng như kinh nghiệm của các đơn vị thành viên trong các quốc gia khác nhau đã được xúc tiến mạnh, nhờ tại một số nước ấy, việc thảo luận các vấn đề lạm dụng đã được công khai hoá và diễn ra từ nhiều thập kỷ qua đã ít nhiều đóng một vai trò đáng kể, ví dụ như tại Hoa Kỳ hay Úc. Tại Châu Phi, Châu Á hay Châu Mỹ Latinh, những dòng tu này cáng đáng nhiều trách nhiệm đáng kể cũng như đi đầu trong hệ thống trường học và vì thế họ cũng được tiếp cận với những phương thức phòng ngừa.
Hỏi: Nhìn về Dòng Tên tại Đức, với hiện thực đáng buồn kể từ 2010 là phải giải quyết vấn đề lạm dụng tính dục, các tu sĩ Dòng Tên đã học được gì từ 10 năm qua và đâu là những điều còn cần phải làm tiếp?
Chúng ta sẽ chẳng bao giờ ngưng nghỉ cả, thậm chí phải nói là tiếp tục “cong lưng mà vác” thôi. Nếu không thì chúng ta sẽ có nguy cơ rơi vào cơn cám dỗ : “Xong! chúng ta đã xoá được mặc cảm tội lỗi của chúng ta rồi!” Nếu việc ngăn ngừa nguy cơ lạm dụng là một tồn đọng của Dòng Tên và của tỉnh Dòng Đức, thì tất cả các thành viên của Dòng đều phải đóng góp sức mình vào đó. Vì vậy chúng ta lúc nào cũng cần thường huấn và giữ gìn không gian đối thoại trong các cộng đoàn. Trong huấn luyện, Dòng Tên cũng đã từ từ thiết lập những chuẩn tắc mới cho mình.
Hỏi: Bản phúc trình MHG của Hội Đồng Giám Mục Đức đã đưa ra những nhận xét rất rõ rệt. Liệu những hiểu biết mới từ bản phúc trình này có thể đóng góp gì cho hội nghị ở Roma lần này?
(Bản phúc trình MHG – viết tắc của 3 nhóm nghiên cứu từ ba thành phố Manheim, Heidelberg và Gießen- là công trình báo cáo xử lý dữ liệu và đánh giá khoa học, từ tâm lý, luật dân sự và tội phạm học liên quan đến những vụ lạm dụng tính dục trẻ chưa vị thành niên bởi các linh mục và phó tế công giáo cũng như các tu sĩ nam dưới quyền chịu trách nhiệm của Hội Đồng Giám Mục Đức, công bố ngày 24 tháng 9 năm 2018. ND)
Đến nay chỉ có từ 5 đến 7 nước là có một cuộc nghiên cứu nghiêm túc về mặt khoa khọc cho vấn đề này. Các báo cáo này cho thấy có chừng 4 – 5 % các linh mục giáo phận bị buộc tội lạm dụng trong khoảng 70 năm trở lại đây. Ngoài ra, ta cũng thấy nhờ những áp dụng và thực hiện những biện pháp phòng ngừa mà số các trường hợp lạm dụng được khai báo đã giảm thiểu đi đáng kể. Nhờ tiếp cận với các nạn nhân, nói về các trường hợp lạm dụng, và chăm sóc cho việc ngăn ngừa mà các trường hợp lạm dụng đã bớt đi nhiều.
Việc so sánh nhóm thủ phạm là các linh mục với nhóm các người cha trong gia đình cũng soi sáng nhiều điều. Các linh mục bắt đầu hành vi lạm dụng của mình tương đối muộn. Bên ngoài có thể có một điều gì đó đột nhập vào trong đời sống và công việc của vị ấy, và lập tức gây ra một hiệu ứng làm mù mờ, chao đảo. Ít nhiều ta có thể kết luận rằng, sự hội nhất đạo đức luân lý nơi vị ấy chỉ bám trụ được một thời gian nhưng sau đó tan rã và gãy đổ vì quá tải công việc, vì cô đơn, vỡ mộng hay quá tự tin nơi mình.
Hỏi: Đề tài lạm dụng quyền lực là một đề tài chính trong bản phúc trình MHG. Vẫn còn gây tranh cãi sau đó chuyện đánh giá vấn đề đồng tính, về sự độc thân linh mục và sự chia sẻ quyền lực trong Giáo Hội. Liệu các Giám mục cũng sẽ trao đổi về những chủ đề này?
Theo đánh giá cá nhân của tôi thì vấn đề chính yếu của lạm dụng tính dục không phải là vấn đề xu hướng tính dục cho bằng là sự lạm dụng quyền lực. Cách thức tôi đối diện với bản chất tính dục của riêng tôi cũng chỉ ra con người riêng của tôi và tương quan của tôi đối với quyền lực: tức tương quan với những nhu cầu riêng của tôi, những năng động bên trong cũng những tâm thức tôi đang cưu mang. Vì thế, bản thân tôi cho rằng những thảo luận trên truyền thông hiện nay chỉ quá một chiều, giới hạn chúng vào vấn đề xu hướng tính dục mà thôi.
Các cuộc nghiên cứu có nền tảng khoa học đều cho thấy: sự độc thân không tự khắc dẫn người ta đến lạm dụng. Tuy nhiên, lại là một điểm hết sức quan trọng khi nhận các chủng sinh vào chủng viện và tập sinh vào các Dòng là kiểm tra độ thích hợp của họ vào lối sống độc thân, chăm lo để ý trong tiến trình huấn luyện và nhất là đồng hành với họ cách thích đáng sau khi thụ phong hoặc sau khi khấn trọn.
Nguồn: https://www.jesuiten.org/news/bischoefe-muessen-verantwortung-uebernehmen/
Bùi Quang Minh SJ dịch từ tiếng Đức, trên trang web Dòng Tên Đức
Tác giả
Cha Hans Zollner SJ– sinh năm 1966 tại Regensburg, Đức
Giáo sư thần học, tâm lý và trị liệu, phó viện trưởng Đại Học Gregoriana, Giám đốc trung tâm bảo vệ trẻ em (CCP) tại đại học Gregoriana và thành viên Uỷ ban Giáo Hoàng về bảo vệ trẻ chưa vị thành niên.
cha day giao ly qua tuyet voi