Tết xa

Chiều cuối năm. Bước chân thong dong dưới hàng cây còn đọng chút hơi lạnh. Giọt nắng vàng thưa thớt rải nhẹ lối đi. Có một chút gì đó bâng khuâng trong lòng. Có một cái gì đó sắp qua đi. Có một cái gì đó chuẩn bị đến. Mặc cho người ta tiếc nuối, mặc cho người ta háo hức hay ngậm ngùi, thời gian vẫn cứ vô tình lướt trôi theo nhịp điệu của nó, không nhanh, không chậm, không cảm xúc. Ai muốn sao thì tuỳ. Cái lạnh dần thưa, cái ấm đến gần. Từng chớm nụ cố vươn mình thức dậy, toả chút sắc màu vào không gian. Một ngọn gió vô danh bất chợt thấm vào hồn một nỗi nhớ thương.

Người ta gọi Tết là ngày đoàn viên, ngày người ta tạm thời quên đi những tất bật của cuộc sống, để trở về với tình thương mến. Ngày Tết, người ta dừng lại để vui hưởng cuộc sống, chứ không cuốn mình vào vòng xoáy đẩy đưa đầy khắc nghiệt của kiếp nhân sinh. Người ta cố gắng quên đi những rạn nứt của năm qua và cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp trong năm mới. Hơn hết, Tết là khoảnh khắc người ta biết mình còn có một gia đình, một nơi để về, để vui hưởng và lan toả hơi ấm cho nhau. Về với gia đình, người ta biết mình có một căn cội, biết mình bước vào cuộc đời từ đâu. Thiêng liêng lắm, đến nỗi chẳng một ngôn từ nào có thể diễn tả được.

Không hoa đào hoa cúc, không bánh mứt hạt dưa, không bánh chưng bánh tét, không người thân bên cạnh, không phong bao lì xì … không gì cả, dù cái Tết đang đến gần, lòng người viễn xứ liệu có thể không có những chạnh lòng? Thèm được nhìn thấy con én, thèm một chút bầu khí của hội hoa, thèm cái cảm giác được háo hức đi chợ, mua những bộ đồ đẹp, thèm cái lúc hì hục dọn nhà, lau chùi bàn ghế. Là ngày đáng lẽ phải được gần người mình thương, nhưng lại phải sống cách xa giữa hai miền của thế giới. Có xa rồi, mới thấy một cái đụng tay nhẹ, một giọng nói thân quen trở nên vô cùng quý giá biết dường nào.

                “Xuân ơi, xuân đã về chưa?
         Sao nghe gió bảo đã đưa xuân về?
                Chắc tại ta thiếu hương quê,
         Nên xuân đã đến gần kề chẳng hay!”

Thế giới này vốn chẳng bao giờ hoàn hảo. Những biến cố xảy đến trong đời chẳng bao giờ thuận theo ý ta hoàn toàn. Đẹp lắm những khoảnh khắc đoàn tụ bên người thân. Nhưng cũng đẹp lắm những hy sinh âm thầm của biết bao con người, vì miếng cơm manh áo, vì tương lai của bản thân và gia đình, đành phải ngậm ngùi đón một cái Tết ở xa. Họ biết rằng những hy sinh của mình là đáng, những thiệt thòi mình đang chịu là “vì một ngày mai”, họ bằng lòng mất chút niềm vui ít ỏi để có thể vui hưởng một hạnh phúc lâu dài. Là con người, buồn cũng phải thôi, nhưng bên trong nỗi buồn da diết ấy là cả một bầu trời tươi sáng cho tương lai, cho một cuộc hội tụ bền chặt hơn, đầm ấm hơn. Sống trong thế giới không hoàn hảo này, chữ “hy sinh” bỗng trở nên đẹp như nắng xuân, nồng nàn như khúc ca báo hiệu hạnh phúc Thiên Đàng.

Tết đâu chỉ là những cuộc gặp gỡ bên ngoài, đâu chỉ là những câu chúc xã giao đầu môi chót lưỡi, hay những cuộc hội họp ồn ào rượu bia. Tết là dấu chỉ của niềm vui sum vầy, một cái gì đó rất sâu thẳm, khi người ta cảm thấy gần gũi với mọi người hơn bao giờ hết, dù có khi cách nhau xa đến vạn dặm. Lòng với lòng vốn dĩ có thể kết thông với nhau. Nó làm cho con người dù ở xa trở nên không khoảng cách, khi nó hoà cùng một điệu với nhau, đập cùng một nhịp với nhau. Chính từ sự hoà hợp ấy mới làm cho người ta thấy vui, thấy bình an, thấy hạnh phúc, thấy Tết.

Xa nhau để thấy gần nhau thật quý, để biết chữ “tình” giữa con người với nhau thật thiêng liêng và tuyệt vời đến cỡ nào. Xa nhau để một ngày nào đó có thể được đoàn viên, một sự đoàn viên không thể diễn tả được bằng câu nói, nhưng chỉ có giọt nước mắt hạnh phúc thay lời. “Tết xa” sẽ trở thành “Tết gần” khi tim gần với tim, lòng gắn với lòng. Đó là một cái Tết đẹp như cổ tích, vì nó đã đưa con người lên cao, hoà quyện mình với muôn loài thụ tạo. Họ không còn bị bó buộc trong không gian và thời gian, nhưng đã sống trong một cảnh giới của sự giải thoát. Lúc ấy, Tết không chỉ là ăn hay uống, không còn lệ thuộc vào hoa và đèn. Tết sẽ bừng dậy trong con tim họ ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào khi con tim họ chan chứa một niềm vui của tình thương mến, của sự gần gũi dành cho tất cả.

Tết bao giờ cũng đến sau cơn lạnh giá của mùa đông. Nắng xuân đến thì màn sương lạnh lẽo sẽ xa dần. Chẳng có một sự đoàn viên nào làm người ta hạnh phúc khi người ta chưa nghiệm được giá trị của nó lúc chia xa. Cái Tết chỉ thật sự ý nghĩa, nếu đó là một cái Tết của con tim, của sự hoà điệu. “Tết xa”, tưởng là buồn là nhớ, nhưng hoá ra lại thanh thoát và ngọt dịu đến vô chừng.

 

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Kiểm tra tương tự

Để trẻ em được là trẻ em lâu hơn

Ngày càng có nhiều phụ huynh cam kết không cho con mình sử dụng điện …

Hướng dẫn trẻ nhỏ khám phá sức mạnh chữa lành từ lòng thương xót và lời nguyện chuyển cầu

Tôi biết một người mẹ có hai con trai nhỏ thường xuyên cãi nhau. Một …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *