Chương 9
KHÔNG NGỪNG THÍCH NGHI
Một ông cố có ba con trai đều đi tu, nhưng trong ba Dòng khác nhau: anh cả Dòng Đa-minh, anh hai Dòng Phan-sinh, em út Dòng Tên. Trước lúc nhắm mắt, cụ thều thào với ba người con:
- Bố biết cả ba con đều khấn đức khó nghèo. Nhưng để chứng tỏ các con thương bố, bố muốn mỗi đứa bỏ 1000 đô vào trong quan tài và chôn theo bố.
Ngày đóng nắp áo quan đi an táng, người con tu Dòng Đa-minh lui cui rút một xấp tiền bỏ vào quan tài và than thở:
- Bố ơi, ước nguyện cuối đời của bố thật oái oăm và con cũng không hiểu nổi. Nhưng các bề trên cho con phép đặc biệt để làm việc này, để chứng tỏ tình thương của con.
Sau đó, anh con thứ cầm một túi tiền lẻ, trút vào một góc quan tài, mếu máo:
- Đây là tiền dâng cúng gần cả tháng trời của tu viện. Bố biết dòng Phan-sinh chúng con làm gì có tiền riêng để chi nhiều như vậy. Nhưng thôi, xin cho nguyện ước của bố được trọn vẹn.
Lúc đó anh con út vừa từ ngoài đi vào, thấy vậy nên nói với hai anh:
- Hai anh lấy lại tiền đi. Em trả hết cho.
Nói đoạn, cha Dòng Tên này mở cặp, rút một tờ ngân phiếu, ghi 3000, ký tên cái roẹt, rồi lững thững đến gần quan tài, thả tấm ngân phiếu vào:
- Thưa bố, phần của ba anh em chúng con. Bố ra ngân hàng rút tiền nhé.
Sinh thời, Thánh I-nhã là người rất nghiêm khắc. Khi làm bề trên tổng quyền, ngài thường đưa ra những chỉ thị rất chi tiết để xử lý các hồ sơ một cách cụ thể. Nhưng người ta cũng biết một trong những cách nói ngài ưa chuộng là “thích nghi”.
Các luật lệ và quy tắc rõ ràng là các yếu tố tạo nên tự do. Chúng có tác dụng phòng hộ, chống lại sự tùy tiện và chủ quan, và giúp gìn giữ sự công bằng nhiều hơn. Nhưng nếu người ta chưa sẵn sàng thích nghi các luật lệ, thì chúng có thể nhanh chóng chuyển hoá thành sự bất công. Trung thành với lề luật là một chuyện, áp dụng nó một cách mù quáng là một chuyện khác. Cần phải có sáng tạo trong trách nhiệm và phải uyển chuyển. Chuyện cá nhân bình đẳng trước pháp luật, đến độ ai cũng như ai, cũng có nguy cơ trở thành một hình thức thuần túy bạo lực. Dù hai tình huống có vẻ tương tự, nhưng cũng không loại trừ trường hợp phải nghĩ ra hai giải pháp khác nhau cho chúng.
Thánh I-nhã luôn mời gọi chúng ta để ý đến từng bối cảnh trong đó xảy ra các sự kiện. Một bối cảnh khác có thể buộc ta nghĩ đến những giải pháp khác nhau, mà mới nhìn qua thì hiện tượng có vẻ như hoàn toàn giống nhau. Cách quản trị này gắn liền với điều mà thuật ngữ Dòng Tên gọi là cura personalis: quan tâm và chăm sóc từng người theo hoàn cảnh riêng của họ.
Các phụ huynh và giáo viên biết rõ điều này. Điều có thể thuận lợi cho em này lại có thể gây khó khăn cho em kia. Yêu thương trong nhận định đòi hỏi một sự lưu tâm bền bỉ và những thực dụng đầy sáng tạo.
Cha Pedro de Ribadeneira, người đầu tiên viết tiểu sử của Thánh I-nhã đã kể cách mà ngài áp dụng ý tưởng này cách cụ thể như sau:
Khi xảy ra một trường hợp đặc biệt, cha I-nhã sẽ chấp thuận một ngoại lệ, ngài không hài lòng khi ai đó than phiền với ngài là biệt lệ cho người này sẽ làm cho người kia khó chịu. Ngài cũng không chấp nhận khi một người đòi hoặc tỏ ra muốn được hưởng cùng ngoại lệ như người kia nhưng thật ra chưa cần thiết cho họ. Bởi vì, theo ngài, đó là sự thiếu nhận định vì chỉ dùng một cái thước để đo các sự vật khác nhau, và ngài cũng coi đó là hành vi lệch lạc, xin ngoại lệ cách vô cớ để được như người khác.
Đối với một bề trên thì ngài coi đó là yếu nhược và đi ngược với tình thương, khi từ chối điều mà một bề dưới cần, chỉ vì sợ bị càm ràm và chống đối, hoặc để ngăn ngừa các đòi hỏi khác của những người chưa cần. Trong những kiểu sự việc như vậy, phải dùng đến nguyên tắc chứ không dựa vào sở thích riêng hay ước muốn của từng cá nhân, trừ phi đó là một nhu cầu thật sự, được xác nhận bởi đức ái khôn ngoan và nhân từ của bề trên.
Tác giả: Nikolaas Sintobin, S.J.
Chuyển ngữ: Marta An Nguyễn
Hiệu đính: Bùi Quang Minh, S.J.