Lời Chúa để chiếu soi hay để phê phán?

Ngày nay dường như một số người sùng đạo, mang danh đạo đức lại tùy tiện vung vãi Lời Chúa khắp nơi, đánh giá mọi sự, mọi việc, mọi người theo lăng kính của mình, được biện dẫn bằng Lời Chúa. Họ chê bai, lên án người khác, phê bình mọi đối tượng, kể cả phê phán hàng giáo phẩm trong Giáo hội. Điều này thường gặp mọi nơi, thể hiện mạnh nhất trên mạng xã hội (Facebook). Người ta dùng Lời Chúa để kết án, hạ bệ nhau không thương tiếc. Họ không cần biết rằng Lời Chúa để soi dẫn cho chính mình chứ không phải mình dùng Lời Chúa để xoi mói người khác.

Lời nói và chữ viết thể hiện rõ tính chất của nội dung. Khẩu khí với giọng điệu khi nói lên biết rõ tính cách, tâm trạng và mục đích của người nói; cũng vậy, chữ viết dù rằng với văn phong và bút pháp khéo mấy cũng thể hiện tính chất con người (văn là người). Người nói hoặc viết dựa vào Lời Chúa cũng không ngoại lệ, dù hình thức mang vẻ rất đạo đức. Tính chất phê bình, mặc cảm, ghen tị, bất mãn, răn đe, phê phán, lên mặt… đều thể hiện trên lời nói hoặc chữ viết. Ngay bài viết này, tuy dựa vào Lời Chúa nhưng cũng thể hiện quan điểm, lập trường, thái độ với đối tượng dùng Lời Chúa để phê bình, chỉ trích, kết án người khác. Nó chỉ khác nhau ở điều là, nên hay không nên, và điều đó có thuộc quyền hạn, trách nhiêm hay chức năng của mình hay không. Cũng như bổn phận của người con đối với cha mẹ, người dưới với người trên, giáo dân với vị chủ chăn và ngược lại, đều có sự phân biệt rạch ròi, có quyền hạn và cần có thái độ khác nhau.

Mục đích của Lời Chúa là để soi rọi cho mỗi người: “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người. Vì không có loài thọ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ” (Dt 4, 12-13). Lời Chúa chỉ có hiệu quả sinh ích và mang đến sự cứu rỗi cho những ai thấm nhuần và sống theo, nghĩa là nó trở nên sức sống, của ăn nuôi dưỡng linh hồn. Bởi vậy ai đọc hay nghe lời Chúa mà không được biến đổi, không được thúc giục lay động thì Lời Chúa trở nên vô ích. 

Lời Chúa đối với người có đức tin không còn xa lạ, được đến với mỗi người, cho mỗi người chứ không phải của ai hoặc cho ai khác. Nhưng vô tình hay cố ý, nhiều người lại lấy Lời Chúa soi rọi vào người khác mà hầu như không tác động gì đến mình, nên họ chỉ nhìn người khác đầy đen đủi xấu xa, còn mình thì “vô tư”.  Như Đức Giêsu nói: “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại nói với người anh em: “Hãy để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt bạn”, trong khi có cả một cái xà trong con mắt anh? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em.” (Lc 6, 41- 42).

Người thấm nhuần Lời Chúa thì thấy mình bất xứng, tội lỗi, hèn kém nên rất khiêm tốn, tự cảm thấy xấu hổ trước mặt Chúa và mọi người, họ chẳng bao giờ dám tự ý lên mặt chia sẻ Lời Chúa một cách tùy tiện. Người ta thường nghĩ rằng phải loan truyền Lời Chúa thì mới có phúc, mới đúng ý Chúa và Giáo hội. Điều này không sai đối với mọi Kytô hữu – từ giáo dân cho đên hàng giáo sĩ – nhưng không phải dễ ở chỗ là, nhiệm vụ rao truyền tùy theo vai trò và chức năng của mỗi bậc. Người giáo dân phải sống đúng với bậc giáo dân, giáo sĩ phải sống đúng với hàng giáo sĩ, không được lẫn lộn. Nhưng điều quan trọng hơn cả là phải sống Lời Chúa trước đã, sau đó mới có thể loan truyền Lời Chúa, nhưng thường tự thâm tâm vẫn cảm thấy xấu hổ trước tiên (Sỉ tồn tắc tâm tồn, sỉ vong tắc tâm vong), vì Lời Chúa “sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi… lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người”. Điều này xem ra có vẻ mâu thuẫn, nhưng lại là quy luật của tâm linh trên con đường tiến lên sự thiện. Người loan truyền Lời Chúa cần có một tình yêu thực sự, có thần khí của Đức Kitô nuôi dưỡng, đã được biến đổi trước, lúc đó mới là người xứng đáng rao truyền Lời Chúa. Nhiều người nghĩ rằng truyền giáo là phải nói Lời Chúa thật nhiều, nhưng truyền giáo đúng nghĩa nhất là trở nên “Men và Muối”, trở nên “Ánh Sáng” giữa trần gian, noi gương Đức Kitô và sống Lời Người, nghĩa là sống đạo – đạo yêu thương – như Thiên Chúa yêu con người.

Nếu ai dùng Lời Chúa để soi chiếu chính mình thì chắc chắn họ sẽ không bao giờ dám so sánh, phê phán người khác. Họ càng không dám lên án ai, luôn thấy mình yếu đuối hèn kém, tội lỗi, và nếu có phải khuyên bảo ai hoặc nói Lời Chúa với người khác họ tự cảm thấy xấu hổ trước mặt Chúa và người đó. Người thấm nhuần và sống lời Chúa sẽ nhận biết chính mình chỉ là con người đầy tội lỗi xấu xa, không dám sánh ví với bất cứ ai, càng không dám lên lớp với người khác. Người so sánh và nghĩ mình đạo đức đã tạm đủ thường có gì đó bất ổn, tự hào và cho mình có quyền dùng Lời Chúa để răn bảo người khác, mặc dù họ vẫn biện minh rằng mình bất xứng, tội lỗi. Cách khác những người lúc nào cũng ham khuyên bảo người khác, nhất là luôn lấy Lời Chúa để răn đe người khác, phê phán, lên án người khác, chứng tỏ rằng người này chưa sống trong tình yêu Thiên Chúa thực sự, chưa thấm nhuần tinh thần Lời Chúa mà chỉ lợi dụng Lời Chúa để lên mặt phê phán, hòng che lấp sự cùng khốn của mình, nó còn nói lên sự kiêu ngạo cho rằng mình đạo đức hơn người khác. Những người này cũng không khác với “Tiên tri giả” là bao. Một trong những sai lầm lớn nhất của “Sứ Điệp Từ Trời” (Sách Sự Thật) là họ dùng Lời Chúa để phê phán, bác bỏ, đe dọa và lên án nhiều điều trong Giáo hội (ngầm phủ nhận Công Đồng Vaticanô II), từ Giáo hội địa phương cho đến Giáo hội hoàn vũ. Họ không chấp nhận sự quản trị của Giáo hội, tự nhận mình tiếp nhận ánh sáng từ trời nên không cần và không cho phép Giáo hội Rôma can dự hay cứu xét (chưa kể sai lầm về thần học tín lý). Phải chăng ngày nay một số người uống phải “men” của “Sứ Điệp Từ Trời” chăng ?

Thiên hạ nhìn vào đời sống của người có đạo mà họ nhận ra Đức Kitô chứ không phải nghe người có đạo nói, như Chân Phước Phaolô VI nói: “Con người ngày nay họ cần chứng nhân hơn thầy dạy, và nếu họ tin vào lời thầy dạy thì chính thầy dạy đó là chứng nhân”. Nhiều người, nhiều tổ chức hình thức rất hoành tráng để “quảng cáo” về Chúa, về Đức Mẹ. Họ có những phương tiện truyền thông mạnh mẽ, làm việc từ thiện “ngoạn mục” gọi là bác ái, rất thành công và thu hút được con số rất đông, được ca tụng. Nhưng thực ra đó chỉ là việc của trần thế (kỹ thuật và tâm lý quảng cáo) nay còn mai mất, chứ chưa chắc đã mang lại Đức Tin và Tình Yêu chân thật như Chúa và Giáo hội mong muốn (mộ đạo và cảm xúc đạo đức chưa phải là Đức Tin và Tình Yêu). Đạo nào cũng muốn “quảng cáo – rao truyền” cho đạo của mình, đạo nào cũng làm từ thiện, các tỉ phú nước ngoài và ngay cả “Hội Tam Điểm” cũng tổ chức những quỹ từ thiện quy mô lớn, nổi tiếng trên nhiều nước. Nhưng chỉ có Đức Giêsu mới nói và đòi hỏi: Như Thầy đã yêu thương các con, thì các con cũng hãy yêu thương nhau. Người ta sẽ căn cứ vào dấu hiệu này để nhận ra các con là môn đệ của Thầy, là các con yêu thương nhau” (Ga 13, 14-15) .

 Lời Chúa là Lời Hằng Sống, mang lại “bình an cho người thiện tâm”, ngược lại sự phê phán chỉ mang lại chia rẽ và xáo trộn, mất bình an. Nếu dùng Lời Chúa để phê phán và kết án người khác thì thật mâu thuẫn đến độ “tẩu hỏa nhập ma”, giống như nước với lửa hòa chung làm một, là điều vô lý không thể chấp nhận được. Nó quái lạ cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn. Dù người bán khai, dù chỉ “lớp ba trường làng”, dù đầu óc chứa một kho kiến thức, dù cả “một bụng chữ”, Lời Chúa soi sáng cho mỗi người đều có hiệu quả như nhau, đều nhận biết mình và nhận biết Chúa như nhau, đều được cứu rỗi như nhau, đều thấy tha nhân là hình ảnh của Thiên Chúa. Nhưng cũng những người đó, nếu Lấy Lời Chúa mà rọi vào người khác, sẽ có hậu quả đen tối như nhau, sẽ thấy tha nhân là dốt nát, tồi tệ, xấu xa, thậm chí “tha nhân là địa ngục”, do “Thiên Chúa Đã Chết” (triết gia Nietzsche), chết bởi những người đã dùng Lời Chúa để sát phạt anh em.

Số phận mỗi người đang có và đang sống là một ẩn số kỳ lạ, kèm theo bao nhiêu câu hỏi không thể giải đáp. Tại sao lại là tôi, giới tính này, trong gia đình này, hoàn cảnh và môi trường này, trong địa phương, dân tộc, đất nước này ? Tại sao tôi không là đại gia, làm lớn, làm linh mục, là nhân tài…? Nhưng dưới ánh sáng Lời Chúa lại xem ra dễ hiểu, nên bất cứ người nào, tầng lớp nào đều rất thản nhiên và lạc quan chấp nhận không chút hằn học đòi hỏi giá thế này, thế nọ, không mặc cảm hay ghen tị với người hơn, coi thường người kém may mắn (thượng giao bất siểm, hạ giao bất độc). Nhưng mỗi số phận đều hoàn toàn có tự do để chọn lựa mà vươn lên trong điều kiện và hoàn cảnh của mình. Mặc dù chẳng thể hiểu được trên lý trí, nhưng Lời Chúa luôn mang lại sự bình an, vững tin vào sự an bài, trong sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa.

Chung quy ta có thể kết luận để rút ra một quy luật: Người càng dùng Lời Chúa để phê phán người khác thì càng ít được Lời Chúa chiếu soi, sinh nhiều ghen ghét, ngạo mạn, xa đường thánh thiện, mang đến sự chia rẽ và bất an; Ngược lại, người càng dùng Lời Chúa để soi rọi vào chính mình thì càng biết rõ mình, càng khiêm nhường, thăng tiến trên đường thánh thiện, không dám phê phán bất cứ ai, mang đến tình yêu, sự bình an và an hòa trong đời sống.

Hàn Cư Sĩ

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

Kiểm tra tương tự

Lời mời gọi đạt tới sự hòa hợp

  Vào năm 2024, Chúa đã mời gọi tôi hãy can đảm. Khi bắt đầu …

Trân trọng hành trình hiện tại để khởi đầu năm mới

  Tôi thích sự khích lệ để thay đổi cuộc sống trong năm mới, nhưng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *